SỞ CÔNG THƯƠNG BÌNH DƯƠNG

BINH DUONG DEPARTMENT OF INDUSTRY AND TRADE  

Di dời doanh nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp: Xây dựng phương án, lộ trình phù hợp
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Di dời doanh nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp: Xây dựng phương án, lộ trình phù hợp

 Các ngành, địa phương đang nỗ lực phối hợp lập phương án di dời các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất nằm ngoài khu, cụm công nghiệp (KCCN) khu vực phía nam tỉnh, chuyển đổi công năng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 Nhiều DN ngành gỗ tại khu vực phía nam tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm mặt bằng sản xuất mới khi thực hiện di dời. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Gỗ Hiệp Long (TP.Thuận An)

 Chuẩn bị lộ trình phát triển mới

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP.Thuận An, hiện thành phố có hơn 500 DN nằm ngoài KCCN, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Đa số các DN này quy mô nhỏ và vừa, có vốn đầu tư ít, diện tích mặt bằng hạn chế, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức, việc xử lý chất thải chưa được đầu tư thỏa đáng gây tác động xấu đến cộng đồng dân cư và khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát, không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp, cần sớm di dời.

Từ năm 2017, UBND thành phố đã kiểm tra 786 DN, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, xử phạt vi phạm hành chính 224 trường hợp. Đến nay, còn 37 trường hợp chưa thực hiện đầy đủ các nội dung của quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, thành phố đã thống kê có khoảng 505 DN, cơ sở nằm ngoài KCCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu gồm các ngành nghề sản xuất đồ gỗ, gia công cơ khí, sản xuất các sản phẩm nhựa, gốm sứ, kinh doanh phế liệu…

Trước mắt, vị trí các DN đang hoạt động nhưng không phù hợp quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị sẽ được rà soát, tổng hợp danh sách báo cáo, đề xuất di dời gửi Sở Công thương - Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh để được xem xét, đưa vào danh sách phải di dời. Các nội dung báo cáo, gồm hiện trạng, quy hoạch sử dụng đất tại vị trí cũ, phương án xử lý, địa điểm di dời đến (nếu có) và kèm tất cả hồ sơ pháp lý liên quan đến đất, tài sản trên đất tại vị trí cũ. TP.Thuận An sẽ hướng dẫn DN lập phương án di dời và chuyển đổi công năng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt phù hợp theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

TP.Thuận An kiến nghị UBND tỉnh sớm ban hành quy định về những nguyên tắc, cơ sở pháp lý, tiêu chí để xem xét cho chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian di dời để có cơ sở vận động các DN di dời nhà xưởng của các dự án sản xuất nằm ngoài các KCCN đến các KCCN ở các địa phương phía bắc đã đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật hoặc các địa điểm khác phù hợp.

Không nằm trong các địa phương có phương án di dời song để chuẩn bị cho lộ trình phát triển mới, TX.Tân Uyên cũng đề xuất thu hút, phát triển công nghiệp tập trung vào các KCCN nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông Lê Duy Hậu, Trưởng phòng Quản lý đô thị TX.Tân Uyên, trong giai đoạn mới, về công nghiệp, thị xã tiếp tục phát triển đúng theo định hướng trong quy hoạch chung tỉnh Bình Dương. Đối với các khu sản xuất tập trung và các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư từng bước di dời theo mức độ ô nhiễm của từng nhà máy.

Chuẩn bị chu đáo

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Hiệp Long (TP.Thuận An), cho biết trước chủ trương di dời của địa phương, công ty đã sớm có sự chuẩn bị khi đã mua đất tại huyện Bắc Tân Uyên để xây dựng nhà máy. Khi có quyết định di dời, công ty sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp với phương án phát triển của thành phố. “Công ty cũng mong muốn được hướng dẫn cụ thể phương án và cách thức di dời, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều công ty lo lắng nhất khi dịch chuyển nhà máy là thiếu nhân công lao động cho ngành sản xuất gỗ”, ông Thanh cho biết thêm.

Theo ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện có rất nhiều DN trong hiệp hội nằm ở khu vực phía nam của tỉnh chưa có phương án để chuẩn bị địa điểm theo chủ trương di dời. Chính vì vậy, việc xây dựng một CCN ngành gỗ là cần thiết, tháo gỡ khó khăn cho DN ngành gỗ. Ông Vũ cho biết BIFA đang nỗ lực lớn để xây dựng CCN ngành gỗ trên cơ sở sự tạo điều kiện của tỉnh. “Tôi cho rằng việc xây dựng CCN ngành gỗ là hết sức cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho các DN phía Nam đang nằm trong diện phải di dời trong thời gian sắp tới. Ngoài hướng phát triển bền vững cho ngành gỗ Bình Dương, xây dựng CCN là đi hướng phù hợp để giải quyết yêu cầu trước mắt. Hiệp hội sẽ sát cánh cùng DN trong việc lĩnh hội các ý kiến chỉ đạo của tỉnh và các sở, ngành”, ông Vũ cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở đang nỗ lực để tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành các tiêu chí di dời. TP.Thuận An sẽ là địa phương thí điểm việc di dời cơ sở sản xuất nằm ngoài KCCN, trong đó vận động các DN, tập đoàn lớn thực hiện di dời để tạo quỹ đất cho Thuận An phát triển thương mại - dịch vụ. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa thực hiện di dời do vướng mắc cơ chế, chính sách, tỉnh cần sớm ban hành cơ chế, chính sách mới để hỗ trợ di dời. Đối với những DN đầu tư nằm ngoài KCCN đã hết thời gian sử dụng đất thì không gia hạn thêm.

 Năm 2020, UBND tỉnh thống nhất về chủ trương cho gia hạn thời gian thuê nhà xưởng của các dự án sản xuất công nghiệp nằm ngoài KCCN trên địa bàn phía nam của tỉnh bao gồm TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một đến ngày 31-12-2025 đối với các dự án đáp ứng các quy định về đất đai, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Nhà đầu tư phải có phương án cụ thể để di dời hoặc chuyển đổi công năng đúng lộ trình và phù hợp với quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển của tỉnh.

https://m.baobinhduong.vn/

Đánh giá - Nhận xét

1
1 Nhận xét
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1