Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Thu hút, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

2022-06-22 02:09:00.0

Thu hút, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ

Cùng với việc thu hút đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, Bình Dương đang nỗ lực thu hút, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững

 Sản xuất tại Công ty Kolon Việt Nam (TX.Tân Uyên)

 Từng bước liên kết ngành và chuỗi giá trị

Đến nay Bình Dương đã thu hút 4.047 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư hơn 39,5 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước. Sự bứt phá này đã và đang tạo điều kiện cũng như đặt ra yêu cầu phát triển CNHT tại địa phương.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, từ những thành công từ thu hút đầu tư trong giai đoạn hậu Covid-19, nhằm tạo ra bước đột phá và đổi mới trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, cũng như tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên các dự án sản xuất với công nghệ và giá trị gia tăng cao, Bình Dương khuyến khích đầu tư phát triển CNHT trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy móc, thiết bị điện tử. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) ngày càng hiện đại, sớm hình thành KCN khoa học công nghệ. Tỉnh tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các DN vào các KCN. Trong giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh sẽ có sự chuyển biến tích cực, thực chất hơn, chọn lọc hơn theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh để tạo sức hút mới.

Trên thực tế, trong những năm qua, để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các DN CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu. Đến nay, CNHT của Bình Dương đã từng bước hình thành sự liên kết sản xuất giữa các DN trong nước và các DN đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.277 DN sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT, gồm 442 DN dệt may, 172 DN da giày, 593 DN chế biến gỗ và 710 DN cơ khí. Trên địa bàn đã có nhiều DN CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Điển hình như nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ đô la Mỹ, trên diện tích 42ha của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô. Polytex Far Eastern hoạt động sản xuất xơ sợi tổng hợp, dệt nhuộm thành phẩm và may mặc, có thị trường tại châu Mỹ, châu Âu, châu Á… Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore) đã đầu tư xây dựng dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…

Một số DN ở các KCN đã hình thành nên liên kết ngành và chuỗi giá trị như sản xuất sợi, dệt nhuộm vải, hoàn thiện sản phẩm vải để sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty Sợi Thiên Nam, Kyung Bang, Polytex Far Eastern…; sản xuất phụ tùng, linh kiện xe đạp để lắp ráp hoàn chỉnh xe đạp tại Công ty Asama, DDK, SR Suntour, Active… Tuy nhiên, nhìn chung hiện nay phần lớn DN sản xuất trong lĩnh vực CNHT trên địa bàn có quy mô nhỏ, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu.

Cơ hội mới

Thời gian qua, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, từ mâu thuẫn địa chính trị đã làm gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, áp lực từ giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao đã khiến các DN FDI có nhu cầu tìm kiếm nhà cung ứng trong nước hơn trước đây. Đây cũng là cơ hội để DN CNHT có thể tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng.

Ông Mizushima Kozo, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho biết hiện nhiều DN FDI đang tăng cường tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa để phục hồi sản xuất, tiết kiệm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh... Các DN FDI mong muốn được hợp tác phát triển trên tiêu chí bảo đảm chất lượng, giảm thiểu nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Trên thực tế, vấn đề này không chỉ đặt ra với các DN FDI mà còn đối với cộng đồng DN Việt Nam để phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong điều kiện hiện nay. Các DN trong lĩnh vực CNHT cũng tăng cường tìm kiếm các đối tác tại Bình Dương. Ông Huỳnh Quang Nhung, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Cơ khí và CNHT (THACO Intrustries) đánh giá Bình Dương là địa phương có tiềm năng để phát triển về CNHT không chỉ cho các DN trong tỉnh mà còn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam do hạ tầng giao thông kết nối rất tốt. “Với trình độ về kỹ thuật và công nghệ cao cũng như năng lực quản lý sản xuất hiệu quả, chúng tôi tự tin sẽ đáp ứng tốt những yêu cầu cao nhất từ các đối tác trong nước cũng như nước ngoài”, ông Huỳnh Quang Nhung trao đổi tại triển lãm công nghiệp và sản xuất Việt Nam vừa tổ chức ở Bình Dương.

 Ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam: Chúng ta cần một chính sách tốt hơn nữa, thiết thực và đi vào thực tiễn của DN. Qua đó hỗ trợ cho các DN nói chung và DN CNHT Việt Nam nói riêng vươn lên. Chúng tôi tin tưởng rằng, tới đây Luật CNHT cũng như các chính sách thí điểm về CNHT sớm đến với các DN, từ đó sẽ làm tiền đề cho các DN tham gia được vào chuỗi sản xuất ngay tại nội địa và dần tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

 


http://m.baobinhduong.vn

Lượt xem: 2655

Thống kê truy cập

Đang truy cập:390

Tổng truy cập: 17928992