Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, huyện Bắc Tân Uyên đã và đang nỗ lực khôi phục kinh doanh, tạo đà tích cực cho ngành thương mại, dịch vụ (TMDV) phát triển.
Phục hồi tích cực
Đi theo tuyến đường ĐH.411, trục chính của trung tâm huyện sẽ dễ dàng nhận thấy hoạt động bình thường trở lại của các cửa hàng ăn uống, kinh doanh vật liệu xây dựng, tạp hóa, đến các ngân hàng, doanh nghiệp (DN), bưu chính viễn thông... Dừng chân tại một cửa hàng kinh doanh sữa và sản phẩm dành cho trẻ em, chúng tôi được chị Biện Thị Dung, chủ cửa hàng, chia sẻ: “Năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kinh doanh gặp khó khăn. Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch bệnh được kiểm soát tốt, hàng cung cấp ổn định, hoạt động dần phục hồi. Tuy nhiên, do khó khăn chung nên sức mua của người dân suy giảm từ 30-40%”.
Dẫu vậy, các cửa hàng Bách hóa xanh vẫn tiếp tục cung ứng đầy đủ, đa dạng sản phẩm, thu hút số lượng lớn người tiêu dùng trên địa bàn. Các chợ truyền thống với hệ thống quầy hàng, ki-ốt có đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống người dân. Theo quan sát, những chợ gần khu cụm công nghiệp hoạt động sôi nổi hơn.
Cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện đã trở lại hoạt động bình thường sau thời gian khó khăn do dịch bệnh. Trong ảnh: Cửa hàng kinh doanh sữa và mặt hàng dành cho trẻ em tại khu phố 3, thị trấn Tân Thành
Tại chợ Đất Cuốc (xã Đất Cuốc), cuối năm 2021 chỉ có khoảng 80% tiểu thương, đến nay đã trở lại đầy đủ. Ông Đoàn Quang Thoại, quản lý chợ, cho biết: “Chợ sát Khu công nghiệp KSB, đối tượng khách mua sắm phần lớn là công nhân. Chợ hoạt động từ 4 giờ sáng đến 17 giờ chiều, vừa là chợ đầu mối vừa bán lẻ”. Chị Ngô Thị Hoa, tiểu thương kinh doanh mặt hàng bánh kẹo, cho hay: “Tôi kinh doanh tại chợ đã 10 năm, có khách quen nên vẫn duy trì sự ổn định. Nhìn chung, chợ đông đúc hơn so với cuối năm 2021, tuy nhiên sức mua suy giảm nhiều”.
Tại chợ Lạc An (xã Lạc An), hiện có khoảng hơn 100 tiểu thương hoạt động với đầy đủ các mặt hàng, chủ yếu phục vụ người dân địa phương. Do thói quen mua sắm của người dân nông thôn thường đi chợ vào buổi sáng nên tiểu thương cũng chỉ bán hàng đến 11 giờ hàng ngày là tạm nghỉ. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do sức mua suy giảm, nhưng nhìn chung hoạt động TMDV trên địa bàn huyện đang phục hồi và dần khởi sắc.
Hoạt động TMDV của huyện sôi động nhất là tại địa bàn thị trấn Tân Thành. Hiện, thị trấn có 437 hộ kinh doanh (tăng 10,07% so với cuối năm 2021), 1 chợ truyền thống, cửa hàng Bách hóa xanh, Điện máy xanh và Thế giới di động, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu của người dân Tân Thành và các địa phương lân cận. Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Thành, cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh trên địa bàn đang khôi phục tích cực, đóng góp lớn vào kết quả tăng trưởng về TMDV của toàn huyện”.
Thúc đẩy phát triển
Là huyện nông thôn với không ít khó khăn, nhưng bằng các giải pháp và cách làm cụ thể, huyện đang nỗ lực để thúc đẩy ngành TMDV phát triển. Kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ và mở rộng nhiều tuyến đường giao thông… đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh TMDV tại các địa phương. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ người dân mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện về thủ tục hành chính trong vay vốn, đăng ký kinh doanh, bố trí mặt bằng và giữ vững an ninh trật tự để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư.
Là địa bàn có các khu cụm công nghiệp đang hoạt động, để TMDV phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nâng cao chất lượng các dịch vụ, vừa qua huyện đã phối hợp với lãnh đạo các địa phương để có định hướng phát triển TMDV như siêu thị, cửa hàng tiện ích... Từ đó, Phòng Kinh tế huyện sẽ làm việc với các đơn vị, DN để thu hút, mời gọi đầu tư.
Theo ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, trong 9 tháng năm 2022, tình hình kinh doanh TMDV trên địa bàn huyện đang phục hồi và phát triển tương đối ổn định. Giá trị sản xuất trên các lĩnh vực kinh tế trong đó có ngành TMDV tăng so với cùng kỳ năm trước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với những biện pháp thiết thực, tình hình kinh tế - xã hội và lĩnh vực TMDV nói riêng hứa hẹn sẽ có sự bứt phá.
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng năm 2022 hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 15,46% so với cùng kỳ và đạt 76,77% kế hoạch năm 2022. Cuối năm 2021, huyện chỉ có 1.586 hộ kinh doanh hoạt động, đến nay đã có khoảng 1.870 hộ kinh doanh hoạt động. Hiện trên địa bàn huyện có 7 chợ, 4 cửa hàng tiện ích, 675 DN và khoảng 1.870 hộ kinh doanh đang hoạt động. Huyện đã và đang phối hợp với các đơn vị kinh doanh, nhà phân phối và các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế về TMDV, mở rộng các kênh bán hàng đ