Tóm tắt một số quy định tại Nghị định 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.

Administrator

Administrator
Staff member
#1
1. Các quy định về điều kiện khi thực hiện khuyến mại
- Các nguyên tắc khi thực hiện chương trình khuyến mại (được quy định chi tiết tại Điều 3);
- Đối với phương thức đa cấp không thuộc chương trình khuyến mại (được quy định chi tiết tại Điều 4);
- Những mặt hàng không được khuyến mại: rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở y tế công lập, dịch vụ giáo dục của cơ sở công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hàng hóa, dịch vụ bị cấm … (được quy định chi tiết tại Điều 5).
- Về hạn mức khi thực hiện chương trình khuyến mại (được quy định chi tiết tại Điều 6) một số điểm lưu ý tại Điều này như sau:
+ Một đơn vị hàng hoá, dịch vụ khuyến mại không vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại đó (áp dụng các hình thức tại khoản 1 Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 15);
+ Tổng giá trị của hàng hoá, dịch vụ để khuyến mại(hàng tặng) không quá 50 % tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại (hàng bán) (áp dụng các hình thức tại khoản 1 Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15);
+ Để thực hiện hạn mức 100% đây là chương trình khi cơ quan nhà nước tổ chức khuyến mại tập trung (cấp trung ương và cấp tỉnh). Nhưng Doanh nghiệp có thể tự tổ chức thực hiện hạn mức khuyến mại 100% trong các dịp lễ, Tết theo quy định pháp luật lao động ( Điều 115 Bộ Luật Lao động).
- Quy định về giảm giá: mức giảm không được vượt quá 50% giá bán và thời gian không vượt quá 120 ngày trong một năm. Ngoài ra, không được áp dụng giảm giá đối với một số mặt hàng như: chính sách bình ổn giá của nhà nước quy định; hàng thực phẩm tươi sống; hàng hoá, dịch vụ trong trường hợp Doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh. Nhưng được giảm 100% khi có chính sách khuyến mại do nhà nước tổ chức (được quy định chi tiết tại Điều 7, Điều 10).
2. Các hình thức khuyến mại:
2.1. Thông báo thực hiện khuyến mại
(mẫu số 1) và Thông báo sửa đổi, bổ sung nội dung Chương trình khuyến mại (mẫu số 6)
Được quy định khoản 8 Điều 92 Luật Thương mại và các Điều: 8, 9, 10, 11, 12, 14. Nhưng Điều 12 thêm (mẫu số 3). Khi thông báo cần lưu ý sau một số điểm như sau:
- Những chương trình không thông báo đến Sở Công Thương như: Một chương trình dưới 100.000.000 đồng; chỉ thực hiện bán hàng thông qua sàn giao dịch, website khuyến mại (được quy định chi tiết tại Điều Khoản 2, Điều 17); Hình thức khuyến mại tại Điều 15.
- Cách thức nhận thông báo: nhận trước 03 ngày làm việc khi chương trình khuyến mại diễn ra; căn cứ được ghi nhận như sau: qua bưu điện (ngày nhận ghi trên vận đơn), gửi trực tiếp (ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ), thư điện tử (ghi nhận hệ thống thư), dịch vụ công trực tuyến (ghi nhận trên hệ thống); Nhưng gửi qua thư điện tử hoặc dịch vụ công phải kèm theo chữ ký điện tử. Các cách thức này sẽ được Sở Công Thương chọn và công bố nhận theo cách thức nào.
- Không cần công khai thông tin và báo cáo khi kết thúc chương trình. Nhưng đối với việc thực hiện thông báo tại Điều 12 phải công bố kết quả trúng thưởng, trao giải thưởng và không vượt quá 45 ngày, đồng thời phải có báo cáo (mẫu số 7).
- Đối với Thông báo sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng đã tham gia trước đó.
2.2. Khuyến mại mang tính may rủi:
Được quy định tại Điều 13 thì chương trình khuyến mại phải đăng ký đến Sở Công Thương khi thực hiện 01 tỉnh, đăng ký đến Cục Xúc tiến thương mại khi thực hiện 02 tỉnh trở lên cách thức thực hiện như sau:
- Thực hiện theo mẫu: đối với đăng ký thực hiện khuyến mại (mẫu số 2 và số 3) và đối với đăng ký sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình khuyến mại (mẫu số 6);
- Cách thức nhận hồ sơ: hồ sơ đăng ký phải gửi trước 05 ngày làm việc và được Sở Công Thương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại xác nhận đăng ký khi chương trình khuyến mại diễn ra. Nhận hồ sơ qua đường bưu điện, trực tiếp, dịch vụ công trực tuyến. Nhưng gửi qua dịch vụ công phải kèm theo chữ ký điện tử. Các cách thức này sẽ được Sở Công Thương hoặc Cục Xúc tiến thương mại công bố nhận theo cách thức nào.
- Thời gian công bố kết quả trúng thưởng và trao giải thưởng không vượt quá 45 ngày.
- Báo cáo khi kết thúc chương trình trong thời hạn 45 ngày khi hết thời hạn trao thưởng (mẫu số 7).
- Đối với Đăng ký sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng đã tham gia trước đó.
3. Chấm dứt thực hiện chương trình khuyến mại
Thương nhân thực hiện khuyến mại không được chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Trừ các trường hợp:
1. Bất khả kháng;
2. Hết số lượng hàng hoá, dịch vụ khuyến mại hoặc hàng hoá, dịch vụ để khuyến mại;
3. Bị cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu chấm dứt.
Việc chấm dứt thương nhân phải thông báo công khai đến khách hàng và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

20 câu Hỏi - Đáp về các hành vi vi phạm thường gặp trong lĩnh vực khuyến mại và một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này.
  • Các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh theo quy định có được thực hiện bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự chương trình khuyến mại mang tính may rủi; tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên?
Trả lời: Các cá nhân không được thực hiện những hành vi trên. Căn cứ Điểm a, b, c, Khoản 1, Điều 48 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
  • Thương nhân khi thực hiện khuyến mại mà không thông báo hoặc không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi thực hiện khuyến mại hoặc thông báo, đăng ký không đúng quy định hoặc nội dung thông báo, đăng ký không trung thực thì bị phạt như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điểm c, Khoản 3, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thương nhân sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Ngoại trừ những chương trình không cần thông báo đến Sở Công thương như: Thương nhân thực hiện thông báo chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng và thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến (được quy định tại Khoản 2, Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP).
  • Thương nhân khi thực hiện chương trình khuyến mại (theo Điều 8 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại: Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền) mà không thông báo cho khách hàng đầy đủ thông tin liên quan đến việc sử dụng hàng mẫu, dịch vụ mẫu hoặc thu các khoản phí, lệ phí, tiền từ khách hàng, yêu cầu khách hàng thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào khác thì bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điểm b và Điểm c, Khoản 2, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
  • Thương nhân khi thực hiện chương trình khuyến mại theo Điều 12 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố) mà không thông báo công khai kết quả trúng thưởng trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi tổ chức chương trình khuyến mại và tại các địa điểm bán hàng thuộc chương trình khuyến mại thì sẽ bị xử phat như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điểm h, Khoản 2, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
  • Thương nhân khi thực hiện khuyến mại theo Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua hàng hóa, dịch vụ và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố (chương trình khuyến mại mang tính may rủi)) mà không tổ chức công khai việc mở thưởng chương trình hoặc tổ chức mở thưởng chương trình mà không có sự chứng kiến của khách hàng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thời gian, địa điểm thực hiện việc đưa bằng chứng xác định trúng thưởng vào hàng hóa mà việc trúng thưởng được xác định trên cơ sở bằng chứng trúng thưởng kèm theo hàng hóa thì bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điểm d và Điểm g Khoản 2, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thương nhân sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
  • Thương nhân khi thực hiện khuyến mại theo Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (chương trình khuyến mại mang tính may rủi) mà không thông báo công khai kết quả trúng thưởng trên ít nhất một phương tiện thông tin đại chúng tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi tổ chức chương trình khuyến mại và tại các địa điểm bán hàng thuộc chương trình khuyến mại sẽ bị xử phạt như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điểm h, Khoản 2, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thương nhân sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
  • Thương nhân không thực hiện việc trao giải thưởng trong thời hạn quy định khi thực hiện chương trình khuyến mại có trao giải thưởng có bị phạt không?
Trả lời: Căn cứ Điểm i, Khoản 2, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thương nhân sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
  • Thương nhân khi thực hiện chương trình khuyến mại theo Điều 14 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại (Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho khách hàng căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận sự mua hàng hóa, dịch vụ hoặc các hình thức khác) mà không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định trên thẻ khách hàng, phiếu ghi nhận việc mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hoặc không xác nhận chính xác, kịp thời sự tham gia của khách hàng vào chương trình khách hàng thường xuyên thì bị phạt ra sao?
Trả lời: Căn cứ Điểm k và Điểm l, Khoản 2, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Thương nhân khi thực hiện khuyến mại theo Điều 12, Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và các hình thức khác theo quy định tại Khoản 9 Điều 92 Luật thương mại mà không báo cáo kết quả thực hiện khuyến mại với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định hoặc báo cáo không đúng thời hạn quy định hoặc nội dung báo cáo không trung thực thì bị phạt như thế nào?

Trả lời: Căn cứ Điểm d, Khoản 3, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thương nhân sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
  • Thương nhân chấm dứt việc thực hiện chương trình khuyến mại trước thời hạn đã công bố hoặc đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận ( trừ trường hợp pháp luật cho phép hoặc trường hợp cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận điều chỉnh thời gian thực hiện khuyến mại) thì có bị phạt hay không?
Trả lời: Căn cứ Điểm n, Khoản 3, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 6, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP, thương nhân sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
  • Thương nhân thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá có mức giảm giá hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ vượt quá 50 % giá trị hàng hóa, dịch vụ được bán trước đó hoặc thực hiện khuyến mại bằng hình thức giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu trong trường hợp giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ thuộc diện nhà nước có quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiểu hoặc giảm giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện nhà nước quy định giá cụ thể thì bị phạt như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điểm h và Điểm i, Khoản 3, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
  • Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại bằng hình thức giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ có tổng thời gian vượt quá 120 ngày trong một năm (không bao gồm thời gian thực hiện khuyến mại của các chương trình khuyến mại bằng hình thức giảm giá trong khuôn khổ các chương trình khuyến mại tập trung và các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định) thì có bị phạt không?
Trả lời: Căn cứ Điểm k, Khoản 3, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
  • Trường hợp, Văn phòng đại diện của thương nhân thực hiện khuyến mại cho thương nhân mà mình đại diện hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại cho thương nhân mà mình đại diện tại Việt Nam thì có được hay không?
Trả lời. Không được. Văn phòng đại diện của thương nhân không được quyền thực hiện khuyến mại cho thương nhân mà mình đại diện hoặc thuê thương nhân khác thực hiện khuyến mại cho thương nhân mà mình đại diện tại Việt Nam. Nếu xẩy ra trường hợp này thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng căn cứ theo Khoản 5, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Thương nhân A thực hiện khuyến mại khi khách hàng mua 01 sản phẩm E được tặng 01 sản phẩm E thì có được không ? Nếu không thì phải thực hiện như thế nào cho đúng?
Theo quy định tại khoản 1, Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại:“Giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ trường hợp khuyến mại bằng các hình thức quy định tại Khoản 8 Điều 92 Luật thương mại, Điều 8, Khoản 2 Điều 9, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Việc Công ty bán sản phẩm tặng sản phẩm được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Do đó Thương nhân A không được thực hiện mua 1 tặng 1 như ở trên. Đối với trường hợp này, Thương nhân A chỉ được tặng 1 sản phẩm có giá trị bằng 50% giá trị sản phẩm E hoặc mua 2 sản phẩm E được tặng 1 sản phẩm E. Nếu như Thương nhân A thực hiện theo hình thức trên sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, Căn cứ Điểm g, Khoản 3, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
  • Thương nhân B thực hiện chương trình khuyến mại với mức giảm giá tối đa là 100% các sản phẩm mỹ phẩm của doanh nghiệp khi cơ quan nhà nước tổ chức khuyến mại tập trung (cấp trung ương và cấp tỉnh) và trong các ngày lễ, Tết theo quy định pháp luật lao động ( Điều 115 Bộ Luật Lao động) thì có được không?
Trả lời: Thương nhân B được thực hiện chương trình khuyến mại. Theo quy định tại Khoản 4 và Khoản 5, Điều 6 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại: “Trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại) thì áp dụng hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là 100%. Hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại 100% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại Khoản 4 Điều này gồm: Chương trình do cơ quan nhà nước (cấp trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức, trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung. Mọi thương nhân đều được quyền tham gia vào các chương trình. Các đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết theo quy định của pháp luật lao động, gồm: Đợt Tết Âm lịch: 30 ngày ngay trước ngày đầu tiên của năm Âm lịch, Các ngày nghỉ lễ, tết khác. Thời hạn khuyến mại của từng đợt khuyến mại vào các dịp lễ, tết không được vượt quá thời gian nghỉ của các dịp lễ, tết tương ứng theo quy định của pháp luật lao động.
  • Thương nhân C thực hiện thủ tục thông báo thực hiện khuyến mại với thời gian bắt đầu thực hiện chương trình là từ ngày 14/11/2019. Nhưng đến ngày 16/11/2019, Thương nhân C muốn thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung thông báo thực hiện khuyến mại đã gửi trước đó với nội dung sửa đổi: thay đổi ngày chạy chương trình từ ngày 14/11/2019 thành ngày 17/11/2019. Thương nhân C có thực hiện thay đổi được không? Thương nhân A có bị phạt theo quy định của pháp luật không?
Trả lời: Thương nhân C không thể thay đổi ngày bắt đầu thực hiện chương trình khuyến mại được. Vì thời gian bắt đầu thực hiện chương trình đã trôi qua.Thương nhân chỉ có thể thay đổi ngày thực hiện trước ngày bắt đầu chương trình. Việc thương nhân không thực hiện chương trình đúng theo như nội dung đã thông báo vi phạm vào Điểm đ, Khoản 3, Điều 48, Mục 7, Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hoặc trì hoãn việc thực hiện các nội dung của chương trình khuyến mại đã thông báo, cam kết với khách hàng”. Theo đó, thương nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
  • Thương nhân D thực hiện chương trình bán hàng có tặng quà khuyến mại cho nhà phân phối (siêu thị Big C, Aeon, coopmart…trên toàn quốc), tổng giá trị khuyến mại của chương trình: 500.000.000 VNĐ. Việc bán hàng có khuyến mại có xuất hóa đơn đỏ của Thương nhân được diễn ra tại trụ sở chính ở địa chỉ: KCN VSIP2-A, xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.Vậy Thương nhân D phải thực hiện gửi Thông báo thực hiện khuyến mại ở đâu?
Trả lời: Theo quy định tại Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2 Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP: “thương nhân khi thực hiện một chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng trên 100 triệu đồng, thương nhân phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo hoạt động khuyến mại đến tất cả các Sở Công thương nơi tổ chức khuyến mại”. Vì vậy khi thực hiện hoạt động khuyến mại theo chương trình đã nêu ở trên, Thương nhân chỉ cần gửi thông báo thực hiện khuyến mại cho Sở Công thương Bình Dương trước 3 ngày (làm việc) theo quy định của pháp luật.
  • Thương nhân Đ thực hiện hình thực khuyến mại bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ (Điều 11 Nghị định 81/2018/NĐ-CP). Cụ thể khách hàng khi mua sản phẩm gia dụng A sẽ được thương nhân Đ tặng 1 phiếu mua hàng để mua sản phẩm thực phẩm với giá giảm 10% tại địa điểm bán hàng của thương nhân E. Trường hợp này ai là người thông báo thực hiện khuyến mại và làm thế nào cho đúng?
Trả lời: Thương nhân Đ phải thực hiện thủ tục thông báo thực hiện khuyến mại theo mẫu số 01 Nghị định 81/2018/NĐ-CP. Với trường hợp này, Thương nhân Đ và Thương nhân E cùng thực hiện 01 chương trình khuyến mại, nên ở mục 11, mẫu số 01, thương nhân Đ có thể ghi thêm Thương nhân E là thương nhân cùng thực hiện chương trình có kèm theo hợp đồng thực hiện chương trình giữa hai bên.
  • Hình thức chiết khấu thương mại (chiết khấu trên hóa đơn, chiết khấu trên hợp đồng) có phải là hình thức khuyến mại hay không? Thương nhân có phải thực hiện tủ tục Thông báo thực hiện khuyến mại gửi Sở Công thương hay không?
Trả lời: Chương trình chiết khấu thương mại nêu trên của Thương nhân không thuộc 8 hình thức khuyến mại được quy định tại Mục 2 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Do đó, Thương nhân không cần gửi thông báo bằng văn bản về chương trình khuyến mại đến Sở Công thương. Chỉ khi nào thương nhân thực hiện theo quy định tại Điều 10, Nghị định 81/2018/NĐ-CP: “Bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, cung ứng dịch vụ trước đó, được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã thông báo (khuyến mại bằng hình thức giảm giá) thì thương nhân mới phải thông báo cho Sở Công thương.
  • Thương nhân H thỏa thuận với Đơn vị tài chính hoặc Ngân hàng cùng thực hiện ưu đãi bán hàng cho khách hàng với hình thức trả góp với lãi suất 0%. Hình thức này có phải là hoạt động khuyến mại không? Thương nhân phải thực hiện thế nào cho đúng?
Trả lời: Trường hợp Thương nhân có thỏa thuận với đơn vị tài chính để thực hiện chương trình bán hàng trả góp với lãi suất 0% cho hàng hóa, dịch vụ của Doanh nghiệp như đã nêu được xem là hoạt động khuyến mại theo hình thức “Tặng hàng hóa, cung ứng dịch vụ không thu tiền có kèm theo việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ”( được quy định tại Khoản 1 , Điều 9, Nghị định 81/2018/NĐ-CP). Thương nhân phải thực hiện thủ tục thông báo thực hiện khuyến mại theo quy định ngoại trừ những chương trình không cần thông báo đến Sở Công thương như: Thương nhân thực hiện thông báo chương trình khuyến mại có tổng giá trị giải thưởng, quà tặng dưới 100 triệu đồng và thương nhân chỉ thực hiện bán hàng và khuyến mại thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến (được quy định tại Khoản 2, Điều 17 Nghị định 81/2018/NĐ-CP). Tuy nhiên, do có sự thỏa thuận của nhiều thương nhân để cùng thực hiện chương trình nhằm thúc đẩy việc bán hàng của thương nhân cũng như cung ứng dịch vụ cho vay của đơn vị tài chính nên có thể xác định đây là trường hợp nhiều thương nhân cùng phối hợp thực hiện khuyến mại, thương nhân cần ghi rõ tại mục 11 trong Thông báo thực hiện khuyến mại.
 
Last edited:
Top