Tìm kiếm nội dung hỏi đáp
Quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân đối với khách hàng trúng thưởng trong các chương trình khuyến mại?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập chịu thuế từ trúng thưởng là phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng mà khách hàng nhận được theo từng lần trúng thưởng (thuế suất 10%). Tổ chức trả thưởng có trách nhiệm kê khai, khấu trừ, nộp thuế vào ngân sách nhà nước và quyết toán thuế đối với phần giá trị giải thưởng vượt trên 10 triệu đồng đã trả cho khách hàng. Ví dụ, người trúng thưởng với giá trị giải thưởng là 11 triệu đồng thì người trúng thưởng phải nộp thuế thu nhập cá nhân cho phần giá trị vượt trên 10 triệu đồng, tức là giá trị tính thuế phải nộp là 1 triệu đồng với thuế suất 10%. Vậy phần thuế khách hàng phải nộp là 10% x 1.000.000đ = 100.000đ. Người trả thưởng có thể khấu trừ khoản thuế này từ tiền trúng thưởng của khách hàng (giải thưởng bằng tiền mặt) hoặc thu tiền thuế rồi nộp hộ khách hàng vào kho bạc nhà nước theo quy định
Nguyên tắc thực hiện khuyến mại và quản lý khuyến mại đối với dịch vụ viễn thông, hàng hóa viễn thông chuyên dụng?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Ngoài các quy định tại Điều 4 Nghị định 37/2006/NĐ-CP, việc thực hiện hoạt động khuyến mại trong lĩnh vực thông tin di động phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
1. Chỉ có doanh nghiệp di động mới được phép kinh doanh và khuyến mại đối với dịch vụ thông tin di động. 2. Chỉ có doanh nghiệp di động mới được phép phát hành và khuyến mại hàng hoá chuyên dùng thông tin di động. Việc khuyến mại SIM trắng không chứa số thuê bao di động, máy điện thoại di động không gắn SIM và thẻ dữ liệu không gắn SIM được thực hiện như đối với các hàng hoá khác quy định tại Luật Thương mại và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP.
3. Doanh nghiệp di động có thể trực tiếp thực hiện khuyến mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại dịch vụ, hàng hoá chuyên dùng thông tin di động cho mình. Trong trường hợp thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại dịch vụ, hàng hoá chuyên dùng thông tin di động cho mình, doanh nghiệp di động phải bảo đảm rằng việc khuyến mại được thực hiện theo đúng chương trình khuyến mại đã thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về khuyến mại.
4. Doanh nghiệp di động chỉ được thực hiện khuyến mại đối với các nhãn hiệu dịch vụ thông tin di động quy định tại Khoản 1 Điều 3 và nhãn hiệu hàng hoá chuyên dùng thông tin di động quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT ngày 14/5/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông với điều kiện doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ thông tin di động và kinh doanh các hàng hoá chuyên dùng thông tin di động tương ứng theo giấy phép viễn thông do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
5. Các đại lý của doanh nghiệp di động, các thương nhân khác kinh doanh hàng hoá chuyên dùng thông tin di động: a) Phải ký hợp đồng với doanh nghiệp di động; b) Không được tự ý tổ chức khuyến mại hàng hóa chuyên dùng thông tin di động mà chỉ được thực hiện khuyến mại theo đúng chương trình khuyến mại do doanh nghiệp di động tổ chức thực hiện.
6. Không được thực hiện các hoạt động khuyến mại nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường viễn thông hoặc bán phá giá dịch vụ, hàng hóa chuyên dùng thông tin di động.
7. Doanh nghiệp thông tin di động có trách nhiệm bảo đảm chất lượng dịch vụ, hàng hoá chuyên dùng thông tin di động được khuyến mại theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hoá và dịch vụ trong lĩnh vực viễn thông.
8. Không được khuyến mại bằng việc giảm giá cước dịch vụ thông tin di động, giảm giá bán hàng hoá chuyên dùng thông tin di động đối với dịch vụ, hàng hoá do Nhà nước quy định giá cụ thể. Không được khuyến mại bằng việc giảm giá cước dịch vụ thông tin di động, giảm giá bán hàng hoá chuyên dùng thông tin di động xuống thấp hơn mức tối thiểu đối với dịch vụ, hàng hoá do Nhà nước quy định khung giá hoặc giá tối thiểu.
9. Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị dịch vụ, hàng hóa chuyên dùng thông tin di động được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị dịch vụ, hàng hoá chuyên dùng thông tin di động được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị định 37/2006/NĐCP.
10. Tổng giá trị của dịch vụ, hàng hoá chuyên dùng thông tin di động dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của dịch vụ, hàng hoá chuyên dùng thông tin di động được khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại quy định tại Điều 7 Nghị định 37/2006/NĐ-CP.
Các hành vi bị cấm thực hiện trong hoạt động khuyến mại?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 100 Luật Thương mại, Thương nhân thực hiện khuyến mại bị cấm thực hiện những hành vi sau: - Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng. - Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng. - Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi. - Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức. - Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng. - Khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác. - Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân. - Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng. - Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh. - Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định tại khoản 4 Điều 94 của Luật Thương mại.
Thương nhân nước ngoài không chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam (chỉ hoạt động thông qua các nhà phân phối Việt Nam) thực hiện khuyến mại tại Việt Nam?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Tại Điều 91 Luật Thương mại đã quy định về quyền khuyến mại của thương nhân như sau: “Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyến mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình”, đồng thời quy định “Văn phòng đại diện của thương nhân không được khuyến mại hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại tại Việt Nam cho thương nhân mà mình đại diện”. Như vậy, các trường hợp thương nhân nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam chưa được pháp luật hiện hành cho phép thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân đó tại Việt Nam. Ngay cả các văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài cũng không được thực hiện khuyến mại hay thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại tại Việt Nam.
Trong trường hợp các thương nhân nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam muốn thúc đẩy việc cung ứng sản phẩm của mình tại Việt Nam, các thương nhân nước ngoài cũng có thể thông qua các nhà phân phối chính thức sản phẩm của thương nhân tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động khuyến mại mà trong đó các nhà phân phối chính là thương nhân thực hiện khuyến mại trực tiếp cho các sản phẩm mà mình đang phân phối.
Một công ty được thực hiện bao nhiêu chương trình khuyến mại?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Pháp luật hiện hành về khuyến mại không có quy định cụ thể nào quy định về việc một công ty được thực hiện bao nhiêu chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, đối với một số hình thức khuyến mại nhất định pháp luật có quy định về thời gian thực hiện khuyến mại của một chương trình khuyến mại như sau: - Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định đối với hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó thì “Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày”. - Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định đối với hình thức khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi thì “Tổng thời gian thực hiện khuyến mại đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 180 (một trăm tám mươi) ngày trong một năm, một chương trình khuyến mại không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày”.
Thời hạn trao thưởng cho khách hàng trúng thưởng?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Điều 18 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 04/4/2006 của Chính phủ quy định: “Trong trường hợp chương trình khuyến mại có trao giải thưởng, thời hạn công bố kết quả và trao giải thưởng không được vượt quá 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày kết thúc chương trình khuyến mại”. Các chương trình khuyến mại có trao giải thưởng thường được thực hiện dưới các hình thức:
- Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; - Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi; - Các hình thức khuyến mại khác được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận mà trong đó có trao giải thưởng cho khách hàng. Thương nhân khi thực hiện các chương trình khuyến mại với các hình thức như trên có toàn quyền quy định cụ thể về thời hạn trao giải thưởng cho khách hàng trong chương trình khuyến mại nhưng thời hạn mà thương nhân quy định không được vượt quá 30 ngày kể từ ngày cuối cùng của thời gian khuyến mại (ngày cuối cùng mà thương nhân thực hiện khuyến mại cho khách hàng)Thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại? Việc thuê, ủy quyền thực hiện khuyến mại, thực hiện thủ tục đăng ký?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Điều 89 Luật Thương mại quy định: “Kinh doanh dịch vụ khuyến mại là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác trên cơ sở hợp đồng”. Như vậy, thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại là thương nhân thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân khác dựa trên cơ sở hợp đồng giữa hai bên. - Việc thuê, ủy quyền thực hiện khuyến mại, thực hiện thủ tục đăng ký, thông báo thực hiện khuyến mại phải được lập thành hợp đồng giữa thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại và thương nhân sở hữu hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại. - Hợp đồng dịch vụ khuyến mại được quy định tại Điều 90 Luật Thương mại: “Hợp đồng dịch vụ khuyến mại phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Trên hợp đồng dịch vụ khuyến mại phải quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên trong quá trình thực hiện khuyến mại. - Trong các trường hợp thuê, ủy quyền cho các thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện các chương trình khuyến mại đối với các hàng hóa, dịch vụ của mình thì thương nhân thuê, ủy quyền vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính về khuyến mại theo quy định của pháp luật hiện hành (thông báo/đăng ký thực hiện khuyến mại, báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại…), đồng thời phải chịu trách nhiệm về các chương trình khuyến mại mà mình đã thuê, ủy quyền cho thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện.
Khuyến mại tại các trung tâm đào tạo có bị coi là khuyến mại tại các trường học hay không?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục quy định: Nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình sau đây: “a) Trường công lập do Nhà nước thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên. b) Trường dân lập do cộng đồng dân cư ở cơ sở thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động. c) Trường tư thục do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước.” Khoản 1 Điều 69 Luật Giáo dục quy định: Cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: “a) Nhóm trẻ, nhà trẻ; các lớp độc lập gồm lớp mẫu giáo, lớp xóa mù chữ, lớp ngoại ngữ, lớp tin học, lớp dành cho trẻ em vì hoàn cảnh khó khăn không được đi học ở nhà trường, lớp dành cho trẻ tàn tật, khuyết tật, lớp dạy nghề và lớp trung cấp chuyên nghiệp được tổ chức tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ
b) Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng.
c) Viện nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, phối hợp với trường đại học đào tạo trình độ thạc sĩ.” Theo các quy định ở trên thì nếu các trung tâm đào tạo có hình thức là Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng mà do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thành lập, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng vốn ngoài ngân sách nhà nước thì có thể coi là nhà trường (trường học) và được quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Giáo dục. Do đó, việc khuyến mại tại các trung tâm đào tạo thuộc hình thức này cũng được xem là khuyến mại tại các trường học.
Các cuộc thi được tổ chức trên internet, các phương tiện điện tử, đài truyền hình, đài phát thanh… có được coi là khuyến mại không?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Căn cứ theo Điều 88, khoản 8 Điều 92 Luật Thương mại và Điều 14 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, các cuộc thi được tổ chức trên các phương tiện điện tử, internet, đài truyền hình, đài phát thanh… nếu không nhằm mục đích xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và trong đó cũng không có việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ qua intemet, các phương tiện điện tử thì không được coi là hoạt động khuyến mại.
Khuyến mại hàng hóa, dịch vụ trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, y tế… có nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Thương mại hay không?
Ngày trả lời:
Trả lời:
Căn cứ theo Luật Thương mại, các hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại được quy định tại Điều 3 của Luật này. Do đó, việc khuyến mại đối với các hàng hóa, dịch vụ trong các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, y tế hay các lĩnh vực chuyên ngành khác cũng nằm trong phạm vi điều chỉnh (tại Điều 1) và đối tượng áp dụng (tại Điều 2) của Luật Thương mại. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực viễn thông, lĩnh vực ngân hàng và một số lĩnh vực chuyên ngành khác cũng có một số quy định của pháp luật chuyên ngành quy định liên quan đến khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực này nên thương nhân khi thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực này ngoài việc phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật về khuyến mại (tại Luật Thương mại, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2007/TTLT-BTM-BTC) cũng phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thống kê truy cập
Đang truy cập:558
Tổng truy cập: 21443056