Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

CHI BỘ 3 – ĐẢNG BỘ SỞ CÔNG THƯƠNG VỀ NGUỒN NHÂN DỊP KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27-7

Wed Jul 31 13:44:00 GMT+07:00 2024

CHI BỘ 3 – ĐẢNG BỘ SỞ CÔNG THƯƠNG VỀ NGUỒN NHÂN DỊP KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH LIỆT SĨ 27-7

Ngày 27-7, Chi bộ 3 thuộc Đảng bộ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã có chuyến đi về nguồn tham quan Di tích Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và Di tích lịch sử Tượng đài chiến thắng La Ngà (tỉnh Đồng Nai). Chuyến đi là hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền độc lập và kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ 27-7. Đoàn tham quan di tích do đồng chí Trần Thế Phương – Bí thư Chi bộ 3 làm trưởng đoàn.

Đây là chuyến đi về nguồn kết hợp sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước; đồng thời để hiểu rõ hơn về di tích lịch sử cách mạng Nhà lao thiếu nhi Đà lạt, về tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất, khơi dậy những ký ức về tuổi trẻ bất khuất của các chiến sĩ nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, khơi dậy khát vọng vươn lên phát triển bản thân của từng công chức, thực hiện tốt nhiệm vụ tại cơ quan, qua đó góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt từng được chế độ cũ dựng lên với cái tên “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” vào đầu năm 1971. Chế độ cũ dùng hình thức mị dân để đánh lừa công luận, che đậy âm mưu thâm độc nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam.

Tái hiện hình thức tra tấn tù nhân tại phòng “Cải huấn”- Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Với tính chất đặc biệt, nên không giống như các Trung tâm giáo huấn khác ở miền Nam thời bấy giờ, Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt được tổ chức với quy mô lớn, trình độ tổ chức cao và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. “Trung tâm” này thực chất chính là một nhà lao thiếu nhi, thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc. Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 - 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam.

Đầu năm 1973, âm mưu biến các chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi thành tù thường phạm, địch chủ trương ép buộc các chiến sỹ lăn tay, chụp hình để thay đổi hồ sơ. Đứng trước tình hình đó, ngày 22/02/1973, cuộc đấu tranh làm chủ nhà lao đã nổ ra và giành nhiều thắng lợi. Chính phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi thành lập nhà lao này, buộc nó phải giải tán vào giữa năm 1973.

Nhà lao thiếu nhi Đà lạt (1971-1973) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 22/6/2009. Đây chính là một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Tinh thần đấu tranh bất khuất, quên mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi năm xưa sẽ tiếp tục được trao truyền để giữ cho ngọn lửa truyền thống mãi bừng cháy.

Cùng ngày, đoàn về nguồn Chi bộ 3 ghé thăm di tích Lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà, đây là nơi ghi dấu lại Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong thời kỳ đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đó chính là Chiến thắng La Ngà trên quốc lộ 20 vào ngày 01/3/1948 đã đi vào lịch sử giữ nước của dân tộc.

Di tích lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà

Di tích Lịch sử Tượng đài Chiến thắng La Ngà được Bộ Văn hóa xếp hạng là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1986. Để kỷ niệm sự kiện lịch sử chiến thắng La Ngà, năm 1998 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã quy hoạch, bảo tồn, xây dựng một tượng đài chiến thắng ngay tại cao điểm 100, bên tả ngạn sông La Ngà, nơi diễn ra trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch. Di tích tọa lạc tại ấp 1, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai./.


Diệu Hằng – Phòng QLTM

Lượt xem: 2457

Thống kê truy cập

Đang truy cập:525

Tổng truy cập: 20606329