Bán phá giá là gì? Điều tra CBPG là thế nào?

Fri Jul 05 08:15:00 GMT+07:00 2024

Bán phá giá là gì? Điều tra CBPG là thế nào?

Gần đây Bộ công thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra chống bán phá giá (CBPG) nhóm mặt hàng thép mạ nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Mã của vụ việc này là AD19, để phân biệt với những vụ điều tra chống phá giá khác có thể có đối tượng gần giống như vậy.

Bán phá giá là gì? Điều tra CBPG là thế nào?

Bán phá giá là hành vi bán hàng hóa hoặc dịch vụ ở mức giá thấp hơn giá thông thường của nó, nhằm giành thị phần, loại bỏ đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Hành động bán phá giá hàng hóa nước ngoài, khi hàng được nhập khẩu về Việt Nam, được cho là sẽ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất nội địa. Khi đó họ sẽ tự vệ bằng cách làm hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp CBPG gửi đến cơ quan thẩm quyền (ở Việt Nam là Bộ công thương). Cơ quan này sẽ tiến hành điều tra và áp dụng các biện pháp cần thiết theo luật định để bảo vệ sản xuất trong nước.

Một số công đoạn chính thường gặp trong điều tra CBPG:

  1. Gửi đơn kiện 
  2. Quyết định khởi xướng điều tra
  3. Điều tra sơ bộ
  4. Kết luận sơ bộ (có thể kèm theo Biện pháp CBPG tạm thời)
  5. Điều tra chính thức
  6. Kết luận cuối cùng (có hoặc không áp dụng Thuế chống bán phá giá)

Một số quy định có liên quan đến vụ việc:

  • Luật Quản lý ngoại thương 2017
  • Nghị định 10/2018/NĐ-CP
  • Thông tư 37/2019/TT-BCT

Các bên liên quan trong vụ việc AD19

Bên yêu cầu điều tra gồm 5 doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước:

  1. Công ty CP tập đoàn Hoa Sen
  2. Công ty CP Thép Nam Kim
  3. Công ty Tôn Phương Nam
  4. Công ty CP Tôn Đông Á
  5. Công ty CP China Steel & Nippon Steel Việt Nam.

Các doanh nghiệp này đã cáo buộc các sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Sản phẩm thuộc diện bị điều tra

Tên hàng hóa: Thép mạ (tôn mạ).

Một số sản phẩm thép carbon cán phẳng ở dạng cuộn hoặc không phải dạng cuộn, chứa hàm lượng carbon dưới 0,6% khối lượng, có tráng, mạ hay phủ kim loại chống ăn mòn như kẽm hoặc nhôm, hoặc các hợp kim gốc sắt.

Hàng thép mạ nhập khẩu

Cụ thể, sản phẩm thép mạ xuất xứ Trung Quốc hoặc Hàn Quốc có mã HS như sau sẽ bị điều tra CBPG:

HS 7210.41.11, 7210.41.12, 7210.41.19, 7210.49.11,7210.49.14, 7210.49.15, 7210.49.16, 7210.49.17, 7210.49.18, 7210.49.19,7210.50.00, 7210.61.11, 7210.61.12, 7210.61.19, 7210.69.11, 7210.69.12, 7210.69.19, 7210.90.10, 7210.90.90, 7212.30.11, 7212.30.12, 7212.30.13, 7212.30.14, 7212.30.19, 7212.30.90, 7212.50.13, 7212.50.14, 7212.50.19, 7212.50.23, 7212.50.24, 7212.50.29, 7212.50.93, 7212.50.94, 7212.50.99, 7212.60.11, 7212.60.12, 7212.60.19, 7212.60.91, 7212.60.99, 7225.92.90, 7226.99.11, 7226.99.91

Diễn tiến vụ việc

  • Ngày 19/4/2024, Cục Phòng vệ thương mại đã tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu điều tra từ nhóm 5 công ty thép (nêu trên)
  • Ngày 03/05/2023: Cục Phòng vệ Thương mại xác nhận Hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại.
  • Ngày 14/06/2024, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1535⁄QĐ-BCT về việc chính thức điều tra.
  • Ngày 01/07/2024, Cục Phòng vệ thương mại gửi Bản câu hỏi điều tra chính thức cho các doanh nghiệp liên quan. Thời hạn để trả lời là trước 17h00 ngày 07/08/2024 (giờ Hà Nội).

Như vậy đến đầu tháng 7/2024, vụ việc đang ở bước các nhà sản xuất nội địa và các nhà nhập khẩu trả lời câu hỏi (thời hạn là 5/8/2024). Tiếp sau đó, Bộ Công thương có thể sẽ đưa ra kết quả điều tra sơ bộ và các biện pháp tạm thời (nếu cần).

Tài liệu liên quan đến vụ việc

Các vụ việc điều tra chống bán phá giá nhóm mặt hàng thép trước đây

Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Danh sách 10 vụ điều tra chống bán phá giá hàng thép

Trong cùng thời gian này cũng đang diễn ra 1 vụ kiện chống bán phá giá khác đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) xuất xứ Trung Quốc và Ấn Độ. Ngày 14/06/2024, Bộ Công thương đã nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Bước tiếp theo trong thời hạn 45 ngày, cơ quan điều tra sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ Công Thương xem xét quyết định tiến hành điều tra hoặc không điều tra vụ việc. Vinalogs sẽ cập nhật vụ việc này trong 1 bài viết riêng, tránh với chủ đề bài viết này dành cho vụ việc AD19 (hàng thép mạ).

Tóm lại

Vụ việc AD19 về việc điều tra chống phá giá hàng thép mạ xuất xứ Trung Quốc và Hàn Quốc đang được tiến hành. Sau khi thu thập thông tin và tiến hành điều tra sơ bộ, Bộ công thương sẽ có kết quả sơ bộ và (có thể) áp dụng các biện pháp CBPG (nếu cần). 

Đây không phải là vụ việc mới trong việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong lĩnh vực sắt thép. Các công ty sản xuất và nhập khẩu mặt hàng này cần phối hợp với cơ quan hữu quan. Đồng thời, cũng cần theo dõi sát sao, để trong trường hợp nếu Bộ công thương áp dụng tạm thời thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp nhập khẩu cần biết rõ thời điểm áp dụng khi làm thủ tục nhập khẩu hàng các lô hàng thép của mình.


https://vinalogs.com/