SỞ CÔNG THƯƠNG BÌNH DƯƠNG

BINH DUONG DEPARTMENT OF INDUSTRY AND TRADE  

Bảo hộ nhãn hiệu tập thể “cam, bưởi Phú Giáo”: Cơ hội đưa đặc sản địa phương vươn xa
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Bảo hộ nhãn hiệu tập thể “cam, bưởi Phú Giáo”: Cơ hội đưa đặc sản địa phương vươn xa

Bài 1: Nâng tầm giá trị cây trồng chủ lực

 Nhờ được thiên nhiên ban tặng về thổ nhưỡng, nguồn nước và khí hậu, huyện Phú Giáo sớm hình thành và phát triển nông nghiệp với nhiều mô hình vườn cây ăn trái đa dạng và phong phú, trong đó có các loại cây ăn trái có múi như cam, bưởi... Huyện Phú Giáo đã và đang xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể với khát vọng đưa trái cây đặc sản vươn xa tới nhiều thị trường lớn.

 Vườn cam sành có diện tích khoảng 14 ha ở xã Tam Lập đang bước vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch

 Cam, bưởi được coi là cây ăn trái có thế mạnh nhất của vùng đất nông nghiệp này, tuy nhiên vẫn đang phát triển manh mún, nhỏ lẻ, không hiệu quả. Nhằm phát triển thương hiệu “đặc sản”, nâng tầm giá trị kinh tế, chính quyền địa phương đồng hành cùng nông dân chủ động quy hoạch vùng trồng cây ăn trái có múi quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn thực phẩm, đồng thời đăng ký nhãn hiệu tập thể “cam, bưởi Phú Giáo”. Đây cũng là cơ hội tạo đà phát triển vùng đất chuyên canh trồng cây ăn trái chủ lực, giúp bà con vươn lên làm giàu.

Mạnh dạn chuyển đổi

Nằm ở cửa ngõ phía đông bắc của tỉnh Bình Dương, khí hậu quanh năm mát mẻ ôn hòa, Phú Giáo là một trong những địa phương trọng điểm phát triển kinh tế nông nghiệp. Không chỉ trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu, cây điều, nơi đây rất phù hợp cho việc phát triển vườn cây ăn trái có múi như mít, cam, chanh, bưởi… Những năm gần đây, ngành nông nghiệp địa phương, đặc biệt là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập. Chủ trương phát triển cây ăn trái có múi, trong đó có cam, bưởi đang là hướng đi đúng đắn của địa phương và được nhà nông đồng tình hưởng ứng.

Chúng tôi vừa có dịp đến thăm vườn cam sành của ông Nguyễn Duy Hoàng ở ấp Đuôi Chuột, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Thay cho màu xanh của cao su, khoai mì từ chục năm trước, giờ đây trên diện tích 7 ha của ông Hoàng khoác lên mình màu xanh của vườn cam sành bạt ngàn, trĩu quả, báo hiệu vụ mùa bội thu.

Đưa chúng tôi đi tham quan vườn, ông Hoàng chia sẻ: “Qua tìm hiểu, học hỏi và được cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn, tôi mạnh dạn chuyển đổi và chỉ tập trung trồng cây cam sành. Vườn cam tuy mới được vài mùa đầu thu hoạch nhưng cho năng suất rất cao. Ước tính sản lượng mỗi năm đạt hàng chục tấn, trừ hết chi phí, tiền lãi thu về tầm được 2 tỷ đồng/năm. So với các loại cây nông nghiệp khác, trồng cam ở vùng đất này cho năng suất rất cao. Thương lái cũng tự tìm đến thu mua tại vườn nên chúng tôi cũng rất yên tâm để sản xuất”.

Theo đánh giá của người tiêu dùng, chất lượng cam và bưởi được trồng trên vùng đất Phú Giáo cho múi mọng nước, thơm ngon, ngọt mát, đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông Trịnh Đức Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, cho biết: “Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối thị trường tiêu thụ, chúng tôi đã và đang khuyến khích, vận động bà con nông dân tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung chuyên canh vùng trồng cam, bưởi trên diện tích quy mô lớn. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con nghèo được tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi, đồng thời hỗ trợ lựa chọn cây giống cam, bưởi đạt chất lượng, giúp bà con phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, tăng thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.

Với những cơ chế, chính sách trong sản xuất nông nghiệp, các vùng chuyên canh cam, bưởi đang từng bước được hình thành với diện tích quy mô lớn. Chính quyền địa phương luôn quan tâm công tác triển khai xây dựng hệ thống điện, kênh mương và mở rộng đường giao thông, hỗ trợ đắc lực cho phát triển cây ăn trái.

Giai đoạn 2015-2020, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 22b-CTr/HU của Huyện ủy về việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái. Việc hình thành và nhân rộng các vườn cây ăn trái chủ lực đã góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của chương trình. Tính đến năm 2021, toàn huyện có tổng diện tích đất trồng cây ăn trái ước đạt hơn 1.500 ha, tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ, trong đó, có hơn 700 ha trồng cây ăn trái có múi. Cam, bưởi Phú Giáo được coi là cây ăn trái có thế mạnh của vùng. Tuy nhiên, để thuận lợi trong việc mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, chúng tôi phải xây dựng và phát triển bền vững thương hiệu “cam, bưởi Phú Giáo” để gia tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân”.

(Ông Trương Thanh Hóa, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo)

Xây dựng nhãn hiệu “cam, bưởi Phú Giáo

Huyện Phú Giáo đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng, tập trung phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Đi đôi với sản xuất, địa phương cũng đặc biệt chú trọng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hàng hóa, bảo đảm để “cam, bưởi Phú Giáo” được truy xuất nguồn gốc, dễ dàng tiếp cận được thị trường lớn. Ông Nguyễn Trường Hải, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Giáo, cho biết: “Sau khi được UBND huyện phê duyệt đề tài xây dựng, phát triển nhãn hiệu “cam, bưởi Phú Giáo”, chúng tôi phối hợp với các phòng, ban chức năng và các xã, thị trấn xây dựng khung tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng mẫu nhãn hiệu cho trái cam, bưởi Phú Giáo. Đến nay, đề tài đã cơ bản hoàn tất và đang bước vào giai đoạn thứ năm. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu, địa phương sẽ tổ chức “chạy thử” tại các nông hộ tham gia đề tài, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và quy trình cấp quyền sử dụng, phổ biến quy chế dán tem nhãn lên sản phẩm”. (còn tiếp)

https://m.baobinhduong.vn/

Đánh giá - Nhận xét

1
1 Nhận xét
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1