Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Khẳng định vị thế hàng Việt

07-02-2022

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) đã bước sang năm thứ 13, được đánh giá là một trong những Cuộc vận động có tính lâu dài và mang lại kết quả khả quan. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, trong đó có Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công Thương đã giúp chuỗi lưu thông, phân phối hàng Việt được giữ vững, đồng thời khẳng định vị thế hàng Việt Nam trên thị trường. Báo Công Thương trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Khẳng định vị thế trên thị trường

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở, Cuộc vận động đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và góp phần chuyển biến nhận thức của các doanh nghiệp, người tiêu dùng về sản xuất, tiêu dùng hàng hóa Việt Nam; khẳng định Cuộc vận động là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, tạo nên diện mạo mới về hàng Việt Nam trên thị trường nội địa.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian qua. Cuộc vận động còn góp phần hình thành hệ thống phân phối hàng Việt Nam rộng khắp cả nước, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa trong nước, nhất là các mặt hàng nông sản; thúc đẩy sản xuất, ổn định nền kinh tế đất nước. Thị phần tiêu dùng hàng hóa,dịch vụ do người Việt Nam sản xuất được nâng lên, hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương: Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỷ lệ từ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên; tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Tốc độ phát triển của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng Việt Nam tương đối nhanh: Saigon CoopMart mở được hơn 113 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán lẻ của thương hiệu này lên hơn 600 điểm.

Qua hơn 12 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng Việt Nam đã đề cao hơn ý thức ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước trong đời sống sinh hoạt hằng ngày; đồng thời, vận động người thân, gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương (tháng 6 năm 2019), 67% người được hỏi cho rằng kể từ khi có Cuộc vận động bản thân họ đã “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 52% cho rằng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt Nam”; 36% cho rằng “trước đây có thói quen thường mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay vào đó là mua hàng Việt Nam”. Số liệu điều tra xã hội học cho thấy sự chuyển biến trong nhận thức, thái độ của người dân khi mua sắm hàng hóa đã có sự thay đổi đáng kể. Tỷ lệ “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có xu hướng tăng dần (năm 2010 là 59%; năm 2014 là 63%; năm 2019 là 67%).