Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

“Điểm sáng” ngành công nghiệp chế biến chế tạo

2013-12-31 17:17:00.0

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 7% so với cùng kỳ. Tính chung 12 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,9%, cao hơn so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011).

Theo thống kê của Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 12 (theo gốc so sánh năm 2010) ước tăng 7% so với cùng kỳ. Tính chung 12 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,9%, cao hơn so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 5,8% so với năm 2011). Trong đó, so với năm trước, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 0,2%. Ngành có mức tăng trưởng cao nhất là ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải tăng 9,1%; tiếp đó là ngành sản xuất và phân phối điện, tăng 8,5% và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,4%.
Xét về các nhóm ngành, một số ngành có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ gồm ngành sản xuất thiết bị điện và xe có động cơ tăng trên 20%; sản xuất da và sản phẩm liên quan, giày dép, cấu kiện kim loại tăng trên 15%... Đặc biệt, càng về những tháng cuối năm, sản xuất những mặt hàng phục vụ tiêu dùng càng có dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt như trong tháng 12, tivi tăng 2,8 lần; ôtô lắp ráp tăng 35,6%; bia các loại tăng 14,5%...


Ngành điện thoại, linh kiện giúp gia tăng chỉ số sản xuất công nghiệp và xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Bộ Công Thương, những con số trên cho thấy sản xuất công nghiệp năm 2013 đã ghi nhận sự phục hồi đáng kể, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. So với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp ngành chế biến, chế tạo đã có mức tăng trưởng đều đặn qua từng quý. Cụ thể, quý I tăng 5,3%; Quý II tăng 6,9%; Quý III tăng 7,8% và quý IV tăng 10,1%. Tính chung cả năm, nhóm ngành này tăng 7,4% (năm 2012 tăng 5,5%).

Nếu xét về mức tăng trưởng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ đứng thứ 3 nhưng nếu so với cùng kỳ, mức tăng trưởng của nhóm này cao hơn nhiều so với mức tăng 5,5% của năm 2012. Bên cạnh đó, trong mức tăng chung của toàn ngành năm nay, ngành chế biến, chế tạo đóng góp 5,3 điểm phần trăm, trong khi đó ngành sản xuất và phân phối điện đóng góp 0,6 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng làm giảm 0,1 điểm phần trăm.

Tăng trưởng sản xuất nhóm công nghiệp chế biến cũng góp phần quan trọng cho kết quả xuất khẩu cả năm nay. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành này ước đạt 93 tỷ USD, chiếm 70,5% tổng KNXK, tăng 25,5% so với năm 2012. Đây là nhóm ngành hàng có tốc độ gia tăng cao nhất, quy mô xuất khẩu lớn nhất và là nhóm hàng chủ lực trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao tập trung ở các ngành có thị trường xuất khẩu ổn định, tỷ trọng lớn như dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện… và các nhóm thị trường trong nước tiêu thụ tốt như sản phẩm thiết bị điện, xe có động cơ… Đặc biệt, nhóm ngành điện thoại các loại và linh kiện đã chính thức chiếm vị trí đầu tiên của những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 21,5 tỷ USD.

Cùng với mức gia tăng của chỉ số sản xuất, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến cũng tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ những năm trước. Cụ thể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 11 tháng tăng 9,2%, cao hơn mức tăng của những năm trước (cùng kỳ năm 2012 tăng 3,6% và cùng kỳ năm 2011 tăng 1,5%). Bên cạnh đó, chỉ số tồn kho tính đến thời điểm 1/12/2013 chỉ còn tăng 10,2%, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm cách đây 1 năm (21,5%).

Như vậy, trong năm 2013, ngành công nghiệp chế biến đã trở thành “điểm sáng”, đóng góp tích cực cho tốc độ gia tăng sản xuất công nghiệp, phục vụ tốt cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, năm 2014, Bộ Công Thương lên kế hoạch tiếp tục phát triển công nghiệp đảm bảo tính bền vững, hiệu quả với giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng khoảng 6,4-6,6%, đảm bảo sự gắn kết một cách thực sự giữa công tác quy hoạch sản xuất trong nước với công tác thị trường ngoài nước; phát triển có chọn lọc những ngành công nghiệp mà nước ta có nhiều lợi thế... Với đà tăng của nhóm ngành công nghiệp chế biến, năm 2014, có thể kỳ vọng sự đóng góp của nhóm ngành này vào tăng trưởng chung của nền kinh tế với con số ấn tượng hơn nữa./.


Lượt xem: 297

Thống kê truy cập

Đang truy cập:475

Tổng truy cập: 18632914