Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Áp dụng giá điện mặt trời mới từ 22/5/2020

2020-04-07 11:05:00.0

CMSC Sau gần 10 tháng chờ đợi và nhiều lần trình phương án từ Bộ Công Thương, ngày 06/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định mới liên quan đến giá mua điện mặt trời, áp dụng từ 22/5/2020

Mới đây, Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, thay thế cho Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019. So với giá mua điện áp dụng trước 30/6/2019, giá mua dự án điện mặt trời giảm đáng kể, nguyên nhân do phải tính trong phương án giá điện đầu vào của ngành điện nên cần có sự điều chỉnh hợp lý, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng trong xã hội, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư điện mặt trời nhưng vẫn hạn chế tăng thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp khi phải tăng giá bán điện bình quân. 

Hệ thống điện mặt trời tại vùng bán ngập hồ Dầu Tiếng

 

Giá mua điện dự án điện mặt trời nổi là 7,69 cent (tương đương 1.783 đồng) một kWh, giá điện mặt trời mặt đất là 7,09 cent (tương đương 1.644 đồng) một kWh, giảm hơn 440 đồng mỗi kWh so với quy định trước đây và điện mặt trời mái nhà là 8,38 cent (tương đương 1.943 đồng) một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD và áp dụng trong 20 năm từ ngày dự án vận hành thương mại.

Công nghệ sản xuất điện mặt trời

Trước 30/6/2019

Sau 30/6/2019

Giá điện

(đồng/kWh)

Tương đương (cent/kWh)

Giá điện

(đồng/kWh)

Tương đương (cent/kWh)

Điện mặt trời nổi

2.086

9,35

1.783

7,69

Điện mặt trời mặt đất

2.086

9,35

1.644

7,09

Điện mặt trời mái nhà

2.086

9,35

1.943

8,38

Bảng so sánh giá điện mặt trời trước và sau ngày 30/6/2019
 

Điều kiện dự án điện mặt trời mặt đất được hưởng mức giá 7,09 cent là có quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23/11/2019, vận hành thương mại trước 31/12/2020. Các dự án khác được xác định giá mua điện thông qua cơ chế đấu thầu cạnh tranh. 

Riêng các dự án tại tỉnh Ninh Thuận nằm trong quy hoạch, vận hành thương mại trước 01/01/2021 được hưởng mức giá 9,35 cent (2.086 đồng) một kWh. Giá mua này cũng chưa gồm thuế VAT và kéo dài trong 20 năm. 

Với các dự án điện mặt trời mái nhà, để được hưởng mức giá 8,38 cent một kWh, dự án phải vận hành phát điện, xác nhận chỉ số công tơ trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2019 đến ngày 31/12/2020. 

Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm hạch toán đầy đủ chi phí mua điện các dự án điện mặt trời ký hợp đồng mua bán điện với tập đoàn hoặc đơn vị thành viên và đưa vào thông số đầu vào trong phương án giá điện bán buôn, bán lẻ hàng năm của tập đoàn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng được yêu cầu nghiên cứu đầu tư các giải pháp lưu trữ điện cho hệ thống, đảm bảo vận hành ổn định khi tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, rà soát tiến độ các dự án lưới điện đảm bảo giải tỏa công suất dự án điện mặt trời nối lưới và hệ thống điện mặt trời mái nhà, không gây quá tải với hệ thống điện quốc gia.

Hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà

 

Riêng tại Bình Dương, Sở Công thương sẽ phối hợp cùng ngành điện địa phương, tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện cho nhà đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời trên mặt đất, điện mặt trời nổi và đặc biệt là phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà, tăng tỷ trọng nguồn năng lượng sạch tại chỗ đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố Thông minh trong thời gian tới./.

Mọi thắc mắc có thể liên hệ trực tiếp với Sở Công thương tỉnh Bình Dương, qua số điện thoại 0274.3822.563 (hoặc) ông Trần Công Danh, số điện thoại 0909.355.256, email: danhtc@binhduong.gov.vn để được giải đáp.


Công Danh

Lượt xem: 3368

Thống kê truy cập

Đang truy cập:383

Tổng truy cập: 17934685