Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế tập thể ngành Công Thương

Thu Sep 24 14:44:00 GMT+07:00 2020

Định hướng phát triển kinh tế tập thể trong Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp: Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô phạm vi hoạt động của các hợp tác xã hiện có.

Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) trên địa bàn tỉnh Bình Dương phát triển về số lượng, phương thức hoạt động, quy mô và phạm vi hoạt động của hợp tác xã … góp phần tăng khả năng cạnh tranh, chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, hầu hết hợp tác xã làm ăn đều có lãi, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; thu nhập, đời sống thành viên, người lao động hàng năm đều tăng lên. Quỹ tín dụng nhân dân được giữ vững, ổn định và phát triển, thường xuyên hỗ trợ vốn cho hộ sản xuất kinh doanh nhỏ; hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tập thể ngày càng có hiệu quả. Tính đến 30/6/2020, toàn tỉnh hiện có 130 tổ hợp tác với 1.258 thành viên, vốn hoạt động 40,2 tỷ đồng; 187 hợp tác xã với 30.380 thành viên, vốn điều lệ 801 tỷ 286 triệu.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số hạn chế, khó khăn và vấn đề mới phát sinh của hợp tác xã hiện nay được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương nhận định như sau:

- Lực lượng trực tiếp làm công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể quá mỏng;  mới chỉ tập trung tuyên truyền đến cán bộ chủ chốt các đoàn thể ở cơ sở, chưa thường xuyên tuyên truyền đến số đông quần chúng nhân dân, trong khi đây là lực lượng chính tham gia vào quá trình phát triển kinh tế tập thể.

- Việc phát triển các hình thức kinh tế hợp tác đa dạng như các tổ, nhóm liên kết, các câu lạc bộ còn hạn chế… hầu hết cán bộ quản lý tổ hợp tác chưa được qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản lý, nghiệp vụ và nguồn vốn đóng góp của các tổ viên còn ít.

- Năng lực nội tại ở hầu hết các hợp tác xã còn yếu kém, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất kỹ thuật nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, sản xuất thủ công là chính; tài sản chung của hợp tác xã chưa được xác lập hoặc công nhận, nên chưa tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng; hiệu quả sản xuất - kinh doanh - dịch vụ còn thấp, còn nhiều hợp tác xã hoạt động không hiệu quả phải giải thể hoặc hoạt động cầm chừng.

- Trong quá trình chuyển đổi và phát triển cũng còn một số hợp tác xã chưa đảm bảo đầy đủ các tính chất và nguyên tắc hoạt động theo Luật hợp tác xã; các quan hệ sở hữu, tổ chức quản lý, phân phối trong nhiều hợp tác xã còn biểu hiện xa rời bản chất giá trị hợp tác xã. Một số hợp tác xã hoạt động như doanh nghiệp, mục đích chính là tìm lợi nhuận; một số khác được thành lập với mục đích để hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước.

- Cán bộ quản lý, điều hành tổ hợp tác, hợp tác xã vừa thiếu, vừa hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, kiến thức tổ chức quản lý và nghiệp vụ sản xuất kinh doanh, nên lúng túng trong cách chọn lựa mô hình để sản xuất kinh doanh.

Theo đó, tình hình phát triển KTTT, HTX Tiểu thủ Công nghiệp: hiện có 13 hợp tác xã, tổng doanh thu ước đạt 158 tỷ 600 triệu đồng. Các hợp tác xã mở rộng đầu tư, áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến vào trong hoạt động sản xuất nên sản phẩm của hợp tác xã làm ra đều là những sản phẩm chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao; đã giải quyết cho 449 lao động thường xuyên.

Về hợp tác xã Thương mại - dịch vụ: hiện có 28 hợp tác xã (phát triển mới 03 hợp tác xã), tổng doanh thu ước đạt 125 tỷ 600 triệu đồng, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.056 lao động.

Trong giai đoạn tới tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong khi đó kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình phát triển bền vững, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Do đó, nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là rất nặng nề, khó lường; Khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã một mặt cần phải tự thay đổi thích nghi với điều kiện mới, mặt khác cần đảm nhận thêm các chức năng mới trong một nền kinh tế và một xã hội được toàn cầu hoá không chỉ có cơ hội mà còn có nhiều thách thức mới, to lớn, nhất là về mặt xã hội và môi trường.

Định hướng phát triển kinh tế tập thể trong Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp: Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô phạm vi hoạt động của các hợp tác xã hiện có. Phát triển mới hợp tác xã ở những ngành nghề và nơi có thế mạnh, có nguồn nhân lực và nguyên liệu tại chỗ, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chú trọng phát triển ngành nghề truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Gắn kết hợp tác xã với các chương trình khuyến công, hiện đại hóa công nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân phát triển tiểu thủ công nghiệp tại các cụm điểm công nghiệp, khu vực nông thôn.

Đối với Thương mại - Dịch vụ: Củng cố các hợp tác xã thương mại dịch vụ hiện có và từng bước phát triển các hợp tác xã thương mại - dịch vụ thu hút các hộ buôn bán cá thể và hộ kinh doanh khác tập trung ở thị trấn, thị xã và cụm dân cư nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của dân cư, đáp ứng các dịch vụ hợp đồng cung ứng vật tư, hàng tiêu dùng và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân. Tiếp tục mở rộng và phát triển các hợp tác xã trong các ngành và lĩnh vực khác như: môi trường, nhà ở, giáo dục ... Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và từng bước phát triển mô hình hợp tác xã quản lý - kinh doanh chợ ở thị xã, thị trấn và khu vực đông dân cư.

Tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển KTTT, HTX; chính sách, pháp luật của Nhà nước về hợp tác xã. Trong 5 năm tới ngành Công thương thực hiện nhiều biện pháp phối hợp chặt chẽ với Liên minh hợp tác xã tỉnh tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung một số chính sách hỗ trợ phù hợp với Luật hợp tác xã năm 2012. Nghiên cứu đề xuất các cấp để kiến nghị Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp luật đối với hợp tác xã./.


Kim Bình – Văn phòng Sở

Lượt xem: 1755

Thống kê truy cập

Đang truy cập:231

Tổng truy cập: 18838843