Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Quy hoạch tỉnh Bình Dương: Tạo động lực phát triển công nghiệp

12-03-2022

Ngày 9/3/2022, Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức Hội thảo khoa học định hướng chiến lược quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phần trình bày về Khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương của Nhóm nghiên cứu chuyên gia Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng.

Tham dự có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Hùng  - Chủ tịch HĐQT TCT Becamex IDC cùng lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC và các sở, ban ngành tỉnh.

Thay mặt cho Nhóm nghiên cứu chuyên gia Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia thuộc Bộ Xây dựng, PGS TS KTS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã trình bày về Khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương với 7 bước khung logic, gồm nghiên cứu tiếp cận dự án; hiểu hiện trạng-cơ sở dữ liệu-xác định nguồn lực phát triển; phân bổ không gian phát triển, các cấu trúc không gian động lực; tổ chức không gian lãnh thổ… 

[PGS TS KTS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã trình bày về Khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương]
PGS TS KTS Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đã trình bày về Khung logic và nội dung chiến lược tích hợp cho quy hoạch tỉnh Bình Dương. 

Đồng thời, đề xuất phát triển các cấu trúc không gian lớn như chuỗi đô thị động lực TOD, đô thị trí thức kết nối TP.Thủ Đức và Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương theo động lực phía Đông của vùng, là đường sắt Cái Mép-Bình Phước. Chuyển đổi hạ tầng dịch vụ công nghiệp và đô thị sang dịch vụ cho số đông-dựa vào động lực giao thông nhanh BRG và Metro Suối Tiên-TP thông minh Bình Dương) từ động lực vành đai 3 và 4. Chuyển đổi hạ tầng phát triển thành phố thông minh sang thành phố đa phương thức. Số hóa không gian để quản lý phát triển theo công nghệ… 


PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu Định cư, Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận tại hội thảo. 

Theo nội dung tham luận của PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện nghiên cứu Định cư, Đại học Quốc gia Hà Nội, Bình Dương cần tổ chức lại các vùng chức năng và đất đai, có quỹ đất phát triển giao thông công cộng tốc độ cao, hợp lý hóa đất đai để đưa đến giá trị gia tăng cao hơn cho bất động sản và dịch vụ, chuyển sang nền kinh tế tri thức phía Nam, tận dụng cơ hội kết nối vùng tại Vành đai 3; Thiết lập không gian lịch sử, văn hóa, con người Bình Dương làm nền tảng phát triển; Phát triển theo chiều sâu hệ sinh thái công nghiệp-đô thị-dịch vụ hiện hữu để tận dụng cơ hội kết nối vành đai 4; Chuyển đổi mô hình đô thị (thành phố mới-thành phố thông minh-thành phố dịch vụ đa phương thức); Chuyển đổi số toàn diện về mô hình quản lý phát triển lãnh thổ tỉnh.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, các vấn đề phát triển, thể chế cần đặt Bình Dương trong không gian vùng, định vị, định hình, giải quyết các yếu tố mang tính nền tảng, tạo động lực cho tương lai. Làm sao tận dụng được lợi thế của vùng, biến lợi thế vùng là lợi thế cho sự phát triển của tỉnh. Bình Dương cần đặc biệt chú ý đến liên kết vùng tạo sức mạnh, tạo đột phá. Cần nguồn lực liên kết gắn với phát triển vùng.