SỞ CÔNG THƯƠNG BÌNH DƯƠNG

BINH DUONG DEPARTMENT OF INDUSTRY AND TRADE  

Lịch sử hình thành và phát triển ngành Công Thương Bình Dương
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
1. Giai đoạn từ 30/4/1975 đến tháng 3/2008 Ngành Công nghiệp tỉnh Bình Dương, ngay từ những ngày đầu mới giải phóng miền Nam, Tỉnh đã giao cho Ty Công nghiệp tỉnh...

1. Giai đoạn từ 30/4/1975 đến tháng 3/2008

Ngành Công nghiệp tỉnh Bình Dương, ngay từ những ngày đầu mới giải phóng miền Nam, Tỉnh đã giao cho Ty Công nghiệp tỉnh Thủ Dầu Một chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đến giữa năm 1976, khi hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước sáp nhập, Ty Công nghiệp Thủ Dầu Một được đổi tên thành Ty Công nghiệp Sông Bé. Sau nhiều năm hoạt động, Ty Công nghiệp Sông Bé được đổi tên thành Sở Công nghiệp (có thời kỳ mang tên là Sở Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp).

Ngành Thương nghiệp được hình thành từ tổ chức tiền thân là Tiểu ban Thương nghiệp thuộc Ban Kinh Tài Thủ Dầu Một với nhiệm vụ đảm bảo hậu cần, cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, ngành Thương nghiệp Thủ Dầu Một được tiếp tục đảm nhiệm cả vật tư và lương thực, đầu năm 1976 mới tách vật tư và lương thực ra để hình thành những ngành riêng lẻ. Đến giữa năm 1976, hai tỉnh Thủ Dầu Một và Bình Phước sáp nhập thành tỉnh Sông Bé, theo đó, Ty Thương nghiệp của hai tỉnh cũng sáp nhập thành Ty Thương nghiệp Sông Bé và đi vào hoạt động đến năm 1982 đổi tên gọi thành Sở Thương nghiệp Sông Bé. Sau 14 năm hoạt động, đến ngày 13/10/1990, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành quyết định sáp nhập Sở Thương nghiệp Sông Bé với Ban Kinh tế đối ngoại tỉnh thành Sở Thương nghiệp (mới), sau đó đổi thành Sở Thương mại, đến tháng 9/1991, bổ sung chức năng quản lý nhà nước về du lịch và đổi thành Sở Thương mại và Du lịch Sông Bé.

Đến ngày 01/01/1997, tỉnh Sông Bé tách thành 02 tỉnh Bình Dương và Bình Phước thì Sở Công nghiệp cũng tách thành 02 Sở Công nghiệp Bình Dương và Bình Phước, Sở Thương mại và Du lịch Sông Bé cũng tách thành 02 Sở Thương mại và Du lịch Bình Dương và Bình Phước. Từ tháng 4/2008, Sở Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Dương (trừ lĩnh vực Du lịch) hợp nhất với Sở Công nghiệp tỉnh Bình Dương thành Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho đến hiện nay.

Hơn 30 năm qua, ngành Công Thương tỉnh Bình Dương được hình thành, củng cố, tách nhập và chuyển đổi, nhiệm vụ chính trị qua các thời kỳ cũng khác nhau. Bước sang thời kỳ đổi mới, ngành Công Thương cũng chuyển biến để thích nghi và tồn tại, đã có những đổi mới về tổ chức và nhiệm vụ. Từ chỗ chỉ thực hiện nhiệm vụ phân phối lưu thông trên thị trường nội địa, đã chuyển sang hoạt động theo nền kinh tế thị trường, quản lý xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, chống buôn lậu, chống sản xuất và buôn bán hàng giả, đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, các các doanh nghiệp đã tổ chức chuyển phương thức hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, nhiều đơn vị đã hoạt động mang tính tổng hợp bao gồm cả việc sản xuất, chế biến, gia công, kinh doanh nội địa, kinh doanh xuất nhập khẩu, thi công xây dựng các công trình hạ tầng như: đường xá, nhà ở, các khu dân cư đô thị, hình thành các khu, cụm công nghiệp để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Những kết quả đó đã góp phần đưa Bình Dương từ một tỉnh thuần nông, trở thành một trong những tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước.

2. Giai đoạn từ tháng 3/2008 đến năm 2020

Ngành Công Thương Bình Dương được thành lập trên cơ sở hợp nhất giữa Sở Công nghiệp với Sở Thương mại và Du lịch (trừ lĩnh vực Du lịch) tại Quyết định số 736/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương; là cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về Công nghiệp, Thương nghiệp, bao gồm các ngành và lĩnh vực: cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp chế biến khác; an toàn thực phẩm; lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý thị trường; xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cạnh tranh, chống bán phá giá; chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; khuyến công, quản lý cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

Qua 12 năm xây dựng và phát phiển, ngành Công Thương Bình Dương đã vượt qua không ít khó khăn thách thức, nhưng ngành Công Thương Bình Dương vẫn luôn duy trì, phát triển ổn định và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Từ năm 2008 đến nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ VIII, lần thứ IX, lần thứ X, lần thứ XI về phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, ngành Công Thương Bình Dương đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý nhà nước của Ngành, thực hiện chức năng hướng dẫn doanh nghiệp thực thi chính sách pháp luật của nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Từ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh cả về lượng và chất. Cụ thể:

- Về công nghiệp: Giá trị sản xuất công nghiệp từng bước được cải thiện, giai đoạn 2005 - 2010 tăng bình quân 20%; giai đoạn 2010 - 2015 là 15,7%, giai đoạn 2015 - 2020 là 10,5%; sản phẩm khá đa dạng, phong phú, chủ yếu là công nghiệp chế biến và xuất khẩu với các ngành mũi nhọn như: chế biến nông sản thực phẩm, đồ uống, hóa chất, cao su, plastic, điện-điện tử, chế biến gỗ, dệt may, da giày...; công nghệ, năng lực sản xuất công nghiệp được nâng lên tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

- Về dịch vụ, thương mại: Từng bước hình thành các kênh lưu thông các mặt hàng thiết yếu với sự tham gia của các thành phần kinh tế đã thúc đẩy sản xuất phát triển, gắn sản xuất với tiêu thụ, gắn thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Giai đoạn 2006 - 2010 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 23,8%; giai đoạn 2010 - 2015 là 23,5%; Giai đoạn 2015 - 2020 là 18,7%. Kết cấu hạ tầng thương mại được tập trung đầu tư, thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bán lẻ trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh.

- Thị trường xuất khẩu: Không ngừng mở rộng, góp phần tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 24.332,8 triệu USD tăng 3,94 lần so với năm 2008 (6.173,4 triệu USD); Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 31,9 tỷ USD tăng 1,3 lần so với năm 2016.

Đến nay, Bình Dương có 12 cụm công nghiệp với diện tích 789,91 ha, diện tích cho thuê 648,29 ha, với tỷ lệ lắp đầy bình quân của các cụm công nghiệp đi vào hoạt động đạt khoảng 67,4% góp phần thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh nhà.

Hệ thống đường dây tải điện, trạm biến áp được cải thiện, nâng chất lượng cung cấp điện phục vụ sản xuất, tiêu dùng. Đến nay có 99,97% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường từng bước được kiện toàn, nâng cao chất lượng và hiệu quả đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác góp phần bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp chân chính, đến năm 2018 Chi cục Quản lý thị trường được nâng cấp thành Cục Quản lý thị trường và không còn trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương.

Từ ngày thành lập đến nay, sự phát triển của ngành Công Thương Bình Dương luôn gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Ngành Công Thương Bình Dương là ngành nắm giữ nhiều lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế, sản phẩm của ngành không chỉ phục vụ cho các ngành kinh tế khác mà còn phục vụ cho cả tiêu dùng và sản xuất.

Trong quá trình hình thành và phát triển của Ngành Công Thương, dù có nhiều thay đổi về mô hình tổ chức theo thời gian lịch sử như chia tách, sáp nhập, hợp nhất... nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các ngành các cấp, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể, cá nhân cán bộ công chức, viên chức và người lao động, ngành Công Thương Bình Dương đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho góp phần đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng Thành phố Thông minh của tỉnh nhà. Ngành Công Thương tỉnh Bình Dương tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra đáp ứng mong mỏi và niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Dương./.


Đánh giá - Nhận xét

1
1 Nhận xét
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1