Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bộ Công Thương đề xuất 4 nhóm nội dung phát triển kinh tế

2020-12-30 09:04:00.0

Phát triển thị trường, bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước; tổ chức thực thi pháp luật và hoàn thiện khung khổ pháp luật; hình thành và phát triển các trung tâm logistics lớn, các trung tâm phân phối lớn; phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số. Đó là 4 giải pháp Bộ Công Thương đề xuất để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội trong năm 2021 tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra sáng ngày 29/12/2020.

4 nhóm nội dung phát triển kinh tế

Khi nhìn lại các thách thức trong tăng trưởng kinh tế năm 2020, phát biểu tại phiên họp sáng 29/12/2020 tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thực tế năm 2020 nổi lên 3 thách thức lớn.

Thứ nhất là dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp với các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế có độ mở như Việt Nam.

Thứ hai là thiên tai, dịch bệnh ngay từ đầu năm và kéo dài liên tục trong cả năm.

Thứ ba là cạnh tranh địa chính trị và bảo hộ mậu dịch của chủ nghĩa dân tộc ảnh hưởng rất mạnh đến thương mại và dòng chảy kinh tế quốc tế.

Chính phủ đặt kế hoạch phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu

Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2021 cao hơn kế hoạch được Quốc hội giao

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân tích, cần thấy rõ là áp lực từ các thách thức nói trên sẽ còn tiếp tục trong những năm tới, đặc biệt dịch bệnh Covid vẫn là thường trực. Bài học ở đây vẫn là cần quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh vì chỉ lơ là, sơ xuất sẽ gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế và đời sống, kéo lùi lại các thành tựu tăng trưởng đã có được.

Theo Bộ trưởng, câu chuyện thực hiện mục tiêu kép trong năm 2021 vẫn cần sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp cho các bộ ngành thực thi trong phát triển kinh tế xã hội.

“Một tinh thần nữa là không được chủ quan và cần bám sát thực tiễn để có ứng phó kịp thời, có được dư địa cho năm 2021” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Chính phủ đặt kế hoạch phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đề xuất các nhóm nhiệm vụ cần tập trung trong phát triển kinh tế xã hội năm 2021. Một là khâu phát triển thị trường bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Thị trường nước ngoài với 17 FTA đã có đòi hỏi cần thực hiện các chương trình hành động Chính phủ đã ban hành. Đây là mục tiêu rất cơ bản để bảo đảm nhiệm vụ của năm 2021 cũng như cả kế hoạch 5 năm.

Thứ hai là, nhiệm vụ tổ chức thực thi pháp luật và hoàn thiện khung khổ pháp luật. Trên thực tế, nếu như chúng ta tổ chức tốt thì sẽ khai thác hiệu quả các FTA. Chẳng hạn như liên quan đến hiệp định EVFTA, Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công Thương tổ chức 4 hội nghị hướng dẫn cho các khu vực, các thành phần doanh nghiệp. “Chính nhờ có hiệp định này mà tốc độ tăng trưởng 3 tháng cuối năm tại thị trường EU đạt mức cao nhất từ trước tới nay” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Với thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc, theo Bộ trưởng, chúng ta cũng đã rất linh hoạt khai thác cơ hội để không chỉ trong mở cửa thị trường mà trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị. Hai thị trường này chúng ta đều đạt mức tăng trưởng từ 22 - 37%. Và tiếp tục đóng góp vào duy trì tốc độ xuất khẩu ở mức 6,5%.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng cụ thể hóa các chính sách của Đảng về công nghiệp, về thương mại, hội nhập, năng lượng thành cơ chế chính sách.

Ba là, tiếp tục tạo điều kiện khai thác tốt thị trường nội địa trong việc hình thành và phát triển các trung tâm logistics lớn, các trung tâm phân phối lớn, gắn kết các chuỗi cung ứng với các khu vực sản xuất.

Bốn là, Chính phủ và doanh nghiệp cần đồng hành với nhau để thực hiện phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số. Trong bối cảnh năm 2020, nếu không linh hoạt khai thác tốt nền tảng số thì khó có thể đạt được các chỉ số như vừa qua. Việt Nam là nước được coi là chuyển nhanh sang xúc tiến thương mại trên nền tảng số, đã có 550 giao thương và xúc tiến thương mại trên nền tảng số và giúp cho doanh nghiệp và các địa phương có điều kiện khai thác thị trường nhất là các thị trường ở xa, mới nổi.

“Chính vì vậy hệ thống dịch vụ công trực tuyến cần mở rộng để có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói

Cũng trong phát biểu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thông tin về một số câu hỏi, kiến nghị của các doanh nghiệp và địa phương liên quan đến hướng dẫn các nội dung thực hiện các FTA và phát triển hạ tầng năng lượng.

Phấn đấu tăng trưởng 6,5% hoặc cao hơn

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại hội nghị đã thống nhất chủ đề năm 2021 là: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển. Trước hết là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.

Chính phủ đặt kế hoạch phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết luận hội nghị

Cùng đó tiếp tục phấn đấu để Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, đặc biệt “không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng, nhất là trong 5 năm qua”, Thủ tướng yêu cầu.

Cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển. 1% tăng trưởng GDP sẽ giải quyết 300.000 việc làm, “không có việc làm thì người dân thu nhập từ đâu”, Thủ tướng lấy ví dụ.

Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng khoảng 6% GDP năm 2021. Thực tế trong thảo luận có ý kiến cho rằng nên đặt thấp hơn khoảng 5,5% nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên cao hơn, khoảng 6,5-7%, nhiều tổ chức quốc tế còn dự báo khoảng 6,8-7%, thậm chí có tổ chức còn dự báo trên 8%.

Trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.

“Chúng ta cũng cần lưu ý rằng yêu cầu tăng trưởng kinh tế về số lượng cần phải gắn chặt với nâng cao chất lượng tăng trưởng và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế”, Thủ tướng lưu ý.

Tinh thần đặt ra là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với mặt bằng của khu vực và thế giới, trong đó phấn đấu sớm đưa Việt Nam trở thành một cường quốc nông nghiệp với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả.

Các bộ, địa phương chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.


Nguồn: https://congthuong.vn/

Lượt xem: 10170

Thống kê truy cập

Đang truy cập:522

Tổng truy cập: 18359551