Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Tiếp tục gỡ khó cho ngành cơ khí

2021-06-28 10:09:00.0

Theo các chuyên gia kinh tế, ngành cơ khí đã và đang phải đối diện khó khăn do đại dịch Covid-19. Dù vậy, những thách thức này cũng là động lực để doanh nghiệp (DN) trong ngành thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi chuỗi cung ứng thông minh và kết nối tốt hơn.

Thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh

Ông Đào Phan Long-Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam - nhìn nhận, hiện nay, các DN trong ngành cơ khí đang rất thiếu đơn hàng. Trong khi đó, giá cước vận tải tăng, nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng. Ở trong nước, đối tác tại các tỉnh như Quảng Ninh, Bắc Ninh... sản xuất cầm chừng do dịch bệnh bùng phát khiến đơn hàng của DN giảm nhiều so với năm trước. Ông Nguyễn Văn Đoàn - Phó giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam - bày tỏ mong muốn, Chính phủ hỗ trợ DN về nộp thuế, phí; có các giải pháp kích thích, tạo thị trường cho DN tham gia, thúc đẩy sản xuất.

Thực tế cho thấy, khi dịch bệnh xảy ra, nhiều DN ngành cơ khí đã thay đổi kế hoạch và chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển. Trước đây, việc chuyển giao công nghệ thường sẽ do nước ngoài làm, nhưng thời gian qua, nhiều DN đã tận dụng hết các điều kiện năng lực hiện có, tái cấu trúc, thay đổi quy trình cốt lõi, sử dụng máy móc, trang thiết bị nội địa để chủ động hơn trong sản xuất.

Tiếp tục gỡ khó cho ngành cơ khí
Doanh nghiệp cơ khí thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh

Hiện nay, DN sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước cũng có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Gợi mở cơ hội, ông Đào Phan Long cho rằng, ngoài việc hội nhập sâu rộng, Việt Nam cũng dự kiến triển khai nhiều dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn. Do đó, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để bảo đảm dành cho DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế. Điều này vừa tạo thị trường, vừa giúp nâng cao năng lực và sự liên kết của các DN trong nước.

Chủ động tạo cơ hội

Theo Bộ Công Thương, để nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn này, ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển, lĩnh vực ngành có thể cạnh tranh. Ngoài việc tạo thị trường cho DN, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích DN đầu tư, mở rộng sản xuất.Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), sẽ giúp DN trong nước có ưu thế hơn khi xuất khẩu tới các thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để tận dụng cơ hội, DN cần có kế hoạch chi tiết liên kết trong sản xuất và cung ứng trang thiết bị, máy móc do chính DN Việt Nam sản xuất, hình thành các cụm liên kết DN để đầu tư mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu mới.

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở ba phân ngành gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. Đây là những phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ DN FDI với vai trò của công nghiệp hỗ trợ, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông NGUYỄN NGỌC THÀNH - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp:

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, công nghiệp cơ khí chính xác… để đảm bảo điều kiện phát triển ngành cơ khí.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


https://m.vinanet.vn

Lượt xem: 3179

Thống kê truy cập

Đang truy cập:411

Tổng truy cập: 18371453