Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu Bình Dương năm 2023: Dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

20-11-2023

Xuất khẩu Bình Dương năm 2023: Dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng

Bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới trong năm 2023:

Năm 2023, tình hình chính trị, kinh tế thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới như: Xung đột Nga – Ukraine, Israel - Hamas ở dãi Gaza; nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt; áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao tại một số quốc gia; xuất hiện một số rủi ro, thách thức mới về an ninh lương thực toàn cầu; nguồn cung dầu thô tiếp tục bị thu hẹp, đẩy giá dầu tăng cao; thương mại toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu…

Trong bối cảnh đó, tình hình sản xuất, xuất nhập nhập khẩu của tỉnh năm 2023 cũng chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất - tỷ giá. Theo đó, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải còn ở mức cao, áp lực cạnh tranh và sự gia tăng các rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu…, tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu luôn giảm so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu của tỉnh Bình Dương

Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2023, ngành Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành có liên quan việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ sản xuất trong nước, tăng cường xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại nội địa và nước ngoài, nhằm mở rộng thị trường, thu hút thêm các đơn hàng xuất khẩu. Do đó, Cán cân thương mại xuất nhập khẩu 6 tháng cuối năm đã được cải thiện, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu cả năm 2023 vẫn thấp hơn so với cùng kỳ nhưng tình hình ký kết đơn hàng xuất khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực, khả quan. Ước cả năm 2023, cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa hàng hóa của Bình Dương ước xuất siêu 9,2 tỷ USD; Xuất khẩu ước đạt 32,9 tỷ USD (giảm 5% so với cùng kỳ), nhập khẩu ước đạt 23,7 tỷ USD (giảm 7,1% so với cùng kỳ).

Theo Báo cáo Thống kê 10 tháng năm 2023:

- Thị trường xuất khẩu chính: Mỹ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất của tỉnh với tổng kim ngạch xuất khẩu; trong 10 tháng năm 2023 xuất khẩu sang thị trường Mỹ ước đạt 11.845,9 triệu USD, chiếm 46,8% kim ngạch xuất khẩu và giảm 12,6% so với cùng kỳ; thị trường EU ước đạt 3.314,1 triệu USD, tương ứng chiếm 13,1% và giảm 20,5%; Nhật Bản ước đạt 1.905,7 triệu USD, chiếm 7,5% và giảm 7,6%; Trung Quốc ước đạt 1.207,3 triệu USD, chiếm 4,8% và giảm 14%; Hàn Quốc ước đạt 982,4 triệu USD, chiếm 3,9% và giảm 9,8%; Thái Lan ước đạt 567,5 triệu USD, chiếm 2,2% và giảm 3,7%.

          - Các mặt hàng xuất khẩu chính: lũy kế 10 tháng 2023 Sản phẩm gỗ xuất khẩu ước đạt 4.444,1 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 17,6% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Hàng dệt may: đạt 2.377,8 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,4% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Hàng giày da: xuất khẩu ước đạt 1.296,1 triệu USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,1% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện: xuất khẩu ước đạt 1.336,5 triệu USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,3% kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.

          - Triển khai các hoạt động hỗ trợ thực thi các FTAs: Tính đến nay Việt Nam đã ký kết 16 FTA đa phương, song phương khác nhau. Trong đó, có 4 FTA thế hệ mới là CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP được tỉnh ưu tiên tăng cường triển khai thực hiện. Trong tâm là các giải pháp hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thông tin về cung cầu thị trường hàng hóa của các nước ký kết FTA như: điều chỉnh chính sách thương mại, đầu tư, tiền tệ; Các rào cản, tiêu chuẩn kỹ thuật, thói quen tiêu dùng đối với hàng xuất khẩu; hướng dẫn mở C/O để được hưởng ưu đãi thuế quan; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương với các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối lớn của nước ngoài. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó đối với các vụ kiện về phòng vệ thương mại (gần đây nhất tháng 11/2023, Hoa Kỳ tiến hành rà soát hành chính thuế chống trợ cấp lần 2 với lốp xe oto nhập khẩu: DN bị rà soát là Cty Kumho VN). Đến nay, thông qua công tác tuyên truyền, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp đã nắm rõ các vấn đề cốt lõi cũng như lộ trình thực hiện FTAs. Qua đó, đã chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc phối hợp ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.