Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Điện mặt trời: Nguồn năng lượng xanh - sạch - hiệu quả

2013-10-01 20:24:00.0

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời (NLMT) tại Việt Nam, vừa qua, Chính phủ Tây Ban Nha đã chính thức tài trợ 1 triệu EURO giúp Việt Nam thực hiện chương trình này.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời (NLMT) tại Việt Nam, vừa qua, Chính phủ Tây Ban Nha đã chính thức tài trợ 1 triệu EURO giúp Việt Nam thực hiện chương trình này.



             Các đảo ở Trường Sa đã sử dụng điện mặt trời trong sinh hoạt

Là nước khí hậu nhiệt đới, mặt trời chiếu sáng quanh năm, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Trong đó, vùng Tây Bắc và Bắc Trung bộ có số giờ nắng trung bình khoảng 1.800 – 2.100 giờ/năm. Từ Thừa Thiên - Huế trở vào Nam có số giờ nắng trung bình khoảng 2.000 – 2.600 giờ/năm.

Hệ thống điện mặt trời có thể chia làm 4 loại. Thứ nhất là hệ thống có khả năng cung cấp điện không có hệ ắc-quy lưu trữ, chỉ dùng khi có nắng và chạy với công suất nhỏ. Hệ thống thứ 2 có khả năng cung cấp điện với hệ ắc-quy lưu trữ để dùng khi không đủ năng lượng mặt trời. Loại thứ 3 có thể hòa lưới điện quốc gia, cung cấp điện lên lưới như 1 máy phát điện. Loại thứ 4 có thể hoạt động độc lập như 1 hệ thống cung cấp điện toàn diện cho nhu cầu sử dụng của gia đình.

Theo tính toán của các chuyên gia NLMT, nếu một gia đình sử dụng trung bình 300 kWh điện/tháng  có thể đầu tư một hệ thống điện NLMT khoảng 200 triệu đồng sẽ hoàn chỉnh một hệ thống tự cung cấp một nguồn điện sạch, vô tận và hoàn toàn chủ động cho toàn bộ ngôi nhà.

Với ưu thế không phát thải khí nhà kính, điện mặt trời (ĐMT) đang là xu hướng phát triển mạnh trên thế giới. Đây không chỉ là lựa chọn tốt nhất cho những vùng nông thôn chưa có điện lưới mà còn góp phần giảm bớt áp lực cho lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới sử dụng chủ yếu dưới dạng nhiệt năng bằng hệ thống đun nước nóng bằng NLMT, việc sử dụng dưới dạng điện năng còn rất ít.

Bên cạnh một số dự án ĐMT quy mô nhỏ, hiện tại, tòa nhà Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP. HCM (tỉnh Bình Dương) đang lắp đặt hệ thống sử dụng công nghệ ĐMT SIPV tổng công suất 50.16 kWp, dự định hoàn chỉnh vào cuối năm 2013. Ước tính, hàng năm, hệ thống sẽ sản xuất trung bình trên 70 MWh điện, góp phần giảm thiểu lượng khí thải nhà kính hơn 50 tấn CO2/năm.

Đáng kể nhất là công nghệ ĐMT nối lưới SIPV do Viện Vật lý TP. HCM tự nghiên cứu, ứng dụng đã và đang mở ra triển vọng sản xuất năng lượng sạch trong tương lai ở TP. HCM và cả nước.

Với công suất khoảng 250 MWp, mức kinh phí dự trù là 1 tỷ USD, dự án này sẽ cung cấp điện cho khoảng 10.000 mái nhà ở vùng nông thôn và 10.000 trụ đèn chiếu sáng công cộng sử dụng ĐMT. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Về mặt kỹ thuật, mạng SIPV được lập trình sẵn cho phép tự động chuyển sang sử dụng điện lưới vào giờ thấp điểm nhằm đáp ứng nhu cầu mua điện giá rẻ từ lưới điện quốc gia. Cụ thể, khi có mặt trời, hệ thống sẽ ngắt điện lưới để chuyển sang chế độ dùng ĐMT. Nếu ĐMT không dùng hết, phần điện dư thừa được dự trữ vào hệ thống tồn trữ năng lượng của tòa nhà. Từ 22 giờ đêm, hệ thống điều khiển sẽ chuyển sang dùng điện lưới. Trường hợp điện lưới bị sự cố, lập tức hệ thống chuyển sang dùng mạng ĐMT dự phòng. Tất cả các chức năng của hệ thống đều được điều khiển tự động, không cần sự can thiệp của con người.

Theo tính toán của các nhà khoa học, ĐMT nối lưới SIPV sẽ giảm đến 30% chi phí đầu tư, tiết kiệm 30%- 50% lượng tiêu thụ điện lưới quốc gia, góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện giờ cao điểm, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, công nghệ ĐMT ở Việt Nam chưa phát triển một phần do suất đầu tư quá lớn, một phần do Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng cũng như chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển và khuyến khích người dân sử dụng nguồn năng lượng mới này và biện pháp bù giá điện mạnh cho người tiêu dùng. Vì vậy, cần sớm hoàn chỉnh và triển khai quy hoạch cụ thể về phát triển ĐMT.

Được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng chính sách phát triển năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương đang tích cực tìm nguồn hỗ trợ về vốn, nhân lực để xây dựng hành lang pháp lý và tiếp cận công nghệ cho lĩnh vực này.

Ngày 17/9/2013, Dự án “Thúc đẩy phát triển NLMT tại Việt Nam” do Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) thực hiện đã chính thức khởi động. Dự án gồm 3 cấu phần chính: Nghiên cứu lập bản đồ tiềm năng phát triển NLMT của Việt Nam; xây dựng, vận hành một số dự án ĐMT thí điểm do Tây Ban Nha thiết kế, cung cấp thiết bị; tổ chức các hội thảo chuyên đề, tham quan học tập kinh nghiệm phát triển ĐMT của Tây Ban Nha, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư vào NLMT... Dự kiến, dự án sẽ kết thúc vào tháng 1/2015.
 


Lượt xem: 576

Thống kê truy cập

Đang truy cập:549

Tổng truy cập: 18515225