Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Học tập kinh nghiệm về lĩnh vực Công Thương tại Đồng Nai

Wed Jun 19 09:36:00 GMT+07:00 2024

Học tập kinh nghiệm về lĩnh vực Công Thương tại Đồng Nai

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển không ngừng nghỉ của xã hội. Việc trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các Sở Công Thương trong cùng khu vực là hết sức quan trọng, nhất là những đặc thù, tương đồng giữa hai tỉnh. Chiều ngày 12/06/2024, Đoàn công tác Sở Công Thương Bình Dương do đồng chí Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở làm trưởng đoàn và lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc đã có buổi làm việc với Sở Công Thương Đồng Nai, tiếp đoàn là đồng chí Phạm Văn Cường – Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng, đơn vị trực thuộc để chia sẻ và học hỏi lẫn nhau về quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương.

Buổi làm việc đã diễn ra trong không khí hoàn toàn cởi mở và thân thiện cùng với  tinh thần xây dựng, phối hợp tối đa để cùng nhau tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình công tác, với sự tham gia của các lãnh đạo chuyên môn từ hai Sở và các chuyên viên trực tiếp thực hiện công việc. Các bên đã có những chia sẻ về tình hình tăng trưởng Công nghiệp – Thương mại tại 2 địa phương, trao đổi tích cực về tình hình công tác phát triển thương mại điện tử; di dời doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệm; xây dựng mô hình áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vừng, sản xuất sạch hơn; công tác thanh kiểm tra, từ đó nhìn thấy được điểm mạnh và khó khăn của nhau, đi đến trao đổi để hoàn thiện hơn. Các đại biểu đã có buổi trao đổi sâu rộng về những thành tựu, thách thức và giải pháp trong việc phát triển ngành công thương tại địa phương mình. Đặc biệt, hai bên đã tập trung vào việc chia sẻ những chính sách đặc thù, quản lý các hoạt động tương đồng giữa hai địa phương, thảo luận các chiến lược và kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.

Một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đồng nai.

Trong khuôn khổ buổi học tập này, đại diện phòng Quản lý thương mại Sở Công thương Đồng Nai, ông Đặng Trần Nhật Thoại- Phó phòng Quản lý thương mại đã chia sẻ về những cơ sở pháp lý tại địa phương trong lĩnh vực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử như Quyết định 51/2021/QĐ-UBND ngày 15/11/2021 về ban hành quy chế tổ chức, quản lý và thực hiện hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, có hiệu lực từ ngày 29/11/2021; Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 về Quy định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 2711/QĐ-UBND ngày 03/11/2023 về triển khai Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ngày 29/9/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Bên cạnh đó là những chia sẻ về phương thức, kinh nghiệm và cách thức tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng phát triển thương mại điện tử trên địa bàn. Từ những trao đổi trên đã làm sáng tỏ hơn, mở ra phương hướng cho Sở Công Thương Bình Dương giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khó khăn, đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử và công tác xây dựng, phát triển Sàn thương mại điện tử tỉnh Bình Dương.

 

Đặc biệt về nội dung, ý nghĩa của Nghị Quyết 18/2023/NQ-HĐND Ban hành Quy định nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ thực hiện phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển thương mại điện tử tại Đồng Nai. Nghị quyết đề ra các chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Đồng Nai. Điều này giúp tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các hoạt động kinh doanh trực tuyến và các dịch vụ liên quan.

Nhắm đến việc cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Điều này có thể bao gồm việc giảm bớt các rào cản pháp lý, cung cấp hỗ trợ tài chính và đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành.

Phát triển thương mại điện tử không chỉ làm gia tăng sự hiện diện trực tuyến của các doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tổng thể của Đồng Nai. Việc tăng cường sự hiện diện trực tuyến và nâng cao năng suất sử dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh có thể mang lại lợi ích lớn cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh vào việc đẩy mạnh quá trình số hóa trong các hoạt động kinh doanh, từ đó giúp tăng cường sự hiệu quả và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Đồng Nai trên thị trường quốc tế.

Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc tạo lập cơ sở pháp lý và chính sách thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đoàn công tác Sở Công thương Bình Dương, đại diện phòng Quản lý thương mại, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Phát triển Công nghiệp tiếp thu và đặc biệt quan tâm đến Nghị quyết này, lên kế hoạch kế thừa, xây dựng một Nghị quyết tương tự tại địa phương để cụ thể hóa, đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương với những mục tiêu và biện pháp cụ thể.

Trao đổi về công tác quản lý, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử

Trong quá trình trao đổi về quá trình quản lý và vận hành sàn thương mại điện tử, đại diện Sở Công Thương Đồng Nai đưa ra một số ưu điểm của Sàn TMĐT Đồng Nai như tính năng về giao nhận hàng, thanh toán nhưng bên cạnh đó cũng đang còn nhiều khó khăn còn tồn tại như Sàn hiện tại chỉ hoạt động trên môi trường web, kinh phí quảng bá, tuyên truyền sàn còn khá “eo hẹp”, giao diện của sàn chưa được bắt mắt, quản lý ngành hàng chưa phù hợp, khả năng phản hồi giữa các bên còn chưa kịp thời, rõ ràng,… Có thể thấy những khuyết điểm của Sàn Thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai cũng khá tương đồng với Sàn Sàn Thương mại điện tử tỉnh Bình Dương, điều này được lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn đảm nhiệm quản lý Sàn của các bên trao đổi sâu và lên kế hoạch cập nhật, đổi mới cho phù hợp với tình hình phát triển hiện nay.

Trao đổi về công tác di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Tại buổi làm việc, đại diện phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công Thương Đồng Nai – Bà Nguyễn Hoàng Quyên cũng đã chia sẻ về những thách thức trong công tác triển khai di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như công tác thống kê, phân loại các các cơ sở sản xuất tương đồng để di dời sao cho thuận tiện, dự tính thời gian, khả năng đáp ứng mặt bằng, cơ sở hạ tầng sản xuất công nghiệp trên địa bàn và các công tác đi kèm đảm bảo an sinh xã hội sau di dời như dịch vụ y tế, trường học cho con em người lao động và nhà ở cho công nhận,… Bên cạnh đó, còn tồn tại nhiều vướng mắc trong những quy định, cơ chế chính sách khiến việc áp dụng thực tiễn tại địa phương còn khá khó khăn. Qua quá trình chia sẻ về tình hình thực hiện di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tại hai địa phương, hai Sở cũng đã có những thảo luận, chia sẻ về các chính sách đặc thù, các điểm tương đồng của hai địa phương để giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn động, góp phần đẩy nhanh tiến độ di dời, đảm bảo quy hoạch phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, môi trường sản xuất cho doanh nghiệp.

Buổi làm việc không chỉ góp phần củng cố mối quan hệ giữa hai tỉnh mà còn mở ra cơ hội cho việc hợp tác lâu dài, bền vững trong tương lai. Qua đó, hai Sở Công Thương hy vọng sẽ tạo ra những bước tiến mới trong việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào sự phát triển chung của ngành công thương Việt Nam. Đây được xem là minh chứng cho tinh thần hợp tác và chia sẻ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó góp phần vào việc xây dựng một nền công thương vững mạnh cho cả nước.


Anh Hào TTXT

Thống kê truy cập

Đang truy cập:788

Tổng truy cập: 19606154