Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương: Đảm bảo đủ nguồn cung ứng thịt heo

2020-11-04 10:27:00.0

CMSC Thị trường thịt heo tại tỉnh Bình Dương sau những chuỗi ngày biến động cũng đang dần ổn định trở lại. Trong sáu tháng đầu năm 2020, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trong dịp Tết nguyên đán vào tháng 01 do đó đa số các mặt hàng thực phẩm đều có xu hướng tăng giá, đặc biệt là giá thịt heo. Qua tháng 02, giá heo hơi và thịt heo thành phẩm giảm trở lại do nhu cầu không còn cao như những ngày Tết. Đến tháng 3, giá thịt heo thành phẩm bắt đầu tăng trở lại và tăng liên tục cho đến tháng 6 mới có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 6 tháng đầu năm 2020 giá bình quân heo hơi đạt mức cao nhất là 94.750 đồng/kg vào tháng 5, mức thấp nhất là 78.000 đồng/kg vào tháng 3. Giá heo thành phẩm dao động từ 140.000 – 250.000 đồng/kg.

Quầy thịt heo trong siêu thị tại thời điểm tăng giá

Hàng năm, Sở Công Thương Bình Dương đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu trên địa bàn nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm và giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Theo đó, Sở đã chủ động làm việc với các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi, cung ứng nguồn thịt và các đơn vị phân phối trong nước để thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa.

Tại tỉnh Bình Dương, nguồn cung thịt heo không thiếu. Giá heo hơi theo đà hạ nhiệt ngoài nguyên nhân người chăn nuôi tích cực tăng đàn, tái đàn còn có sự “ góp mặt” của các yếu tố như heo sống nhập khẩu từ Thái Lan, thịt heo đông lạnh nhập khẩu từ các nước ngày càng tăng trong khi sức tiêu thụ trên thị trường giảm hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19… Tất cả góp phần giảm bớt căng thẳng của sự mất cân đối về cung cầu của mặt hàng thịt heo. Ngoài ra, bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ xảy ra ở những cơ sở nuôi không bảo đảm điều kiện an toàn sinh học, còn những trang trại có quy mô lớn, chăn nuôi theo quy trình kiểm tra, kiểm soát gia súc nên bảo đảm không xảy ra bệnh dịch trên heo. Bên cạnh đó, các ngành chức năng đang tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, trang trại, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi nghiêm túc thực hiện các giải pháp khống chế không để phát sinh và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi. Hiện nay, số lượng heo cung cấp ra thị trường đang giữ mức ổn định khoảng 3.000 con/ngày.

Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao ở Bình Dương

Trước tình hình đó, Sở Công Thương thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc buôn bán thịt heo sang nước láng giềng nhằm vừa giữ nguồn cung ổn định cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước. Bên cạnh đó, đề nghị các doanh nghiệp bảo vệ thị trường cùng với người tiêu dùng, không được tăng giá vô lối, không găm hàng làm giá. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn đưa ra các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn mới (như thịt kho tàu, nhân bánh chưng, chân giò muối…) được chế biến từ thịt heo đông lạnh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt heo tươi trên thị trường.

Nhằm đảm bảo nguồn cung thịt heo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngành Công Thương chủ trì phối hợp với các ngành và các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt heo tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp; người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán của các thương nhân mua bán thịt heo và xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá cao; giám sát chặt chẽ, hạn chế tối đa và xử lý nghiêm việc buôn bán, vận chuyển, xuất nhập khẩu lợn sống và thịt heo trái phép. Từ đó, làm rõ những bất cập, hạn chế và đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập và xử lý vi phạm theo pháp luật.

Bên  cạnh đó, sự phối hợp của các doanh nghiệp phân phối, bán buôn, bán lẻ và các siêu thị cũng không kém phần quan trọng, cần tập trung triển khai thực hiện tốt các chương trình bình ổn mặt hàng thịt heo./.


Diệu Hằng - KHTCTH

Lượt xem: 2083

Thống kê truy cập

Đang truy cập:415

Tổng truy cập: 18618565