Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NGHỊ ĐỊNH 60/2024/NĐ-CP VỀ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ CHỢ

Fri Jun 21 13:09:00 GMT+07:00 2024

MỘT SỐ ĐIỂM NỔI BẬT CỦA NGHỊ ĐỊNH 60/2024/NĐ-CP VỀ PHÁT TRIỂN VÀ QUẢN LÝ CHỢ

Ngày 05 tháng 6 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Nghị định này đặt ra các quy định chi tiết về phân loại chợ, quản lý và tổ chức hoạt động chợ, nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị định số 60/2024/NĐ-CP gồm: 5 Chương, 38 điều, 2 Phụ lục, 13 biểu mẫu báo cáo, 2 biểu mẫu đề án và 1 biểu mẫu biên bản bàn giao, tiếp nhận tài sản công.

Nghị định mới ban hành có nhiều điểm thay đổi so với các quy định trước đây, cụ thể như:

- Sửa đổi phạm vi điều chỉnh: “Chợ được điều chỉnh trong Nghị định này là chợ được tổ chức tại một địa điểm theo quy hoạch...” (không còn sử dụng cụm từ “truyền thống”).

- Sửa đổi khái niệm chợ dân sinh từ “Chợ dân sinh: là chợ hạng 3 (do xã, phường quản lý) kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiêt yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân” (quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định sổ 114/2009/NĐ-CP) thành “Chợ dân sinh: là chợ kinh doanh những mặt hàng thông dụng và thiết yếu phục vụ đời sống hàng ngày của người dân” (mở rộng hơn phạm vi so với quy định hiện hành).

- Lược bỏ các khái niệm như chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, chợ biên giới, chợ miền núi, chợ cửa khẩu... Bổ sung các khái niệm: chợ đêm; điểm kinh doanh tự phát; chợ di tích, lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc; chợ cộng đồng; cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công về chợ; tài sản kêt câu hạ tầng chợ. Bổ sung, làm rõ khái niệm: chợ kiên cố, chợ bán kiên cố.

- Phân loại chợ theo: (1) Phương thức kinh doanh (chợ dân sinh, chợ đầu mối), trong đó bổ sung tiêu chí chợ đầu mối do Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ đã được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch; (2) Theo quy mô để phân cấp quản lý (chợ hạng 1, hạng 2 và hạng 3 - cơ bản không thay đổi so với Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP và không gây xáo trộn); (3) Theo nguồn vốn (nguồn vốn ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước) thay vì chỉ phân loại theo quy mô như tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, việc tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ được quy định tại Chương III đã làm rõ chợ được quản lý bởi doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ hoặc đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ đối với tài sản do nhà nước đầu tư... thay vì ban quản lý chợ như trước đây. Ngoài ra, các thủ tục hành chính đối với việc phê duyệt nội quy chợ cũng được cắt giảm.

Đáng lưu ý, về quản lý điểm kinh doanh tại chợ, Nghị định mới này cắt giảm thủ tục hành chính về việc phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ trình ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền phê duyệt so với quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung quy định về thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ do các bên tự thỏa thuận trừ trường hợp pháp luật khác quy định; thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ phải được thể hiện trong họp đồng giữa tổ chức quản lý chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ theo hướng dẫn của ủy ban nhân dân có thẩm quyền. Bỏ quy định phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ phải trình ủy ban nhân dân cấp có thấm quyền phê duyệt.

Những điểm nổi bật này giúp Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản lý và phát triển các chợ, đồng thời đảm bảo an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp./.

 


Thế Phương – Phòng QLTM

Thống kê truy cập

Đang truy cập:698

Tổng truy cập: 19605925