SỞ CÔNG THƯƠNG BÌNH DƯƠNG

BINH DUONG DEPARTMENT OF INDUSTRY AND TRADE  

Kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Dự thảo kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo (Điều chỉnh – bổ sung)

Căn cứ Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 3242/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 của UBND tỉnh về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp và đô thị Bình Dương, giai đoạn 2016-2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ Logistics của tỉnh tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo, như sau:

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS.

Trong những năm qua, tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiên vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Các dịch vụ cung cấp khá đa dạng và hiện đại như: dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách; cho thuê kho, bãi; xếp dỡ hàng hóa; đóng gói bao bì và phân phối sản phẩm; khai thác cảng sông, cảng cạn (ICD) ; dịch vụ khai báo hải quan;… cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện thuân lợi hơn cho việc đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics theo hướng đồng bộ và hiện đại, ngày 28/12/2012 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 3905/KH-UBND về việc phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020. Trong đó, căn cứ theo tình hình phát triển thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố để định hướng quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, cảng thủy, cảng cạn,… Đến hết năm 2016, ngành dịch vụ logistics Bình Dương cơ bản đã đạt được những thành quả nhất định, cụ thể như sau:

1. Trung tâm logistics, cảng cạn (ICD).

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 ICD đang hoạt động là ICD Sóng Thần và Trung tâm Logistics Dĩ An (trước đây là ICD TBS - Tân Vạn), cụ thể:

- ICD Sóng Thần (thị xã Dĩ An): chủ đầu tư là Công ty TNHH ICD Tân Cảng - Sóng Thần. ICD Sóng Thần có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, gồm hệ thống kho phân phối, kho ngoại quan, với tổng diện tích 500.000 m2, trong đó 150.000 m2 bãi container và 160.000 m2 kho các loại. Đã đi vào hoạt động từ năm 2003.

- Trung tâm Logistics Dĩ An: chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương. Trung tâm Logistics Dĩ An có tổng diện tích quy hoạch khoảng 100 ha với vốn đầu tư là 125 triệu USD, cung cấp dịch vụ logistics 3PL với các dịch vụ trọn gói chất lượng cao với quy mô lớn. Đã xây dựng hoàn tất giai đoạn 1 là 40 ha, bao gồm 5 kho với diện tích 13,3 ha và bãi container, đã đưa vào khai thác vào giữa năm 2015. Năm 2017, sẽ xây dựng mở rộng thêm 5,1 ha kho chứa hàng hóa cung cấp các dịch vụ đóng gói và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện đang có khoảng 62 doanh nghiệp (Danh sách doanh nghiệp đính kèm theo - Phụ lục 1 và Phụ lục 2) đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm các lĩnh vực kinh doanh như: vận tải và cho thuê container, xây dựng và cho thuê nhà xưởng, kho bãi; dịch vụ đóng gói, dán nhãn, thu gom, phân phối hàng hóa; dịch vụ tư vấn hỗ trợ xuất nhập khẩu; dịch vụ giao nhận và khai báo hải quan; dịch vụ bán cước phí tàu biển,… Trong đó, có thể kể đến một số trung tâm logistics tiêu biểu như:

- Công ty TNHH Mapletree Logistics (Singapore): Bao gồm 01 dự án kho bãi nằm trong Khu công nghiệp VSIP I (thị xã Thuận An) và 06 dự án kho nằm trong Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore II (Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một) diện tích quy hoạch tổng thể khoảng 68 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 91,9 triệu USD, đi vào hoạt động năm 2011.

- Trung tâm kho YCH - Protrade (YCH -Protrade DistriPark): địa chỉ  tại khu phố Đồng An, phường Bình Hòa, Thị xã thuận An. Chủ đầu tư là Tập đoàn YCH (Singapore) và Công ty Sản Xuất - Xuất Nhập Khẩu Bình Dương (Protrade) hợp tác xây dựng. Trung tâm đang cung ứng dịch vụ vận tải, bảo quản hàng hóa, lưu kho, giao nhận, ... tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực. Trung tâm có diện tích sử dụng trên 6,9 ha với vốn đầu tư trên 14 triệu USD, đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2010.

- Công ty Cổ Phần Giao Nhận Vận Tải U&I: nằm trong Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên, cung cấp các dịch vụ như: lưu kho hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, làm thủ tục xuất nhập khẩu,... Đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh 04 kho chứa hàng hóa với diện tích tổng cộng là 15,3 ha và 2,3 ha bãi chứa container ngoài trời, đã đi vào hoạt động từ năm 2007.

- Công ty TNHH Schenker – Gemadept Logistics Việt Nam: gồm 2 kho chính nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần 1, thị xã Dĩ An có diện tích 2,7 ha và Cụm sản xuất An Thạnh, thị xã Thuận An với diện tích 2,8 ha. Có tổng vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, cung cấp các dịch vụ logistics đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đã đi vào hoạt động từ năm 2006.

- Công ty TNHH Kerry Interrated Logistics Việt Nam: nằm trong Khu Công nghiệp Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An. Trung tâm có vốn đầu tư là 336,2 tỷ đồng với tổng diện tích kho bãi trên 11 ha kho, cung cấp dịch vụ lưu kho bãi, cho thuê container, đóng gói hàng hóa,… đã đi vào hoạt động từ năm 2007.

- Công ty Cổ Phần Kho vận Miền Nam: địa chỉ khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An. Diện tích sử dụng là 2,5 ha, cung cấp dịch vụ kho bãi chứa container phục vụ cho xuất nhập khẩu, đã đi vào hoạt động từ năm 2010.

- Công ty TNHH MTV Trung tâm Phân phối Tranximex: nằm trong khu công nghiệp Sóng Thần 2, thị xã Dĩ An. Có vốn đầu tư là 50 tỷ đồng, với diện tích kho, bãi là 1,1 ha cung cấp dịch vụ vân tải đường bộ, đường sắt, đường biển và dịch vụ cho thuê kho, đã đi vào hoạt động từ năm 2012.

- Chi nhánh Công ty Liên doanh TNHH Nippon Express (Việt Nam): bao gồm 02 kho chính nằm ở Khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Khu công nghiệp Việt Nam – Singarpore với diện tích tổng công là 0,81 ha, với tổng vốn đầu tư xây dựng là 195 tỷ đồng. Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2011.

Ngoài ra, còn có các kho nhỏ lẻ nằm ngoài các khu công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong và ngoài nước đầu tư để cho thuê lại, chủ yếu là các mặt hàng vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu với diện tích nhỏ (từ 2.000 đến 3.000 m2) cung cấp các dịch vụ khác như: vận tải, bốc dỡ hàng hóa, giao nhận hàng hóa nằm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của hệ thống các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có hiệu lực, làn sóng đầu tư vào tỉnh Bình Dương sẽ tăng cao. Do đó, định hướng đến năm 2025 sẽ quy hoạch phát triển thêm các trung tâm logistics tại khu vực thị xã Bến Cát, Tân Uyên và một số huyện phía Bắc nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

2. Hệ thống cảng sông

Trên địa bàn tỉnh hiện có 03 cảng sông đang khai thác vận chuyển hàng hóa là cảng An Sơn (xã An Sơn, thị xã Thuận An); cảng Thạnh Phước (phường Thạnh Phước, thị xã Tân Uyên), cảng Bình Dương (phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An); và 01 cảng đang được quy hoạch cải tạo thành cảng du lịch là cảng Bà Lụa (phường Phú Thọ - thành phố Thủ Dầu Một), cụ thể:

- Cảng An Sơn: vị trí nằm bên sông Sài Gòn thuộc địa bàn xã An Sơn – thị xã Thuận An, do Công ty TNHH An Sơn Bình Dương Logistics (liên doanh giữa Tổng công ty Thương Mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – TNHH MTV và Công ty Cổ phần Giang Nam Logistics) làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Dự án có quy mô đầu tư trên 454 tỷ đồng với diện tích 32 ha, có công suất dự kiến 6 triệu tấn/năm, bao gồm các hạng mục công trình như: cảng thủy nội địa, khu kho cảng tổng hợp, khu bãi container, dịch vụ làm thủ tục Hải quan… Hiện nay, Cảng An Sơn đang trong quá trình đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng và hướng tới sẽ hình thành cảng ICD cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics.

- Cảng Thạnh Phước: vị trí nằm bên sông Đồng Nai thuộc địa bàn phường Thạnh Phước – thị xã Tân Uyên, diện tích quy hoạch 26 ha, khả năng tàu cập cảng 1000 tấn với công suất 2,5 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1 đã hoàn tất với diện tích 10 ha và đã hoạt động từ tháng 5/2012. Hiện nay, Cảng Thạnh Phước đã chuyển đổi công năng 16 ha còn lại sang đầu tư ngành nghề: thương mại, dịch vụ và kho chứa hàng hóa.

- Cảng Bình Dương: vị trí nằm bên sông Đồng Nai thuộc địa bàn phường Bình Thắng – thị xã Dĩ An, tổng diện tích khoảng 7,3 ha; cầu bến Cảng Bình Dương có chiều dài khoảng 150 mét, khả năng tàu cập cảng 5000 tấn với công suất 1,81 triệu tấn/năm và hệ thống kho bãi có tổng diện tích 3,2 ha . Cảng đã đi vào hoạt động từ năm 2004.

- Cảng Bà Lụa: vị trí nằm bên sông Sài Gòn thuộc địa bàn phường Phú Thọ - thành phố Thủ Dầu Một. Hiện đang xây dựng quy hoạch chuyển đổi công năng thành cảng du lịch phục vụ phát triển du lịch trên sông Sài Gòn.

3. Dịch vụ Hải quan và kho ngoại quan.

Theo số liệu của Cục Hải quan Bình Dương, tính đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 21 kho ngoại quan, 04 kho CFS với diện tích tổng cộng trên 35,4 ha và 34 Đại lý hải quan đang hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp và các cảng sông, cảng ICD hiện hữu. Hệ thống kho ngoại quan, kho CFS được bố trí hợp lý, đảm bảo cung cấp kịp thời nguyên liệu nhập khẩu cho các nhà sản xuất và đáp ứng yêu cầu của các nhà xuất khẩu, được trang bị hệ thống quản lý hiện đại theo chuẩn quốc tế (Danh sách các Kho ngoại quan và Đại lý hải quan – Phụ lục 3 và 4). Với quy mô phát triển của hệ thống kho ngoại quan, kho CFS và các dịch vụ hải quan hiện nay, cơ bản đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về xuất nhập khẩu hàng hóa. Để đạt mục tiêu đến năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa dự ước đạt 77,7 triệu USD, tăng gấp 2 lần năm 2015, Bình Dương cần phát triển thêm tối thiểu 70 ha kho ngoại quan và kho CFS vào năm 2020, để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu xuất nhập khẩu  hàng hóa của tỉnh Bình Dương và các tỉnh lân cận trong khu vực.

4. Cơ sở hạ tầng dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách.

- Về hạ tầng giao thông đường bộ: đến cuối năm 2016, Bình Dương cơ bản đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng một số tuyến đường giao thông quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh như: đường Phạm Ngọc Thạch, ĐT 747, ĐT 744, Mỹ Phước – Tân Vạn, triển khai xây dựng tuyến đường tạo lực Mỹ Phước – Bàu Bàng. Các công trình này đã và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

- Về dịch vụ vận tải đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài 8,6 km, nằm trên địa bàn thị xã Dĩ An. Hiện có 01 nhà ga là Ga Sóng Thần, thuộc phường An Bình, thị xã Dĩ An, diện tích 20 ha với sức chứa trên 350 toa xe, 5 kho hàng, trong đó 01 kho hàng lẻ với tổng diện tích 2.500 m­­2, hàng năm vận chuyển và xếp dỡ trên 1 triệu tấn hàng hóa.

- Về vận tải hành khách công cộng: trên địa bàn tỉnh hiện có 407 điểm dừng xe buýt có kẻ sơn (trong đó có 64 nhà chờ xe buýt), bình quân 1,8 km có một điểm dừng xe buýt. Bình Dương hiện có khoảng 140 phương tiện xe buýt đang hoạt động với tổng sức chức là 6.300 chỗ, trong đó có 15 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Triển khai nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến xe buýt nhanh thành phố mới Bình Dương – Suối Tiên.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải hành khách và hàng hóa của Bình Dương tương đối hoàn chỉnh và hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ, được thường xuyên đầu tư nâng cấp, mở rộng nhất là các tuyến đường trọng yếu, đường vành đai kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay trong khu vực phía Nam. Đã và đang góp phần giải quyết vấn đề ùn tắt giao thông của tỉnh Bình Dương, giúp giảm bớt được thời gian và chi phí vận chuyển, nâng cao giá trị gia tăng của doanh nghiệp. Riêng hệ thống giao thông đường thủy hiện nay chưa khai thác được hết tiềm năng của các cảng sông do những hạn chế về điều kiện tư nhiên như: đá ngầm trên sông Đồng Nai và tĩnh không của Cầu Ghềnh và Cầu Bình Lợi nên chưa khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong thời gian tới, Bình Dương đề xuất các giải pháp để khắc phục các hạn chế trên, nhằm đáp tận dụng tối đa lợi thế về giao thông đường thủy của Tỉnh.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG.

1. Thuận lợi:

Ngành dịch vụ logistics hiện nay đang là một trong những ngành được các nhà đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực logistics vào tỉnh Bình Dương ngày càng có quy mô lớn hơn, mức độ chuyên môn hóa cao, cung cấp dịch vụ trọn gói và đa dạng như: Cụm cảng và Trung tâm Logistics Dĩ An, ICD Sóng Thần, Cảng Bình Dương, Cảng thủy nội địa ICD An Sơn,… đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh Bình Dương phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông phân phối trong nước và xuất nhập khẩu. Cụ thể trong giai đoạn 2011-2015: tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ước đạt 19,2%/năm, nhập khẩu ước đạt 16,9%/năm. Riêng năm 2016, kim xuất khẩu cả tỉnh đạt 24,3 tỷ USD tăng 16,4%, nhập khẩu đạt 20,5 tỷ USD tăng 16,2% so với năm 2015. Đến giai đoạn 2016 – 2020, tình hình xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh như giai đoạn trước, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân là 15,5%/ năm, nhập khẩu là 15%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 21%/ năm đây sẽ là động lực to lớn để thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

- Về vị trí địa lý: Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện là một trong những những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh của cả nước. Với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được chú trọng phát triển, lại nằm ở vị trí thuận lợi, giáp với thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga, sân bay trong khu vực. Với thuận lợi về vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển nhanh và mạnh, giúp giảm giá thành, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu, góp phần quan trọng đưa nền kinh tế của Bình Dương phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, do tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng cao. Nên các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã chọn Bình Dương là nơi làm thủ tục hải quan và tập kết hàng hóa xuất nhập khẩu, đây là điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư ngành dịch vụ logistics vào tỉnh Bình Dương, đồng thời mang lại nguồn thu cho ngân sách tỉnh nhà.

- Về hạ tầng khu – cụm công nghiệp: hiện toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích hơn 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đất 69,5% và 10 cụm công nghiệp với diện tích là 707,8 ha, tỷ lệ cho thuê đạt khoảng 62,5%. Dự kiến, đến năm 2020, Bình Dương sẽ hình thành 34 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, tạo ra tiền đề cho ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

- Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan: Cục Hải quan Bình Dương hiện là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hiệu quả trong toàn ngành hệ thống thông quan điện tử tập trung, cơ chế một cửa quốc gia VNACCS/VCIS; thực hiện chữ ký số cho 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh; triển khai 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (06 dịch vụ công mức độ 4 và 31 dịch vụ công mức độ 3); triển khai máy soi container di động tại các Chi cục có hàng hóa container;...  nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai báo hải quan và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Qua đó, đã tạo ra hành lang pháp lý đơn giản, hiệu quả và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hoạt động hiệu quả, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, đồng thời góp phần thu hút được nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu từ các địa phương khác Bình Dương.

* Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn một số hạn chế như:

- Các doanh nghiệp logistics hiện nay tuy có sự phát triển khá nhanh về số lượng, quy mô, chất lượng dịch vụ nhưng đa số chỉ cung cấp được các dịch vụ logistics 1PL và 2PL. Tuy vẫn có một số trung tâm logistics lớn cung cấp được dịch vụ 3PL, nhưng số lượng vẫn rất hạn chế. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao.

- Các doanh nghiệp logistics phân bố không đồng đều, chủ yếu tập trung tại địa bàn thị xã Dĩ An, Thuận An. Ở khu vực thị xã Bến Cát, Tân Uyên, và một số huyện phía Bắc do số lượng doanh nghiệp còn ít nên ngành dịch vụ logistics chưa được quan tâm đầu tư vào khu vực này.

- Về hệ thống đường bộ hiện nay tương đối hoàn thiện, nhưng tình trạng giao thông ùn tắt vẫn xảy ra thường xuyên vào các giờ cao điểm trong ngày, đặc biệt là tại Khu Công nghiệp VSIP 1, Sóng Thần 1, Sóng thần 2, đường DT 743, ngã tư 550 đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến kho của doanh nghiệp và ngược lại.

- Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công trong việc phát triển dịch vụ logistics. Trong khi đó, Bình Dương đã phát triển được dịch vụ logistics cấp 3PL, nhưng việc thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là hạn chế lớn của hầu hết các doanh nghiệp logistics hiện nay. Đa số lao động trong ngành là lao động phổ thông, chưa được đào tạo chính quy theo đúng chuyên ngành logistics. Nguyên nhân là do ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng có rất ít trung tâm giáo dục đào tạo chuyên ngành về dịch vụ logistics. Hiện nay phần lớn đội ngũ quản lý và người lao động đang hoạt động trong ngành logistics được đào tạo từ những ngành nghề khác, thông qua các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn và quá trình tích tụ kiến thức từ thực tiễn kinh nghiệm kinh doanh. Dẫn đến trình độ tay nghề và tính chuyên nghiệp còn thấp, nhất là ở các cấp quản lý, điều hành.

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS GIAI ĐOẠN 2017-2020 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO

1. Quan điểm phát triển

- Tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý chiến lược của Tỉnh. Xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế đưa Bình Dương trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực phía Nam và quốc tế.

- Phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao trong cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa.

- Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bình Dương, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp logistics tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý – kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

- Hoàn thiện các cơ chế quản lý Nhà nước ở địa phương, bao gồm: các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các Sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics,… đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu

Đến năm 2020, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế như sau:

- Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,3%/năm;

- Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,7%/năm;

- Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ có tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm;

- Xuất khẩu: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của xuất khẩu là 15%/năm, đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt được 42.240 triệu USD;

- Nhập khẩu: Tốc độ tăng trưởng bình quân nhập khẩu hàng năm là 15,5%, đến năm 2020 kim ngạch nhập khẩu đạt 35.552 triệu USD.

3. Định hướng phát triển dịch vụ logistics của Bình Dương đến năm 2020 và những năm tiếp theo

Tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực logistics như:

3.1. Hệ thống cảng sông

* Giai đoạn 2017 - 2020: phấn đấu xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào hoạt động 03 cảng sông, gồm:

+ Nâng cấp hoàn chỉnh và đưa vào khai thác cảng An Sơn. Định hướng phát triển thành thành trung tâm trung tâm logistics ICD.

+ Cảng dịch vụ container - kho chứa hàng hóa của DNTN Nguyên Ngọc: nằm trên sông Thị Tính tại phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một với diện tích quy hoạch 10 ha, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trước năm 2020.

+ Cảng Thái Hòa (phường Thái Hòa, thị xã Tân Uyên): Nằm cận sông Đồng Nai, được quy hoạch diện tích khoảng 300 ha. Do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC) làm chủ đầu tư với vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, dự kiến đền bù hoàn thành vào năm 2018.

* Giai đoạn 2020 – 2030: tùy theo tình hình phát triển của địa phương, quy hoạch phát triển thêm 05 cảng sông là:

+ Cảng Bến Súc (gần cầu Bến Súc, huyện Dầu Tiếng): Nằm trên sông Sài Gòn, có diện tích quy hoạch 30 ha, công suất 1 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 1.000 tấn.

+ Cảng Rạch Bắp (xã An Tây, thị xã Bến Cát): Nằm trên sông Sài Gòn, quy hoạch công suất 500 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 1.000 tấn.

+ Cảng An Tây (xã An Tây – thị xã Bến Cát): nằm bên sông Sài Gòn, gần đường vành đai 4. Cảng được quy hoạch với diện tích 30 ha, đạt công suất 700 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu, xà lan đến 1.000 tấn.

+ Cảng Thanh An (xã Thanh An – huyện Dầu Tiếng): nằm gần cầu vượt Sông Sài Gòn và tiếp nối đường Hồ Chí Minh, diện tích 10 ha. Quy hoạch đạt công suất 500 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu, xà lan đến 1.000 tấn.

+ Cảng Phú An (xã Phú An, thị xã Bến Cát): Nằm trên sông Thị Tính, có diện tích quy hoạch 10 ha, đạt công suất 500 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu, xà lan đến 1.000 tấn.

2.2. Hệ thống kho, cảng ICD

- Tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2 dự án Trung tâm Logistics Dĩ An theo quy hoạch. Đồng thời, hình thành hệ thống kho phân phối hàng hóa quy mô 70 ha tại khu phố 9, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một (tiếp giáp đường Mỹ Phước – Tân Vạn) do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC) làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, do nhu cầu về sản xuất, lưu thông và dự trữ hàng hóa ở khu vực thị xã Bến Cát, Tân Uyên và huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên chưa cao. Nên giai đoạn 2017-2020 dự kiến chỉ phát triển mới thêm 3 ICD mới là:

- ICD Bàu Bàng: tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (phường Lai Uyên, thị xã Bến Cát), với diện tích quy hoạch 20 ha, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC) làm chủ đầu tư.

- ICD Hòa Phú: tại Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương và Khu Công nghiệp VSIP II, quy hoạch dự kiến 25 ha.

- ICD Tân Bình tại Khu công nghiệp Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), quy hoạch dự kiến 20 ha.

* Giai đoạn 2020 – 2030: tùy theo tình hình phát triển của địa phương, quy hoạch phát triển thêm 03 ICD mới:

- ICD Vĩnh Tân: Tại Khu công nghiệp đô thị Tân Uyên, quy hoạch dự kiến 25 ha.

- ICD An Điền: Tại Khu công nghiệp An Tây, xã An Điền, thị xã Bến Cát, quy hoạch dự kiến 30 ha.

- ICD Thạnh Phước: Kết hợp trong cảng Thạnh Phước, quy mô dự kiến 20 ha.

3.3. Dịch vụ hải quan và kho ngoại quan.

Đến năm 2020, việc kê khai làm thủ tục Hải quan điện tử của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đạt từ 95% đến 100% và tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp sẽ phát thêm các kho ngoại quan tại các khu, cụm công nghiệp và các cảng ICD hiện hữu. Đến năm 2020 và những năm tiếp theo, phấn đấu nâng tổng diện tích các kho ngoai quan, kho CFS, kho hàng hóa phục vụ thương mại đạt tối thiểu đạt trên 70 ha tại địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An, thị xã Bến Cát và Tân Uyên nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ hàng hóa để cung ứng cho các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu mậu dịch tự do thương mại và các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

3.4. Cơ sở hạ tầng dịch vụ vận tải.

Chú trọng phát triển các tuyến vành đai để tăng khả năng kết nối toàn mạng lưới giao thông kết nối vùng giữa Bình Dương với toàn vùng Đông Nam Bộ như: Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, ĐT 747B, ĐT 746, đường ĐT 743 (đoạn Miễu Ông Cù – Sóng Thần); đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng…. Đồng thời, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là loại hình xe buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

4. Một số giải pháp và tổ chức thực hiện

- Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành các chính sách thu hút, kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư các dự án kinh doanh dịch vụ logistics; phát triển hệ thống hạ tầng thương mại hiện đại; phát triển thương mại điện tử. Kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi Nghị định 140/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ 1ô-gi-stíc (vì hiện nay Nghị định này không còn phù hợp); xây dựng quy chế phối hợp quản lý ngành dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bình Dương (sau khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị đính 140/2007/NĐ-CP).

- Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh đề xuất các phương án phát triển các cảng sông trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; đề xuất các phương án nâng cấp tĩnh không cầu Bình Lợi và xử lý đá ngầm trên sông Đồng Nai để phát triển giao thông đường thủy; xây dựng phương án kêu gọi đầu tư hệ thống đường vành đai tạo liên kết khu vực các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các trục giao thông chính của Bình Dương kết nối với các bên cảng, ICD, các khu – cụm công nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics trong thời gian tới.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore và các Sở, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics tại Bình Dương, đồng thời hướng dẫn việc đăng ký đầu tu, kinh doanh cho doanh nghiệp..

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: phối hợp với UBND thành phố Thủ Dầu Một xây dựng quy hoạch cải tạo cảng Bà Lụa thành cảng du lịch.

- Các Sở, ban, ngành khác căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Kế hoạch này.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phối hợp cùng các Sở ngành có liên quan trong Tỉnh giải phóng mặt bằng khi có chủ trương quy hoạch của cấp có thẩm quyền.

- Các chủ đầu tư của các khu – cụm công nghiệp chủ động dành quỹ đất để phát triển loại hình dịch vụ logistics trong khu – cụm đã được quy hoạch.

- Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics: Chủ động đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất nhà xưởng, kho bãi, phương tiện vận tải,... ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, đủ khả năng cung cấp các dịch vụ 3PL, 4PL; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao về logistics; doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngăn thời gian luân chuyển hàng hóa; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng đối với dịch vụ logistics; kiến nghị với cơ quan chức năng tại địa phương những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của Bình Dương trong thời gian tới.

Trên đây là Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo. Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 3905/KH-UBND ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh Bình Dương. Các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Sở Công Thương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn, giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp hoạt động logistics báo cáo tham mưu UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo, giải quyết kịp thời./.

Văn bản dự thảo kế hoạch tại đây

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0