Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Giải pháp để chương trình thương mại điện tử có tính ứng dụng cao hơn!

2018-10-03 14:24:00.0

Là địa phương đi tiên phong trong việc phát triển công nghiệp và thương mại điện tử (TMĐT), lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp (DN) TMĐT phát triển. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 304 về việc phát triển TMĐT giai đoạn 2017-2020 của tỉnh. Trong đó, điểm nhấn là Chương trình xây dựng sàn TMĐT tỉnh Bình Dương và hỗ trợ các DN trong cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) Bình Dương đã xây dựng Đề án Hỗ trợ các nhà bán lẻ ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh và thiết lập email thương hiệu.

Nâng cao năng lực đồng hành, hỗ trợ DN

Thực hiện Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Bình Dương, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm XTTM đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về TMĐT đến đông đảo người dân trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương, tổ chức 6 hội thảo và 32 lớp tập huấn nhằm đào tạo về TMĐT cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ của DN; hỗ trợ DN tham gia sàn giao dịch TMĐT quốc gia ECVN. Đến nay đã có 16 DN tham gia sàn giao dịch TMĐT; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục xác nhận đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại; thực hiện 2 đợt khảo sát, thống kê về tình hình ứng dụng TMĐT của DN trên địa bàn tỉnh; xây dựng tài liệu tuyên truyền kiến thức pháp luật về TMĐT cho DN; xây dựng sàn giao dịch TMĐT tỉnh Bình Dương.

Nhìn về góc độ năng lực quản lý thực hiện chương trình TMĐT: Trung tâm XTTM đã được trang bị cơ bản về cơ sở vật chất, trang thiết bị hạ tầng máy tính, mạng đáp ứng nhu cầu làm việc. Hiện nay, tất cả cán bộ, công chức, viên chức của trung tâm đều có máy tính làm việc với cấu hình khá, được nối mạng LAN toàn cơ quan và mạng internet.

Về con người, hiện 100% cán bộ, công chức được trang bị máy tính làm việc đều sử dụng thành thạo các ứng dụng cơ bản như soạn thảo văn bản, gửi email, tìm kiếm thông tin trên internet; trao đổi văn bản điện tử qua hệ thống các phần mềm dùng chung của tỉnh và hệ thống thư điện tử công vụ; hệ thống email công vụ được vận hành và thiết lập cho từng cán bộ viên chức tại các phòng ban phục vụ tốt công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, với nhiều năm đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN ứng dụng TMĐT, Trung tâm XTTM cũng nắm bắt được những khó khăn và nhu cầu của DN, đặc biệt là DN xuất khẩu, để đưa ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, chuyên nghiệp.

Trang bị miễn phí phần mềm quản lý bán hàng cho 15 DN bán lẻ

Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN, Trung tâm XTTM vừa xây dựng xong Đề án Hỗ trợ các nhà bán lẻ ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh và thiết lập email thương hiệu.

Lãnh đạo Trung tâm XTTM cho biết về sự cần thiết thực hiện đề án này: Theo số liệu nghiên cứu thị trường năm 2015 của Công ty A.C Neilson, tại Việt Nam có khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ. Đến năm 2020, quy mô thị trường bán lẻ là 179 tỷ USD. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, hiện Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn mới có khoảng 30% cửa hàng áp dụng công nghệ trong quản lý bán hàng, tỷ lệ này tại các tỉnh thành khác là chưa đến 10%. Với cách quản lý thủ công, mỗi tháng các cửa hàng thất thoát từ 7 - 12% doanh thu, đồng thời, hơn 90% chủ cửa hàng được khảo sát chưa từng được đào tạo bài bản về bán lẻ.

Những yếu tố này làm giảm năng lực cạnh tranh của các nhà bán lẻ Việt Nam so với các nhà bán lẻ đến từ nước ngoài với nguồn vốn, quy mô lớn và hệ thống quản lý chuyên nghiệp.

Chính vì vậy, Trung tâm XTTM trang bị phần mềm quản lý bán hàng giúp các chủ cửa hàng giảm thiểu được thất thoát, nâng cao hiệu suất trong quản lý kinh doanh. Đồng thời, việc áp dụng công nghệ vào quản lý bán hàng giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy nhanh quy trình giao dịch, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của cửa hàng và thúc đẩy phát triển ngành bán lẻ trong nước.

Mục tiêu của đề án: Trang bị miễn phí phần mềm quản lý bán hàng cho 15 cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đào tạo kiến thức nền tảng về bán lẻ, hướng dẫn sử dụng phần mềm trong quản lý bán hàng trực tiếp tới các chủ cửa hàng.

Về tiến độ thực hiện: Tháng 8-2018, lên kế hoạch chi tiết triển khai các công việc. Từ tháng 9 đến tháng 12-2018: Tiếp cận, mời DN làm thành viên ứng dụng phần mềm.

Đánh giá hiệu quả và tác động của đề án: 15 cửa hàng được đào tạo trực tiếp về bán lẻ, kỹ thuật sử dụng phần mềm trong quản lý bán hàng, giúp nâng cao kiến thức và năng lực cạnh tranh. Những người kinh doanh bán lẻ này sẽ được tiếp cận các kiến thức bán hàng, lợi ích của áp dụng phần mềm trong quản lý bán hàng. Cụ thể, tiết kiệm từ 30% thời gian thao tác và quản lý dữ liệu hàng hóa. Giúp chủ cửa hàng giảm từ 1 - 3 giờ trở lên thời gian phải có mặt ở cửa hàng. Giảm từ 30% lượng hàng hóa thất thoát. Tiết kiệm chi phí vận hành cửa hàng, trong đó có chi phí thuê nhân viên.

Việc trang bị phần mềm quản lý bán hàng giúp người kinh doanh đạt hiệu suất cao hơn, giảm thất thoát và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện đại hóa công cụ bán hàng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ, thúc đẩy phát triển ngành kinh doanh bán lẻ.

Giải pháp xây dựng hạ tầng và thượng tầng để đạt mục tiêu chương trình

Theo định hướng phát triển chương trình TMĐT, đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 30% DN giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động; 50% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Riêng đối với ngành công thương có kế hoạch xây dựng sàn giao dịch TMĐT nhằm phục vụ cho công tác quảng bá và tìm kiếm thị trường hỗ trợ DN. Lãnh đạo Sở Công thương đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đạt mục tiêu chương trình TMĐT, như sau: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thông qua các phương tiện truyền thông và các cuộc tập huấn, hội thảo. Tạo đầu mối hay cổng thông tin TMĐT để tập hợp và hỗ trợ công tác quảng bá, mở rộng mối tương quan, liên kết, kết hợp nhằm mở rộng thị trường và hỗ trợ công tác sản xuất, kinh doanh. Công tác này gần giống như tạo chợ cho các hộ buôn bán, kinh doanh.

Lãnh đạo Sở Công thương nhấn mạnh, tích cực tạo cơ sở hạ tầng cho việc phát triển TMĐT như hỗ trợ xây dựng website đối với DN, khuyến khích công tác ứng dụng B2B, B2C và khuyến khích phát triển các ngành phụ trợ cho TMĐT.

Bên cạnh tạo cơ sở hạ tầng là hoàn thiện kiến trúc thượng tầng cho việc phát triển TMĐT: Xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, an toàn và độ tin cậy trong TMĐT; xây dựng cơ chế chính sách thu hút và tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính tương hỗ cho công tác này.

Với những cố gắng hoàn thiện bộ máy tổ chức Trung tâm XTTM và các chương trình đề án hỗ trợ DN tích cực hiệu quả, đặc biệt là đề án hỗ trợ miễn phí xây dựng phần mềm quản lý bán hàng và email thương hiệu cho 15 DN bán lẻ, cùng các giải pháp hạ tầng và thượng tầng nhằm thực hiện đạt mục tiêu chương trình TMĐT đến năm 2020, hy vọng Bình Dương sẽ tiếp tục giữ vững và nâng cao thứ hạng TMĐT trong cả nước.

Mục tiêu trong lĩnh vực hoạt động TMĐT của Bình Dương giai đoạn 2017-2020 bao gồm các chỉ tiêu: 100% DN lớn, 65% DN vừa và nhỏ có website riêng để quảng bá thương hiệu sản phẩm và thông tin DN; 30% DN giao dịch hàng hóa và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng TMĐT và các thiết bị di động; 50% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong quản lý và sản xuất thương mại dịch vụ; 75% thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông; 40% DN tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến sản xuất thương mại dịch vụ; 90% các thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4; 100% lãnh đạo cơ quan Nhà nước sử dụng chứng thực chữ ký số; áp dụng phổ biến đến các DN thực hiện giao dịch chứng thực để bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch TMĐT.


Lượt xem: 239

Thống kê truy cập

Đang truy cập:402

Tổng truy cập: 18354082