Chức năng nhiệm vụ Phòng quản lý năng lượng và kỹ thuật an toàn
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Quản lý Năng lượng và Kỹ thuật an toàn
Tham mưu Giám đốc Sở thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật an toàn và môi trường ngành Công thương trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:
1. Về thẩm định thiết kế các dự án đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng các công trình chuyên ngành công nghiệp theo phân cấp
- Tổ chức thẩm định dự án, thiết kế cơ sở, thiết kế, dự toán xây dựng của dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành công nghiệp theo quy định tại Điểm d, Khoản 5, Điều 76, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về Quản lý đầu tư xây dựng; cụ thể gồm: công trình khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công trình dầu khí (kho xăng dầu, kho khí hóa lỏng, khí nén, trạm cấp khí, trạm nạp khí, cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu, khí, công trình sản xuất nhiên liệu sinh học) và công trình hóa chất theo phân cấp tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
- Tổ chức quản lý chất lượng công trình công nghiệp theo quy định tại Điểm d, Khoản 4, Điều 51, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức giám định công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên ngành; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn hằng năm và đột xuất.
2. Về quản lý công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng):
- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản sau khi được phê duyệt theo thẩm quyền;
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, an toàn vệ sinh trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
3. Về quản lý hoạt động hóa chất
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn;
- Thẩm định cấp mới, cấp lại, cấp điều chỉnh và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp;
- Thực hiện công bố hợp đối với các sản phẩm có yêu cầu an toàn về hóa chất (sản phẩm hàng hóa nhóm 2) thuộc phạm vi quản lý của ngành công thương;
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho người vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm theo quy định của pháp luật;
- Giám sát việc thực hiện các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất, Kế hoạch, Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và huấn luyện an toàn hóa chất của các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất;
- Tham mưu tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh; hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn hóa chất và tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động hóa chất trên địa bàn tỉnh.
4. Về quản lý hoạt động vật liệu nổ công nghiệp
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động VLNCN trên địa bàn;
- Chủ trì xây dựng quy định quản lý VLNCN, quy hoạch các đầu mối bảo quản, tuyến đường vận chuyển VLNCN, định mức kinh tế kỹ thuật trong sử dụng VLNCN;
- Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép sử dụng VLNCN; thực hiện việc tiếp nhận đăng ký sử dụng VLNCN đối với các tổ chức có Giấy phép sử dụng VLNCN do cơ quan có thẩm quyền cấp.
- Chủ trì việc tổ chức thực hiện phương án giám sát ảnh hưởng chấn động do nổ mìn của tổ chức sử dụng VLNCN;
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, kiểm tra sát hạch và cấp Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn trong hoạt động VLNCN theo quy định tại QCVN 02:2008/BCT cho chỉ huy nổ mìn, thợ nổ mìn và các đối tượng liên quan đến hoạt động VLNCN;
- Tổng hợp báo cáo định kỳ 06 (sáu) tháng, hàng năm về tình hình quản lý kinh doanh và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh cho Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Về quản lý các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường
Tiếp nhận bản đăng ký công bố hợp quy và phối hợp với các Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra việc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BCT ngày 24/11/2015 của Bộ Công Thương quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương.
6. Về quản lý an toàn trạm nạp, trạm cấp, kho chứa khí LPG, CNG, LNG
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh khí liên quan đến trạm nạp, trạm cấp, kho chứa khí LPG, CNG, LNG trên địa bàn;
- Thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Nạp LPG vào chai; nạp LPG/LNG/CNG vào phương tiện vận tải; cấp LPG/LNG/CNG.
7. Bảo vệ môi trường ngành công thương
- Chủ trì triển khai thực hiện các nội dung quản lý về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực công thương theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện quy hoạch và các chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường;
- Đầu mối của Sở trong công tác phối hợp bảo vệ môi trường với các cơ quan có liên quan.
8. Công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ ngành công thương:
- Chủ trì trong công tác triển khai, tổ chức thực hiện quản lý an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ theo lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở;
- Đầu mối của Sở trong thực hiện báo cáo cho cấp trên và các cơ quan có liên quan.
Tham mưu Giám đốc Sở thực hiện quản lý nhà nước về điện lực và năng lượng, thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở phân công.
1. Quản lý về điện lực
- Phối hợp phòng Kế hoạch – Tài chính, các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch phát triển điện lực tỉnh để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt; tổ chức thực hiện sau khi quy hoạch được phê duyệt.
- Tổ chức triển khai thực hiện phương án giá điện trên địa bàn tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Phối hợp với Thanh tra chuyên ngành điện lực thực hiện chức năng thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành quy định của nhà nước về lĩnh vực hoạt động điện lực và kiến nghị các biện pháp xử lý đối với các vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động điện lực trên địa bàn.
- Tham mưu cho Lãnh đạo Sở Công Thương cấp và thu hồi giấy phép hoạt đông điện lực theo quy định và kiểm tra việc thực hiện nội dung giấy phép.
- Tham gia góp ý kiến chuyên ngành các công trình điện; Tham gia thẩm định dự án, thiết kế cơ sở các dự án đầu tư công trình điện; Thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công các công trình điện theo quy định.
-Theo dõi, kiểm tra, đề xuất xử lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh.
- Tham gia điều tra các sự cố, tai nạn điện trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh và tai nạn về điện trong nhân dân.
- Tổng hợp, báo cáo theo định kỳ, đột xuất tình hình an toàn điện và tiết kiệm điện trên địa bàn tỉnh theo quy định.
2. Quản lý về năng lượng
- Xây dựng chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chương trình phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo cho từng giai đoạn; tổ chức quản lý, theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện;
- Phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, rà soát, lập danh sách doanh nghiệp trọng điểm;
- Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp thông tin của các báo cáo và kế hoạch sử dụng năng lượng của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
3. Về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Tham mưu phổ biến, hướng dẫn phát triển và quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.