Skip to Content

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc

2024-10-18 07:49:00.0

Các FTA cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương.

Đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng thương mại

Theo đánh giá, nhận định từ các chuyên gia kinh tế, các hiệp định thương mại tự do (FTA) cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương trong những năm qua.

Việt Nam hiện đã tham gia 19 FTA, trong đó đang thực thi 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán. Các FTA đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn (200% GDP), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng tiếp cận và thiết lập quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường.

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Thông qua Việt Nam, Trung Quốc có thể tiếp cận đến các thị trường FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia. Ảnh minh họa

Chính phủ Trung Quốc và Việt Nam đều xác định các FTA là nền tảng mới để tiếp tục mở cửa ra bên ngoài và đẩy nhanh cải cách trong nước, là cách tiếp cận hiệu quả để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế khác, cũng như là sự bổ sung quan trọng cho hệ thống thương mại đa phương. Hiện nay, Trung Quốc đang tham gia 24 FTA, trong đó có 16 FTA đã được ký kết và thực hiện.

Năm 2003, Việt Nam cùng ASEAN đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện thành lập Khu vực thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc và năm 2020, hai nước cũng đồng thời tham gia ký kết và đang thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Hai nước Việt Nam - Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông có vị trí địa lý thuận lợi. Việt Nam đã tham gia 17 FTA (trong đó 16 FTA đã có hiệu lực và FTA Việt Nam - UAE đã cơ bản cơ bản kết thúc đàm phán) và đang trong quá trình đàm phán nhiều FTA khác. Thông qua Việt Nam, Trung Quốc có thể tiếp cận đến các thị trường FTA mà Việt Nam đã và đang tham gia” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thông tin và nhận định, thương mại hai bên sẽ có nhiều động lực tăng trưởng từ các FTA.

Ông Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cũng từng chia sẻ, FTA giữa Việt Nam với ASEAN hay Hiệp định RCEP cùng với việc Việt Nam và Trung Quốc xác lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện năm 2008 đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của thương mại song phương. Trong năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đang cùng các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán nâng cấp FTA ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0 nhằm mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội kinh tế, thương mại cho các nước trong khu vực nói chung và hai nước nói riêng.

Đáng chú ý, nhờ “sức bật” từ các FTA, nhiều năm liền trở lại đây, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đà tăng trưởng thương mại song phương trong khoảng 10 năm gần đây đều ở mức 2 con số. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Với nhiều lợi thế trong hợp tác kinh tế thương mại, nhiều năm qua, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định và bền vững.

Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt 148,6 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đạt 43,6 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 105 tỷ USD, tăng 32,5%. Từ nay đến hết năm 2024, với đà cải thiện mạnh mẽ về thương mại trong nửa đầu năm, dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc có thể tiến sát mốc 200 tỷ USD.

Hiện tại, hai bên đang tích cực thúc đẩy “kết nối cứng” giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, kết cấu hạ tầng cửa khẩu; nâng cấp “kết nối mềm” về hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh nhằm tạo thuận lợi và nâng cao hơn nữa giao lưu thương mại giữa hai bên.

Về đầu tư, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 29,3%) và đứng thứ hai với vốn đầu tư 3,2 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây, tạo không khí tích cực cho các dự án hợp tác mới giữa hai nước.

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Trung Quốc là thị trường hấp dẫn với không chỉ hàng hoá Việt Nam mà còn là hàng hoá của nhiều quốc gia khác. Ảnh minh họa

Nhìn nhận về quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định, Trung Quốc là thị trường hấp dẫn với không chỉ hàng hoá Việt Nam mà còn là hàng hoá của nhiều quốc gia khác. Hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều khung khổ hội nhập như FTA ASEAN – Trung Quốc, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… thế nhưng, khả năng tận dụng của Việt Nam chỉ khoảng 30-40%. Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn như mã số vùng trồng, mã đóng gói, tiêu chuẩn xuất khẩu… Đây là một trong những thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải bắt buộc vượt qua và đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường.

Tiếp nối truyền thống giao lưu các cấp hai Đảng, hai nước

Năm 1950, hai nước Việt Nam - Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong 74 năm qua, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, như chuyến thăm chính thức Trung Quốc của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022); chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023); và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024).

Tháng 12/2023, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai bên ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”, ký kết 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Tháng 8 vừa qua, nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai cũng bên ra “Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”, ký kết một số văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực.

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Trong 74 năm qua, mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao. Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2024 đến nay, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động, hình thức linh hoạt. Với Bộ Công Thương, gần đây nhất, từ ngày 28/9 - 1/10/2024, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã có chuyến công tác tại Trung Quốc tham dự chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Bên cạnh việc đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã dự và có bài phát biểu khai mạc tại Lễ hội trái cây Việt Nam tại Bắc Kinh; làm việc với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc; hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong...

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào chụp ảnh chung tại Kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra vào 29/9/2024

Tại kỳ họp lần thứ 13 của Ủy ban Hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào thống nhất, đạt được sự đồng thuận về nhiều nội dung quan trọng, làm cơ sở để hai bên tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại song phương lên tầng cao mới; làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, đáp ứng kỳ vọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước và góp phần làm phong phú thêm nội hàm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc trong thời đại mới, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Buổi làm việc giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long hôm 29/9/2024

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc Kim Tráng Long, đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển trong lĩnh vực công nghiệp giữa hai nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp ô tô; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp tiêu dùng; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản và trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị 2 bên tập trung thúc đẩy hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối Việt Nam – Trung Quốc (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội; Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).

Khẳng định hợp tác ngành công nghiệp giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc còn nhiều dư địa, Bộ trưởng Kim Tráng Long đề xuất, hai bên cần thúc đẩy, xây dựng phát triển chuỗi cung ứng ngành công nghiệp; thúc đẩy hợp tác lĩnh vực công nghiệp điện, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, và thúc đẩy phát triển công nghệ hàng không vũ trụ...

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Toàn cảnh buổi hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong của Bộ trưởng Nguyên Hồng Diên cùng Đoàn công tác

Trong buổi hội kiến Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hà Lập Phong, để thúc đẩy hợp tác thương mại, kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kiến nghị Quốc vụ viện Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện đưa nông sản chất lượng cao của Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc; kiến nghị Trung Quốc hỗ trợ xây dựng thương hiệu một số sản phẩm, lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này; kiến nghị đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các địa phương nội địa, hệ thống bán lẻ cũng như các sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc…

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Lần đầu tiên Lễ hội trái cây Việt Nam được tổ chức tại Trung Quốc vào ngày 29/9

Các hiệp định thương mại tự do - tiền đề nâng tầm quan hệ kinh tế Việt Nam và Trung Quốc
Lễ hội là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm cũng như gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng…

Đặc biệt, sau chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác tới Trung Quốc, thương mại nông sản hai nước sẽ có thêm không gian phát triển. Bởi lần đầu tiên, Bộ Công Thương đồng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc tổ chức Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tại thủ đô Bắc Kinh.

Địa điểm được lựa chọn tổ chức Lễ hội là tại Trung tâm phân phối nông sản Tân Phát Địa, quận Phong Đài, thành phố Bắc Kinh. Đây là chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Bắc Kinh, phân phối tất cả các loại trái cây của thế giới nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, quy tụ nhiều doanh nghiệp đầu mối phân phối hoa quả uy tín và có sức tiêu thụ lớn của Trung Quốc. Lễ hội là cơ hội tốt để các nhà sản xuất, cung ứng của Việt Nam giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm cũng như gặp gỡ, tìm kiếm khách hàng… Sự kiện này cũng sẽ là tiền đề, kinh nghiệm để tổ chức các lễ hội chuyên ngành thường xuyên hơn và không chỉ ở Bắc Kinh, mà còn ở các địa phương khác của Trung Quốc nhằm kết nối, mở rộng xuất khẩu trái cây Việt Nam sang thị trường rộng lớn này.

Theo đánh giá từ báo chí Trung Quốc trước đó, chuyến công tác tới Trung Quốc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác đã thành công tốt đẹp, góp phần gia tăng sự hiểu biết, sự tin cậy lẫn nhau cũng như góp phần củng cố và đẩy mạnh hợp tác thương mại, kinh tế tiếp tục đi vào chiều sâu.

Kết quả của chuyến công tác sẽ là tiền đề vô cùng quan trọng để các Bộ, ngành hai nước có thể triển khai hiệu quả phương hướng hợp tác theo đúng chủ trương của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc, góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thức cho nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.​​ Cùng với đó kết quả của chuyến công tác sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước láng giềng và tăng cường mối quan hệ mà cả hai cùng mong muốn vun đắp, được xây dựng trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống “đồng chí, anh em”.

Từ ngày 12-14/10, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường sẽ thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trên cương vị mới của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước tổng thể duy trì đà phát triển tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng mang tính lịch sử.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Lãnh đạo cấp cao hai bên đi sâu thảo luận những biện pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa Lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị. Trong đó, hai Thủ tướng tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.

Diễn ra vào thời điểm hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025), chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường một lần nữa khẳng định sự ưu tiên mà hai nước dành cho nhau, và ý chí cùng nhau phấn đấu, nỗ lực vì Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 40

Thống kê truy cập

Đang truy cập:372

Tổng truy cập: 22108839