Khai thác tối đa lợi thế từ các FTA
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự
toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Nghị quyết nêu rõ: Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 theo kết luận, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%), chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%.
Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng 12%, phấn đấu tăng khoảng 14% so với năm 2023 - Ảnh minh hoạ
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ giao mục tiêu cụ thể cho Bộ Công Thương trong một số ngành, lĩnh vực. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10%, phấn đấu khoảng 12%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9-10%, phấn đấu khoảng 12,5%; tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C 20-22%; tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử đạt từ 60-62%...
Đáng chú ý, năm 2025, Chính phủ đặt chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 12%, phấn đấu khoảng 14%.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ và giải pháp đã được Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ. Theo đó, Chính phủ yêu cầu, thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng đa dạng hóa chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất và thị trường xuất nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực toàn cầu.
Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 FTA đã ký, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực, tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, thị trường Trung Đông Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi; phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Cùng với đó, đảm bảo tiến độ đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), phiên bản 3.0, đàm phán FTA ASEAN - Canada (ACAFTA), FTA Việt Nam - Khối EFTA và khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt trong nước để hiệp định có hiệu lực.
"Tiếp tục đổi mới thúc đẩy ở mức cao nhất, chương trình chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, nhất là các quy định tiêu chuẩn điều kiện có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, doanh nghiệp", Nghị quyết nêu và yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thiện Đề án xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA (thời hạn đến tháng 12/2025).
Tạo đột phá về ngoại giao kinh tế
Nghị quyết xác định, đẩy mạnh triển khai đồng bộ, hiệu quả
toàn diện công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất
nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.
Tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi và phát triển tốt quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn và các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu thực chất, bền vững, lâu dài; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao làm sâu sắc hơn quan hệ song phương đối với các đối tác quan trọng.
"Tranh thủ cơ hội từ việc mở rộng, nâng cấp quan hệ đối với các đối tác; cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết đạt được được thành các chương trình, dự án thực chất, hiệu quả", Nghị quyết nêu.
Dệt may là một trong những ngành hàng tận dụng hiệu quả các FTA và nằm trong top có kim ngạch xuất khẩu cao - Ảnh: Tiến Anh
Cùng đó, tăng cường phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân để phát huy sức mạnh tổng hợp và các lợi thế đặc thù của từng lĩnh vực, đặc biệt trong công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược triển khai kịp thời thực chất, hiệu quả các cam kết của Việt Nam với các nước, rà soát hàng quý tình hình thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ biết.
Tiếp tục đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn diện lãnh thổ, xử lý phù hợp các sự việc phát sinh, duy trì đường biên giới trên biển và trên bộ hòa bình, ổn định, tuân thủ pháp luật quốc tế và các thỏa thuận, văn kiện pháp lý với các đối tác; thúc đẩy hợp tác kinh tế biên mậu.
"Đẩy mạnh công tác ngoại giao, kinh tế và kinh tế đối ngoại với các hướng đi mới, cách làm mới đột phá; xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động ngoại giao chuyên ngành, nhất là công nghệ bán dẫn, chuyển đổi số, năng lượng mới gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy các động lực lượng mới trong giai đoạn tăng trưởng đột phá", Nghị quyết nêu rõ.
Tranh thủ hiệu quả mạng lưới FTA đã ký kết, đặc biệt là EVFTA, CPTPP và thúc đẩy đàm phán ký kết các trong các khuôn khổ hợp tác mới, nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế mới.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác chống gian lận xuất xứ hàng hóa; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước, đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế.
Tiếp tục thúc đẩy ký kết triển khai các thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với các đối tác quan trọng.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của
nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao như: Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 119,6 tỷ USD, tăng 23,3% (cùng kỳ năm trước giảm 11,6%); thị trường EU đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 5,9%); Hàn Quốc ước đạt 25,5 tỷ USD, tăng 8,7% (cùng kỳ giảm 3,4%).