Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

CHÍNH PHỦ THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT 115/NQ-CP

2020-09-07 13:56:00.0

Ngày 06/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NĐ-CP về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách tạo động lực phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, đón dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ngày 06/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NĐ-CP về các giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách tạo động lực phát triển mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút, đón dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình; giúp tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Từ đó, tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp EDI và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.

Chính phủ đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Và bứt tốc hơn nữa, đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Chính phủ đã đề ra 07 (bảy) nhóm giải pháp, nhiệm vụ chung bao gồm:

(1) Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển (được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Luật Đầu tư);

(2) Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ;

(3) Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng;

(4) Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài;

(5) Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển;

(6) Xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương;

(7) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu liên phát triển nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia.

 

Dựa trên các nhiệm vụ, và giải pháp chung, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân từng địa phương nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung các nhiệm vụ: Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đồng bộ với các quy định của pháp luật về đầu tư, thuế, phù hợp với các quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; nghiên cứu, sửa đổi Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở phù hợp với yêu cầu phát triển ngành; xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2030, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành dệt may, da giầy giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030; Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tăng cường công tác xúc tiến thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới nhằm tận dụng sự dịch chuyển đầu tư trong bối cảnh mới; khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh đặt nhà máy sản xuất cấp khu vực tại Việt Nam để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án thí điểm đầu tư các khu công nghiệp tập trung tại một số địa phương phù hợp theo mô hình cụm liên kết ngành sản xuất các linh kiện, phụ tùng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển như: sản xuất sản phẩm điện tử, cơ khí trọng điểm, sản xuất lắp ráp ô tô và nguyên phụ liệu quan trọng ngành dệt may, da giầy như sợi, vải, da và vật liệu mới tại một số địa bàn phù hợp;…

Nghị quyết còn giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính: tham mưu sửa đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt) đối với sản phẩm ô tô trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 11/6/2020. Đây được xem là tiền đề, động lực mạnh mẽ để khuyến khích ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước.

Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT là cơ sở, tiền đề cho các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đưa ra các chính sách cụ thể để giải quyết các vấn đề nội tại của công nghiệp Việt Nam, nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam trong thời gian tới. Các chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời sẽ thúc đẩy sự phát triển của CNHT góp phần tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhằm thu hút đầu tư, tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh các nhiệm vụ của các bộ, ngành, Nghị quyết 115/NQ-CP cũng đề ra các nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ lợi thế về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển có trách nhiệm: Xây dựng và ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương; hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy của Sở Công Thương và các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trên cơ sở nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất hoặc bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp lại các đơn vị hiện có từ nguồn ngân sách địa phương; hỗ trợ chi phí đầu tư hạ tầng, chi phí xử lý môi trường cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; xây dựng, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi được cấp bù lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo đặc thù, đặc điểm của từng địa phương; Quy hoạch, đầu tư và hỗ trợ đầu tư một số khu, cụm công nghiệp do địa phương quản lý về công nghiệp hỗ trợ theo mô hình cụm liên kết ngành, sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và các nguyên phụ liệu quan trọng ngành dệt may, da giầy như sợi, dệt, nhuộm, da, vật liệu mới và vật liệu kim loại trong cơ khí chế tạo.

 

 


Quế Trâm

Lượt xem: 1640

Thống kê truy cập

Đang truy cập:407

Tổng truy cập: 18363845