Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

2020-09-24 14:47:00.0

Kinh tế tập thể là thể chế không thể thiếu để phát triển đất nước, hài hoà về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đáp ứng các nhu cầu phong phú của đời sống cộng đồng theo các nguyên tắc hợp tác xã.

Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể (KTTT) là phát triển tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) nhanh, bền vững góp phần xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, phát triển cộng đồng, cùng chia sẻ sự thịnh vượng và quản lý một cách dân chủ; phù hợp với trình độ, năng lực quản lý, khả năng về vốn; giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường liên kết, liên doanh với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu năm 2025 khu vực kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, ngày 08/9/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã đặt ra một số mục tiêu trọng tâm phát triển kinh tế tập thể cần đạt đến năm 2025 tại Kế hoạch số 4389/KH-UBND đó là: Phát triển bền vững kinh tế hợp tác, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển. Xây dựng các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh đa ngành nghề. Vận động thành lập Liên hiệp hợp tác xã tất cả các ngành, lĩnh vực hoạt động… Đồng thời, tỉnh cũng đặt ra một số chỉ tiêu phấn đấu trong 5 năm như sau:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực hợp tác xã đạt từ 10 - 15% năm trở lên, có đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh. Thu nhập bình quân trong khu vực hợp tác xã tăng từ 15 - 20%.

- 100% số hợp tác xã thành lập mới được tư vấn hỗ trợ thành lập, đăng ký hợp tác xã (kinh doanh) và được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã; 100% số hợp tác xã được hỗ trợ tư vấn pháp luật, các chính sách về tài chính, tín dụng, thuế, đất đai.

Để thực hiện thành công các mục tiêu phân đấu trên, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế tập thể phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương mình trong việc tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp. Đó là,

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức về KTTT, HTX;

- Hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách;

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hợp tác xã, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển hợp tác xã;

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả và tổng kết mô hình;

- Huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX;

- Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể;

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên minh Hợp tác xã tỉnh;

- Tăng cường hợp tác quốc tế về kinh tế tập thể;

- Xây dựng các chương trình, dự án mang tính đột phá hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030 theo điều kiện cụ thể và đặc thù của tỉnh để hỗ trợ phát triển bền vững khu vực kinh tế tập thể. Tiếp tục lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố giai đoạn 2021-2030.

Kinh tế tập thể là thể chế không thể thiếu để phát triển đất nước, hài hoà về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, là tất yếu đối với việc thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tư nhân, cá thể, đáp ứng các nhu cầu phong phú của đời sống cộng đồng theo các nguyên tắc hợp tác xã. Do đó, tỉnh Bình Dương đã chú trọng định hướng phát triển kinh tế tập thể theo ngành, lĩnh vực chủ yếu. Gắn liền với ngành Công thương, KTTT, HTX cần được tập trung đó là

Trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô phạm vi hoạt động của các hợp tác xã hiện có. Phát triển mới hợp tác xã ở những ngành nghề và nơi có thế mạnh, có nguồn nhân lực và nguyên liệu tại chỗ, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chú trọng phát triển ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Gắn kết hợp tác xã với các chương trình khuyến công, hiện đại hóa công nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân phát triển tiểu thủ công nghiệp tại các cụm điểm công nghiệp, khu vực nông thôn.

Đối với thương mại - dịch vụ: Củng cố các hợp tác xã thương mại dịch vụ hiện có và từng bước phát triển các hợp tác xã thương mại - dịch vụ thu hút các hộ buôn bán cá thể và hộ kinh doanh khác tập trung ở thị trấn, thị xã và cụm dân cư nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của dân cư, đáp ứng các dịch vụ hợp đồng cung ứng vật tư, hàng tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân. Tiếp tục mở rộng và phát triển các hợp tác xã trong các ngành và lĩnh vực khác như: môi trường, nhà ở, giáo dục…. và từng bước phát triển mô hình hợp tác xã quản lý - kinh doanh chợ ở thị xã, thị trấn và khu vực đông dân cư./.


Kim Bình – Văn phòng Sở

Lượt xem: 2271

Thống kê truy cập

Đang truy cập:278

Tổng truy cập: 19070091