Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tăng cơ hội thông qua phát triển công nghiệp hỗ trợ

2013-04-17 16:21:00.0

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không chỉ giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 mà còn giúp tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) không chỉ giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 mà còn giúp tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế.


Muốn tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì việc phát triển CNHT là cần thiết.

Đó là nhận định của ông Kyoshiro Ichikawa - Trưởng nhóm Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản tại hội thảo “Cơ hội tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CNHT của ngành ngân hàng” vừa được Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức.
Theo nhận định của ông Kyoshiro Ichikawa, CNHT đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành công nghiệp nói riêng. Với Việt Nam, để đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020, CNHT càng trở nên quan trọng. Song, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì ngành CNHT ở Việt Nam vẫn kém phát triển.
Hiện tỷ lệ nội địa hóa trung bình ở Việt Nam mới đạt 22,4%. Trong khi đó ở Thái Lan là 56%, Malaysia là 45% và Indonesia là 43%. Đây là thiệt thòi rất lớn, và là nguyên nhân làm cho nhập siêu luôn là mối lo của Việt Nam trong nhiều năm nay.
Đặc biệt, CNHT không phát triển cũng là nguyên nhân làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài “e ngại” khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Vì thế, muốn tăng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc phát triển CNHT là hết sức cần thiết.
Nguyên nhân ngành CNHT của nước ta trong thời gian qua chưa phát triển là do các doanh nghiệp tham gia chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn; trình độ quản lý và công nghệ còn thấp; nhân sự hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ cũng còn thiếu và yếu...
Theo bà Trịnh Thị Hương, Phó Phòng phát triển DNNVV, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV, trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận tài chính, giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù vậy, các chính sách này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. “Tỷ lệ DNNVV tiếp cận được với chính sách trợ giúp DN rất thấp, bởi hiện nay, hầu hết chính sách trợ giúp đều quy định chung cho các đối tượng DN, chưa có những chính sách và chương trình tách riêng cho DNNVV. Ngoài ra, các chính sách và cơ chế ban hành còn chậm, còn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, nguồn lực dành cho hỗ trợ DNNVV còn thấp, các chính sách rất dàn trải, chồng chéo. Và một tồn tại nữa là hệ thống cơ quan triển khai thực hiện chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương đến địa phương còn thiếu và yếu”- bà Trịnh Thị Hương cho biết.
Theo ông Đào Văn Hà - Giám đốc Ban quản lý các dự án tín dụng quốc tế ODA (Ngân hàng Nhà nước), trong điều kiện hiện nay, môi trường đầu tư, giá nhân công, mặt bằng rẻ… đã không còn là lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng “nhắm” đến những thị trường có thể đáp ứng tốt nhất cho việc sản xuất các sản phẩm của họ, cụ thể là những quốc gia có nền CNHT phát triển. Do đó, hỗ trợ cho DNNVV hoạt động trong ngành CNHT phát triển thông qua việc nâng cao khả năng tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng của ngân hàng là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các DNNVV đang gặp rất nhiều khó khăn về tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Ông Kyoshiro Ichikawa - Trưởng nhóm Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản cho rằng, những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng đưa những chính sách, tạo điều kiện cho CNHT phát triển như Quyết định 34/2007/QĐ-BCN về kế hoạch tổng thể của CNHT; Quyết định 12/2011/QĐ-TTG về khái niệm CNHT; Quyết định 1483/2011/QĐ-TTG về xác định các ngành và sản phẩm CNHT; Thông tư 96/2011/TT-BCT về chính sách khuyến khích phát triển CNHT; Công văn 9734/BCT-CNg về thủ tục đăng ký chính sách khuyến khích phát triển CNHT và thẩm quyền chấp thuận áp dụng các biện pháp khuyến khích.
Tuy nhiên, những chính sách đưa ra chưa rõ ràng và chưa có tác động mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của CNHT, đặc biệt là không có sự hỗ trợ kịp thời đối với sự phát triển của DNNVV. Trong khi đó, DNNVV chính là khu vực DN rất quan trọng. Tại Nhật Bản, các DN lớn như Toyota, Honda duy trì và lớn mạnh được chính là nhờ các DNNVV và những sản phẩm linh kiện của họ cung cấp. Những lĩnh vực hoạt động của CNHT chủ yếu là tại các công ty nhỏ và vừa, vì thế muốn phát triển ngành công nghiệp này Việt Nam cần có những hỗ trợ nhiều hơn nữa. Sự hỗ trợ này không chỉ bằng vốn, lãi suất và đưa ra những chính sách tạo điều kiện cho DNNVV phát triển mà còn có những hỗ trợ đặc biệt cho DNNVV tiếp cận nguồn thông tin. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đầu tư nhiều hơn cho phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao./.

 

Bà Trịnh Thị Hương cho biết, giai đoạn 2000-2011 chỉ có khoảng 30% DNNVV tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng; 90% không tiếp cận được vốn vay ưu đãi; 42% DNNVV không thể vay được vốn; 71% vay vốn lãi suất cao trên 17%…


Lượt xem: 173

Thống kê truy cập

Đang truy cập:480

Tổng truy cập: 18367867