Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

'Thời' của thương mại trực tuyến

2015-04-03 20:58:00.0

Thị trường Việt Nam đang bước vào thời kỳ “hoàng kim” của lĩnh vực thương mại trực tuyến. Theo khảo sát thường niên về mua sắm của MasterCard vừa được công bố, tỷ lệ người Việt Nam mua sắm qua kênh này có mức tăng cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thị trường Việt Nam đang bước vào thời kỳ “hoàng kim” của lĩnh vực thương mại trực tuyến. Theo khảo sát thường niên về mua sắm của MasterCard vừa được công bố, tỷ lệ người Việt Nam mua sắm qua kênh này có mức tăng cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Các đơn vị kinh doanh phục vụ nhu cầu mua sắm online cũng xuất hiện ngày càng đông đảo. Chính điều này đã tạo nên xu hướng mua sắm mới tại thị trường trong nước.

Theo khảo sát thường niên về mua sắm trực tuyến của MasterCard được thực hiện tại 14 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, 11 nước Trung Đông và châu Phi, với tối thiểu 500 người đại diện tại mỗi quốc gia cho thấy, tỷ lệ người Việt Nam mua sắm trực tuyến trong vòng ba tháng, từ tháng 10- 12/2014, đã tăng từ 68,4% lên 80,2%. Với mức tăng 11,8 điểm %, Việt Nam đạt mức gia tăng tỷ lệ người sử dụng thương mại điện tử cao thứ hai trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Malaysia. Tỷ lệ người cho biết đã không mua sắm và không có ý định mua sắm bằng điện thoại di động giảm từ 42,6% xuống còn 33% trong năm 2014.

Phụ nữ và những người trong độ tuổi 35- 44 vẫn là những người thường mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Hàng không, các sản phẩm điện tử gia dụng và du lịch là ba lĩnh vực hàng đầu mà người tiêu dùng Việt Nam thường xuyên chi tiền nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến. Đứng đầu là hàng không với mức chi tiêu trung bình là 95 USD, các sản phẩm điện tử gia dụng đứng thứ hai với 82 USD, theo sau là du lịch 71 USD.

Những trang web mua sắm trực tuyến được truy cập thăm nhiều nhất tại Việt Nam là Lazada (24,4%), Hotdeal (21,9%), Mua Chung (16,2%) and Chotot (14,7%). Tiền mặt vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu trong các giao dịch mua bán trực tuyến, chiếm 64%, giảm 10 điểm phần trăm so với năm 2013. Hình thức chuyển khoản qua ngân hàng cũng giảm từ 41% năm 2013 xuống còn 14% năm 2014. Thay vào đó, số lượng người sử dụng ví điện tử lại tăng từ 8% năm 2013 lên 37% năm 2014

Mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh và đang định hình để thay thế việc mua sắm tại cửa hàng trong tương lai gần. “Những nỗ lực giúp cho việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, đưa ra mức phí gửi hàng thấp hay miễn phí… được xem là những lí do góp phần thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam”- ông Arn Vogels- Trưởng đại diện và Giám đốc khu vực Đông Dương của MasterCard cho biết.

Mới đây, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại điện tử phát triển, Bộ Công Thương đã gửi công văn xin phép Thủ tướng cho tổ chức ngày mua sắm trực tuyến thường niên trong giai đoạn 2015- 2020 và đã được chấp thuận. Đây sẽ là sự kiện quan trọng, thúc đẩy thương mại điện tử ở Việt Nam. Dự kiến, ngày mua sắm trực tuyến hằng năm sẽ diễn ra vào ngày thứ Sáu đầu tiên của tháng 12. Sự kiện Ngày mua sắm trực tuyến thường niên nằm trong chương trình Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014- 2020 nhằm xây dựng các hạ tầng cơ bản và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và năng lực cạnh tranh quốc gia.


Lượt xem: 126

Thống kê truy cập

Đang truy cập:511

Tổng truy cập: 18493544