Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Triển khai xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025

17-09-2024

Ngày 06/6/2024, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã ban hành Công văn số 1769/SCT-TTXT gửi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; các Hiệp hội ngành hàng; Liên minh Hợp tác xã; Hội Nông dân tỉnh và các cơ sở công nghiệp nông thôn về việc xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025.

Nguồn kinh phí khuyến công được thực hiện nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp chiến lược, quy hoạch của tỉnh. Theo đó, Sở Công Thương đề nghị các địa phương, đơn vị, tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025 theo các nội dung sau:

Về đối tượng được hỗ trợ từ chính sách khuyến công: quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012. Đối tượng được hỗ trợ từ chính sách khuyến công là các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện và thành phố loại II, loại III trên địa bàn tỉnh (gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Điều 5, Chương II, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng); Hợp tác xã thành lập hoạt động theo Luật Hợp tác xã; Tổ hợp tác thành lập và hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ quy định về Tổ hợp tác; Hộ kinh doanh theo quy định Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính Phủ về đăng ký doanh nghiệp; Các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện áp dụng sản xuất sạch hơn (Không giới hạn về quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân hàng năm và địa bàn sản xuất).

Về ngành nghề được hỗ trợ từ chính sách khuyến công: quy định tại Điều 5 Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012. Tổ chức, cá nhân trên trực tiếp đầu tư, sản xuất vào các ngành, nghề sau đây được hỗ trợ chính sách khuyến công: Công nghiệp chế biến nông -lâm -thủy sản và chế biến thực phẩm; Sản xuất hàng công nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, hàng thay thế hàng nhập khẩu; Công nghiệp hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới (không hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng gây ô nhiễm môi trường; tập trung hỗ trợ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ mới (vật liệu không nung), không ô nhiễm môi trường, sử dụng nguyên liệu tái tạo; Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử -tin học; Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và công nghiệp hỗ trợ; Sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp; Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các cơ sở sản xuất công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Định hướng nội dung hoạt động khuyến công bao gồm:

1. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản phẩm mới; Hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; Hỗ trợ xây dựng các mô hình về chế biến nông -lâm -thủy sản, mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất công nghiệp; mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn, phát triển sản xuất; mô hình theo nhu cầu của sản xuất, thị trường và định hướng phát triển của địa phương bao gồm các chi phí: Xây dựng, mua máy móc thiết bị; hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất, phục vụ cho việc trình diễn. Các đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật là các đề án phải đầu tư mới cần phổ biến nhân rộng; đã, đang đầu tư và kết thúc đầu tư đi vào sản xuất năm 2025 để phục vụ trình diễn (Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 01 tỷ đồng/mô hình). Mức hỗ trợ đối với các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức cá nhân khác học tập (hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/mô hình).

2. Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất. Đổi mới máy móc thiết bị, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững.(Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở) phải đáp ứng các điều kiện sau: Máy móc tiên tiến được hỗ trợ ứng dụng là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới. Ứng dụng vào các khâu sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường so với máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cơ sở sản xuất đang sử dụng hoặc tạo ra sản phẩm mới. Lưu ý: Hóa đơn chứng từ phải trong năm tài chính (đã đầu tư hoặc cam kết đủ vốn để đầu tư trong năm 2025, lựa chọn đề án đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm kế hoạch).

3. Hỗ trợ các cơ sở CNNT sửa chữa, nâng cấp hệthống xử lý ô nhiễm môi trườngtại các cơ sở công nghiệpnông thôn; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (lựa chọn cụm công nghiệp có hồ sơ pháp lý đầy đủ và chủ đầu tư dự kiến hoàn thành hạng mục hoặc gói thầu đề nghị hỗ trợ trong năm kế hoạch). Mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở); tại các cụm công nghiệp (mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 1,5 tỷ đồng/cụm công nghiệp.

4. Hỗ trợ cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước (hỗ trợ 80% giá thuê diện tích gian hàng); hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với sản phẩm CNNT (hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu); Hỗ trợ thuê tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các lĩnh vực: Lập dự án đầu tư; marketing; quản lý sản xuất, tài chính, kế toán, nhân lực; thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói; ứng dụng công nghệ, thiết bị mới (hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 35 triệu đồng/cơ sở).

5. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, hội thảo, diễn đàn; tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm trong nước (Các cơ sở CNNT, tổ chức, đơn vị có nhu cầu đăng ký cần nêu rõ từng nội dung triển khai có liên quan để Trung tâm tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Về kế hoạch khuyến công địa phương năm 2025, Sở Công Thương đề nghị các địa phương chủ động xây dựng và bố trí kinh phí để thực hiện các đề án, chương trình khuyến công  đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội trên địa bàn theo quy định tại Điều13 (Quyết định số 40/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Dương).


Hồng Đào – Trung tâm Xúc tiến thương mại & PTCN

Lượt xem: 4298

Thống kê truy cập

Đang truy cập:594

Tổng truy cập: 22060591