SỞ CÔNG THƯƠNG BÌNH DƯƠNG

BINH DUONG DEPARTMENT OF INDUSTRY AND TRADE  

BÌNH DƯƠNG BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ LOGISTICS TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản

Ngày 14 tháng 2 năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch Phát triển dịch vụ Logistics tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2050 Bình Dương sẽ mở rộng các kết nối về giao thông, đặc biệt là các kết nối tới cảng biển (Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ), cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Long Thành), cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài - Tây Ninh, Hoa Lư - Bình Phước), thành lập 02 Khu thương mại tự do (FTZ) cấp vùng tại thành phố Dĩ An và huyện Bàu Bàng (khi đủ điều kiện thực hiện); đưa dịch vụ logistics trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn, là yếu tố động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

anh tin bai

Hình minh họa

 Trước mắt, mục tiêu đến năm 2026, 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (E-Logistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Bên cạnh đó, hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, gồm: Cảng An Sơn, cảng An Tây, cảng An Điền; nâng cấp cảng Bình Dương đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế. Hệ thống vận tải đường sắt: Phát triển Ga Sóng Thần mở rộng về KCN Sóng Thần, mở rộng ga An Bình (ga liên vận quốc tế gắn với khu thương mại dịch vụ) thành một trong những ga liên vận hàng hóa quốc tế, đầu mối giao thông vận tải và xếp dỡ hàng hóa quy mô lớn ở khu vực phía Nam.

Sở Công Thương được giao một số nhiệm vụ trọng tâm:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này. Đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong Kế hoạch. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch và tổng hợp báo cáo về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo;

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, các địa phương trong việc rà soát, đề xuất phát triển các trung tâm logistics có quy mô phù hợp, đủ khả năng thực hiện chức năng làm đầu mối gom hàng, tập kết và phân phối hàng trong khu vực. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố đôn đốc tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng dịch vụ logistics trọng điểm;

- Khuyến khích phát triển hoạt động thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho thuê ngoài dịch vụ logistics và logistics điện tử phát triển;

- Phối hợp Cục Thống kê Bình Dương điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình hoạt động logistics;

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức về logistics cho các đối tượng có liên quan; Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm kết nối: giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ của các địa phương trong khu vực; kết nối các đơn vị sản xuất và kinh doanh phân phối với các doanh nghiệp logistics để tăng cường sử dụng dịch vụ Logistics thuê ngoài với chi phí hợp lý.

Kế hoạch được ban hành sẽ thúc đẩy phát triển logistics hướng đến liên kết vùng, định hướng Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp trong khu vực; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài./.

(Đính kèm Kế hoạch số 404/QĐ-UBND)Tại đây

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0