Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Tue Jun 18 08:26:00 GMT+07:00 2024

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Ngày 20 tháng 6 năm 2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tiếp đó, ngày 16 tháng 5 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP đã kịp thời bổ sung nhiều quy định để tiếp tục nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh mới, trong đó, nhiều quy định đã được đánh giá có tính thực tiễn cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Ảnh minh họa

1. Xác định các mô hình kinh doanh đặc thù

Luật đã bổ sung một Chương về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, trong đó, quy định riêng một Điều về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng.

Thông qua quy định này, Luật đã xác định các mô hình kinh doanh trên không gian mạng, gồm: hệ thống thông tin do tổ chức, cá nhân kinh doanh tự thiết lập, nền tảng số và nền tảng số trung gian. Từ đó, các mô hình kinh doanh mới xuất hiện trong thời gian qua đã được định hình, đặt tên, tạo căn cứ pháp lý để điều chỉnh hoạt động của các mô hình này, ví dụ như các nền tảng về đặt xe trực tuyến, nền tảng nội dung kết hợp mua bán, …

Bên cạnh việc xác định chính xác các mô hình giao dịch, Luật cũng bổ sung quy định để phân loại các mô hình, từ đó, tạo căn cứ để quy định các trách nhiệm bổ sung đối với các mô hình được phân loại. Theo đó, Luật và văn bản hướng dẫn Luật đã đưa ra quy định liên quan đến nền tảng số lớn trên cơ sở xác định số lượng tài khoản người sử dụng hoạt động trên nền tảng hoặc theo tiêu chí phân loại của pháp luật về giao dịch điện tử. Việc xác định các nền tảng này nhằm gia tăng trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với các mô hình có tác động lớn tới người tiêu dùng.

2. Xác định các nhóm chủ thể chịu trách nhiệm

Để điều chỉnh, quản lý hoạt động của các mô hình giao dịch trên không gian mạng nêu trên, Luật xác định rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan, bao gồm:

 - Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số; và

- Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.

Theo đó, Luật và văn bản hướng dẫn đã xác định chính xác chủ thể chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng. Quy định này nhằm kịp thời giải quyết vấn đề không phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch trên không gian mạng, hạn chế tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm khi có tranh chấp phát sinh với người tiêu dùng, đặc biệt đối với các giao dịch có nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện giao dịch.

3. Quy định các trách nhiệm bổ sung trong giao dịch trên không gian mạng

Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, bên cạnh các trách nhiệm chung, có liên quan thì Luật và văn bản hướng dẫn đã bổ sung thêm một số trách nhiệm đặc thù, áp dụng theo từng loại hình giao dịch, cụ thể:

Đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian: Luật và văn bản hướng dẫn bổ sung 13 trách nhiệm riêng, trong đó, một số quy định mới, nổi bật như việc công bố công khai đầu mối để làm việc với cơ quan nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề của người tiêu dùng; công khai quy chế hoạt động, trong đó phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia; minh bạch hoạt động quảng cáo; cung cấp báo cáo về hoạt động kiểm duyệt nội dung; và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn, bên cạnh các trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian thì chủ thể này phải thực hiện 03 trách nhiệm riêng, gồm: thiết lập kho lưu trữ quảng cáo có sử dụng thuật toán để hướng đến người tiêu dùng, nhóm người tiêu dùng cụ thể; đánh giá định kỳ hoạt động kiểm duyệt nội dung, việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng đến người tiêu dùng, nhóm người tiêu dùng cụ thể; và đánh giá định kỳ việc thực hiện quy định xử lý tài khoản giả, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, các giải pháp tự động toàn bộ hoặc tự động một phần. 

Các quy định nêu trên được xây dựng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại một số nước phát triển, có sự nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Việc ban hành bổ sung các trách nhiệm trên cho thấy mức độ phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự tương đồng với mức độ phát triển trên thế giới, đòi hỏi phải có nền tảng pháp lý điều chỉnh chặt chẽ và nâng cao.

Như vậy, có thể thấy các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP đã kịp thời bổ sung các căn cứ pháp lý để điều chỉnh các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, đồng thời, có sự tham khảo, chắt lọc từ kinh nghiệm, xu hướng trên thế giới để không chỉ bảo đảm tính khả thi, hiệu quả mà còn bảo đảm tính dự báo, có khả năng điều chỉnh các vấn đề có xu hướng phát sinh từ thực tiễn bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động và tăng cường hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử, nhằm giúp gia tăng niềm tin của người tiêu dùng khi tham gia giao dịch, đồng thời, tạo điều kiện để phát triển thị trường thương mại điện tử lành mạnh và bền vững tại Việt Nam./.


Anh Thư

Lượt xem: 1382

Thống kê truy cập

Đang truy cập:902

Tổng truy cập: 19571727