Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Ứng dụng thương mại điện tử: Xu thế tất yếu đối với doanh nghiệp

2017-10-09 08:31:00.0

Một trong những giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) là ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa của nước ta nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.

Lãnh đạo Sở Công Thương và các doanh nghiệp tại Hội thảo “Giải pháp liên kết xúc tiến xuất khẩu trực tuyến 2017 cho các DN Bình Dương qua Alibaba.com”. Ảnh: TIỂU MY

 Hiệu quả cao

Số liệu từ Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (CNTT), Bộ Công thương công bố vào tháng 3-2016, dựa vào kết quả khảo sát trên 800 DN xuất khẩu của nước ta, cho thấy số lượng DN lớn có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử là 52%; DN nhỏ và vừa là 36%. Kết quả khảo sát này cũng cho thấy, các DN có ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử đạt được hiệu quả sản xuất, xuất khẩu cao, với 42% DN có tổng giá trị đơn hàng trực tuyến trên tổng doanh thu xuất khẩu là 50%; đồng thời tỷ lệ tranh chấp khi sử dụng hợp đồng điện tử rất thấp, chỉ khoảng 8%.

Theo Cục TMĐT và CNTT, ứng dụng website và sàn giao dịch điện tử mang lại hiệu quả về mặt chi phí và rất phù hợp với tiềm lực của các DN nhỏ và vừa của Việt Nam. Cụ thể, các DN xuất khẩu thông qua kênh TMĐT không mất nhiều chi phí đầu tư, phân phối qua trung gian, bên cạnh đó chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, mở rộng kinh doanh.

Bình Dương có lợi thế là tỉnh có Chỉ số phát triển TMĐT (EBI) năm 2017 đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó việc ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất được DN áp dụng cao và hình thức giao thương trực tuyến hiện là xu hướng mới cũng được DN Bình Dương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn không ít DN chưa tận dụng hoặc chưa ứng dụng tối đa ưu thế của thành tựu khoa học này.

Tại Hội thảo “Giải pháp liên kết xúc tiến xuất khẩu trực tuyến 2017 cho các DN Bình Dương qua Alibaba.com” do Sở Công thương phối hợp với Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam tổ chức, ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định việc tận dụng ưu thế của xuất khẩu trực tuyến nhằm tiếp cận tốt hơn với nhà nhập khẩu đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với DN xuất khẩu của Bình Dương. Ông cho rằng hội thảo này là phương thức hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, tăng cường giao lưu hợp tác và là kênh xây dựng thương hiệu Việt với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những nội dung tại hội thảo giúp các DN Bình Dương hiểu rõ hơn về những bước triển khai TMĐT trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu và cơ hội mở rộng xuất khẩu nhờ tham gia các sàn TMĐT theo mô hình DN với DN (B2B)…

DN cần chủ động

Ghi nhận cho thấy, trong số trên 20 DN của Bình Dương tham gia Hội thảo “Giải pháp liên kết xúc tiến xuất khẩu trực tuyến 2017 cho các DN trong tỉnh qua Alibaba.com” chỉ có 12 DN có website, trong đó DN có website có ngôn ngữ nước ngoài chiếm tỷ lệ thấp. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa có thói quen tham gia sàn giao dịch TMĐT. Phương thức phổ biến của các DN vẫn là trực tiếp gặp nhau, trực tiếp trao đổi ký kết hợp tác…

Theo ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc Bình Dương, hiện nay nhiều DN sơn mài trong tỉnh muốn tham gia giao dịch thương mại trực tuyến để tìm kiếm đối tác, thay vì tham gia các hội chợ. Song vấn đề mà các DN đang gặp phải là làm thế nào có thể khai thác tốt các ứng dụng CNTT để quảng bá sản phẩm và hạn chế những rủi ro khi giao dịch TMĐT.

Trên thực tế, dù DN tham gia gói dịch vụ trên các trang web B2B nhưng nếu không chăm chút cho nội dung thông tin về hàng hóa trên trang web thì cũng khó đạt hiệu quả như mong muốn. Ông Trần Đình Toản, đại diện Alibaba.com Việt Nam, lưu ý các DN trong nước khi đăng ký thành viên của các trang web B2B cần chuẩn bị tốt thông tin như giới thiệu về công ty, hình ảnh công ty, các video clip, hình ảnh và mô tả hàng hóa, dịch vụ một cách kỹ lưỡng. Ngoài ra, DN cần liên tục cập nhật thông tin sản phẩm định kỳ hàng tuần, trả lời sớm thư của khách hàng tiềm năng, chủ động đánh giá hoạt động tiếp thị trực tuyến hàng tháng.

Ông Toản cho biết thêm, việc tiếp thị trên các trang B2B tuy giúp DN có thêm nguồn khách hàng mới, tiết kiệm chi phí nhưng cũng mang lại những rủi ro, như việc mất bản quyền hình ảnh nhà máy, công ty, hàng hóa, dịch vụ... Do đó, các DN cần quan tâm đến những vấn đề như bản quyền hình ảnh, thư rác, thư đặt hàng lừa đảo… trong quá trình đầu tư và triển khai kênh tiếp thị trực tuyến này. Để tránh rủi ro, tạo sự tin tưởng của khách hàng, DN xuất khẩu cần chủ động chương trình hợp tác, liên kết với ngân hàng, kết nối với hệ thống logistics nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.


Lượt xem: 165

Thống kê truy cập

Đang truy cập:993

Tổng truy cập: 17940320