Đổi mới, nâng tầm công tác đào tạo nhân lực ngành logistics
29-03-2022
Đầu tư chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics được xác định là yếu tố then chốt nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trên bản đồ ngành logistics thế giới.
Tạo cơ hội để sinh viên “thực chiến”
Cùng với nhịp độ phát triển của hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, xuất nhập khẩu, hoạt động logistics trong những năm gần đây gia tăng mạnh mẽ, ước tính có tốc độ tăng trưởng trên 10%.
Đánh giá về cơ hội của thị trường đối với lĩnh vực logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) - cho biết: Theo thống kê sơ bộ, cả nước có 49/286 trường đại học đào tạo về logistics ở nhiều cấp độ khác nhau.
Đáng nói, logistics hiện cũng là ngành học nhận được sự quan tâm cao của xã hội. Sự quan tâm này thể hiện ở số lượng đăng ký tuyển sinh vào đại học, cao đẳng của ngành này tăng vọt và điểm chuẩn cũng vượt lên ở top đầu các ngành học tại một số trường. Đây cũng phản ánh phần nào nhu cầu của xã hội về mặt nguồn lực, nhu cầu của các doanh nghiệp đòi hỏi đáp ứng cả về mặt số lượng và chất lượng; đồng thời, tạo thuận lợi cho các cơ sở đào tạo phát triển ngành này ở trong nước.
Qua hai buổi tọa đàm về hoạt động đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng do VALOMA phối hợp với Trường Đại học Đại Nam và Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức vừa qua đã giúp các trường có thêm nhiều thông tin, gợi mở về phương pháp, chương trình đào tạo, định hướng phối hợp giữa các trường và hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Một số vấn đề được đưa ra thảo luận như khung chương trình, chuẩn đầu ra, hoạt động mô phỏng - thực hành... nhằm mục tiêu nâng chất lượng cho nguồn nhân lực ngành logistics.
Tọa đàm giữa Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với VALOMA nhằm chia sẻ về đào tạo nguồn nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, hiện trường có tuyển sinh đào tạo ngành học có liên quan đến lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, định hướng mục tiêu của trường là trang bị cho sinh viên đầy đủ kiến thức, kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp làm nền tảng vững chắc cho việc ứng dụng làm việc thực tiễn khi ra trường.
Tương tự, chia sẻ về định hướng đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, TS. Lê Thị Mỹ Ngọc - Trưởng khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (Đại học Đại Nam) - cho biết, trường có kế hoạch giảng dạy “thực chiến”, tức là giảng dạy lý thuyết kết hợp với trải nghiệm thực tế. Từ đó, sinh viên sẽ được tham gia trải nghiệm tại các doanh nghiệp qua các kỳ thực tập. Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tế qua nền tảng công nghệ logistics lớn nhất Việt Nam là phần mềm Smartlog.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo này đang đối mặt với một số khó khăn, điển hình là khó khăn trong việc triển khai chương trình đào tạo, những khó khăn về cơ sở vật chất phục vụ cho việc thực hành… Điều này làm hạn chế đến việc ứng dụng làm việc thực tế của sinh viên, do vậy, bà Lê Thị Mỹ Ngọc mong muốn VALOMA sẽ tạo ra một hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp và nhà trường nhằm tối ưu hóa quá trình sử dụng nguồn nhân lực và chi phí trong công tác đào tạo.