Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Ngày 20 tháng 6 năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 1494/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
KẾ HOẠCH
Phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1494/QĐ-UBND ngày 20/06/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
A. PHẦN MỞ ĐẦU
I. Tính cấp thiết phải lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Hóa chất có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, được sử dụng rộng rãi ở hầu hết các ngành kinh tế và mọi hoạt động của đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại, y tế, khoa học công nghệ và giáo dục. Khi các hoạt động sản xuất kinh tế và đời sống xã hội càng phát triển, thì nhu cầu sử dụng hóa chất cũng ngày càng tăng lên.
Hoạt động hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, sự cố hóa chất có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và khi xảy ra, sự cố hóa chất luôn tiềm ẩn khả năng phát triển thành sự cố ở quy mô lớn, có tác động trên phạm vi rộng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, kinh tế, tài sản và môi trường xung quanh. Nhìn chung, hầu hết các loại hóa chất đều có khả năng phát tán nhanh trên diện rộng, dễ xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống, thở,…, từ đó gây ngộ độc, đồng thời có khả năng để lại những hậu quả lâu dài trong môi trường tự nhiên bởi khả năng tồn lưu, khó phân hủy.
Quá trình sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn chứa hóa chất thường làm phát sinh khí thải, nước thải và chất thải rắn. Nước thải có chứa nhiều thành phần hóa chất độc hại đối với nguồn tiếp nhận. Khí thải chứa nhiều thành phần khí độc hại như NH3, SO2, SO3, Cl2, HCl,… Cùng với sự phát triển của công nghiệp hóa chất, thì các ngành sử dụng hóa chất cũng phát triển mạnh, như: kinh doanh xăng dầu; sản xuất nhựa, sơn, keo, mực in; chế biến gỗ; sản xuất giày dép, cao su;..., nên nhu cầu sử dụng hóa chất tăng nhanh và làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất. Trong quá trình vận chuyển hóa chất trên đường giao thông cũng có thể xảy ra tai nạn và kèm theo là sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ hóa chất, gây hậu quả xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại; Công văn số 9574/BCT-HC ngày 29/09/2014 của Bộ Công Thương về xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh thì việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương là hết sức cấp thiết nhằm nâng cao sự chủ động, hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị ở địa phương, đảm bảo an toàn hóa chất, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường.
II. Các căn cứ pháp lý để lập kế hoạch.
- Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 ngày 21/11/2007;
- Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất;
- Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07/10/2008 của Chính phủ;
- Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;
- Thông tư số 20/TT-BCT ngày 05/8/2013 của Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;
- Công văn số 9574/BCT-HC ngày 29/9/2014 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cấp tỉnh;
- Quyết định số 554/QĐ-UBND ngày 22/02/2011 của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành Kế hoạch tổng thể ứng cứu sự cố môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020;
- Quyết định số 2278/QĐ-UBND ngày 07/9/2015 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập đề án “Xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương”.
B. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH
I. Tóm tắt điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương.
1. Điều kiện tự nhiên.
Bình Dương nằm ở phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh, được bao bọc bởi sông Sài Gòn ở phía Tây và sông Đồng Nai ở phía Đông, diện tích tự nhiên 2.694,43 km2, giáp TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Đồng Nai. Tỉnh có vị trí rất thuận lợi về giao thông vận tải và giao lưu kinh tế, xã hội với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ. Địa hình chủ yếu có dạng đồi thoải với độ dốc nhỏ, xen kẽ các thung lũng nhỏ và các dải đất bằng ven sông; nền địa chất ổn định; khí hậu hiền hòa, ít thiên tai, mưa bão lớn. Tỉnh có tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững.
2. Điều kiện kinh tế - xã hội.
Bình Dương có dân số khoảng 1,8 triệu người, mật độ dân số 650 người/km2, 9 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện), 41 phường, 2 thị trấn, 48 xã. Nhìn chung, Bình Dương đã đạt mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức khá (trên 13%/năm), cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60% - 37,3% - 2,7%.Sản xuất công nghiệp phát triển ổn định với hơn 23.000 doanh nghiệp, 36 khu cụm công nghiệp được xây dựng (trong đó 31 khu cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động); thương mại - xuất nhập khẩu ngày càng tăng; lĩnh vực thu hút đầu tư, phát triển đô thị, quản lý tài nguyên và môi trường đạt nhiều thành tựu tốt; văn hóa, giáo dục, y tế, KHCN,... tiếp tục được quan tâm phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được chăm lo, cải thiện.
II. Tổng quan về hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tình hình sự cố hóa chất và năng lực ứng phó của địa phương.
1. Đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất nguy hiểm.
Sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh, ổn định trong một thời gian dài, đã đem lại cho Bình Dương nhiều lợi thế, lợi ích, gồm cả công nghiệp hóa chất được chú trọng phát triển ngày càng mở rộng và đa dạng hóa trên địa bàn tỉnh. Có tổng số 1.396 cơ sở liên quan hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, lưu giữ hóa chất, với những ngành nghề chủ yếu gồm: kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng (376 cơ sở kinh doanh, 02 kho bể xăng dầu chứa 51.700 m3); sản xuất nhựa, sơn, keo, mực in (273 cơ sở); chế biến gỗ, sơn gỗ (142 cơ sở); kinh doanh hóa chất (142 cơ sở); sản xuất giày dép, chế biến mủ cao su (84 cơ sở) và sản xuất, gia công hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (55 cơ sở), trong đó qua khảo sát, điều tra thực tế có tổng số 82 cơ sở hóa chất có nguy cơ cao xảy ra sự cố hóa chất
Những ngành nghề có nguy cơ cao gồm: chế biến gỗ, sơn gỗ (13 cơ sở); sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật (13 cơ sở); sản xuất sơn, keo, mực in (12 cơ sở); chế biến mủ cao su, giày dép (8 cơ sở) và sản xuất tôn, sắt thép (7 cơ sở). Các địa bàn cấp huyện có nguy cơ cao gồm: thị xã Dĩ An (22 cơ sở); thị xã Thuận An (18 cơ sở); TP. Thủ Dầu Một (09 cơ sở); thị xã Tân Uyên (09 cơ sở) và thị xã Bến Cát (10 cơ sở). Đây là những cơ sở hóa chất vừa và lớn, với khối lượng hóa chất tồn chứa hàng năm lớn hơn 45 ngàn tấn và các loại hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất phải lập kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại Phụ lục IV và phục lục VII Nghị định 26/2011/NĐ-CP như: NH3 khan, xút, axít HCl, H2SO4; khí Cl2, SO2, SO3, H2, C2H2 và các dung môi hữu cơ dễ bay hơi, dễ cháy nổ. (danh sách cụ thể tại phần phục lục 1)
Cùng với việc triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể ứng cứu sự cố môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2020, thì công tác đảm bảo an toàn và phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất ngày càng được quan tâm thực hiện. Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất từng bước thực thi ngày càng nghiêm túc Luật hóa chất (2007), thể hiện thông qua việc thực hiện các hồ sơ và thủ tục quy định, như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo các lĩnh vực kinh doanh, chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh hóa chất có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất lớn, đã tuân thủ nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tổ chức chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động hóa chất, như: chưa lưu trữ thông tin hóa chất, lao động liên quan đến hóa chất không có trình độ chuyên môn về hóa chất và chưa được huấn luyện kỹ thuật an toàn về hóa chất, chưa chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho ứng phó sự cố hóa chất tại chỗ,... Việc bố trí các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng hóa chất trên địa bàn còn nhiều bất cập, nhất là vẫn còn một số doanh nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư hoặc gần sát nguồn nước. Hoạt động lưu trữ hóa chất của các cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện tốt, vẫn còn một số cơ sở đáp ứng chưa đầy đủ các yêu cầu về lưu trữ an toàn hóa chất (tên hóa chất không rõ, không có bảng dữ liệu an toàn hóa chất-MSDS,…). Việc sử dụng bảng dữ liệu an toàn hóa chất và các chỉ dẫn sơ cứu chưa được các cơ sở sản xuất quan tâm.
2. Đánh giá tình hình sự cố hóa chất đã xảy ra.
Việc phát triển công nghiệp hóa chất làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố rò rỉ, tràn đổ và cháy nổ hoá chất, có ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội và môi trường. Một số sự cố hóa chất điển hình xảy ra trên địa bàn tỉnh được ghi nhận như:
- Vụ rò rỉ khí độc SO2, SO3 tại Nhà máy ABS thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần TICO chuyên sản xuất chất hoạt động bề mặt (LAS) tại phường An Phú, TX. Thuận An. Nguyên nhân dẫn đến sự cố là do sự cố mất điện tạm thời gây ảnh hưởng đến hệ thống an toàn của dây chuyền sản xuất;
- Vụ tràn đổ hóa chất trong quá trình vận chuyển HCl tại Đường ĐT 743, đoạn Phường Tân Đông Hiệp, TX. Dĩ An. Nguyên nhân do phương tiện vận chuyển và bao bì chứa không đảm bảo an toàn.
- Vụ cháy nổ kinh hoàng tại Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam ở TX. Thuận An. Nguyên nhân là do việc bảo quản Nitrocellulose không đảm bảo an toàn trong phòng chống cháy nổ.
Nhìn chung, các cơ sở hóa chất còn chưa đáp ứng được năng lực ứng cứu sự cố hóa chất tại chỗ khi có sự cố xảy ra, đặc biệt là cháy nổ hóa chất, nên mức độ thiệt hại do cháy nổ hóa chất thường rất nghiêm trọng. Điển hình là vụ cháy nổ tại Công ty TNHH Sakata Inx Việt Nam đã thiêu rụi hoàn toàn nhà xưởng của công ty.
3. Xác định các nguy cơ gây ra sự cố hóa chất lớn.
- Địa bàn thị xã Dĩ An.
Các nhà máy sản xuất tôn, sắt, thép của Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen, Công ty Cổ phần Tôn Đông Á, Công ty Cổ phần Maruichi Sunsteel, với nguy cơ rò rỉ amoniac khan và axít HCl; Kho lạnh của Công Ty TNHH Swire Cold Storage Việt Nam với nguy cơ rò rỉ amoniac khan; Các nhà máy sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật của Công ty TNHH OCI và Công ty Cổ phần Thuốc sát trùng Việt Nam, với nguy cơ rò rỉ hơi độc từ Cacbuafuran, Methyl Iso Cyanate; Các nhà máy sản xuất keo, sơn gỗ, in của Công ty Cổ phần Oseven, Công ty TNHH Bao Bì NgaiMee, Công ty TNHH Nan Pao Resin, Công ty TNHH Sơn TOA, Công ty TNHH Sơn Jotun và Công ty TNHH Great Eastern Resin Industrial, với nguy cơ cháy nổ dung môi hữu cơ dễ bay hơi;
b. Địa bàn thị xã Thuận An.
Nhà máy sản xuất chất hoạt động bề mặt (LAS) của Chi nhánh Công ty Cổ phần TICO với nguy cơ rò rỉ khí độc SO2, SO3; Nhà máy sữa bột của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam với nguy cơ rò rỉ amoniac khan; Các nhà máy sản xuất khí công nghiệp (O2, H2, Acetylene) của Công ty Cổ phần Hơi kỹ nghệ Que hàn và Công ty TNHH Khí Công nghiệp Messer Việt Nam, với nguy cơ nổ bồn chứa khí áp lực cao; Các nhà máy sản xuất keo, sơn gỗ của Công ty TNHH Bang Đức, Công ty TNHH Sơn Hung Tah Việt Nam, Công ty TNHH Sherwin Willams Việt Nam và Công ty TNHH SX TM XNK Sơn Thanh Đang, với nguy cơ cháy nổ dung môi hữu cơ dễ bay hơi.
c. Địa bàn thị xã Bến Cát.
Nhà máy sản xuất bình ăc quy của Công ty TNHH Sheng Chang, Công ty TNHH Sakai Chemical với nguy cơ tràn đổ axít sunfuaric đặc; Nhà máy sữa nước và Nhà máy nước giải khát của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam với nguy cơ rò rỉ amoniac khan; nhà máy sơn gỗ của Công ty TNHH Chokwang Vina, với nguy cơ cháy nổ dung môi hữu cơ dễ bay hơi.
d. Địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.
Nhà máy sản xuất axit sunfuaric của Công ty TNHH Wuntaix Việt Nam, với nguy cơ tràn đổ axít sunfuaric đặc; Các nhà máy sơn gỗ của Công ty CP Sơn dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Sơn Petrolimex và Công ty TNHH Alkana Việt Nam, với nguy cơ cháy nổ dung môi hữu cơ dễ bay hơi; Các nhà máy sản xuất tôn, sắt, thép của Chi nhánh Công ty Cổ phần Tôn Đông Á; Công ty Cổ phần Tôn Nam Kim và Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc, với nguy cơ rò rỉ amoniac khan và axít HCl.
đ. Địa bàn thị xã Tân Uyên.
Nhà máy sản xuất hóa chất PAC của Công ty TNHH Lautan Luas, với nguy cơ tràn đổ axít HCl; Các nhà máy sơn gỗ, sản xuất mực in của Công ty TNHH Sơn Hua Bang, Công ty TNHH Phi Khang và Công ty TNHH Mực in Vạn Thông Việt Nam, với nguy cơ cháy nổ dung môi hữu cơ dễ bay hơi.
e. Địa bàn huyện Dầu Tiếng và Phú Giáo: các nhà máy chế biến mủ cao su, với nguy cơ rò rỉ amoniac khan.
g. Địa bàn huyện Bàu Bàng : các nhà máy sản xuất găng tay y tế với nguy cơ rò rỉ khí Clo.
h. Đối với các tuyến giao thông đường bộ vận chuyển hóa chất (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, các Tỉnh lộ 743, 744, 746, 747, 748,…), thì nguy cơ chính là xảy ra tai nạn giao thông trong quá trình vận chuyển và kéo theo sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ hóa chất tại hiện trường.
4. Đánh giá năng lực về con người, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất.
a. Năng lực quản lý nhà nước về an toàn hóa chất và phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất:
Theo quy định của Luật hóa chất (2007), thì trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn hóa chất và phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thuộc về Sở Công Thương. Theo báo cáo của Sở Công Thương, thì hiện nay công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất ngày càng được quan tâm thực hiện.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất đã từng bước thực thi ngày càng nghiêm chỉnh Luật hóa chất (2007) cùng các quy định của Chính phủ và Bộ Công Thương, thể hiện thông qua việc thực hiện các hồ sơ và thủ tục quy định, như: Giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hóa chất thuộc danh mục hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện, chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn theo các lĩnh vực kinh doanh, chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch và đề án bảo vệ môi trường.
Các tổ chức sản xuất, kinh doanh hóa chất có nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất lớn, đã tuân thủ nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, đồng thời ngày càng ứng dụng phổ biến hệ thống toàn cầu hài hòa về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS) của Liên hợp quốc. Theo hệ thống GHS, thì trên nhãn hàng hóa, ngoài tên địa chỉ, số điện thoại nhà cung cấp và nhận dạng sản phẩm (tên thương mại và nhận dạng của mọi thành phần), là các hình đồ cảnh báo nguy hại, nguy hiểm, từ cảnh báo, cảnh báo nguy cơ, phương pháp phòng ngừa,…
Tuy nhiên,vẫn còn nhiều tổ chức chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động hóa chất, như: chưa lưu trữ thông tin hóa chất, lao động liên quan đến hóa chất không có trình độ chuyên môn về hóa chất và chưa được huấn luyện kỹ thuật an toàn về hóa chất, chưa chuẩn bị vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho ứng phó sự cố hóa chất tại chỗ,...Việc bố trí các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng hóa chất trên địa bàn còn nhiều bất cập, nhất là vẫn còn một số doanh nghiệp nằm xen lẫn trong khu dân cư hoặc gần sát nguồn nước. Hoạt động lưu trữ hóa chất của các cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện tốt, vẫn còn một số cơ sở đáp ứng chưa đầy đủ các yêu cầu về lưu trữ an toàn hóa chất (tên hóa chất không rõ, không có bảng dữ liệu an toàn hóa chất-MSDS,…). Việc sử dụng bảng dữ liệu an toàn hóa chất và các chỉ dẫn sơ cứu chưa được các cơ sở sản xuất quan tâm.
Nhìn chung, theo đánh giá tổng kết của Sở Công Thương, thì công tác đảm bảo an toàn hoạt động hóa chất và việc triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, không chỉ cần dựa trên năng lực quản lý đáp ứng của các cơ quan quản lý nhà nước chức năng, mà thực tế đây là quá trình nỗ lực lâu dài, liên tục, phải làm từng bước, bắt đầu từ việc quản lý các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng, bảo quản và vận chuyển nhiên liệu, hóa chất, có biện pháp chế tài các tổ chức, cá nhân có liên quan thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, đồng thời tổ chức đào tạo, tuyên truyền để nâng cao ý thức và hiểu biết của cơ sở và người dân về vấn đề này, cũng như tổ chức đào tạo nhân lực chuyên nghiệp về công tác an toàn cho các cơ sở.
Năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trước hết phải dựa trên năng lực ứng phó tại chỗ của cơ sở, sau đó là năng lực ứng phó đa ngành tổng hợp của chính quyền cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh, mà nòng cốt là lực lượng PCCC theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy-lực lượng-phương tiện-hậu cần tại chỗ). Sau năm 2011, Cảnh sát PCCC mới được tổ chức hoạt động độc lập và đã góp phần nâng cao rất nhiều năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn cấp tỉnh.
Theo báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh Bình Dương, thì mặc dù tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy theo Quyết định số 230/QĐ-UB ngày 23/01/1997 của UBND tỉnh Bình Dương, tuy nhiên, hoạt động của Ban chỉ đạo này mới tập trung chủ yếu vào việc xây dựng chỉ thị phòng cháy chữa cháy hàng năm, thành lập các đoàn kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và xây dựng chương trình hưởng ứng ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy, đồng thời còn chưa mang tính quản lý chung và mang tính liên ngành. Trong khi đó trên thực tế một khi có sự cố cháy nổ xảy ra, sẽ cần đến sự liên kết tổng lực của các ngành nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan.
Các phương án phòng cháy chữa cháy của từng nhóm ngành như: sản xuất sơn keo,kinh doanh xăng dầu, chế biến gỗ,... đã được Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy xây dựng với nguồn lực được huy động một số lực lượng bên ngoài như công an xã, lực lượng Công an 113, trường sỹ quan công binh... Song, các phương án này mới tập trung vào việc chữa cháy, chống cháy lan, đồng thời còn chưa quan tâm xem xét đến việc giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường trong khi chữa cháy và khắc phục, giải quyết hậu quả về các vấn đề môi trường sau khi chữa cháy.
Đồng thời các phương án chữa cháy chưa có sự liên kết với nhau, chưa có các thống kê về các điểm có nguy cơ cháy nổ nguy hiểm trên địa bàn tỉnh, cũng như chưa có các phương án dự phòng trong trường hợp xuất hiện cùng một lúc nhiều đám cháy lớn xảy ra. Thông tin về trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng chưa được thống kê thu thập một cách bài bản và đưa vào cơ sở dữ liệu chung, mà chỉ thực hiện trong từng địa bàn, vì vậy, việc huy động tổng lực phương tiện từ các cơ sở khi có cháy xảy ra sẽ khó được giải quyết nhanh chóng.
Những ngành công nghiệp và các loại hình cơ sở kinh doanh, sử dụng, sản xuất và bảo quản nhiên liệu, hóa chất tính nguy hiểm cao dẫn đến sự cố cháy nổ hóa chất, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường không chỉ trên địa bàn của tỉnh Bình Dương, mà còn ảnh hưởng đến các khu vực ráp ranh với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh khác. Ngoài ra, hai con sông quan trọng cung cấp nước sinh hoạt cho TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai cùng nhiều nhánh của hai con sông này chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, cũng có thể bị ảnh hưởng.
Vì vậy, công tác phối hợp với các tỉnh bạn và lực lượng khác về chữa cháy cũng đã được xây dựng, cụ thể là đã ký kết quy chế phối hợp với thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Quân đoàn 4 trong việc hỗ trợ lực lượng khi có đám cháy lớn xảy ra.Lực lượng và phương tiện phòng cháy chữa cháy của tỉnh Bình Dương vẫn còn yếu, thiếu và không đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong tình hình phát triển kinh tế-xã hội hiện nay cũng như phát triển trong tương lai.
Hiện nay trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn tỉnh Bình Dương nói riêng vẫn chưa có các trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp. Công việc liên quan đến các sự cố mới chỉ dừng lại ở khâu giải quyết hậu quả sau sự cố. Thực sự để việc ứng phó các sự cố lớn có kết quả tốt, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở với trung tâm cứu hộ với các thiết bị hiện đại, các công cụ hỗ trợ như các hướng dẫn cứu hộ cụ thể cho các loại hóa chất khác nhau, và nhân viên cứu hộ phải chuyên nghiệp và được đào tạo chính quy.
Trong thời gian tới, dự báo với sự phát triển mạnh về công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kết hợp với việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến; đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới; phát triển gắn kết giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài; xây dựng các thương hiệu sản phẩm uy tính. Nguy cơ cháy, nổ ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các cơ sở có sử dụng hóa chất độc hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường.
Trước bối cảnh và tình hình nêu trên, thì yêu cầu đặt ra đối với việc tổ chức hoạt động PCCC đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương là:
- Triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp, các ngành về tổ chức hoạt động PCCC;
- Đảm bảo điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở từ giai đoạn thiết kế, xây dựng công trình đến quá trình hoạt động nhằm loại trừ nguyên nhân, điều kiện gây cháy;
- Không để xảy ra cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, nhất là cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Nếu có cháy nổ xảy ra thì tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động cứu người, tài sản, chống cháy lan và chữa cháy kịp thời, hiệu quả.
Để đảm các yêu cầu nêu trên tại các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, cần những định hướng trọng tâm như sau:
- Nâng cao trách nhiệm về PCCC của người đứng đầu cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm tổ chức hoạt động PCCC tại các cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, đảm bảo theo quy định của pháp luật;
- Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC đối với các cơ sở sản xuất, nhất là đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tạo những cơ chế, chính sách cho lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về PCCC đối với các cơ sở trên địa bàn tỉnh;
- Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất cho các cấp, các ngành nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động PCCC tại các cơ sở;
- Đề xuất với UBND tỉnh đầu tư các trang thiết bị PCCC phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng được khả năng ứng phó với các sự cố phức tạp nhất có thể xảy ra;
- Chú trọng nâng cao nghiệp vụ của Cảnh sát PCCC tỉnh để sẵn sàng xử lý các sự cố tai nạn, cháy nổ trên địa bàn tỉnh.
b. Năng lực và phương tiện ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở hóa chất:
Đối với các doanh nghiệp đã thực hiện Kế hoạch hoặc Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố phần lớn đã bố trí cán bộ phụ trách môi trường và an toàn lao động. Cán bộ quản lý kỹ thuật tại các cơ sở đa số có trình độ chuyên môn hóa chất từ cao đẳng trở lên. Các cơ sở đã đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố hóa chất, hệ thống bảo vệ, dự phòng ứng phó, ngăn chặn sự cố theo quy định. Các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước Châu Âu…) đều có bộ phận quản lý an toàn – môi trường và đã trang bị phương tiện bảo hộ lao động cá nhân, ứng phó sự cố một cách tương đối đầy đủ theo quy định, phù hợp và bảo đảm an toàn cho công nhân làm việc trực tiếp với hóa chất và ứng phó sự cố. Tuy nhiên, còn một bộ phận lớn các doanh nghiệp không bố trí cán bộ quản lý an toàn hóa chất hoặc có bố trí nhưng không phù hợp chuyên môn và trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất hầu như không trang bị (chủ yếu là các trang thiết bị PCCC).
Nhìn chung, trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu là trang thiết bị PCCC và các trang thiết bị ứng phó sự cố hóa chất ở mức độ tràn đổ, trò rỉ nhỏ.
C. DỰ BÁO NGUY CƠ VÀ TÌNH HUỐNG XẢY RA SỰ CỐ HÓA CHẤT
I. Nguy cơ trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bảo quản và sử dụng hóa chất.
1. Các nguy cơ chính trong hoạt động hóa chất như: cháy nổ; rò rỉ khí độc hại; rò rỉ, tràn đổ chất ăn mòn; người lao động bị ngộ độc hóa chất, bị hóa chất bắn vào cơ thể gây bỏng.
2. Các nguy nhân và tình huống xảy ra sự cố:
- Do chập điện gây cháy nổ hóa chất;
- Do không kiểm soát được các điều kiện, thông số kỹ thuật (nhiệt độ, áp suất...) trong quá trình phản ứng;
- Do thao tác của công nhân không đúng kỹ thuật, không tuân thủ các quy định về an toàn làm việc với hóa chất;
- Do hệ thống giá/kệ bảo quản hóa chất bị hỏng hay gặp phải sự cố do: chứa quá tải trọng quy định, việc sắp xếp/đặt để giá không đúng kỹ thuật, giá đã dùng quá lâu, bị ăn mòn bởi các loại hóa chất khác, do va chạm với xe nâng trong quá trình vận hành;
- Do bao bì chứa bị thủng, hỏng do dùng lâu ngày hoặc không đạt tiêu chuẩn
- Do các sự cố bất ngờ: cháy, nổ, bão, động đất…
- Do các van, mặt bích, đồng hồ đo áp suất của bồn chứa bị hỏng, mất kín khít dẫn tới rò rỉ;
- Do hệ thống thiết bị sử dụng lâu ngày dẫn đến bị ăn mòn tại các vị trí nối, hàn nối.
- Biến dạng của vật liệu chế tạo thiết bị do ăn mòn hoặc sức bền vật liệu giảm theo thời gian dài sử dụng
- Việc áp dụng chế độ kiểm định, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị chưa được đảm bảo.
- Do chưa tuân thủ các quy tắc khi nhập hóa chất vào bồn gây sự cố.
II. Nguy cơ xảy ra sự cố trong vận chuyển hóa chất
1. Các nguồn vận chuyển hóa chất.
Hóa chất hiện tại đang sử dụng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phần lớn là do doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài thông qua các cảng tại TpHCM và Đồng Nai. Số lượng còn lại được cung cấp bởi các nhà máy sản xuất như Công ty Ve Dan và Công ty Hóa chất Biên Hòa (chuyên cung cấp các loại hóa chất ăn mòn như HCl, NaOH...) và các nhà phân phối hóa chất lớn tại TpHCM như Công ty Đắc Trường Phát, Công ty Tân Hùng Thái, Công ty Kiến Vương, Công ty Bình Trí, Công ty Sapa, Công ty Top Solvent (chuyên cung cấp các loại dung môi công nghiệp), Công ty Cổ phần F.A (chuyên cung cấp khí NH3 hóa lỏng)…
2. Các tuyến đường vận chuyển chính.
Dựa trên cơ sở hóa chất được vận chuyển về từ cảng Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, từ các kho bãi ở KCN Sóng Thần về các KCN, giữa TP. HCM – Biên Hòa – Bình Dương, giữa hay nội các KCN, thì bước đầu có thể mô tả một số tuyến đường vận chuyển hóa chất bằng đường bộ, nguyên vật liệu chính như sau:
- Quốc lộ 1A, đoạn từ Cầu vượt Trạm 2 (giao với Xa lộ Hà nội) đến cầu vượt Bình Phước (giao với quốc lộ 13), thuộc địa phận TX. Dĩ An giáp ranh với TP. HCM. Đây là con đường huyết mạch, với các xe container liên tục ra vào KCN Sóng thần.
- Quốc lộ 13, kéo dài từ cầu vượt Bình Phước (địa phận giáp ranh thành phố Hồ Chí Minh) lên đến KCN Bàu Bàng, xã Lai Hưng và Lai Uyên, huyện Bến cát, đi qua địa phận thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát. Đây là con đường quan trọng vận chuyển hàng hóa về các khu Công nghiệp VSIP, Việt Hương, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3, KCN Bàu Bàng…
- Quốc lộ 1K, chạy từ ngã tư Linh Xuân, sang TP. Biên Hòa. Đây là con đường huyết mạch thông thương giữa Bình dương và Biên Hòa, đi qua địa phận TX. Dĩ An.
- Tỉnh lộ 743, đường tỉnh 743C thuộc địa phận thị xã Dĩ An, Thuận An.
- Tỉnh lộ 744, đoạn từ ngã ba Suối Giữa đến An Tây - KCN Việt Hương 2, thuộc địa phân huyện Bến Cát.
- Các con đường trong khu công nghiệp, đặc biệt các con đường thuộc địa phận KCN Sóng Thần, Dĩ An, nơi tập trung khá nhiều doanh nghiệp có sử dụng hóa chất, mật độ xe và người khá lớn.
- Trong tương lai: đường Mỹ Phước – Tân vạn.
Phần lớn các tuyến đường giao thông đều có mật độ giao thông khá cao. Nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và kèm theo sự cố hóa chất là rất lớn. Do vậy, xác suất xảy ra sự cố hóa chất do tai nạn giao thông trên các tuyến đường là cao nhất. Sự cố hóa chất trên đường giao thông nếu kèm theo cháy nổ, hay xả khí độc, hậu quả cũng rất nghiêm trọng cho sức khỏe con người. Trong các tuyến đường giao thông trên, thì Tỉnh lộ số 744 có cầu bắc qua một nhánh của sông Sài gòn (cầu Ông Cộ). Tuyến đường này có mật độ giao thông không cao, nên xác suất tai nạn trên cầu rất nhỏ, do vậy, có thể loại trừ nguy cơ tràn đổ hóa chất xuống sông do tai nạn giao thông trên đường.
Nhìn chung, trong các khu vực đô thị thì sự cố hóa chất trên đường giao thông có xác suất xảy ra cao nhất ở địa bàn thị xã Dĩ An, kế đến là thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Bến cát và thị xã Tân Uyên.
3. Các loại hình vận chuyển.
- Đối với các loại dung môi công nghiệp thì hình thức vận chuyển là các phuy chứa từ 160 kg đến 200 kg;
- Đối với hóa chất ăn mòn như HCl, H2SO4, NaOH... thì hình thức vận chuyển là chứa trong xitec chuyên dụng , các can nhựa 1000l, 200l, 50l...
- Đối với hóa chất NH3 hóa lỏng, Cl2 hóa lỏng thì hình thức vận chuyển là chứa trong bồn áp lực chuyên dụng.
4. Đánh giá nguy cơ trong quá trình vận chuyển.
Theo quy định, khi chuyên chở hoá chất nguy hiểm, đơn vị chuyên chở phải được cấp phép vận chuyển hoá chất nguy hiểm, có đầy đủ về năng lực, nhân lực, tài xế, nhân viên áp tải hàng hoá phải được qua đào tạo huấn luyện cơ bản về an toàn hoá chất. Mặt khác hoạt động vận chuyển hóa chất trên địa bàn tỉnh trên thực tế chưa có thống kê và khó kiểm soát vì các lý do sau: Việc cấp phép vận chuyển hóa chất do các Bộ quản lý theo Nghị định số 104/2009/NĐ-CP nhưng chưa có quy định về việc khi vận chuyển hóa chất qua địa bàn phải cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý địa phương. Ý thức chấp hành quy định cũng như nhận thức mối nguy hiểm của việc vận chuyển hóa chất chưa cao, thậm chí không có hiểu biết tối thiểu về hóa chất chuyên chở của chủ phương tiện vận chuyển sẽ là một trong các nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất trên đường vận chuyển. Nhiều cơ sở hoạt động hoá chất hợp đồng thuê đơn vị vận chuyển hoá chất nhưng không nắm rõ thông tin về việc đơn vị vận chuyển có chức năng chuyên chở hoá chất nguy hiểm hay không, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những sự cố trong quá trình vận chuyển, có thể gây ra những tai nạn không lường trước.
Các doanh nghiệp khi vận chuyển hóa chất phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa đạt yêu cầu theo quy định. Người tham gia vận chuyển hóa chất nguy hiểm( lái xe, người áp tải hàng, phụ xe) chưa được đào tạo, huấn luyện cơ bản về an toàn theo Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do đó, khi có sự cố xảy ra, người tham gia vận chuyển không có phương án ứng phó kịp thời.
Hóa chất là dạng chất lỏng vận chuyển trên đường nếu không được chứa trong thiết bị chuyên dụng, đảm bảo an toàn thì rất dễ xảy ra sự cố như lật ngã phương tiện, hỏng bao bì gây rò rỉ, tràn đổ.
Nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển hóa chất, là rất hiện hữu với những tác động, thiệt hại nguy hiểm đối với con người, kinh tế, tài sản và môi trường. Do đó, cần phải áp dụng các giải pháp và kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hiệu quả.
D. KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA SỰ CỐ HÓA CHẤT
I. Giải pháp về quản lý.
1. Đối với cơ quan quản lý nhà nước.
a. Giải pháp tăng cường quy hoạch sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phòng ngừa sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh:
- Tổ chức đánh giá rủi ro hóa chất trong quy hoạch sử dụng đất trên cơ sở xây dựng tiêu chí chấp nhận mức rủi ro hóa chất.
- Đưa ra các khuyến cáo trong việc sử dụng đất trên cơ sở phân vùng rủi ro và phân loại các nhóm hóa chất nguy hiểm để xác định khoảng cách cách ly an toàn.
b. Giải pháp quy hoạch khu, cụm công nghiệp hóa chất tập trung, bảo đảm phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ sự cố hóa chất trên địa bàn:
- Quy hoạch khu, cụm công nghiệp hóa chất tập trung tại các huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và Phú Giáo (ưu tiên cho các huyện Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng).
- Từng bước di dời các cơ sở hoạt động hóa chất nằm trên các khu vực đô thị có đông dân cư vào trong các khu, cụm công nghiệp hóa chất tập trung.
c. Giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất:
- Tiếp tục kiện toàn cơ chế, chính sách, hạ tầng, phương tiện thiết bị kỹ thuật và nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, bảo đảm thực thi ngày càng hiệu lực và hiệu quả Luật hóa chất 2007.
- Kiện toàn tổ chức ứng phó sự cố hóa chất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, tổ chức tập huấn kiến thức về ứng phó sự cố cho đội ngũ tham gia hoạt động ứng phó.
- Tăng cường năng lực, trang thiết bị và đào tạo kiến thức chuyên môn sâu rộng về hoá chất cho các đơn vị phòng cháy chữa cháy cơ sở, các địa phương và doanh nghiệp theo phương châm 4 tại chỗ.
- Xây dựng và ban hành quy định huy động trong quá trình ứng phó sự cố và hình thức thanh toán, chi trả trong quá trình huy động, trưng mua, trưng dụng; xây dựng và ban hành chính sách đối với đội ngũ tham gia ứng phó sự cố hóa chất.
- Xây dựng và ban hành quy định về lộ trình, tuyến vận chuyển hóa chất độc hại (các tuyến đường sắt, đường thủy và đường bộ) trên cơ sở bảo đảm đầy đủ thẩm quyền và hiệu lực quản lý của UBND tỉnh trên phạm vi ranh giới và địa bàn được giao quản lý; quy định về các trang thiết bị, công trình cần trang bị tại các khu vực có nguy cơ cao về sự cố hóa chất.
- Xây dựng các quy định cụ thể về vận chuyển hóa chất độc hại áp dụng cho các nhóm hóa chất có nguy cơ tác động lớn đến cộng đồng và môi trường.
- Đẩy mạnh ứng dụng công cụ mô hình hóa vào quản lý hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Xây dựng, thiết kế hệ thống phần mềm quản lý số hóa bản đồ khoanh vùng ảnh hưởng, phân bố lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất và mô tả phạm vi ảnh hưởng và bố trí trang thiết bị, nguồn lực khác ứng cứu khi sự cố xảy ra để thuận lợi trong công tác chỉ đạo ứng phó.
- Đẩy mạnh công tác quản lý chặt chẽ các hoạt động liên quan đến hóa chất cho 04 đối tượng chính: sản xuất; kinh doanh; sử dụng và vận chuyển hóa chất.
- Tiến hành rà soát lập kế hoạch và xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và các thủ tục quản lý hóa chất khác tại các cơ sở, doanh nghiệp.
- Phổ biến, tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động hóa chất ghi nhãn hóa chất theo Hệ thống hài hòa toàn cầu – GHS của Liên hợp quốc.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hóa chất trên các kênh thông tin đại chúng, tổ chức phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất.
- Quản lý quy hoạch về xây dựng dự án hóa chất phù hợp với đặc điểm, tính chất của hóa chất và công nghệ sản xuất, bảo quản hóa chất, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn hóa chất.
- Tăng cường công tác hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có kho chứa hóa chất riêng biệt, việc bố trí nơi lưu trữ hóa chất tuân thủ các quy định, quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất thuộc danh mục Phụ lục IV, Phụ lục VII của Nghị định số 26/2011/NĐ-CP ngày 08/4/2011 của Chính phủ xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trình cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.
- Bố trí khu kho lưu chứa hóa chất BVTV cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hóa chất BVTV và nơi lưu chứa tang vật là thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, thuốc giả, thuốc ngoài danh mục theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ hàng năm thanh tra, kiểm tra hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh đối với các cơ sở có nguy cơ cao xảy ra sự cố.
d. Giải pháp tăng cường cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý chức năng, thiết lập hệ thống thông tin quản lý rủi ro hóa chất thống nhất trên địa bàn tỉnh:
- Sở Công Thương chủ trì tăng cường công tác phối hợp với các ngành có liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhằm đưa hoạt động hóa chất đi vào nề nếp, hạn chế và giảm thiểu đến mức tối đa sự cố liên quan đến hóa chất.
- Thiết lập hệ thống thông tin quản lý rủi ro hóa chất thống nhất tại Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh, ban hành quy chế khai thác và sử dụng thông tin quản lý rủi ro hóa chất phù hợp quy định chung của Chính phủ.
- Các sở, ban, ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất và thông báo đến Ban chỉ đạo ứng phó sự cố, cơ quan chức năng có liên quan những nội dung không thuộc thẩm quyền xử lý khi xảy ra tình huống có khả năng mất an toàn trong hoạt động hóa chất.
- Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, nơi thực hiện dự án hoặc nơi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ hóa chất để tổ chức kiểm tra, thẩm định biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các tổ chức, cá nhân của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất.
2. Đối với các cơ sở có nguy cơ gây ra sự cố hóa chất.
a. Giải pháp tăng cường thực hiện Chương trình quản lý rủi ro và ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở, doanh nghiệp: Các cơ sở hoạt động hóa chất đảm bảo tự chủ tổ chức thực hiện và duy trì thực hiện hàng năm Chương trình quản lý rủi ro, ứng phó sự cố hóa chất của cơ sở mình theo mô hình phân cấp từ Ban giám đốc xuống các phòng, ban đến các xưởng, phân xưởng và tổ, ca sản xuất.
b. Giải pháp nâng cao năng lực phòng ngừa sự cố hóa chất:
- Tăng cường nâng cao nhận thức cho các cơ sở, doanh nghiệp thông qua tổ chức Hội thảo giới thiệu Hệ thống hài hòa toàn cầu về ghi nhãn hóa chất (GHS) và Thông tư số 04/2012/TT-BCT, tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cho các cán bộ liên quan và tổ chức diễn tập kết hợp với diễn tập phòng cháy chữa cháy.
- Nâng cao năng lực phòng ngừa sự cố hóa chất cho các cơ sở thông qua việc thực hiện chương trình nâng cao ý thức doanh nghiệp và cộng đồng; tổ chức công tác tập huấn định kỳ về quản lý rủi ro hóa chất; kiểm tra, thực hiện và khắc phục các điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm; thực hiện Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của cơ sở mình; đầu tư, trang bị các phương tiện, thiết bị và nhân lực phục vụ công tác ứng phó sự cố; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất khi có yêu cầu; đăng ký về tuyến đường sẽ vận chuyển hóa chất và thông báo cho các đơn vị quản lý mỗi khi tiến hành vận chuyển các loại hóa chất có tính độc hại cao.
II. Giải pháp nâng cao năng lực của người lao động, cơ sở hóa chất trong hoạt động phòng ngừa hóa chất.
1. Nâng cao năng lực người lao động, cơ sở hóa chất trong hoạt động phòng ngừa và ứng phó sự cố hóa chất.
- Người lãnh đạo, người quản lý và người lao động trực tiếp sử dụng sản xuất, kinh doanh và tồn chứa hóa chất của tổ chức hoạt động hóa chất được huấn luyện định kỳ và cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn hóa chất theo quy định.
- Xây dựng hệ thống Quy trình vận hành; Quy trình xử lý sự cố, bảo dưỡng cho dây chuyền, máy, thiết bị; Quy định an toàn cho từng phân xưởng, dây chuyền, máy, thiết bị, vật tư, hóa chất sử dụng; các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; các biện pháp về kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ và đầu tư trang thiết bị bảo đảm các công tác an toàn trong kế hoạch bảo hộ lao động hàng năm.
- Định kỳ bảo dưỡng, sửa chữa các máy, thiết bị; thực hiện kiểm định định kỳ và đăng ký đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và máy, thiết bị có khả năng gây mất an toàn hóa chất; lựa chọn tổ chức kiểm định các thiết bị áp lực, thiết bị nâng đáp ứng các điều kiện theo quy định.
- Trang bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị, bảo hộ cá nhân theo kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định. Hàng năm tổ chức cho người lao động tham gia hoạt động diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.
- Các cơ sở hóa chất đảm bảo nghiêm túc thực hiện kế hoạch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về quản lý rủi ro hóa chất.
- Ban chỉ đạo ứng phó sự cố đảm bảo thực hiện hàng năm Chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cơ sở hóa chất và người lao động trên cơ sở phân công nhiệm vụ cho các thành viên và sự phối hợp liên tịch giữa các thành viên liên quan.
- Ban chỉ đạo ứng phó sự cố đảm bảo cơ chế theo dõi, giám sát và cung cấp thông tin của cộng đồng dân cư, người dân đối với công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn.
2. Yêu cầu về công tác đào tạo trong đảm bảo an toàn hóa chất.
- Đối tượng huấn luyện, đào tạo nâng cao năng lực là người lãnh đạo, người quản lý và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất của cơ sở, doanh nghiệp hóa chất.
- Nội dung đào tạo, huấn luyện, cấp giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn liên quan đến sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất phải phù hợp với tính chất, chủng loại, mức độ nguy hiểm của hóa chất tại cơ sở hoạt động hóa chất, vị trí việc làm của đối tượng được huấn luyện và thực hiện theo quy định tại các văn bản của Bộ Công Thương: Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22/10/2014 quy định về huấn luyện về kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất; Thông tư số 44/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 quy định Danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; Thông tư số 41/2011/TT-BCT ngày 16/12/2011 quy định về quản lý an toàn trong lĩnh vực dầu khí hóa lỏng; Quyết định số 51/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong bảo quản, vận chuyển, sử dụng và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; Thông tư số 04/2012/TT-BCT ngày 13/02/2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định phân loại và ghi nhãn hóa chất và Thông tư số 07/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc đăng ký sử dụng hóa chất nguy hiểm để sản xuất sản phẩm, hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp.
3. Rà soát, yêu cầu chủ dự án, chủ doanh nghiệp hóa chất xây dựng Kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất theo quy định của pháp luật.
- Tổ chức rà soát về nguồn nhân lực ứng phó sự cố gồm: nguồn nhân lực ứng phó sự cố hóa chất trực tiếp tại các cơ sở do chủ cơ sở xây dựng và đào tạo; nguồn nhân lực quản lý tại các Sở, ngành có liên quan và lực lượng ứng phó sự cố hóa chất được xây dựng và phát triển trên cơ sở lực lượng PCCC từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở.
- Tổ chức rà soát về phương tiện, thiết bị ứng phó sự cố gồm: trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố tại các cơ sở hoạt động hóa chất và phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố cung cấp cho các lực lượng PCCC từ cấp tỉnh cho đến cấp xã.
- Tổ chức rà soát về chương trình, kế hoạch đào tạo và diễn tập ứng phó sự cố gồm: Chương trình đào tạo ứng phó sự cố hóa chất của Sở Công Thương, Chương trình đào tạo, tập huấn ứng phó sự cố của Cảnh sát PCCC và Chương trình diễn tập ứng phó sự cố của các cơ sở hoạt động hóa chất độc hại.
III. Các giải pháp và biện pháp phòng ngừa sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển hóa chất.
1. Phân tuyến giao thông đường bộ vận chuyển hóa chất gồm: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13; Đường tỉnh 741, 742, 743, 744, 746, 747, 748, 749, 750, đường Bố Lá – Bến Súc và đường Mỹ Phước – Tân Vạn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
2. Các giải pháp phòng ngừa sự cố trong quá trình vận chuyển hóa chất:
- Việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải thực hiện các quy định của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các quy định khác có liên quan.
- Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương thực hiện công tác kiểm tra an toàn về PCCC định kỳ đối với phương tiện vận chuyển hóa chất có nguy cơ cao về sự cố và thực hiện cấp giấy phép vận chuyển hóa chất có nguy cơ cao.
- Thiết lập các chốt kiểm tra an toàn về PCCC trong quá trình vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên địa bàn.
- Đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền giáo dục về kiến thức, pháp luật về an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm cho các đơn vị, cá nhân thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hóa chất.
- Kiểm tra an toàn đối với phương tiện trước mỗi chuyến vận chuyển.
- Sắp xếp các loại hóa chất trên phương tiện vận chuyển tuân thủ tiêu chuẩn quy định của nhà nước về an toàn hóa chất trong vận chuyển.
- Phương tiện vận chuyển hóa chất đảm bảo an toàn theo đúng quy định.
- Phương tiện vận chuyển hóa chất đảm bảo an toàn theo đúng quy định.
IV. KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG.
1. Phân cấp các sự cố hóa chất xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ vào phạm vi, mức độ nguy hiểm của các trường hợp sự cố hóa chất có thể xảy ra, phương án ứng phó được lập tương ứng với 3 cấp độ như sau:
a. Quy mô sự cố và cấp ứng phó đối với cấp cơ sở (cấp 1):
Sự cố hóa chất cấp cơ sở không lập tức gây nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản, môi trường, sản xuất và kinh tế. Các tình huống này có thể kiểm soát bởi các biện pháp xử lý tại chỗ. Trong trường hợp này, chủ cơ sở chịu trách nhiệm chỉ huy hiện trường, tổ chức chỉ huy lực lượng ứng phó sự cố cấp cơ sở để thực hiện ứng cứu kịp thời. Đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm huy động lực lượng và thực hiện các biện pháp xử lý trên.
Trong trường hợp sự cố hoá chất vượt quá khả năng xử lý của cơ sở, nguồn lực tại chỗ không đủ khả năng tự ứng cứu, thì chủ cơ sở phải kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh.
b. Quy mô sự cố và cấp ứng phó đối với cấp tỉnh (cấp 2):
Sự cố hóa chất cấp tỉnh gây nên những nguy hiểm nhất định đối với tính mạng, tài sản và môi trường (cháy nổ nhỏ, tràn đổ, nhiễm độc hóa chất...). Để kiểm soát các tình huống này, thì ngoài việc triển khai các biện pháp ứng cứu bằng lực lượng của cơ sở, mà còn phải có sự phối hợp, hỗ trợ ứng cứu của các lực lượng, phương tiện sẵn có gần kề khu vực xảy ra sự cố theo các phương án ứng phó đã chuẩn bị trước.
Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng cứu của cơ sở hoặc của các khu, cụm công nghiệp, thì Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh tổ chức ứng cứu theo kế hoạch, đồng thời đề xuất huy động khẩn cấp nguồn lực cần thiết của các khu vực trong tỉnh và phối hợp các tỉnh, thành tiếp giáp với tỉnh Bình Dương để ứng cứu.
c. Ngoài hai phân cấp sự cố hóa chất ở trên, còn có thể xảy ra trường hợp sự cố hóa chất gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sự sống con người, môi trường, hoặc có khả năng gây thiệt hại toàn bộ công trình (chết người, cháy nổ lớn...). Tình huống này có thể xuất hiện ngay lập tức hoặc xuất phát từ các tình huống, sự cố thấp hơn do không kiểm soát được và phát triển theo xu hướng ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng. Khi mức độ nguy hiểm vượt quá khả năng ứng phó của Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh, UBND tỉnh sẽ công bố sự cố hóa chất cấp quốc gia (cấp 3) và kịp thời báo cáo để Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn trực tiếp chỉ đạo, Chính phủ, Bộ và các các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức ứng phó.
2. Quy trình và giải pháp thông tin, tiếp nhận và xử lý thông tin; phương thức thông báo sự cố trên các phương tiện thông tin đại chúng:
a. Khi có sự cố xảy ra, quy trình thông tin, tiếp nhận và xử lý thông tin sự cố được tiến hành như sau:
- Nhân viên cơ sở khi phát hiện sự cố ngay lập tức tổ chức ứng phó sự cố và thông báo cho Ban ứng phó sự cố cấp cơ sở.
- Ban ứng phó sự cố cấp cơ sở báo cho Thường trực Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh (Sở Công Thương) các nội dung về tình hình sự cố theo quy định, đồng thời tổ chức triển khai hoạt động ứng phó sự cố; Thường trực Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh ghi nhận thông tin vào sổ trực ban.
- Khi sự cố nằm ngoài tầm ứng phó của cấp cơ sở, Ban ứng phó sự cố cấp cơ sở báo cho Thường trực Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh để được hỗ trợ.
- Khi nhận được yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp, Thường trực Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh (Sở Công Thương) báo cáo ngay cho Trưởng ban chỉ đạo ứng phó và lập tức tập hợp, huy động lực lượng, phương tiện thực hiện việc ứng phó. Nếu khả năng ứng phó vượt quá tầm của tỉnh, Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh sẽ liên hệ với các tỉnh, thành lân cận, các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn để được hỗ trợ về nhân lực và phương tiện ứng phó sự cố.
b. Trong quá trình ứng phó sự cố, phương thức thông báo sự cố hóa chất trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện như sau:
- Thông tin về sự cố và ứng phó sự cố được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng bởi Trưởng ban Ban chỉ đạo/Trưởng ban Thông tin liên lạc.
- Nội dung thông tin về sự cố hóa chất bao gồm:
Thông tin về sự cố môi trường do rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ hóa chất: Nguồn và nguyên nhân gây ra sự cố, tên và đặc tính của hóa chất, ước tính quy mô sự cố, phạm vi tác động; diễn biến sự cố, hướng gió hiện tại, khu vực bị ảnh hưởng, mức độ cảnh báo…;
Các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị về ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố do rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ hóa chất của Tỉnh.
- Lực lượng truyền thông thông tin chủ đạo về sự cố: Bưu điện, Đài phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Đài phát thanh và Truyền hình cấp huyện, Đài phát thanh cấp xã, Báo Bình Dương và các Công ty viễn thông hoạt động trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phổ biến thông tin được cung cấp đến người dân.
- Phương thức thông tin: tin nhắn điện thoại, fax, email, bản tin, phóng sự, loa truyền thanh tại địa phương…
3. Sơ đồ quy trình ứng phó và khắc phục hậu quả sau sự cố hóa chất.
4. Xây dựng các kịch bảng, tình huống sự cố hóa chất lớn có thể và phương án ứng phó.
Các kịch bản sự cố hóa chất lớn (cấp 2 trở lên) có thể được xác định bởi 03 tình huống điển hình dựa vào tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh như sau:
+ Tình huống xảy ra sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất độc có khả năng ảnh hưởng trên phạm vị rộng.
+ Tình huống xảy ra sự cố tràn đổ, rò rỉ đối hóa chất ăn mòn.
+ Tình huống xảy ra sự cố rò rỉ, tràn đổ chất thải trên đường vận chuyển.
IV. Tình huống xảy ra sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất độc có khả năng ảnh hưởng trên phạm vị rộng (Giả định tình huống sự cố đối với khí amoniac khan)
1. Mô tả chung.
Amoniac khan được sử dụng nhiều trong các ngành sản xuất như: tôn thép (Các Công ty: Tôn Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, Tôn Nam Kim, Tôn Đông Á), chế biến mủ cao su (Cao su Dầu Tiếng, Cao su Phước Hòa), thực phẩm (Sữa Vinamilk, Nhà mày nước đá Dĩ An), kho bảo quản lạnh (Công Ty TNHH Swire Cold Storage Việt Nam). Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có sử dụng Amoniac khan được hóa lỏng chứa trong bồn áp lực. Khi sự cố về bồn chứa gây rò rỉ, khí amoniac tùy theo mức độ rò rỉ và hướng gió có thể gây ảnh hưởng trong phạm vi rộng. Khí amoniac là loại khí độc, khi hít phải có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe, tình trạng xâu nhất có thể gây tử vong.
2. Hậu quả, phạm vi tác động, mức độ tác động đến con người, môi trường khi rò rỉ Amoniac.
Amoniac khan khi bị phát tán vào môi trường rất dễ hình thành đám mây khí Amoniac có mùi khai khó chịu. Tùy thuộc vào nồng độ của Amoniac trong không khí cũng như thời gian tiếp xúc sẽ ảnh hưởng đến con người, môi trường ở mức độ khác nhau. Khác với các sự cố gây cháy nổ, sự cố rò rỉ khí độc thường gây ra một phạm vi ảnh hưởng lớn hơn nhiều.
Ảnh hưởng cụ thể của Amoniac đối với con người Amoniac là một chất kích thích, ăn mòn da, đường hô hấp, mắt và màng nhầy. Nó có thể gây bỏng nặng cho mắt, phổi và da.
Giả định tại Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen ở Khu Công nghiệp Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An có hoạt động tồn trữ và sử dụng bồn Amoniac khan dung tích 20 m3 bị sự cố thủng bồn chứa làm rò rỉ ra bên ngoài môi trường khoảng 10 tấn Amoniac khan, phát tán theo hướng gió Tây Nam, kết quả mô phỏng theo mô hình Aloha cho kết quả như sau:
Hinh 1: Kết quả chạy mô hình Aloha sự cố rò khỉ khí Amoniac khan tại Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen – KCN Sóng Thần 2, Dĩ An
- Trong phạm vi khoảng cách 1.1 km theo hướng gió: Với nồng độ AEGL-3 trên 1100 ppm trong vòng 60 phút tác động rất mạnh, có thể làm chết người nếu không được cấp cứu kịp thời.
- Trong phạm vi khoảng cách 3.7 km theo hướng gió: Với nồng độ AEGL-2 trên 160 ppm trong vòng 60 phút tác động rất mạnh, có thể gây tổn hại đến sức khỏe, phải sơ tán tạm thời hay dài.
- Trong phạm vi khoảng cách lớn hơn 10 km theo hướng gió: Với nồng độ AEGL-1 trên 30 ppm trong vòng 60 phút gây khó chịu, có mùi, kích thích da, mắt như là tác động nhất thời không để lại di chứng.
- Bước 1: Nhân viên của cơ sở ngay lập tức triển khai việc trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động cho bản thân và thông báo sự cố theo quy trình như quy định ở mục a) nêu trên.
< > Bước 2: Ban ứng phó sự cố cơ sở tổ chức ứng phó theo phương án đã được phê duyệt trong đó ưu tiên tiến hành cô lập hóa chất trong khả năng cho phép như bịt các lỗ rò rỉ, tràn đổ, đồng thời triển khai triển khai việc cách ly khu vực sự cố và bố trí các biển cảnh báo. Xác định hướng gió tại thời điểm hiện tại; b. Cảnh sát giao thông:
Chặn các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, không cho người không có nhiệm vụ di chuyển về khu vực xảy ra sự cố.
c. Sở Công Thương:
Tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo các phương án, kế hoạch ứng cứu phù hợp đối với loại hóa chất xảy ra sự cố.
d. Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy:
- Sử dụng trang phục bảo hộ cá nhân phù hợp đảm bảo không bị phơi nhiễm Amoniac đạt các tiêu chuẩn về an toàn như mắt kính, mặt nạ có thiết bị thở...để tiếp cận hiện trường.
- Lực lượng cứu hộ cứu nạn tiến hành tìm kiếm nạn nhân (nếu có) tại hiện trường sự cố;
- Lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh được trang bị xe cứu hỏa và trang thiết bị chữa cháy có khí độc tổ chức dập khí, chữa cháy theo phương án của Cảnh sát PCCC.
- Chịu trách nhiệm chỉ huy chữa cháy với sự tư vấn của Sở Công Thương và chỉ huy chữa cháy tại cơ sở.
- Phân bổ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và các lực lượng chữa cháy hỗ trợ sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Sau khi ứng cứu xong yêu cầu kiểm tra lại hiện trường và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.
4. Những lưu ý khi ứng phó sự cố rò rỉ Amoniac.
- Lực lượng ứng phó phải được trang bị mặt nạ có thiết bị thở để tránh hít phải khí độc
- Amoniac là chất dễ cháy ở nồng độ 15 -28% thể tích không khí
- Có thể sử dụng vòi phun nước, sương mù, để làm giảm lượng hơi amoniac trong không khí
|
a. Lực lượng Quân đội: xử lý khí độc, cứu người theo chỉ đạo của chỉ huy, tiêu tẩy hiện trường, lập điểm làm sạch người, thiết bị ra khỏi vùng đỏ.
- Lực lượng trinh sát (là các cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn về hóa chất – nếu chưa có lực lượng này, đơn vị cần có kế hoạch nâng cao năng lực về ứng phó sự cố hóa chất) khoanh vùng khu nhiễm độc: ít nhất 2 xe trinh sát phóng xạ hóa học, được trang bị khí tài cá nhân đầy đủ, sử dụng các loại máy phát hiện và xác định nồng độ hơi, hóa chất độc công nghiệp. Trên cơ sở dự đoán, khu vực có nguy cơ nhiễm độc do lan truyền, do BCH Tìm kiếm cứu nạn cung cấp, lực lượng hóa học chuyên môn có nhiệm vụ xác định cụ thể vùng nhiễm độc thực tế để làm cơ sở cho quá trình ứng phó và xây dựng phương án khắc phục hậu quả. Phương án trinh sát cụ thể như sau:
+ Phát hiện khoanh vùng nhiễm độc, xác định đến đâu cắm cờ đến đó và ghi lên phiếu thời gian, nồng độ nhiễm.
+ Xác định mức độ nhiễm độc nguy hiểm tại các điểm quan trọng (khu đông dân, khu tập trung các lực lượng tham gia, vị trí chỉ huy…)
Nhiệm vụ trinh sát hóa học được thực hiện liên tục trong suốt quá trình ứng phó, nhằm xác định vùng nhiễm độc nguy hiểm thực tế với các mức độ nguy hiểm khác nhau; các khu vực an toàn… đồng thời trinh sát kiểm tra nhiễm độc cho người ứng cứu, giúp người chỉ huy nắm chắc tình hình nhiễm độc trên địa bàn, để có các quyết định ứng phó kịp thời chính xác.
- Xác định phạm vi ảnh hưởng, tính chất nguy hiểm của hóa chất, dự báo các tình huống diễn biến có thể xảy ra, hỗ trợ kỹ thuật, đầu mối liên lạc
b. Lực lượng Y tế: kiểm tra sức khỏe toàn bộ người ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng, đặt điểm sơ cứu hiện trường.
< >Lưu ý khi cấp cứu nạn nhân phơi nhiễm amoniac
·Hô hấp
- Hít thở phải Amoniac có nguy cơ bỏng mũi họng và khí quản, phù nề cuống phổi và phế nang, phá hủy đường hô hấp dẫn đến suy hô hấp hay tổn thương. Ngưỡng mùi Amoniac rất thấp có thể nhận biết được sự hiện diện của Amoniac ngay khi nồng độ rất nhỏ (ngưỡng mùi = 5 ppm; OSHA PEL = 50 ppm). Ở nồng độ nhỏ, Amoniac gây tổn thương khứu giác một cách từ nên rất khó phát hiện khi tiếp xúc kéo dài.
- Trẻ em có khả năng chịu được cùng mức độ phơi nhiễm với người lớn, đôi khi có thể chịu được liều lớn hơn do tỷ lệ diện tích bề mắt phổi so với trọng lượng cơ thể của trẻ em lớn hơn. Ngoài ra, trẻ em có thể được tiếp xúc với nồng độ cao hơn so với người lớn trong cùng một vị trí do chúng thấp hơn vì amoniac nhẹ hơn không khí.
·Tiếp xúc với da hoặc mắt
- Mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào thời gian phơi nhiễm và nồng độ của dạng khí hoặc lỏng. Ở dạng sương rất dễ gây kích ứng mắt và mũi ngay cả ở nồng độ 100ppm. Ở nồng độ cao hơn có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng. Tiếp xúc với dung dịch amoniac đặc (25%) có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng do ăn mòn bao gồm: bỏng da, tổn thương mắt, mù lòa. Dấu hiệu bị tổn thương mắt chỉ có thể nhận biết đầy đủ sau 1 tuần kể từ khi bị thương. Tiếp xúc với amoniac hóa lỏng có nguy cơ bị bỏng lạnh.
- Trẻ em nhạy cảm với hóa chất độc phơi nhiễm qua da hơn người trưởng thành do tỷ lệ da trên trọng lượng cơ thể của trẻ em lớn hơn của người trưởng thành.
·Tiêu hóa
- Mặc dù rất ít gặp, nhưng amoniac có thể gây tổn thương miệng, họng và dạ dày. Nuốt phải amoniac thường không dẫn đến ngộ độc toàn thân.
V. Tình huống xảy ra sự cố tràn đổ, rò rỉ đối hóa chất ăn mòn (Giả định tình huống sự cố đối với các loại axit vô cơ)
1. Mô tả chung.
Các loại axit vô cơ (HCl, H2SO4...) được sử dụng nhiều trong các ngành sản xuất như: Ắc quy (điển hình là Các Công ty: Ắc quy GS, Wuntaix, Sheng Chang), sản xuất PAC (Lautan Luas), Tôn thép (Tôn Hoa Sen, Đại Thiên Lộc, Tôn Nam Kim, Tôn Đông Á, SunSteel), và các doanh nghiệp có hoạt động xử lý nước thải. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có sử dụng axit vô cơ thường được bảo quản trong các bồn composite có thể tích lớn. Khi sự cố về bồn chứa, đường ống hoặc sự cố trong quá trình xuất, nhập, sử dụng hóa chất có thể gây rò rỉ, tràn đổ gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.
2. Hậu quả, phạm vi tác động, mức độ tác động đến con người, môi trường khi rò rỉ, tràn đổ axit.
Đối với việc axit bị tràn đổ với một khối lượng lớn. Nếu thâm nhập vào môi trường thì nó gây ảnh hưởng trên một phạm vi rộng lớn và rất nghiêm trọng đến môi trường đất, nguồn nước và ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe con người như bỏng da, bỏng mắt, gây kích ứng và suy đường hô hấp…
3. Phương án ứng phó.
< > Bước 1: Nhân viên của cơ sở ngay lập tức triển khai việc trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động cho bản thân và thông báo sự cố theo quy trình như quy định ở mục a) nêu trên. Bước 2: Ban ứng phó sự cố cơ sở tổ chức ứng phó theo phương án đã được phê duyệt trong đó ưu tiên tiến hành cô lập nguồn thải trong khả năng cho phép như bịt các lỗ rò rỉ, tràn đổ, đồng thời triển khai triển khai việc cách ly khu vực sự cố và bố trí các biển cảnh báo. Xác định hướng gió tại thời điểm hiện tại;
Những lưu ý khi ứng phó sự cố rò rỉ, tràn đổ axit
- Sử dụng trang phục bảo hộ cá nhân phù hợp đảm bảo không bị phơi nhiễm axit đạt các tiêu chuẩn về an toàn như quần áo liền chống axit, mắt kính, mặt nạ có thiết bị thở.
- Axit là chất ăn mòn mạnh, có thể làm bỏng da nghiêm trọng tùy theo nồng độ, do đó không được tiếp xúc trực tiếp với hóa chất này
- Cần có biện pháp ngăn chặn axit xâm nhập vào hệ thống cống rãnh, nguồn nước, tầng hầm hoặc các khu vực hạn chế khác;
- Tiêu tẩy, trung hòa axit sau sự cố bằng NaHCO3 loãng hoặc xà phòng
đ. Lực lượng Quân đội: xử lý khí độc, cứu người theo chỉ đạo của chỉ huy, tiêu tẩy hiện trường, lập điểm làm sạch người, thiết bị ra khỏi vùng đỏ.
- Lực lượng trinh sát (là các cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn về hóa chất – nếu chưa có lực lượng này, đơn vị cần có kế hoạch nâng cao năng lực về ứng phó sự cố hóa chất) khoanh vùng khu nhiễm độc: ít nhất 2 xe trinh sát phóng xạ hóa học, được trang bị khí tài cá nhân đầy đủ, sử dụng các loại máy phát hiện và xác định nồng độ hơi, hóa chất độc công nghiệp. Trên cơ sở dự đoán, khu vực có nguy cơ nhiễm độc do lan truyền, do BCH Tìm kiếm cứu nạn cung cấp, lực lượng hóa học chuyên môn có nhiệm vụ xác định cụ thể vùng nhiễm độc thực tế để làm cơ sở cho quá trình ứng phó và xây dựng phương án khắc phục hậu quả. Phương án trinh sát cụ thể như sau:
+ Phát hiện khoanh vùng nhiễm độc, xác định đến đâu cắm cờ đến đó và ghi lên phiếu thời gian, nồng độ nhiễm.
+ Xác định mức độ nhiễm độc nguy hiểm tại các điểm quan trọng (khu đông dân, khu tập trung các lực lượng tham gia, vị trí chỉ huy…)
Nhiệm vụ trinh sát hóa học được thực hiện liên tục trong suốt quá trình ứng phó, nhằm xác định vùng nhiễm độc nguy hiểm thực tế với các mức độ nguy hiểm khác nhau; các khu vực an toàn… đồng thời trinh sát kiểm tra nhiễm độc cho người ứng cứu, giúp người chỉ huy nắm chắc tình hình nhiễm độc trên địa bàn, để có các quyết định ứng phó kịp thời chính xác.
- Xác định phạm vi ảnh hưởng, tính chất nguy hiểm của hóa chất, dự báo các tình huống diễn biến có thể xảy ra, hỗ trợ kỹ thuật, đầu mối liên lạc
e. Lực lượng Y tế: kiểm tra sức khỏe toàn bộ người ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng, đặt điểm sơ cứu hiện trường.
g. Sở Tài nguyên và Môi trường: kiểm tra, giám sát hóa chất tràn đổ bị ngấm vào đất, nguồn nước
< >Lưu ý khi cấp cứu nạn nhân khi bị sự cố đối với axit
- Tiếp xúc mắt: Kiểm tra và tháo bỏ kính sát tròng. Trong trường hợp tiếp xúc, ngay lập tức rửa mắt với nhiều nước trong vòng ít nhất 15 phút. Có thể sử dụng nước lạnh . Chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Tiếp xúc da: Trong trường hợp tiếp xúc, ngay lập tức rửa da với nhiều nước trong ít nhất 15 phút trong lúc đó thay quần áo và giày bị ô nhiễm. Phủ da bị kích thích với chất làm mềm. Có thể sử dụng nước lạnh .Giặt sạch quần áo trước khi tái sử dụng. Triệt để làm sạch giày trước khi tái sử dụng. Chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Tiếp xúc da nghiêm trọng: Rửa sạch với xà phòng thuốc tẩy uế và phủ lớp da bị ô nhiễm với kem chống vi khuẩn. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. 4. Hít phải: Nếu hít vào, chuyển đến nơi không khí trong lành. Nếu không thể thở, hô hấp nhân tạo. Nếu thở khó khăn, cung cấp oxygen. Chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Ảnh hưởng nghiêm trọng qua đường hô hấp: Sơ tán các nạn nhân đến một khu vực an toàn càng sớm càng tốt. Nới lỏng quần áo ở cổ áo, cà vạt, thắt lưng hoặc dây thắt lưng. Nếu thở khó khăn, cung cấp oxy. Nếu nạn nhân không thở, thực hiện hô hấp nhân tạo. Chú ý: Nó có thể gây nguy hiểm cho người thực hiện hô hấp nhân tạo khi vật liệu hít phải là độc hại, lây nhiễm hay ăn mòn. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Sự nuốt : Không được gây nôn trừ khi được thực hiện bởi nhân viên y tế. Không bao giờ cung cấp cho bất cứ điều gì vào miệng nạn nhân bất tỉnh. Nới lỏng quần áo ở cổ áo, cà vạt, thắt lưng hoặc dây thắt lưng.
- Chăm sóc y tế nếu các triệu chứng xuất hiện
2. Tình huống xảy ra sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất trên đường vận chuyển (Giả định tình huống sự cố đối với các loại axit vô cơ)
a. Mô tả chung.
Hóa chất được cung cấp đến các doanh nghiệp hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh chủ yếu là vận chuyển bằng phương tiện cơ giới đường bộ. Do đó, nguy cơ xảy ra sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ hóa chất trong quá trình vận chuyển là rất lớn. Khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển sẽ gây rò rỉ, tràn đổ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người, an toàn giao thông và trật tự xã hội.
b. Hậu quả, phạm vi tác động, mức độ tác động đến con người, môi trường khi rò rỉ, tràn đổ axit trên đường vận chuyển.
Đối với việc axit bị tràn đổ trong quá trình vận chuyển sẽ gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường đất, nguồn nước, gây tai nạn cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khỏe con người như bỏng da, bỏng mắt, gây kích ứng và suy đường hô hấp…
c. Phương án ứng phó.
< > Bước 1: Lái xe, áp tải, phụ xe trên phương tiện (sau đây gọi là chủ phương tiện) ngay lập tức triển khai việc trang bị các trang thiết bị bảo hộ lao động cho bản thân và thông báo sự cố theo quy trình như quy định ở mục a) nêu trên. Bước 2: Chủ phương tiện tiến hành cô lập hóa chất trong khả năng cho phép như bịt các lỗ rò rỉ, tràn đổ, đồng thời triển khai triển khai việc cách ly khu vực sự cố và bố trí các biển cảnh báo. Xác định hướng gió tại thời điểm hiện tại.* Sở Công Thương:
Tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo các phương án, kế hoạch ứng cứu phù hợp đối với loại hóa chất xảy ra sự cố
* Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy:
- Sử dụng trang phục bảo hộ cá nhân phù hợp đảm bảo không bị phơi nhiễm axit đạt các tiêu chuẩn về an toàn như quần áo liền chống axit, mắt kính, mặt nạ có thiết bị thở...để tiếp cận hiện trường.
- Lực lượng Cảnh sát PCCC của tỉnh được trang bị xe cứu hỏa triển khai vòi và lăng phun nước, kết nối với họng cấp nước chữa cháy sẵn có của cơ sở để tiến hành phun nước nhằm giảm mức độ bay hơi của axit.
- Hấp thụ axit tràn đổ bằng đất khô, cát khô hoặc các chất trơ khác;
- Chịu trách nhiệm chỉ huy ứng phó với sự tư vấn Sở Công Thương
- Phân bổ lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp và các lực lượng chữa cháy hỗ trợ sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
- Sau khi ứng cứu xong yêu cầu kiểm tra lại hiện trường và điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố.
* Những lưu ý khi ứng phó sự cố rò rỉ, tràn đổ axit.
- Sử dụng trang phục bảo hộ cá nhân phù hợp đảm bảo không bị phơi nhiễm axit đạt các tiêu chuẩn về an toàn như quần áo liền chống axit, mắt kính, mặt nạ có thiết bị thở.
- Axit là chất ăn mòn mạnh, có thể làm bỏng da nghiêm trọng tùy theo nồng độ, do đó không được tiếp xúc trực tiếp với hóa chất này
- Cần có biện pháp ngăn chặn axit xâm nhập vào hệ thống cống rãnh, nguồn nước, tầng hầm hoặc các khu vực hạn chế khác;
- Tiêu tẩy, trung hòa axit sau sự cố bằng NaHCO3 loãng hoặc xà phòng
|
* Quân đội: xử lý khí độc, cứu người theo chỉ đạo của chỉ huy, tiêu tẩy hiện trường, lập điểm làm sạch người, thiết bị ra khỏi vùng đỏ.
- Lực lượng trinh sát (là các cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn về hóa chất – nếu chưa có lực lượng này, đơn vị cần có kế hoạch nâng cao năng lực về ứng phó sự cố hóa chất) khoanh vùng khu nhiễm độc: ít nhất 2 xe trinh sát phóng xạ hóa học, được trang bị khí tài cá nhân đầy đủ, sử dụng các loại máy phát hiện và xác định nồng độ hơi, hóa chất độc công nghiệp. Trên cơ sở dự đoán, khu vực có nguy cơ nhiễm độc do lan truyền, do BCH Tìm kiếm cứu nạn cung cấp, lực lượng hóa học chuyên môn có nhiệm vụ xác định cụ thể vùng nhiễm độc thực tế để làm cơ sở cho quá trình ứng phó và xây dựng phương án khắc phục hậu quả. Phương án trinh sát cụ thể như sau:
+ Phát hiện khoanh vùng nhiễm độc, xác định đến đâu cắm cờ đến đó và ghi lên phiếu thời gian, nồng độ nhiễm.
+ Xác định mức độ nhiễm độc nguy hiểm tại các điểm quan trọng (khu đông dân, khu tập trung các lực lượng tham gia, vị trí chỉ huy…)
Nhiệm vụ trinh sát hóa học được thực hiện liên tục trong suốt quá trình ứng phó, nhằm xác định vùng nhiễm độc nguy hiểm thực tế với các mức độ nguy hiểm khác nhau; các khu vực an toàn… đồng thời trinh sát kiểm tra nhiễm độc cho người ứng cứu, giúp người chỉ huy nắm chắc tình hình nhiễm độc trên địa bàn, để có các quyết định ứng phó kịp thời chính xác.
- Xác định phạm vi ảnh hưởng, tính chất nguy hiểm của hóa chất, dự báo các tình huống diễn biến có thể xảy ra, hỗ trợ kỹ thuật, đầu mối liên lạc
* Lực lượng Y tế: kiểm tra sức khỏe toàn bộ người ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng, đặt điểm sơ cứu hiện trường.
* Sở Tài nguyên và Môi trường: kiểm tra, giám sát hóa chất tràn đổ bị ngấm vào đất, nguồn nước
* Lưu ý khi cấp cứu nạn nhân khi bị sự cố đối với axit.
- Sử dụng trang phục bảo hộ cá nhân phù hợp đảm bảo không bị phơi nhiễm axit đạt các tiêu chuẩn về an toàn như quần áo liền chống axit, mắt kính, mặt nạ có thiết bị thở.
- Axit là chất ăn mòn mạnh, có thể làm bỏng da nghiêm trọng tùy theo nồng độ, do đó không được tiếp xúc trực tiếp với hóa chất này
- Cần có biện pháp ngăn chặn axit xâm nhập vào hệ thống cống rãnh, nguồn nước, tầng hầm hoặc các khu vực hạn chế khác;
- Tiêu tẩy, trung hòa axit sau sự cố bằng NaHCO3 loãng hoặc xà phòng
|
|
3. Tình huống xảy ra sự cố rò rỉ khí độc trên đường vận chuyển (Giả định tình huống sự cố đối với các loại khí Amonic khan và khí Clo)
* Phương án ứng phó như sau:
- Cô lập xung quanh khu vực xảy ra sự cố với bán kính là 500m, khu vực cần giám sát, bảo vệ người dân có chiều dài là 3km tính từ tâm vị trí xảy ra sự cố và chiều rộng là 3km tính từ tâm vị trí xảy ra sự cố về hai phía.
- Dùng bình xịt nước làm mát thùng chứa. Dập tắt đám cháy bằng cách sử dụng các vật liệu phù hợp.
- Trường hợp xảy ra cháy: Dập tắt đám cháy bằng cách sử dụng vật liệu không cháy hoác khó cháy. Làm mát tất cả các bình chứa bằng một lượng nước lớn. Phun nước từ xa nếu có thể.
Trong quá trình ứng cứu cần sử dụng bình dưỡng khí với chế độ áp suất dương phù hợp và mặt nạ kín mặt.
- Trường hợp không xảy ra cháy: Có nguy cơ phát sinh khí độc. Ngăn chặn phát thải dòng khí nếu có thể. Mang kính bảo hộ, bình dưỡng khí, và quần áo bảo hộ bằng cao su (kể cả găng tay).
Vận chuyển hóa chất bằng đường bộ hay đường thủy luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất. Các biện pháp xử lý đối với từng hóa chất cụ thể cần phải tham khảo kỹ trong Phiếu an toàn hóa chất (MSDS). MSDS là giấy tờ bắt buộc và luôn sẵn có trong quá trình vận chuyển.
4. Quy trình khắc phục hậu quả sau sự cố rò rỉ, tràn đổ hóa chất:
Quy trình kết thúc hoạt động ứng phó sự cố được tiến hành khi nguồn gây rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ hóa chất đã được khống chế (không phát sinh hóa chất), và các hậu quả từ sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy nổ, phát tán hóa chất ra môi trường không khí, đất, nước… đã được kiểm soát triệt để. Công tác khắc phục hậu quả sau sự cố được tiến hành theo các bước sau:
- Bước 1: Căn cứ vào đặc tính hóa chất đưa ra phương án thu gom, vận chuyển, xử lý và chỉ đạo cơ sở gây ra sự cố hoặc huy động đơn vị chuyên ngành xử lý hóa chất triển khai thực hiện.
- Bước 2: Phối hợp với cơ sở gây sự cố hoặc đơn vị chuyên ngành xử lý hóa chất được huy động tổ chức tẩy độc, phục hồi môi trường tại khu vực bị ô nhiễm do sự cố gây ra (nếu có).
- Bước 3: Ban chỉ đạo ứng phó sự cố thành lập Hội đồng kiểm tra đánh giá thiệt hại tiến hành đánh giá mức độ ảnh hưởng, phạm vi bị ảnh hưởng và mức độ thiệt hại (tính mạng và sức khỏe; tài sản; môi trường) do sự cố gây ra.
- Bước 4: Hội đồng kiểm tra đánh giá thiệt hại tổ chức đối thoại và thống nhất với cơ sở gây ra sự cố phương thức và cách thức tiến hành bồi thường thiệt hại (nếu có). Trên cơ sở phương án được thống nhất, cơ sở để xảy ra sự cố tiến hành tổ chức bồi thường theo quy định.
- Bước 5: Căn cứ nguyên nhân gây ra sự cố và các yếu tố liên quan, xác định mức độ vi phạm các qui định về bảo vệ môi trường và xử lý cơ sở gây ra sự cố theo quy định.
- Bước 6: Phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức thực hiện giám sát chất lượng môi trường sau sự cố (nếu có).
Tham khảo thêm các tình huống điển hình và biện pháp xử lý sự cố trong quá trình vận chuyển tại Phụ lục 4
VI. KẾ HOẠCH KIỂM TRA, CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ VÀ PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kế hoạch kiểm tra, giám sát nguồn nguy cơ xảy ra sự cố.
Việc vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải thực hiện các quy định của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các quy định khác có liên quan.
Các nguồn nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất là các điểm tồn trữ tại các tổ chức hoạt động hóa chất, việc giám sát các nguồn nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất thực hiện qua công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cất giữ và sử dụng hóa chất thực hiện xây dựng, thực hiện nội dung kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định. Hàng năm rà soát, cập nhật thông tin các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh để xây dựng các giải pháp phòng ngừa sự cố và lập kế hoạch kiểm tra giám sát nguy cơ xảy ra sự cố phù hợp với từng thời kỳ, từng giai đoạn cụ thể.
2. Kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra.
Định kỳ hàng năm, Sở Công Thương lập kế hoạch và thực hiện thanh tra, kiểm tra tuân thủ pháp luật về hóa chất tại các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh; kiểm tra tính sẵn sàng để ứng phó với sự cố hóa chất, lực lượng và vật tư, trang thiết bị, dụng cụ dùng để ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.
3. Kế hoạch chuẩn bị ứng phó sự cố.
a. Nguồn nhân lực ứng phó sự cố.
- Nguồn nhân lực tại các cơ sở do chủ cơ sở có trách nhiệm xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự phục vụ cho công tác ứng phó sự cố tại cơ sở.
- Các sở, ngành có liên quan có trách nhiệm bố trí, phân công cán bộ phụ trách công tác ứng phó sự cố hóa chất.
- Lực lượng ứng phó sự cố của tỉnh Bình Dương được xây dựng và phát triển trên cơ sở lực lượng PCCC từ cấp tỉnh đến cấp địa phương, cơ sở.
Trong đó, quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực con người trong hoạt động ứng phó sự cố hóa chất, như:
+ Tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về ứng cứu sự cố hóa chất.
+ Sở Y tế lên kế hoạch cho cán bộ y tế được huấn luyện, diễn tập về ứng cứu nạn nhân nhiễm độc hóa chất.
+ Sở Công Thương phối hợp Cảnh sát PCCC tỉnh tìm hiểu, tổ chức tham gia các khóa huấn luyện về ứng cứu sự cố hóa chất trong nước và nước ngoài.
+ Lực lượng cứu nạn, cứu hộ phải được huấn luyện thành thục kỹ năng cứu người trong sự cố cháy nổ hoá chất:
< >Kỹ thuật cứu người ra khỏi vùng nhiễm độc.Kỹ thuật cứu người ra khỏi vùng đang cháy và vùng có nguy cơ nổ.Kỹ thuật cứu người bị chôn vùi trong đống vật liệu xây dựng bị đổ sập do cháy nổ hóa chất.Kỹ thuật cứu nhiều người đang bị nạn trong các tình huống nêu trên.Kỹ thuật cứu người khi nạn nhân đang bị cháy vật lý và cháy hoá chất.Kỹ thuật cứu người bị ngộ độc cấp tính đối với từng loại hoá chất cháy nổ.Kỹ thuật sơ cứu nạn nhân bị bỏng vì ngọn lửa và bị bỏng hoá chất.Kỹ thuật tiêu tẩy chất độc cho mình và cho nạn nhân bị nhiễm độc (đối với từng loại hoá chất cụ thể ) trong và ngoài cơ thể.Kỹ thuật ngăn chặn, khống chế, kiểm soát và tiêu tẩy chất độc phát tán, lan ra môi trường xung quanh.Kỹ thuật tác nghiệp một mình và tác nghiệp hợp đồng với toàn đội hình chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong sự cố cháy nổ hoá chất.Các cơ sở có khả năng phát sinh sự cố có trách nhiệm đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác ứng phó sự cố theo Kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố đã được phê duyệt;Căn cứ vào danh mục nhu cầu phương tiện, thiết bị ứng phó sự cố theo đề xuất của Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương, Ban chỉ đạo ứng phó sự cố cấp tỉnh tiến hành đầu tư trang bị cho các lực lượng PCCC từ cấp tỉnh cho đến cấp xã nhằm đảm bảo sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.Các sở, ban, ngành và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo nhiệm vụ được phân công, hàng năm rà soát mua sắm trang thiết bị đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh.Xây dựng phát triển thêm hệ thống phòng cháy, chữa cháy, lắp đặt các trụ nước chữa cháy gần các khu vực trung tâm có khả năng xảy ra sự cố hóa chất cao. Bảo dưỡng công trình phòng cháy, chữa cháy thường xuyên đảm bảo tính sẵn sàng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và sự cố hóa chất.Trưng dụng từ các doanh nghiệp có khả năng đáp ứng về phương tiện ứng phó sự cố hóa chất.Chương trình đào tạo ứng phó sự cố hóa chất phải đảm bảo các nội dung như: Các nguyên nhân gây ra sự cố, biện pháp khắc phục; các loại hóa chất độc hại có nguy cơ gây ô nhiễm nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho cộng đồng; các khoảng cách cách ly cần thiết ứng với mỗi loại chất; các quy trình thông báo, ứng phó sự cố; và các nguyên tắc về công bố thông tin trong quá trình ứng phó sự cố.Khi có yêu cầu, Sở Công Thương, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát PCCC, tổ chức đào tạo và tập huấn ứng phó sự cố cho các cán bộ, chiến sĩ, và các đối tượng có liên quan.Các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, vận chuyển, sử dụng, sản xuất và tồn chứa hóa chất có nguy cơ cao, có trách nhiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố khi có yêu cầu với sự tham gia của các sở, ngành; Kinh phí diễn tập do cơ sở chi trả.Hàng năm, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch diễn tập phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh, gửi Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt và phân bổ vốn.Cảnh sát PCCC tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai phương án ứng phó sự cố hóa chất.Hàng năm, Cảnh sát PCCC tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát và cập nhật chỉnh sửa phương án ứng phó sự cố hóa chất cho phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh Bình Dương.1. Nguyên tắc chung.
- Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất là tổ chức phối hợp liên ngành do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập, bao gồm các thành viên hoạt động kiêm nhiệm và có chuyên viên hoặc cơ quan giúp việc.
- Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất là cơ quan đứng đầu, trực tiếp huy động toàn bộ nhân lực và vật lực trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác ứng phó, liên hệ phối hợp với các tỉnh thành lân cận để giải quyết các sự cố trên địa bàn tỉnh mà có khả năng gây tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội của tỉnh lân cận hoặc các sự cố trên địa bàn tỉnh lân cận có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương. Liên lạc với Chính phủ, Bộ, ngành và các cơ quan trực thuộc Bộ yêu cầu trợ giúp khi quy mô sự cố vượt quá tầm kiểm soát của tỉnh.
- Ban chỉ huy hiện trường là bộ phận trực tiếp chỉ huy ứng phó sự cố tại hiện trường, lựa chọn phương án ứng cứu, bố trí phân công các nguồn nhân lực, vật lực để ứng cứu sự cố và khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất nhằm giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội của tỉnh;
- Ban hậu cần là bộ phận cung cấp nhân lực, vật lực thuộc quyền quản lý của mình để hỗ trợ cho Ban chỉ huy hiện trường thực hiện công tác ứng phó sự cố;
- Ban thông tin liên lạc là bộ phận duy trì thông tin liên lạc trong quá trình ứng phó sự cố và cung cấp thông tin chính xác kịp thời đến người dân;
- Nguyên tắc hoạt động ứng phó sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh hoạt động theo phương châm “4 tại chỗ” theo từng phương án ứng cứu cụ thể;
2. Trách nhiệm và cơ chế phối hợp.
a. Trưởng Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất.
- Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, hướng dẫn các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố; các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng phương án, kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác ứng cứu sự cố; khắc phục hậu quả do sự cố gây ra và tìm kiếm cứu nạn nhằm phát triển ổn định kinh tế - xã hội, bảo vệ an toàn, tính mạng và tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả sự cố và công tác tìm kiếm cứu nạn hàng năm trong các lần diễn tập hoặc dựa trên việc giải quyết các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó rà soát lại nhiệm vụ, phương án và kế hoạch ứng cứu sự cố và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh hàng năm, đảm bảo sát với thực tế và diễn biến của từng loại sự cố.
- Thực hiện việc xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với các tỉnh thành lân cận để giải quyết các sự cố trên địa bàn tỉnh mà có khả năng gây tác động đến môi trường, kinh tế, xã hội của tỉnh lân cận hoặc các sự cố trên địa bàn tỉnh lân cận có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương.
- Liên lạc với Chính phủ, Bộ, ngành và các cơ quan trực thuộc Bộ yêu cầu trợ giúp khi quy mô sự cố vượt quá tầm kiểm soát của tỉnh;
-Xây dựng kế hoạch trang bị và kiểm tra phương tiện, trang thiết bị, vật tư… phục vụ công tác ứng phó sự cố, giảm nhẹ hậu quả và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động và kịp thời chỉ đạo, điều động các lực lượng, phương tiện, vật tư để chi viện, ứng phó khi có tình huống đột xuất do sự cố để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất; khắc phục hậu quả, sớm phục hồi sản xuất, cơ sở vật chất kỹ thuật và ổn định đời sống nhân dân;
- Tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng trực tiếp làm công tác ứng cứu sự cố, cứu hộ, cứu nạn và nhân dân trong vùng sự cố;
- Lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh kinh phí đầu tư trang thiết bị và kế hoạch chi hàng năm;
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, sơ kết, tổng kết, và báo cáo đột xuất về công tác ứng cứu sự cố và tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
b. Phó trưởng ban chỉ đạo thường trực: Giám đốc Sở Công Thương.
- Giúp Trưởng ban chuẩn bị nội dung các kỳ họp của Ban chỉ đạo ứng phó sự cố, xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch, đánh giá rút kinh nghiệm, công tác ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả sự cố và công tác tìm kiếm cứu nạn hàng năm trong các lần diễn tập hoặc dựa trên việc giải quyết các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó rà soát lại nhiệm vụ, phương án và kế hoạch ứng cứu sự cố và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh hàng năm, đảm bảo sát với thực tế và diễn biến của từng loại sự cố;
- Tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo các phương án, kế hoạch ứng cứu sự cố hóa chất khi có sự cố tràn đổ hóa chất xảy ra;
- Trực tiếp chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án về ứng phó sự cố và khắc phục ô nhiễm sau sự cố do sản xuất hóa chất và sử dụng hóa chất trong phạm vi quản lý theo luật định;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc ứng cứu sự cố môi trường do tràn đổ hóa chất dẫn đến việc phát tán hóa chất vào nguồn nước;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hệ quả của việc tràn đổ, rò rỉ hóa chất;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị và cơ sở sản xuất nơi xảy ra sự cố để ứng cứu sự cố và khắc phục môi trường sau sự cố;
- Chủ trì và phối hợp với các Sở ngành lập kế hoạch ứng phó cụ thể, kỹ thuật ứng phó, thiết bị tham gia, phối hợp với các lực lượng và nhân dân trên địa bàn khắc phục sự cố;
- Phối hợp với các Sở, ngành, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị xã hội,... trong việc cung cấp lượng thực, thực phẩm cho nhân dân trong vùng xảy ra sự cố khi phải sơ tán khỏi nơi sinh sống;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tổ chức huấn luyện, tập dượt để phòng ngừa, ứng phó sự cố;
- Trong thời gian xảy ra sự cố và giai đoạn khắc phục hậu quả phải có biện pháp quản lý lưu thông hàng hóa, điều hòa thị trường đặc biệt là lương thực, nhu yếu phẩm, vật liệu xây dựng…, kiên quyết xử lý các hành vi đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường, gian lận thương mại và các hành vi khác vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với khu vực xảy ra sự cố.
c. Phó trưởng ban chỉ đạo: Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh.
- Là Trưởng ban chỉ huy hiện trường ứng phó sự cố;
- Tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo các phương án, kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất khi có sự cố cháy nổ xảy ra;
- Trực tiếp chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch và phương án về PCCC và ứng cứu sự cố khi có cháy nổ xảy ra; triển khai công tác phòng chống cháy nổ trong sự cố tràn đổ hóa chất;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường sau sự cố cháy nổ;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc ứng cứu sự cố hóa chất do cháy nổ dẫn đến việc tràn đổ dầu hoặc hóa chất vào nguồn nước;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố và cơ sở sản xuất nơi xảy ra sự cố để ứng cứu sự cố và khắc phục môi trường sau sự cố;
- Trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó sự cố cháy nổ quy mô vượt quá khả năng ứng phó của huyện, thị, thành phố; tham mưu và tham gia chỉ đạo công tác ứng phó sự cố cháy nổ trong quy mô lớn hoặc các sự cố cháy nổ có phạm vi ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và môi trường;
- Xây dựng phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư, phương tiện ứng phó sự cố và cứu hộ, cứu nạn trình Bộ Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh (theo phân cấp) phê duyệt chủ trương để phân kỳ thực hiện. Thường xuyên kiểm tra và có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa… các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả trong quá trình tham gia giải quyết các tình huống sự cố và chi viện, hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương khác khi có yêu cầu;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tổ chức huấn luyện, tập dượt để phòng ngừa, ứng phó sự cố;
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về Bộ Công an, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo ứng phó sự cố tình hình, kết quả ứng cứu sự cố và khắc phục hậu quả.
d. Phó trưởng ban chỉ đạo: Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
- Phối hợp với Sở Công Thương, Cảnh sát PCCC, ứng cứu các sự cố cháy nổ, tràn đổ hóa chất dẫn đến ô nhiễm nguồn nước;
- Phối hợp với Cảnh sát PCCC trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường sau sự cố cháy nổ; phối hợp với Công an tỉnh và Sở Giao thông Vận tải lên kế hoạch sơ tán dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của sự cố;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị và cơ sở sản xuất nơi xảy ra sự cố để ứng cứu sự cố và khắc phục môi trường sau sự cố;
- Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị, thành phố, chủ động tổ chức tập huấn sử dụng phương tiện để nâng cao kỹ năng và hiệu quả trong công tác ứng cứu sự cố. Rà soát bổ sung, điều chỉnh và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án ứng cứu sự cố và tìm kiếm cứu nạn nhằm ứng phó có hiệu quả khi xảy ra tình huống xấu…; tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ;
- Tham dự và phối hợp với các sở - ngành liên quan trong việc diễn tập phương án ứng cứu sự cố hóa chất hàng năm;
- Thực hiện việc giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường khu vực xảy ra sự cố và các đối tượng bị ảnh hưởng;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tổ chức huấn luyện, tập dượt để phòng ngừa, ứng phó sự cố;
- Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc xử lý khắc phục hậu quả môi trường do sự cố hóa chất gây ra.
đ. Phó trưởng ban chỉ đạo: Chỉ Huy trưởng - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.
- Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó và xử lý các tình huống khẩn cấp, khắc phục hậu quả sự cố, đảm bảo quân đội là lực lượng chủ lực trong công tác này; Chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự cấp huyện, cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức huấn luyện cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, ứng cứu sự cố theo kế hoạch huấn luyện hàng năm. Tổ chức luyện tập, diễn tập theo phương án đã xây dựng;
- Hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị Quân đội của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn, tham gia phòng chống cháy nổ hóa chất, tìm kiếm cứu nạn theo chỉ thị, kế hoạch của Bộ tư lệnh Quân khu 7;
- Chịu trách nhiệm báo cáo Quân khu 7 và xin chi viện lực lượng khi có sự cố hóa chất lớn xảy ra vượt khả năng khắc phục của tỉnh;
- Tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định việc mua sắm các phương tiện, vật tư, trang thiết bị cần thiết phục vụ có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, thường xuyên kiểm tra các đơn vị về công tác quản lý, bảo trì, sử dụng các phương tiện, trang thiết bị đã được đầu tư. Tổ chức huấn luyện cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang thiết bị đã được trang cấp;
- Khi có tình huống sự cố hóa chất, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Ban chỉ đạo ứng phó sự cố, Bộ tư lệnh Quân khu 7 về tình hình sự cố và kết quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
e. Giám đốc Công an tỉnh.
- Là thành viên của Ban chỉ huy hiện trường;
- Tham mưu cho Trưởng ban chỉ đạo các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, khi có sự cố hóa chất xảy ra;
- Đảm bảo an ninh trật tự trong các sự cố hóa chất. Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh sơ tán, di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo ứng phó sự cố và Chính quyền địa phương, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành sơ tán, di dời;
- Chỉ đạo Công an các huyện, thị, phường - xã - thị trấn chủ động tổ chức tập huấn sử dụng phương tiện để nâng cao kỹ năng và hiệu quả trong công tác ứng phó sự cố.
g. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Là thành viên của Ban chỉ huy hiện trường;
- Phối hợp với Sở Công Thương trong việc ứng cứu sự cố hóa chất liên quan đến tràn đổ, rò rỉ thuốc bảo vệ thực vật;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc ứng phó sự cố hóa chất dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước, đất;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Ủy ban nhân dân các huyện thị, thành phố trong việc xác định mức độ thiệt hại và chi phí phục hồi môi trường do các sự cố hóa chất xảy ra;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khắc phục các sự cố hóa chất có ảnh hưởng đến hệ sinh thái nước và môi trường;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố và cơ sở sản xuất nơi xảy ra sự cố để ứng cứu sự cố và khắc phục môi trường sau sự cố;
- Phối hợp với các Sở, ngành, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị xã hội,... trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong vùng xảy ra sự cố khi phải sơ tán khỏi nơi sinh sống;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tổ chức huấn luyện, tập dượt để phòng ngừa, ứng phó sự cố.
h. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.
- Là thành viên của Ban chỉ huy hiện trường;
- Phối hợp với Sở Công Thương, Cảnh sát PCCC, ứng cứu các sự cố cháy nổ, tràn đổ hóa chất, khi có sự cố xảy ra;
- Phối hợp với Cảnh sát PCCC, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường sau sự cố hóa chất;
- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị và cơ sở sản xuất nơi xảy ra sự cố để ứng cứu sự cố và khắc phục môi trường sau sự cố hóa chất;
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tổ chức huấn luyện, tập dượt để phòng ngừa, ứng phó sự cố.
i. Giám đốc Sở Y tế.
- Là thành viên của Ban chỉ huy hiện trường;
- Xây dựng phương án sơ tán, di dời các cơ sở y tế trong khu vực nguy hiểm khi xảy ra sự cố hóa chất để nhanh chóng triển khai phương án cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống. Bảo đảm các cơ sở y tế hoạt động an toàn tuyệt đối, không để người bệnh, nhân viên y tế bị thiệt mạng; hư hỏng, thất thoát thuốc, hóa chất, máy móc thiết bị y tế do sự cố;
- Các bệnh viện, cơ sở điều trị từ tuyến huyện, thị trở lên tổ chức các đội cấp cứu lưu động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có sự cố hóa chất xảy ra; bố trí các trạm cấp cứu bám sát các khu vực tạm cư nơi nhân dân sơ tán, di dời với đầy đủ cán bộ y tế, thuốc và phương tiện cấp cứu, triển khai kịp thời công tác xử lý vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh;
- Các bệnh viện và cơ sở y tế từ tuyến huyện, thị, thành phố phải chuẩn bị trước và đầy đủ thuốc điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong khu vực xảy ra sự cố hóa chất;
- Phối hợp với Sở Tài chính chuẩn bị thuốc, hóa chất; dự trữ lương thực, thực phẩm cùng các phương tiện, vật tư bảo đảm cho các bệnh viện hoạt động được ít nhất 07 ngày từ nguồn kinh phí địa phương khi xảy ra sự cố hóa chất;
- Tham gia và phối hợp với Sở ngành trong hoạt động ứng cứu sự cố hóa chất; bảo quản và xác định danh tính nạn nhân bị thiệt mạng do sự cố theo đúng quy định để bàn giao cho người thân lo hậu sự;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh và Công ty MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương thực hiện việc mai táng các nạn nhân vô danh bị thiệt mạng do sự cố gây ra;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi đánh giá tác động của sự cố đến sức khỏe cộng đồng, môi trường và đề xuất hướng giải quyết.
k. Sở Tài chính.
- Là thành viên của Ban Hậu cần;
- Phối hợp với các Sở, ngành tổng hợp, thẩm tra và trình Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí dự toán kinh phí hàng năm cho công tác diễn tập ứng cứu sự cố hóa chất;
- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trong việc thẩm định kinh phí khắc phục sự cố và phục hồi môi trường sau sự cố làm cơ sở xác định giá trị bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra sự cố.
l. Sở Xây dựng.
- Là thành viên của Ban Hậu cần;
- Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất;
- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát PCCC trong việc xây dựng phương án dọn dẹp hiện trường sau sự cố hóa chất.
m. Sở Giao thông Vận tải.
- Là thành viên của Ban Hậu cần;
- Chủ trì và phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh trong việc xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về tuyến đường bộ và thời gian vận chuyển hóa chất nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
- Phối hợp với sở, ngành liên quan, các huyện, thị, thành phố, đơn vị chuyên ngành huy động lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ sơ tán, di dời dân khi xảy ra sự cố gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
n. Sở Thông tin và Truyền thông.
- Là Trưởng ban Thông tin liên lạc;
- Xây dựng phương án đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo, điều hành, cảnh báo, dự báo của Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất;
- Tham gia vào hoạt động ứng phó sự cố hóa chất; cung cấp thông tin, truyền tin, thông báo chính xác, kịp thời các thông tin về sự cố; các chủ trương, mệnh lệnh, chỉ thị về ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố của tỉnh; các kinh nghiệm điển hình trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố;
- Phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản về phòng, tránh, ứng phó, sự cố hóa chất.
o. Ban quản lý các KCN Bình Dương và Ban quản lý KCN Việt Nam – Singapore.
- Là thành viên của Ban Hậu cần;
- Phối hợp với các Sở ngành trong việc lập kế hoạch, phương án về ứng cứu sự cố và khắc phục ô nhiễm sau sự cố hóa chất;
- Tham gia ứng cứu sự cố hóa chất; huy động phương tiện, thiết bị của các cơ sở trực thuộc địa bàn quản lý phục vụ cho ứng cứu sự cố.
p. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
- Lập kế hoạch và phương án ứng phó các sự cố hóa chất trên địa bàn huyện, thị, thành phố;
- Tổ chức thành lập Tiểu ban ứng phó sự cố hóa chất cho địa bàn huyện, thị, thành phố trên cơ sở cấu trúc ngành dọc của Ban chỉ đạo ứng phó sự cố với các thành viên là các phòng ban trực thuộc quản lý ngành dọc của Ban chỉ đạo ứng phó sự cố;
- Là phó Ban chỉ huy hiện trường;
- Trực tiếp chỉ đạo công tác ứng cứu sự cố cháy nổ trong quy mô vừa và nhỏ, tham mưu và tham gia chỉ đạo công tác ứng phó sự cố hóa chất ở quy mô lớn hoặc các sự cố có phạm vi ảnh hưởng lớn đến cộng đồng và môi trường;
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc phạm vi quản lý đảm bảo ứng phó sự cố tại chỗ một cách hiệu quả, đảm bảo an ninh trật tự trong các sự cố;
- Phối hợp với Sở Giao thông Vận tải và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh sơ tán, di dời dân khỏi những nơi nguy hiểm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo ứng phó sự cố hóa chất, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để người dân hiểu, chấp hành sơ tán, di dời;
- Xây dựng phương án đầu tư trang thiết bị, vật tư, phương tiện ứng cứu sự cố hóa chất và cứu hộ, cứu nạn cho địa bàn;
- Chỉ đạo phòng chuyên môn các huyện, thị, thành phố, phường - xã - thị trấn chủ động tổ chức tập huấn sử dụng phương tiện để nâng cao kỹ năng và hiệu quả trong công tác ứng cứu sự cố. Rà soát bổ sung, điều chỉnh và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án ứng cứu sự cố và tìm kiếm cứu nạn nhằm ứng phó có hiệu quả khi xảy ra tình huống xấu…; tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ;
- Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ đạo ứng cứu sự cố tỉnh tình hình, kết quả tổ chức ứng cứu sự cố và khắc phục hậu quả.
q. Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương.
- Là thành viên của Ban Hậu cần;
- Phối hợp với các sở, ngành trong việc lập kế hoạch, phương án về ứng cứu sự cố và khắc phục ô nhiễm sau sự cố;
- Đảm bảo việc cung ứng đủ nước và áp lực nước cho công tác ứng cứu;
- Đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân tại các khu vực, vùng bị sự cố hóa chất;
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành xử lý, phục hồi môi trường khu vực sau sự cố hoặc xử lý chất thải phát sinh từ sự cố;
- Phối hợp với các sở ngành trong việc giải quyết hậu sự cho các nạn nhân bị thiệt mạng khi sự cố xảy ra./.
Phụ lục 1: Danh sách các doanh nghiệp nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh
Stt
|
Tên doanh nghiệp, địa chỉ
|
Ngành nghề
|
Hóa chất sử dụng
|
Khối lượng tồn chứa (kg)
|
Nguy cơ rủi ro, sự cố hóa chất
|
I-
|
Thị xã Dĩ An
|
|
|
4.265.051
|
|
1
|
Công ty TNHH CP Tôn Hoa Sen
Số 9, ĐL Thống nhất, KCN Sóng Thần 2
|
Sản xuất tôn thép
|
- NH3 khan
- Clohydric Axit
Tổng:
|
12.000
60.000
72.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axít, xút, amoniac khan
|
2
|
Công ty CP Tôn Đông Á
|
Sản xuất Tôn
|
- Amoniac khan
- Clohydric Axit
- CNG
Tổng:
|
12.000
60.000
5.000
77.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axít, xút, amoniac
|
3
|
Công ty TNHH OCI
Km24, DT743, Bình Thắng
|
Sản xuất thuốc BVTV
|
- Cacbuafuran
- Trietylamin
- Toluen
- o-Diclorobenzen
- DiMethyl Sunfat
- DO
- Methyl Isocyanate (MIC)
Tổng:
|
215.000
5.000
36.000
55.000
176.000
13.280
6.830
507.110
|
Rò rỉ hơi độc, tràn đổ cacbofuran và cháy nổ dung môi hữu cơ, dầu DO
|
4
|
Công ty TNHH Cấp nước Bình An
Phường Bình Thắng
|
Xử lý nước
|
- Khí Clo hóa lỏng
- Natri Silicoflorua
- Dầu DO
Tổng:
|
8.370
25.650
26.700
60.720
|
Rò rỉ khí clo, tràn đổ natri silicoflorua và cháy nổ dầu DO
|
5
|
Công ty CP Maruichi Sunsteel
|
Sản xuất thép
|
- Clohydric Axit
- LPG
Tổng:
|
300.000
70.000
370.000
|
Tràn đổ axit, cháy nổ LPG
|
6
|
Công ty CP Oseven
|
Sơn gỗ
|
- Aceton
- Butyl acetate
- Etyl acetate
- Metanol
- Toluen
- Xylen
- Butyl Xelusonve
- Methyl Etyl Ketone
- Nitrocellulose
Tổng:
|
320
15.000
15.000
14.000
15.000
15.000
15.000
1650
8.800
469.770
|
Cháy nổ dung môi
|
7
|
Công ty TNHH Sơn TOA
Đường số 02, KCN Tân Đông Hiệp A
|
Sản xuất sơn
|
- Nitrocellulose
- Xylen
- Toluen
- Butyl Xelosonve
- Metanol
- Iso butanol
- Iso propanol
- Aceton
- Methyl Etyl Ketone
- Methyl Iso butyl Ketone
- Cyclohecxanol
- Etyl Acetate
- Butyl Acetate
- Xelosonve Acetate
- 2-Etoxietanol
- 2-Etoxietyl Acetate
Tổng:
|
2.180
2.747
12.895
1.874
219
677
393
5.734
2.540
1.601
464
2.736
8.505
523
383
383
43.854
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ và Nitrocellulose
|
8
|
Công ty TNHH Synthomer Việt Nam
Đường số 06, KCN Sóng Thần 1
|
Sản xuất keo
|
- Vinyl Acetate
Tổng:
|
40.000
40.000
|
Cháy nổ
|
9
|
Công ty CP Better Resin
Lô 40, đường số 10, KCN Sóng Thần 1
|
Sản xuất hóa chất dệt nhuộm
|
- Formalin
- Melamin
- Vinyl Acetate
- Metanol
Tổng:
|
420.000
2.400
2.590
36.534
461.524
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
10
|
Công ty CP Shinex Coastings
Số 09, đường 26, KCN Sóng Thần 2
|
Sơn gỗ
|
- Toluen
- Iso Butanol
- Methyl Isobutyl Ketone
- Etyl Methyl Keton
- Etyl Acetate
- Butyl Acetate
- o,m,p-Xylen
Tổng:
|
1.790
1.665
1.683
1.653
1.807
180
1.794
10.572
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
11
|
Công ty TNHH Hwa Pao Việt Nam
Đại lộ Thống Nhất, KCN Sóng Thần 2
|
Sản xuất Keo
|
- Metiyl Etyl Ketone
- Toluen
- Toluen diisocyanate
Tổng:
|
26.000
6.800
12.000
44.800
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
12
|
Công ty TNHH Hsin Mei Kuang
|
Sản xuất Keo
|
- Metanol
- Toluen
- Aceton
- Etyl Acetate
- Iso Butanol
Tổng:
|
15.000
15.000
15.000
15.000
15.000
75.000
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
13
|
Công ty TNHH Great Eastern Resin Industrial
Số 08, đường số 17, KCN Sóng Thần 2
|
Sản xuất keo
|
- Toluen
- Methyl Etyl Ketone
- Etyl Acetate
- Aceton
- Butyl Acetate
- Methyl Acetate
- Cyclohecxanol
- Dimeti Focmamit
- Methyl Cyclohecxan
- Cyclohecxan
- Methyl Metacrilat
Tổng:
|
120.000
210.000
50.000
30.000
5.000
90.000
12.000
8.000
105.000
14.000
28.000
792.000
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
14
|
Công ty TNHH Mậu Dương
16/11, Kp Bình Đường 2, An Bình
|
Kinh doanh hóa chất
|
- Methyl Cyclohecxan
- Etyl Acetate
- Toluen
- Xylen
- Hydrocacbon thơm 150
- Hydrocacbon thơm 100
- Dung môi (EBRA)
- p-Toluen sunfonic axít
- Dung môi (BCSA)
- Butyl Acetate nguyên chất
- Dung môi (BAK)
Tổng:
|
6.200
900
895
895
1.750
537
3.800
2.500
3.800
900
3.800
25.977
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
15
|
Công ty TNHH Bao Bì NgaiMee
Số 09A, đường số 06, KCN Sóng Thần 1
|
In bao bì
|
- Toluen
- Etyl Acetate
- Methyl Etyl Ketone (MEK)
- Etanol
- Metanol
- Iso Propanol (IPA)
Tổng:
|
10.500
12.000
6.000
3.800
3.800
500
36.600
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
16
|
Công ty Cổ phần Gas Việt Nhật
Đường ĐT 743, Tân Đông Hiệp
|
Sản xuất hóa chất H2, N2
|
- Metanol
- Nitơ (N2)
- Hydro (H2)
Tổng:
|
17.300
30.000
450
47.750
|
Cháy nổ hydro, metanol
|
17
|
Chi nhánh Công ty TNHH MTV SX TM Bảo Phụng
502B/27 Khu phố Nội Hóa 1, Bình An
|
Kinh doanh hóa chất
|
- Dung dịch NaOH 32%
- Dung dịch NaOH 45%
- Dung dịch NaOH 50%
- Dung dịch HCL 32%
- Dung dịch H2SO4 98%
- Dung dịch HNO3 68%
- Dung dịch H2O2 50%
Tổng:
|
100.000
100.000
100.000
20.000
50.000
15.000
15.000
400.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút
|
18
|
Công ty LD TNHH Nippon Express Việt Nam
Lô F, Đường số 6, KCN Sóng Thần 2
|
Kho chứa hóa chất
|
- Axit Sunfuaric
- Formandehit
- Metan sunfonic Axit
Tổng:
|
5.000
5.000
500
10.500
|
Cháy nổ ; Rò rỉ, tràn đổ hóa chất ăn mòn
|
19
|
Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam
138, DT743, Bình Thắng
|
Sản xuất thuốc BVTV
|
- Cacbofuran 75 DB
- Diazinol 95%
- Fenitrotiol 95%
- Fentiol 50% EC
- Paraquat 20% SL
- Thiram 98%
- Aceton
- DO
- Cyclohecxanol
- Axit Photphoric 85%
Tổng:
|
2.000
17.300
1.000
2.000
1.000
1.000
1.000
2.500
600
400
28.800
|
Rò rỉ hơi độc, tràn đổ các tiền chất gốc hữu cơ và cháy nổ dung môi hữu cơ, dầu DO
|
20
|
Công ty TNHH Nanpao Resin
Số 10, Đại lộ Thống Nhất, KCN Sóng Thần 2
|
Sản xuất keo
|
- Vinyl Acetate
- Methyl Etyl Ketone (MEK)
- Butyl Acrilat
- Aceton
- Solvent
Tổng:
|
300.000
130.000
150.000
50.000
80.000
710.000
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
21
|
Công ty TNHH Sơn Jotun
Đường số 01, KCN Sóng Thần 1
|
Sản xuất sơn
|
- Xylen
- Toluen
- Clohydric Axit
- Sunfuaric Axit
- Oxalic Axit ngậm nước
- n-Butanol
- Cồn trắng
- Dầu Exxsol D40
- Methyl Etyl Ketone
- Cyclohecxanol
- Butyl Glicol (trống)
- Bồn dung dịch amonia 25%
- Natri Hydroxit 25%
Tổng:
|
57.467
959
2
500
11
8.842
14.474
1.997
215
203
285
946
1.000
86.901
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
22
|
Công Ty TNHH Swire Cold Storage Việt Nam
Số 18, đường số 06, KCN Sóng Thần 1, Dĩ An
|
Kho lạnh
|
- NH3 lỏng
Tổng:
|
10.000
10.000
|
Rò rỉ NH3 khan
|
II-
|
Thành phố Thủ Dầu Một
|
|
|
684.191
|
|
1
|
Chi nhánh Công ty Cổ phần Tôn Đông Á
KCN Đồng An 2
|
Sản xuất tôn thép
|
- Amoniac khan
- Clohydric Axit
- CNG
Tổng:
|
12.000
60.000
5.000
77.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axít, xút, amoniac khan
|
2
|
Công ty CP Tôn Nam Kim
|
Sản xuất tôn thép
|
- Amoniac khan
- Clohydric Axit
Tổng:
|
13.000
55.000
68.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axít, xút, amoniac khan
|
3
|
Công ty CP Đại Thiên Lộc
|
Sản xuất tôn thép
|
- Amoniac khan
- Clohydric Axit
- CNG
Tổng:
|
7.000
60.000
5.000
72.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axít, xút, amoniac khan
|
4
|
Công ty TNHH Hoya Lens
Số 20, đường số 04, KCN VSIP 2
|
Sản xuất tròng kính
|
- Methylen Clorua
- Hydro Peroxit
- Kali Hydroxit
- Aceton
- Axit Sunfuaric
- Xút
Tổng:
|
1.820
1.260
7.700
775
2.000
3.500
17.055
|
Rò rỉ, tràn đổ xút, axit và cháy nổ dung môi hữu cơ
|
5
|
Công ty TNHH Wuntaix
Số 33, đường Dân Chủ, KCN VSIP II
|
Sản xuất hóa chất H2SO4
|
- Axit Sunfuaric đặc (98%)
Tổng:
|
100.000
100.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axit sunfuaric đặc
|
6
|
Công ty CP Sơn Dầu Khí Việt Nam
Đường số 2, KCN Sóng Thần 3
|
Sơn gỗ
|
- Kẽm Clorua
- Chì (2) Sunfat
- Chì Cromat
- n-Propil Benzen
- Toluen
- Iso Propanol
- Methyl Isobutyl Ketone
- Etyl Methyl Ketone
- Etyl Acetate
- Butyl Acetate
- 1-Metoxi-2-Propanol
- Trietylentetramin
- IsophoronDiamin
- Bột nhôm
- Chì Naftenat
- Tricrezil Photphat
- o,m,p-Xylen
Tổng:
|
100
9.000
9.000
3.000
3.000
3.000
5.000
2.000
2.000
2.000
4.000
5.000
1.000
1.000
500
500
15.000
65.100
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
7
|
Công ty TNHH MTV Sơn Petrolimex
Số 16, đường 16, KCN VN-Singapore II, Hòa Phú
|
Sơn gỗ
|
- Etyl Benzen
- Silicon
- Xylen
- Methyl Etyl Ketone
- Butanol
- 4-hydroxi-4-Methylpentan-2
- Butanol-1
- Chất phụ gia nhựa Acrilic lỏng
- Nhựa Xcoli Polieste
Tổng:
|
222
803
270
355
119
27
25
102
4.260
6.183
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
8
|
Công ty TNHH AlKana Việt Nam
Số 06, Đại lộ Dân chủ, KCN VSIP 2
|
Sơn gỗ
|
- Xylene
- Methyl Ethyl Ketone
- Toluen
- Butyl acetate
- Toluen diisoxyanat
- Metanol
- Isopropanol
- Aceton
Tổng:
|
21.010
1.823
5.870
11.830
12.000
4.260
500
2.760
60.053
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
9
|
Công ty TNHH Baiksan Việt Nam
Số 50, đường 03, KCN VSIP II, Hòa Phú
|
Sản xuất da nhân tạo
|
- Methyl Etyl Ketone
- Etyl Acetate
- n,n-Dimethyl formamide
- Dầu DO
- Dầu FO
Tổng:
|
10.000
5.000
200.000
1.200
2.600
218.800
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ, Dầu DO; rò rỉ DMF
|
III
|
Thị xã Thuận An
|
|
|
7.015.510
|
|
1
|
Chi nhánh CP TICO
83/2B, Kp 1B, An Phú
|
Sản xuất hóa chất tẩy rửa (LAS)
|
- Natri Hydroxit
- Hóa chất tẩy rửa (LAS)
- Lưu huỳnh
- Axit Sunfuaric
- Lưu huỳnh Dioxit
- Lưu huỳnh Trioxit
- DO
Tổng:
|
36.000
3.610.000
1.200.000
20.000
- Sản phẩm trung gian
- Sản phẩm trung gian
20.000
4.886.000
|
Rò rỉ khí độc, tràn đổ axit, xút, chất vô cơ, chất tẩy rửa và cháy kho chứa lưu huỳnh.
|
2
|
Công ty TNHH Ắc Quy GS
Số 21, Đường số 03, KCN VSIP 1
|
Sản xuất ắcquy
|
- Axit Axetic
- Axit Sunfuaric
- Sắt (III) Clorua
- Natri Hydroxit
- Axit Clohydric
- Butyl Acetate
- Oxy
- Khí hóa lỏng (LPG)
- Dầu DO
Tổng:
|
150
40.000
5.000
7.000
200
150
800
10.000
500
52.500
|
Tràn đổ axit, xút và cháy nổ LPG, dầu DO
|
3
|
Công ty TNHH Showa Gloves
Số 23, Đại lộ Tự Do, KCN VSIP 1
|
Sản xuất găng tay cao su
|
- Canxi Nitrat
- Axit Axetic
- Hydro Peroxit 50%
- Metanol
- Axit Clohydric
- n-Hecxan
- Lưu huỳnh
- ZnCl2 (Kẽm Clorua)
- Khí thiên nhiên nén (CNG)
- Dầu DO
- Natri Hydroxit (NaOH)
Tổng:
|
7.000
1.800
500
48.000
700
13.000
2.500
1.300
48.000
7.000
12.000
141.800
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút, các chất vô cơ và cháy nổ dung môi, dầu DO, khí CNG
|
4
|
Công ty TNHH Poly-Poxy Coatings
Số 11, đường số 02, KCN VSIP 1
|
Sơn gỗ
|
- Toluen
- Iso Butanol
- Butyl Acetate
- o,m,p-Xylen
- Methyl Etyl Ketone (MEK)
- Aceton
Tổng:
|
895
498
900
1.790
495
640
5.218
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
5
|
Công ty TNHH Nitto Denko
Số 06, đường số 03, KCN VSIP 1
|
Sản xuất hàng điện tử
|
- Axit Formic 55%
- Axit Formic 40%
- Axit Sunfuaric 23,5%
- Axit Photphoric
- Axit Sunfuaric
- Natri Sunfua (3-7%)
- Axit Axetic (1-5%)
- Methyl Etyl Ketone (MEK)
- Xylen (60-70%)
- Axit Clohydric 32%
- Axit Sunfuaric 50%
- Natri Hydroxit 32%
- Axit Sunfuaric 20%
- Axit Boric
- Natri Hypocloric
- Axit Axetic 99%
Tổng:
|
77
59
193
1.244
114
166
35
42
15
46.439
14.250
8.640
21.013
225
11.488
540
104.540
|
Tràn đổ axit, xút, chất vô cơ và cháy nổ dung môi hữu cơ
|
6
|
Công ty TNHH Sherwin Willams Việt Nam
Khu phố Hòa Lân, phường Thuận Giao
|
Sơn gỗ
|
- 1-Metoxi-2-propanol
- Methyl IsobutylKetone
- DiAceton
- Butyl acetate
- Etyl acetate
- Metanol
- Isopropanol
Tổng:
|
3.300
4.125
3.800
36.000
27.000
4.890
4.950
80.765
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
7
|
Công ty TNHH MTV Hơi Kỹ Nghệ Que Hàn
Đường số 01, KCN Đồng An
|
Sản xuất khí công nghiệp
|
- O2 lỏng
- N2 lỏng
- Ar lỏng
- O2 khí
- N2 khí
- Ar khí
- Axetylen (C2H2)
Tổng:
|
880.000
250.000
40.000
20.000
1.600
1.000
1.200
1.193.800
|
Nổ bồn chứa khí công nghiệp, Acetylene
|
8
|
Công ty TNHH New Toyo Pulppy
Số 08, đường số 06, KCN VSIP 1
|
Sản xuất giấy
|
- Khí hóa lỏng (LPG)
- Sôđa
- Hydro Peroxit
- Silicat Natri
- Hypoclorit Natri (Javen)
- Dầu KO (dầu hỏa)
- Dầu nhớt
- Dầu trắng
- Dầu DO
Tổng:
|
19.940
10.000
16.500
10.000
20.000
2.829
930
1.860
1.824
83.883
|
Tràn đổ chất ăn mòn và cháy nổ LPG
|
9
|
Công ty TNHH Perstima
Số 15, đường số 06, KCN VSIP 1
|
Sản xuất thép lá
|
- Cromic Axit CrO3
- Axit Sunfuaric 98%
- Muối ăn
- NaHF2 (Natri Hydroflorua)
- NaF (Natri Florua)
- Na2Cr2O7 (Natri Cromat)
- NH4Cl (Amoni Clorua)
- Na4Fe(CN)6 (Natri Sắt Xianua)
- SnCl2 (Thiếc Clorua)
- Na2SO4 (Natri Sunfat)
- Na2SiF6 (Thủy tinh)
- Axit Clohydric 32%
- NH4F (Amoni Florua)
- Sôđa
- Xút
- Sữa vôi
Tổng:
|
3.386
18.400
1.541
4.204
533
616
1.520
205
845
14
116
4.720
104
551
7.316
1.000
45.071
|
Tràn đổ axit, xút, các chất vô cơ độc hại
|
10
|
Công ty TNHH Khí Công nghiệp MESSER
Số 21, đường số 03, KCN VSIP 1
|
Sản xuất khí công nghiệp
|
- Oxy lỏng
- Nitơ lỏng
- Acgon lỏng
- Cacbonic lỏng
Tổng:
|
15.960
4.040
28.040
42.060
16.029
|
Nổ bồn chứa khí công nghiệp, Acetylene
|
11
|
Công ty TNHH Bang Đức
KSX Bình Chuẩn
|
Sản xuất keo
|
- Aceton
- Butyl Acetate
- Etyl Acetate
- Methyl Etyl Ketone (MEK)
- Axit Formic
- Toluen
- Vinyl Clorua Copolime
Tổng:
|
3.789
6.532
8.745
5.321
521
8.652
4.568
38.128
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ, chất hữu cơ
|
12
|
Công ty TNHH SX Hóa chất-TM Gia Định
3/7, Kp Bình Đức 2, Bình Hòa
|
Sản xuất tinh bột biến tính
|
- Axit Sunfuaric
- Sôđa lỏng
- Hydro Peroxit
- Hóa chất keo tụ (PAC)
- Maleic Anhydrit
Tổng:
|
3.000
7.000
5.000
200
10.000
25.500
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút, các chất độc hại
|
13
|
Công ty TNHH Việt Nam Parkerizing
Số 12, Đại lộ Độc lập, KCN VSIP 1
|
Sản xuất hóa chất xi mạ
|
- Amoni Florua
- Cloric Axit
- Cromic Axit
- Floric Axit
- Formic Axit
- Hydro Peroxit
- Niken Nitrat
- Nitric Axit
- Photphoric Axit
Tổng:
|
100
200
10.000
12.000
400
6.000
1.000
7.000
25.000
74.103
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, các chất vô cơ độc hại
|
14
|
Công ty TNHH SX TM XNK Sơn Thanh Đang
Lô D27B, KCN VSIP 1
|
Sơn gỗ
|
- Toluen
- Xylen
- Aceton
- Etyl Acetate
- Metanol
- Butyl Acetate
- Methyl Acetate
Tổng:
|
1.790
1.140
320
1.140
1.200
3.600
180
9.370
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
15
|
Công ty TNHH Basf Việt Nam
Số 12, Đại lộ Độc lập, KCN VSIP 1
|
Sản xuất phụ gia bê tông
|
- Magie nitrat
- Soda
- Trietanolamin
- Natri hydroxit
Tổng:
|
10.000
18.000
30.000
6.000
64.042
|
Rò rỉ, tràn đổ xút, các chất độc hại
|
16
|
Công ty TNHH Sơn Hung Tah Việt Nam
Đường số 2, KCN Đồng An
|
Sơn gỗ
|
- Butyl Acetate
- Toluen
- Etyl Acetate
- Nitro Xenluloza
- Metanol
- Iso Butanol
Tổng:
|
92.700
13.760
58.696
3.600
5.501
1.320
175.577
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
17
|
Công ty TNHH Box – Pak
Số 22, Đại lộ Hữu Nghị, KCN VSIP 1
|
In bao bì
|
- Hydroxit Natri 32%
- TriMethylbenzen
- Dầu DO
|
10.784
1.752
3.648
16.184
|
Rò rỉ, tràn đổ xút và cháy nổ dầu DO
|
18
|
Chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (sữa bột)
Đại lộ Tự do, KCN VSIP I
|
Chế biến sữa bột
|
- NH3 lỏng
Tổng:
|
3.000
3.000
|
Rò rỉ, cháy nổ NH3 khan
|
IV-
|
Thị xã Tân Uyên
|
|
|
1.710.768
|
|
1
|
Công ty TNHH Lautan Luas
Lô J2, J3, J5, J6, KCN Nam Tân Uyên
|
Sản xuất hóa chất PAC
|
- Hydroclohydric Axit (HCl)
- Hydroxit nhôm Al(OH)3
Tổng:
|
160.000
600.000
760.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút
|
2
|
Công ty TNHH Wolsung Vina
Cụm Công nghiệp Thành phố Đẹp, Ấp Ông Đông, xã Tân Hiệp
|
Sản xuất hóa chất dệt nhuộm
|
- Vinyl Acetate Monomer
- Arylonitrille
- Butyl acrylat monome
- Etyl acrylat monome
- Methanol
- Iso Propanol
- Iso Butanol
Tổng:
|
20.000
16.000
20.000
14.000
3.000
5.000
3.000
81.000
|
Cháy nổ
|
3
|
Công ty TNHH Sơn Hua Bang
Lô N4, Đường N7-D3, KCN Nam Tân Uyên
|
Sơn gỗ
|
- Toluen
- Xylen
- Butyl Acetate nguyên chất
- Metanol
- Aceton
- Etyl Acetate
- n-Butyl Acetate
- Butyl Xelosonve
- Dung môi A100
- Dung môi A150
- Butyl Acetate
- PropylenGlycol MonoMethyl Acetate
- Nitrocellulose
- Cyclohecxanol
- Xelosonve Acetate
Tổng:
|
3.000
2.000
300.000
4.800
1.800
180.000
1.000
5.400
18.000
9.000
1.800
17.100
38.400
3.600
5.400
591.300
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
4
|
Công ty TNHH Phi Khang
Số 07/D9X5-TH, tổ 9, ấp Tân Hóa, Tân Vĩnh Hiệp
|
Sơn gỗ
|
- Xylen
- Butyl Acetate
- Metanol
- Etyl Acetate
- Butanol
- Nitrocellulose
- Aceton
Tổng :
|
17.900
9.000
6.520
9.000
165
4.000
500
47.085
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
5
|
Công ty TNHH Interwood Việt Nam
Thị trấn Uyên Hưng, Tân Uyên
|
Sản xuất đồ gỗ
|
- Aceton
- Butyl Acetate
- Etyl Acetate
- Iso Propanol
Tổng:
|
320
18.000
550
160
19.030
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
6
|
Công ty TNHH Việt Nhất 3
Đường ĐT747B, KP Khánh Vân, Khánh Bình
|
Sản xuất hóa chất xi mạ
|
- Axit Nitric
- Axit Floric
- Đồng Xianua
- Axit Clohydric
- Metanol
- Natri Xianua
- Amoniac
- Kẽm Xianua
- Crom Oxit
Tổng:
|
800
200
2.000
970
1.000
18.000
200
700
10.000
33.870
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, chất vô cơ và cháy nổ dung môi hữu cơ
|
7
|
Công ty TNHH Mực in Vạn Thông Việt Nam
Lô M4, Đường N8-D3, KCN Nam Tân Uyên
|
Sản xuất mực in
|
- Toluen
- Xylen
- Methyl Etyl Ketone
- IPA
- Etyl Acetate
- n-Butyl Acetate
- Iso Butanol
- Cyclohecxanon
- Nitrocellulose
Tổng:
|
20.000
10.000
14.000
14.000
15.000
7500
4.000
6.000
1000
91.500
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ và Nitrocellulose
|
8
|
Công ty TNHH Á Mỹ Gia
Lô C6, đường N3, KCN Nam Tân Uyên
|
Sản xuất mỹ phẩm
|
- Sôđa
- Trietanolamin
- Iso Propiancohol
- Natri Ankilbenzen Sunfonat
- Dung dịch HCl 31%
Tổng:
|
500
4.161
3.112
25.000
16.000
48.773
|
Rò rỉ, tràn đổ axit và cháy nổ dung môi hữu cơ
|
9
|
Công ty TNHH Princemate Việt Nam
Lô K1-K4, đường D2, N2, KCN Nam Tân Uyên
|
Xi mạ
|
- Natri Cacbonat
- Natri Hydroxit
- Đồng Xianua
- Kẽm Xianua
- Natri Xianua
- Kali Hydroxit
- Axit Sunfuaric 98%
- Crom (6) Trioxit
- Nitric Axit 65%
- Axit Clohydric
- Nitơ
Tổng:
|
8.440
5.000
400
400
4.000
400
4.000
7.000
3.500
4.000
470
37.610
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút, các chất vô cơ độc hại
|
V-
|
Thị xã Bến Cát
|
|
|
27.350.933
|
|
1
|
Công ty TNHH Chokwang Vina
Lô A-5E-CN, KCN Mỹ Phước 3
|
Sơn gỗ
|
- Metanol
- Isopropanol
- Butanol
- DiAceton Ancohol
- Etoxietanol
- Xylen
- Toluen
- Etyl Acetate
- Aceton
- Butyl Acetate
- 2-Etoxietanol
Tổng:
|
1.080
1.272
1.412
171
542
2.905
2.445
1.268
1.051
994
1.398
14.538
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
2
|
Công ty TNHH Sheng Chang
Lô I-1A-CN, KCN Mỹ Phước 2
|
Sản xuất ắcquy
|
- Axit Sunfuaric
- Chì (Pb)
- Xút (NaOH)
- Nước tẩy Javen
Tổng:
|
940.000
7.000
121.000
11.200
1.079.200
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút và cháy nổ LPG
|
3
|
Công ty TNHH Chin Hsin
Đường D9, KCN Mỹ Phước 1
|
Sản xuất chỉ công nghiệp
|
- Metanol
- Dầu Diesel (DO)
- Dầu FO
- Axit Hydrocloric (HCl)
- Sôđa (Na2CO3)
- Axit Formic
- Aceton
- Xút (NaOH)
- Butyl Acetate
Tổng:
|
30.000
4.000
25.000.000
180
40
350
160
4.000
360
64.090
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút và cháy nổ dung môi hữu cơ, dầu DO
|
4
|
Công ty TNHH Rheem Việt Nam
Lô A3.1, đường D5, KCN Đồng An 2
|
Sản xuất bình nước nóng
|
- Isocyanua
- Natri Nitrit (NaNO2)
- Metanol
Tổng:
|
20.000
25
20
20.045
|
Rò rỉ, tràn đổ Isoxianua
|
5
|
Công ty TNHH LongYi
Lô E5-CN&E11-CN, KCN Mỹ Phước 2
|
Đóng giày
|
- Bột nhôm
- Vinyl Acetate
- Xút (NaOH)
- Etyl Acetate
- Aceton
- Methyl Etyl Ketone (MEK)
Tổng:
|
100
100
160
150
150
500
1.160
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ
|
6
|
Công ty TNHH Thuộc da Sài Gòn Tantec
Lô M2-M3, KCN Việt Hương 2
|
Thuộc da
|
- Formic Axit
- Metoxi Propanol
- Khí hóa lỏng (LPG)
Tổng:
|
19.000
12.000
24.000
55.000
|
Cháy nổ LPG
|
7
|
Công ty TNHH Việt Hữu
KP6, phường Thới Hòa
|
Sản xuất, chất ổn định cho ngành nhựa, phụ gia và tinh màu cho ngành sơn
|
- Methyl Ethyl Ketone
- Bari Stearat
- Stearic Axit
- Chì Sunfat Bazơ bậc 3
- Oxit chì
- Oxit kẽm
- Polyetylen homopolymer
Tổng:
|
3.000
31.000
600.000
159.000
40.000
84.000
70.000
987.000
|
Tràn đổ chất vô cơ, cháy nổ chất hữu cơ
|
8
|
Chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (sữa nước)
KCN Mỹ Phước 2, Bến Cát
|
Chế biến sữa nước
|
- NH3 lỏng
- Sodium Hydroxit
- Axit Nitric
- Hydrogen Peroxide
Tổng:
|
4.400
20.000
20.000
1.500
45.900
|
Rò rỉ, cháy nổ NH3 khan
|
9
|
Chi nhánh Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Nhà máy nước giải khát)
KCN Mỹ Phước 2, Bến Cát
|
Sản xuất nước giải khát
|
- NH3 lỏng
- Sodium Hydroxit
- Axit Sunfuric
Tổng:
|
2.000
4.000
3.000
9.000
|
Rò rỉ,cháy nổ NH3 khan
|
10
|
Công ty TNHH SAKAI CHEMICAL
KCN Mỹ Phước 3
|
Sản xuất hóa chất ngành nhựa
|
- H2SO4 98%
Tổng:
|
100.000
100.000
|
Rò rỉ, tràn đổ axít sunfuaric đặc
|
VI-
|
Huyện Bắc Tân Uyên
|
|
|
68.868
|
|
1
|
TNHH Hóa chất Daliang
Lô B7, O7622, đường D2, KCN Đất Cuốc
|
Sản xuất hóa chất xi mạ
|
- n-Butyl acetate
Isopropanol
Xylene
Acetic acid
Methanol
Hydrogen peroxide
Chromic acid
Nitric acid
Ammonium Hydroxide
Sulfuric acid
Hydrochloric acid
Hydrofluoric acid
Formic acid
Potassium hydroxide
Zinc chloride
Phosphoric acid
Sodium hydroxide
Tổng:
|
229
538
209
4.000
1.567
600
750
700
900
2.000
2.000
5.000
100
400
675
2.000
2.600
24.268
|
Rò rỉ, tràn đổ axit, xút, chất vô cơ và cháy nổ dung môi hữu cơ
|
2
|
Công ty TNHH Hóa học ứng dụng Base Vina
Lô B7, Ô 1, Đường D2, KCN Đất Cuốc
|
Sản xuất keo
|
- Polieste
- Sukorezsu-210
- Acrilic co-polime
- Giôn Cril Wax 26
- Stiren Isoren co-polime khối
- Toluen
- n-Hecxan
|
2.400
1.800
15.000
2.000
20.000
2.000
1.400
44.600
|
Cháy nổ dung môi hữu cơ, chất hữu cơ
|
VII-
|
Huyện Phú Giáo
|
|
|
82.397
|
|
1
|
Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa
|
Chế biến mủ
|
- Amoniac khan
- Axit Formic
- Khí hóa lỏng (LPG)
- Axit Sunfuaric
- Amoniac 10%
- Axit Axetic
Tổng:
|
14.235
689
15.000
6.425
4.088
41.960
82.397
|
Rò rỉ, tràn đổ amoniac khan và cháy nổ LPG, DO
|
VIII-
|
Huyện Dầu Tiếng
|
|
|
4.765.839
|
|
1
|
Công ty TNHH MTV Cao Su Dầu Tiếng (Bến Súc)
|
Chế biến mủ
|
- Amoniac khan
- Axit Formic
- Khí hóa lỏng (LPG)
- Axit Sunfuaric
Tổng:
|
20.439
6.512
19.500
36.800
83.251
|
Rò rỉ, tràn đổ amoniac khan và cháy nổ LPG, DO
|
2
|
Công ty TNHH MTV Cao Su Dầu Tiếng (Kho Vật tư)
Kp 4B, TT Dầu Tiếng
|
Chế biến mủ
|
- Canxi Clorua (CaCl2)
- Natri Dioctyl Sunfosucxinat
- Axit Formic
- Axit Oxalic
- Canxi Hypoclorua
- Hydroxil Amoni Sunfat
- Natri Metabisunfit
Tổng:
|
275
100
50.000
3.000
180
10.000
5.000
68.555
|
Rò rỉ, tràn đổ hóa chất
|
3
|
Công ty TNHH MTV Cao Su Dầu Tiếng (Long Hòa)
|
Chế biến mủ
|
- Amoniac
- Axit Formic
- Khí hóa lỏng (LPG)
- Dầu DO
Tổng:
|
3.500
7.000
12.000
800
23.300
|
Rò rỉ, tràn đổ hóa chất và cháy nổ LPG, DO
|
4
|
Công ty TNHH MTV Cao Su Dầu Tiếng (Phú Bình)
|
Chế biến mủ
|
- Amoniac
- Axit Formic
- Khí hóa lỏng (LPG)
- Dầu DO
Tổng:
|
3.500
5.250
19.500
800
29.050
|
Rò rỉ, tràn đổ hóa chấtvà cháy nổ LPG, DO
|
5
|
Công ty TNHH Mai Thảo
Ấp Tân Minh, xã Minh Thạnh
|
Chế biến mủ
|
- Amoniac (65%)
- Axit Formic (85%)
- Natri Hydroxit
- Dầu DO
Tổng:
|
500
1.000
183
4.650.000
4.561.683
|
Rò rỉ, tràn đổ hóa chấtvà cháy nổ DO
|
IX-
|
Huyện Bàu Bàng
|
|
|
45.065
|
|
1
|
Công ty CP VRG Khải Hoàn
Lai Hưng, Bàu Bàng
|
Sản xuất găng tay y tế
|
- Cl2 hóa lỏng
- NaOH
- Ca(NO3)2
- HNO3
Tổng:
|
3.720
650
15.445
1805
21.620
|
Tràn đổ Acid, Rò rỉ khí Cl2
|
2
|
Công ty CP Găng Việt
Lai Hưng, Bàu Bàng
|
Sản xuất găng tay y tế
|
- Cl2 hóa lỏng
- NaOH
- Ca(NO3)2
- HNO3
Tổng:
|
3.000
600
18.445
1.400
23.445
|
Tràn đổ Acid, Rò rỉ khí Cl2
|
|
|
TỔNG CỘNG
|
45.734.449
|
|
Phụ lục 2. Phân loại hóa chất theo các nhóm nguy hiểm
Stt
|
Tên hoá chất(theo Tiếng Anh)
|
Trạng thái thường
|
Mã số CAS
|
Nhóm hoá chất(theo Tiếng Anh)
|
1
|
Acetaldehyde
|
Lỏng
|
75-07-0
|
C high bp
|
2
|
Acetic Anhydride
|
Lỏng
|
107-20-0
|
F med
|
3
|
Acetone
|
Lỏng
|
67-64-1
|
A
|
4
|
Acetonitrile
|
Lỏng
|
75-05-8
|
A
|
5
|
Acetyl Chloride
|
Lỏng
|
75-36-5
|
F low, A
|
6
|
Acetylchloride, chloro-
|
Lỏng
|
79-04-9
|
F very low
|
7
|
Acetylchloride, dichloro-
|
Lỏng
|
79-36-7
|
F very low
|
8
|
Acetylchloride, trichloro-
|
Lỏng
|
76-02-8
|
F very low
|
9
|
Acetylene
|
Khí
|
74-86-2
|
C low bp
|
10
|
Acrolein
|
Lỏng
|
107-02-8
|
F med, A
|
11
|
Allyl Alcohol
|
Lỏng
|
107-18-6
|
A, F low
|
12
|
Allylamine
|
Lỏng
|
107-11-9
|
F low,A
|
13
|
Allyl Bromide
|
Lỏng
|
106-95-6
|
F low, A
|
14
|
Allyl Chloride
|
Lỏng
|
107-05-1
|
F low, A
|
15
|
Amonia, Anhydrous
|
Khí Hóa Lỏng
|
7664-41-7
|
D high
|
16
|
Amonia Solutions with more than 35% and less 50% amonia
|
Lỏng
|
7664-41-7
|
F low
|
17
|
Amonia Solutions with more than 50% amonia
|
Lỏng
|
7664-41-7
|
F med
|
18
|
Antimony pentafluoride
|
Lỏng
|
7783-70-2
|
F high
|
19
|
Arsenic Tricloride
|
Lỏng
|
7784-34-1
|
F high
|
20
|
Carbonyl Sulphie
|
Comp-Gas in situ
|
463-58-1
|
D/E high, C low bp
|
21
|
Chlorine
|
Khí Hóa Lỏng
|
7782-50-5
|
D/E high
|
22
|
Chlorine Dioxide
|
Gas in situ
|
|
F very high
|
23
|
Chloropicrin
|
Lỏng
|
76-06-2
|
F low
|
24
|
Chlorosulphonic Acid
|
Lỏng
|
7790-94-5
|
F med
|
25
|
Cobalt Carbonyl
|
Rắn in situ
|
10210-68-1
|
F very high
|
26
|
Cyanogen
|
Khí Hóa Lỏng
|
460-19-5
|
D very high/ E high
|
27
|
Cyanogen Bromide
|
Rắn
|
506-68-3
|
F med
|
28
|
Cyclohexane
|
Lỏng
|
110-82-7
|
A
|
29
|
Cyclohexane, methyl-
|
Lỏng
|
108-87-2
|
A
|
30
|
Cyclohexene
|
Lỏng
|
110-83-8
|
A
|
31
|
Cyclopentane
|
Lỏng
|
287-92-3
|
A,B
|
32
|
Cyclopropane
|
Khí Hóa Lỏng
|
75-19-4
|
C low bp, A
|
33
|
Diborane (6)
|
Comp, Gas
|
19287-45-7
|
D/E very high, C low bp
|
34
|
Dichlorodimethyl Ether
|
Lỏng
|
542-88-1
|
F high
|
35
|
Diethylamine
|
Lỏng
|
109-89-7
|
A
|
36
|
Diethyl Ether
|
Lỏng
|
60-29-7
|
A,B
|
37
|
Diisobutylene
|
Lỏng
|
25167-70-8
|
A
|
38
|
Diisopropylether
|
Lỏng
|
108-20-3
|
A
|
39
|
Dimethylamine, anhydrous
|
Khí Hóa Lỏng
|
124-40-3
|
D/E med, C high bp, A
|
40
|
Dimethylamine, solutions
|
Lỏng
|
124-40-3
|
B, F low
|
41
|
Dimethyldichlorosolane
|
Lỏng
|
75-78-5
|
F med, A
|
42
|
Dimethyl Ether
|
Khí Hóa Lỏng
|
115-10-6
|
D very high/ E high, A
|
43
|
Dimethyl Sulphide
|
Lỏng
|
75-18-3
|
F low, A
|
44
|
1,4-Dioxane
|
Lỏng
|
123-91-1
|
A
|
45
|
Ethane & Ethane mixtures
|
Comp. Gas, Ref Lỏng
|
74-84-0
|
C low bp, A
|
46
|
Ethyl Acetate
|
Lỏng
|
141-78-6
|
A
|
47
|
Ethyl Acrylate
|
Lỏng
|
140-88-5
|
A
|
48
|
Ethylbenzene
|
Lỏng
|
100-41-4
|
A
|
49
|
Ethyl Bromide
|
Lỏng
|
74-96-4
|
A, B, F low
|
50
|
Ethyl Chloride
|
Khí Hóa Lỏng
|
75-00-3
|
C high bp, A
|
51
|
Ethyl Chloroformate
|
Lỏng
|
541-41-3
|
F med, A
|
52
|
Ethyl Formate
|
Lỏng
|
109-94-4
|
A
|
53
|
Ethyl Isocyanate
|
Lỏng
|
109-90-0
|
F low, A
|
54
|
Ethyl Mercaptan
|
Lỏng
|
75-08-1
|
F low, A
|
55
|
Ethyl Methyl Ketone
|
Lỏng
|
78-93-3
|
A
|
56
|
Ethylamine or Ethylamine Solutions
|
Comp, Gas, Liquiud
|
75-04-7
|
D/E low
|
57
|
Ethylene
|
Ref. Lỏng Gas Under Pressure
|
74-85-1
|
C low bp, A
|
58
|
Ethylene Chlorohydrin
|
Lỏng
|
107-07-3
|
F low
|
59
|
Ethylene Diamine
|
Lỏng
|
107-15-3
|
A, F med
|
60
|
Ethylene Dibromide
|
Lỏng
|
106-93-4
|
F low
|
61
|
Ethylene Dichloride
|
Lỏng
|
107-06-2
|
A, F low
|
62
|
Ethylene Oxide
|
Lỏng: Gas Under Pressure
|
75-21-8
|
D/E med, A
|
63
|
Flourine
|
Gas
|
7782-41-4
|
D/E very high
|
64
|
Formaldehyde
|
Lỏng
|
50-00-0
|
D high, E med, A
|
65
|
Furan
|
Lỏng
|
110-00-9
|
A
|
66
|
Gasoline
|
Lỏng
|
86290-81-5
|
A,B
|
67
|
Germane
|
Khí Hóa Lỏng
|
7782-65-2
|
C low bp, D/E very high
|
68
|
Heptane
|
Lỏng
|
142-82-5
|
A
|
69
|
Hexane
|
Lỏng
|
110-54-3
|
A
|
70
|
Hydrazine
|
Lỏng
|
302-01-2
|
F very low, A
|
71
|
Hydrocyanic Acid
|
Liquefie Gas/ Lỏng
|
74-90-8
|
F high
|
72
|
Hydrogen
|
Comp. or Khí Hóa Lỏng
|
1333-74-0
|
C low bp
|
73
|
Hydrogen Bromide
|
Khí Hóa Lỏng/ Lỏng
|
10035-10-6
|
D/E high
|
74
|
Hydroden Chloride Acid
|
Khí Hóa Lỏng/ Lỏng
|
7647-01-0
|
D/E high
|
75
|
Hydrogen Flouride Acid
|
Khí Hóa Lỏng/ Lỏng
|
7664-39-3
|
D/E med
|
76
|
Hydrogen Iodide
|
Khí Hóa Lỏng/ Lỏng
|
10034-85-2
|
D/E high
|
77
|
Hydrogen Peroxide
|
Lỏng
|
7722-84-1
|
|
Hydrogen Peroxide is an oxidizing substance and will accelerate when involved in a fire, it may ignite combustibles.
|
78
|
Hydrogen Selenide
|
Khí Hóa Lỏng
|
7783-07-5
|
D/E extreme, C low bp
|
79
|
Hydrogen Sulphide
|
Gas/ Lỏng Under Pressure
|
7783-06-4
|
D/E high, C low bp
|
80
|
Iron pentacarbonyl
|
Lỏng in situ
|
13463-40-6
|
F low
|
80
|
Isoamyl Ahcohol
|
Lỏng
|
123-51-3
|
A
|
81
|
Isobutylamine
|
Lỏng
|
78-81-9
|
F med, A
|
82
|
Isobutylene
|
Lỏng
|
115-11-7
|
C high bp, A
|
83
|
Isobutyronnitrile
|
Lỏng
|
78-82-0
|
A
|
84
|
Isofluorophate
|
Lỏng
|
55-91-4
|
F high
|
85
|
Isophorone Diisocyanate
|
Lỏng
|
4098-71-9
|
F low
|
86
|
Isoprene
|
Lỏng
|
78-79-5
|
A, B
|
87
|
Ketene
|
Khí Hóa Lỏng
|
463-51-4
|
D/E very high
|
88
|
Liquefied Natural Gases
|
Khí Hóa Lỏng
|
8006-14-2
|
C low bp, A
|
89
|
Liquefied Petroleum Gases
|
Khí Hóa Lỏng
|
68476-85-7
|
C low bp, A
|
90
|
Manganese Trichlocarbonyl
|
Lỏng in situ
|
12108-13-3
|
F very high
|
91
|
Mercury
|
Lỏng
|
7439-85-3
|
F med, A
|
92
|
Methacryloyloxyethyl Isocyanate
|
Lỏng
|
30674-80-7
|
F med, A
|
93
|
Methane
|
Khí Hóa Lỏng, Ref. Lỏng
|
74-82-8
|
C low bp, A
|
94
|
Methanol
|
Lỏng
|
67-56-1
|
A
|
95
|
Methyl Acetate
|
Lỏng
|
79-20-9
|
A
|
96
|
Methyl Acetylene and Propadiene Mixtures
|
Khí Hóa Lỏng
|
74-99-7
|
C low bp, A
|
97
|
Methyl Acrylate
|
Lỏng
|
96-33-3
|
A
|
98
|
Methyl Bromide
|
Khí Hóa Lỏng
|
74-83-9
|
D/E high
|
99
|
Methyl Chloride
|
Khí Hóa Lỏng
|
74-87-3
|
D/E med
|
100
|
Methyl Chloromethyl Ether
|
Lỏng
|
107-30-2
|
F med, A
|
101
|
Methyl Formate
|
Lỏng
|
107-31-3
|
A, B
|
102
|
Methyl Iodide
|
Lỏng
|
74-88-4
|
F med
|
103
|
Methyl Isobutyl Ketone
|
Lỏng
|
108-10-1
|
A
|
104
|
Methyl Isothiocyanate
|
Rắn or Lỏng
|
556-61-1
|
F med, A
|
105
|
Methyl magesium Bromide in Ethyl Ether
|
Lỏng Solutin in situ
|
75-16-1
|
A, B
|
106
|
Methyl Mercaptan
|
Khí Hóa Lỏng
|
74-93-1
|
F low, C high bp
|
107
|
Methyl Methacrylate
|
Lỏng
|
80-62-6
|
A
|
108
|
Methyl Vinyl Ketone
|
Lỏng
|
78-94-4
|
A
|
109
|
Naptha, Petroleum Naptha or Naptha Solvent
|
Lỏng
|
8030-30-6
|
A, B
|
110
|
Nickel Carbonyl
|
Lỏng in situ
|
13463-39-3
|
F very high, A
|
111
|
Nitric Acid, Fuming or Red Fuming
|
Lỏng
|
7697-37-2
|
F high
|
112
|
Nitric Oxide
|
Comp-Gas
|
10102-43-9
|
D/E high
|
113
|
Nitrogen Dioxide
|
Khí Hóa Lỏng
|
10102-44-0
|
F high
|
114
|
Nitrosylsulphuric Acid
|
Lỏng
|
7782-78-7
|
F med
|
115
|
Octanes
|
Lỏng
|
11-65-9
|
A
|
116
|
Osimium Tetroxide
|
Rắn
|
20816-12-0
|
F low
|
117
|
Oxygen
|
Khí Hóa Lỏng, Ref. Lỏng
|
7782-44-7
|
|
Oxygen does not burn, but supports the combustion of other substances, and mat ignite combustibles.
|
118
|
Pentane and Pentane Mixtures
|
Lỏng
|
109-66-0
|
A, B
|
119
|
Perchloryl Flouride
|
Gas in situ
|
7616-94-6
|
D med, E low
|
120
|
Phenol
|
Rắn, Molten or Lỏng
|
108-95-2
|
A
|
121
|
Phosgene
|
Lỏng, Khí Hóa Lỏng in situ
|
75-44-5
|
D very high
|
122
|
Phosphine
|
Comp. Gas
|
7803-51-2
|
D/E very high, C low bp
|
123
|
Phosphorus, white or yellow, dry or in solution, wite molten; amorphous or amorphous red
|
Rắn or Lỏng, Molten
|
7723-14-0
|
A
|
124
|
Phosphorus Oxychloride
|
Lỏng
|
10025-87-3
|
F low
|
125
|
Phosphorus Trichloride
|
Lỏng
|
7719-12-2
|
F low
|
126
|
Propadiene
|
Khí Hóa Lỏng
|
463-49-0
|
C low bp, A
|
127
|
Propane and Propane Mixtures
|
Khí Hóa Lỏng
|
74-98-6
|
C low bp, A
|
128
|
Propane, 2-methyl-
|
Khí Hóa Lỏng
|
75-28-5
|
C low bp, A
|
129
|
Propionaldehyde
|
Lỏng
|
123-38-6
|
A
|
130
|
Propionitrile
|
Lỏng
|
107-12-0
|
F high, A
|
131
|
n-Propylamine
|
Lỏng
|
107-10-8
|
F very low, A
|
132
|
Propylene Oxide
|
Lỏng
|
75-56-9
|
A, B
|
133
|
Pyridine
|
Lỏng
|
110-86-1
|
A
|
134
|
Silicon Tetrafluoride
|
Comp-Gas
|
7783-61-1
|
A
|
135
|
Sodium Chlorate
|
Rắn, Lỏng
|
7775-09-9
|
|
Sodium Chlorate is an oxidizing substance and will accelerate burning when involved in a fire, it may ignite combustibles.
|
136
|
Stibine
|
Comp-Gas
|
7803-52-3
|
D/E very high, C high bp
|
137
|
Styrene Monomer
|
Lỏng
|
100-42-5
|
A
|
138
|
Sulphur Dichloride
|
Lỏng
|
10545-99-0
|
F high
|
139
|
Sulphur Tetraflouride
|
Comp-Gas
|
7783-60-0
|
D/E very high
|
140
|
Sulphue Trioxide
|
Rắn
|
7746-11-9
|
F high
|
141
|
Sulphuric Acid, Fuming
|
Lỏng
|
8014-95-7
|
F med
|
142
|
Sulphuryl Chloride
|
Lỏng
|
7791-25-5
|
F low
|
143
|
Tetraethyl Lead
|
Lỏng
|
78-00-2
|
F low
|
144
|
Tetrafluoroethylene
|
Comp-Gas
|
116-14-3
|
C high bp
|
145
|
Tetramethyl Lead
|
Lỏng
|
75-74-1
|
F low
|
146
|
Thionyl Chloride
|
Lỏng
|
7719-09-7
|
F med
|
147
|
Thiophosgene
|
Lỏng
|
463-71-8
|
F high
|
148
|
Titanium Chloride
|
Lỏng
|
7550-45-0
|
F high
|
149
|
Toluene
|
Lỏng
|
108-88-3
|
A
|
150
|
Toluene 2,4-diisocyante
|
Rắn
|
584-84-9
|
F low
|
151
|
2,4 – Toluylenediamine
|
Rắn
|
95-80-7
|
F med
|
152
|
Triethylamine
|
Lỏng
|
75-50-3
|
D/E med
|
153
|
Trimethylchlorosilane
|
Lỏng
|
75-77-4
|
F very low, A
|
154
|
Tungsten Hexaflouride
|
Lỏng
|
7783-82-6
|
F high
|
155
|
Uranium Hexaflouride
|
Rắn
|
7783-81-5
|
F high
|
156
|
Vinyl Acetate
|
Lỏng
|
108-05-4
|
A
|
157
|
Vinyl Chloride
|
Khí Hóa Lỏng
|
75-01-4
|
C low bp, A, D med, E low
|
158
|
Vinyl Methyl Ether
|
Khí Hóa Lỏng
|
107-25-5
|
C high bp
|
159
|
Vinylidene Chloride
|
Lỏng
|
75-35-4
|
F low, A
|
160
|
Xylene
|
Lỏng
|
1330-20-7
|
A
|
Ký hiệu
|
Tên tiếng Việt
|
Tên tiếng Anh
|
A
|
Chất lỏng dễ cháy (cháy bề mặt)
|
Flammable liquids (pool fire hazard)
|
B
|
Chất lỏng dễ cháy (bùng cháy, cháy nhanh)
|
Flammable liquids (flash fire hazard)
|
C
|
Khí hóa lỏng dễ cháy
|
Liquefied flammable gase
|
D
|
Khí độc hóa lỏng bằng cách nén
|
Toxic gases liquefied by compression
|
E
|
Khí độc hóa lỏng bằng làm lạnh
|
Toxic gases liquefied by cooling
|
F
|
Chất lỏng độc
|
Toxic liquid
|
Phụ lục 3. Danh mục, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất
PL3.1. Danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị cho đội dân phòng
STT
|
DANH MỤC
|
ĐƠN VỊ TÍNH
|
SỐ LƯỢNG TỐI THIỂU
|
NIÊN HẠN SỬ DỤNG
|
1.
|
Khóa mở trụ nước (trang bị cho địa bàn có trụ cấp nước chữa cháy đô thị)
|
Chiếc
|
01
|
Hỏng thay thế
|
2.
|
Bình bột chữa cháy xách tay loại 8kg
|
Bình
|
05
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
3.
|
Bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại 5kg
|
Bình
|
05
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
4.
|
Mũ chữa cháy
|
Chiếc
|
01 người/01 chiếc
|
03 năm
|
5.
|
Quần áo chữa cháy
|
Bộ
|
01 người/01 bộ
|
02 năm
|
6.
|
Găng tay chữa cháy
|
Đôi
|
01 người/01 đôi
|
Hỏng thay thế
|
7.
|
Ủng chữa cháy
|
Đôi
|
01 người/01 đôi
|
Hỏng thay thế
|
8.
|
Đèn pin chuyên dụng
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
9.
|
Câu liêm, bồ cào
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
10.
|
Dây cứu người
|
Cuộn
|
02
|
Hỏng thay thế
|
11.
|
Hộp sơ cứu (kèm theo các dụng cụ cứu thương)
|
Hộp
|
01
|
Hỏng thay thế
|
12.
|
Thang chữa cháy
|
Chiếc
|
01
|
Hỏng thay thế
|
13.
|
Loa pin
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
14.
|
Khẩu trang lọc độc
|
Chiếc
|
01 người/01 chiếc
|
Hỏng thay thế
|
Bảng PL3.2. Danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị cho đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở
STT
|
DANH MỤC
|
ĐƠN VỊ TÍNH
|
SỐ LƯỢNG TỐI THIỂU
|
NIÊN HẠN SỬ DỤNG
|
1.
|
- Vòi chữa cháy có đường kính 66mm, dài 20m
|
Cuộn
|
Vòi: 06
|
Hỏng thay thế
|
- Lăng chữa cháy A (trang bị cho cơ sở có trụ cấp nước chữa cháy ngoài trời)
|
Chiếc
|
Lăng: 02
|
Hỏng thay thế
|
2.
|
Khóa mở trụ nước (trang bị cho cơ sở có trụ cấp nước chữa cháy ngoài trời)
|
Chiếc
|
01
|
Hỏng thay thế
|
3.
|
Bình bột chữa cháy xách tay loại 8kg
|
Bình
|
05
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
4.
|
Bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại 5kg
|
Bình
|
05
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
5.
|
Mũ chữa cháy
|
Chiếc
|
01 người/01 chiếc
|
03 năm
|
6.
|
Quần áo chữa cháy
|
Bộ
|
01 người/01 bộ
|
02 năm
|
7.
|
Găng tay chữa cháy
|
Đôi
|
01 người/01 đôi
|
Hỏng thay thế
|
8.
|
Ủng chữa cháy
|
Đôi
|
01 người/01 đôi
|
Hỏng thay thế
|
9.
|
Khẩu trang lọc độc
|
Chiếc
|
01 người/01 chiếc
|
Hỏng thay thế
|
10.
|
Đèn pin chuyên dụng
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
11.
|
Câu liêm, bồ cào
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
12.
|
Bộ đàm cầm tay
|
Chiếc
|
02
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
13.
|
Dây cứu người
|
Cuộn
|
02
|
Hỏng thay thế
|
14.
|
Hộp sơ cứu (kèm theo các dụng cụ cứu thương)
|
Hộp
|
01
|
Hỏng thay thế
|
15.
|
Thang chữa cháy
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
16.
|
Loa pin
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
PL3.3. Danh mục phương tiện phòng cháy và chữa cháy trang bị cho đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành
STT
|
DANH MỤC
|
ĐƠN VỊ TÍNH
|
SỐ LƯỢNG TỐI THIỂU
|
NIÊN HẠN SỬ DỤNG
|
1.
|
Phương tiện chữa cháy cơ giới
|
Chiếc
|
Thực hiện theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
2.
|
- Vòi chữa cháy có đường kính 66mm, dài 20m
|
Cuộn
|
Vòi: 06
|
Hỏng thay thế
|
- Lăng chữa cháy A (trang bị cho cơ sở có trụ cấp nước chữa cháy ngoài trời)
|
Chiếc
|
Lăng: 02
|
Hỏng thay thế
|
3.
|
Khóa mở trụ nước (trang bị cho cơ sở có trụ cấp nước chữa cháy ngoài trời)
|
Chiếc
|
01
|
Hỏng thay thế
|
4.
|
Bình bột chữa cháy xách tay loại 8kg
|
Bình
|
05
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
5.
|
Bình khí CO2 chữa cháy xách tay loại 5kg
|
Bình
|
05
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
6.
|
Mũ chữa cháy
|
Chiếc
|
01 người/01 chiếc
|
03 năm
|
7.
|
Quần áo chữa cháy
|
Bộ
|
01 người/01 bộ
|
02 năm
|
8.
|
Găng tay chữa cháy
|
Đôi
|
01 người/01 đôi
|
Hỏng thay thế
|
9.
|
Ủng chữa cháy
|
Đôi
|
01 người/01 đôi
|
Hỏng thay thế
|
10.
|
Khẩu trang lọc độc
|
Chiếc
|
01 người/01 chiếc
|
Hỏng thay thế
|
11.
|
Đèn pin chuyên dụng
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
12.
|
Câu liêm, bồ cào
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
13.
|
Bộ đàm cầm tay
|
Chiếc
|
02
|
Theo quy định của nhà sản xuất
|
14.
|
Dây cứu người
|
Cuộn
|
02
|
Hỏng thay thế
|
15.
|
Hộp sơ cứu (kèm theo các dụng cụ cứu thương)
|
Hộp
|
01
|
Hỏng thay thế
|
16.
|
Thang chữa cháy
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
17.
|
Quần áo cách nhiệt
|
Bộ
|
02
|
Hỏng thay thế
|
18.
|
Quần áo chống hóa chất (trang bị cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất)
|
Bộ
|
02
|
Hỏng thay thế
|
19.
|
Quần áo chống phóng xạ (trang bị cho cơ sở hạt nhân)
|
Bộ
|
02
|
Hỏng thay thế
|
20.
|
Mặt nạ phòng độc lọc độc
|
Bộ
|
03
|
Hỏng thay thế
|
21.
|
Mặt nạ phòng độc cách ly
|
Bộ
|
02
|
Hỏng thay thế
|
22.
|
Loa pin
|
Chiếc
|
02
|
Hỏng thay thế
|
PL3.4.Danh mục, trang thiết bị phục vụ ứng phó sự cố hóa chất
STT
|
Loại trang bị
|
Cấp xã
|
Cấp huyện
|
Cấp tỉnh
|
Loại sự cố sử dụng
|
1
|
Thiết bị liên lạc và hệ thống cảnh báo, hỗ trợ
|
1.1
|
Hệ thống thông tin chỉ huy điều hành
|
|
1 hệ thống
|
1 hệ thống
|
Tất cả các sự cố
|
1.2
|
Bộ đàm tần sóng ngắn
|
1 bộ/xã
|
1 bộ/huyện
|
1 bộ/huyện
|
Tất cả các sự cố
|
1.3
|
Biển báo, các thiết bị cách ly (rào chắn, dây,…)
|
2 biển báo , bộ rào chắn, dây cách ly,
|
5 biển báo, bộ rào chắn, dây cách ly,
|
10 biển báo, bộ rào chắn, dây cách ly
|
Sự cố trên đường vận chuyển hóa chất
|
2
|
Thiết bị bảo hộ cá nhân *
|
2.1
|
Khẩu trang lọc bụi
|
10 bộ
|
40 bộ
|
120 bộ
|
Tất cả các sự cố
|
2.2
|
Mặt nạ, khẩu trang chống bụi, khí độc
|
10 bộ
|
40 bộ
|
120 bộ
|
Tất cả các sự cố
|
2.3
|
Mặt nạ có thiết bị thở
|
|
08 bộ/huyện
|
120 bộ
|
Sự cố tràn đổ, rò rỉ hóa chất
|
2.4
|
Quần áo cách ly
|
06 bộ/xã
|
30 bộ/huyện
|
120 bộ
|
Sự cố tràn đổ, rò rỉ và sự cố hóa chất
|
2.5
|
Găng tay chuyên dùng
|
06 bộ/xã
|
30 bộ/huyện
|
120 bộ
|
Sự cố tràn đổ, rò rỉ và sự cố hóa chất
|
3
|
Vật tư, thiết bị cô lập hóa chất
|
3.1
|
Đất khô, cát khô
|
Tùy theo quy mô sự cố, huy động khi cần
|
Tùy theo quy mô sự cố, huy động khi cần
|
Tùy theo quy mô sự cố, huy động khi cần
|
Sự cố hóa chất trên đường vận chuyển hay lưu giữ
|
3.2
|
Bao cát
|
Tùy theo quy mô sự cố, huy động khi cần
|
Tùy theo quy mô sự cố, huy động khi cần
|
Tùy theo quy mô sự cố, huy động khi cần
|
Sự cố hóa chất trên đường vận chuyển hay lưu giữ
|
3.3
|
Xe chữa cháy
|
|
Lực lượng Phòng cháy chữa cháy
|
Lực lượng Phòng cháy chữa cháy
|
Sự cố hóa chất trên đường vận chuyển hay lưu giữ
|
3.4
|
Xe trinh sát phóng xạ hóa học
|
|
|
2 xe
|
Sự cố hóa chất trên đường vận chuyển hay lưu giữ
|
4
|
Vật tư, thiết bị thu gom hóa chất rò rỉ, tràn đổ
|
4.1
|
Các thùng chứa
|
1 bồn chứa 1 m3 hoặc 5 phuy 200 lít
|
10 bồn chứa 1 m3 hoặc 15 phuy 660 lít
|
10 bồn chứa 1 m3 hoặc 30 phuy 660 lít
|
Sự cố hóa chất trên đường vận chuyển hay lưu giữ
|
4.2
|
Xe thu gom hóa chất
|
|
Huy động các phương tiện trong khu vực
|
Huy động các phương tiện trong khu vực
|
Sự cố hóa chất trên đường vận chuyển hay lưu giữ
|
4.3
|
Xe bồn
|
|
|
|
Tất cả các sự cố
|
4.4
|
Xe chữa cháy hoặc thiết bị xịt rửa
|
|
Lực lượng Phòng cháy chữa cháy
|
Lực lượng Phòng cháy chữa cháy
|
Tất cả các sự cố
|
5
|
Trang thiết bị, phương tiện sơ cấp cứu nạn nhân
|
5.1
|
Bộ cứu thương tiêu chuẩn
|
01 bộ/xã
|
01 bộ/huyện
|
20 bộ
|
Tất cả các sự cố
|
5.2
|
Cáng cứu thương
|
01 bộ
|
02 bộ/huyện
|
10 bộ
|
Tất cả các sự cố
|
5.3
|
Xe cứu thương
|
|
Huy động xe cứu thương của các cơ sở y tế gần nhất
|
Huy động xe cứu thương của các cơ sở y tế gần nhất
|
Tất cả các sự cố
|
5.3
|
Trạm y tế, bệnh viện
|
|
Huy động các cơ sở y tế gần nhất
|
Huy động các cơ sở y tế gần nhất
|
Tất cả các sự cố
|
PL 3.5 Trang thiết bị bảo hộ cần thiết đối với lực lượng tham gia ứng phó sự cố hóa chất
Mặt nạ phòng độc
|
Máy nén không khí
|
Bình khí thở độc lập
|
Găng tay
|
Kính bảo vệ mắt
|
Tạp dề
|
Kính bảo vệ toàn mặt
|
Ủng ngăn hóa chất
|
Lớp bọc dành cho ủng
|
Lớp lót có khả năng chống hóa chất
|
Áo khoác chống hóa chất với áo lớn và yếm
|
Phụ lục 4. Các tình huống điển hình và biện pháp xử lý sự cố trong quá trình vận chuyển hóa chất
STT
|
Tình huống cơ bản
|
Hậu quả
|
Hành động cần thực hiện
|
Số điện thoại cần liên lạc
|
1
|
Cản trở giao thông
(do hỏng đường, ùn tắc kéo dài…)
|
Dừng đỗ lâu tại vị trí không an toàn, có thể tiếp xúc các nguồn nhiệt, va chạm…dẫn đến cháy, rò rỉ
|
- Chuyển tuyến đường vận chuyển
- Cách ly, bảo vệ khu vực tiếp xúc
- Tham gia bảo vệ hiện trường và cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra sự cố
|
- Cơ quan cứu nạn
- Chuyên gia kỹ thuật
|
2
|
Trục trặc hoặc tai nạn phương tiện vận chuyển nhưng không ảnh hưởng đến phương tiện chứa
|
Dừng đỗ lâu tại vị trí không an toàn, có thể tiếp xúc các nguồn nhiệt, va chạm…dẫn đến cháy, rò rỉ
|
- Khắc phục hoặc thay phương tiện vận chuyển
- Thay người điều khiển phương tiện nếu có thương vong do tai nạn
- Tham gia bảo vệ hiện trường và cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra sự cố
|
- Cơ quan cứu nạn
- Trung tâm cứu hộ giao thông
- Chuyên gia kỹ thuật
|
3
|
Trục trặc hoặc tai nạn phương tiện vận chuyển có hư hỏng phương tiện chứa
|
Rò rỉ, tràn đổ thoát ra các chất độc hại hoặc dễ cháy, nổ…gây thiệt hại về người, tài sản xung quanh
|
- Khắc phục hư hỏng nhỏ nếu đã có phương án, công cụ dự kiến cho các trường hợp này (bịt chỗ rò, khóa van…)
- Cách ly khu vực nguy hiểm theo chỉ dẫn (bán kính cách ly tùy theo đặc tính hàng vận chuyển)
- Gọi trợ giúp
- Bảo vệ, ngăn chặn người xâm nhập khu vực cách ly, chờ trợ giúp của lực lượng cứu hộ…Sơ tán người trong khu vực nguy hiểm.
- Các biện pháp thu gom, tẩy sạch
- Tham gia bảo vệ hiện trường và cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra sự cố
|
- Cơ quan cứu nạn
- Trung tâm cứu hộ giao thông
- Chuyên gia kỹ thuật.
- Trung tâm cấp cứu y tế
|
4
|
Cháy phương tiện vận chuyển
|
Hỏng phương tiện chứa hoặc nổ phương tiện chứa nếu hàng vận chuyển có khả năng tăng áp suất do nhiệt, phát thải khí độc….gây thiệt hạn về người, tài sản.
|
- Dập cháy bằng phương tiện kèm theo xe nếu đám cháy nhỏ.
- Cách ly khu vực nguy hiểm theo chỉ dẫn (bán kính cách ly tùy theo đặc tính hàng vận chuyển)
- Gọi trợ giúp
- Bảo vệ, ngăn chặn người xâm nhập khu vực cách ly, chờ trợ giúp của lực lượng cứu hộ…Sơ tán người trong khu vực nguy hiểm.
- Các biện pháp thu gom, tẩy sạch
- Tham gia bảo vệ hiện trường và cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra sự cố
|
- Cơ quan cứu nạn
- Trung tâm cứu hộ giao thông
- Chuyên gia kỹ thuật
|
Ghi chú: Các tình huống và nội dung trên chỉ có tính minh họa, tổ chức vận tải phải dựa trên đặc điểm hàng hóa và đặc điểm vận chuyển để đánh giá về khả năng xảy ra sự cố, mức độ hậu quả xảy ra để xây dựng các tình huống điển hình và hành động khắc phục phù hợp.