Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh

2019-11-01 16:22:00.0

Nghị định 75/2019/NĐ-CP ngày 26/09/2019 về quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh với 4 Chương, 36 Điều.

Qua đó, các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thực hiện các hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh như: thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và lạm dụng vị trí độc quyền, tập trung kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 2 tỷ đồng. Cụ thể: mức phạt tiền tối đa đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm; mức phạt tiền tối đa đối với hành vi tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính; mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi trong lĩnh vực cạnh tranh là mức trung bình của khung tiền phạt của hành vi đó: nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng được điều chỉnh tương ứng không quá 15% mức trung bình của khung hình phạt.

Ngoài ra, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm cùng với việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì một số hình thức xử phạt bổ sung có thể bị áp dụng như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng; tịch thu tang vật vi phạm, phương tiện được sử dụng để vi phạm; tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương.

Chính sách đủ mạnh để quản lý cạnh tranh

Đứng trước sự phát triển kinh tế thị trường hiện nay, sự cạnh tranh sẽ tạo nên sức mạnh của thị trường. Đồng thời, sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh tạo nên sức mạnh thị trường được xác định dựa trên các yếu tố: Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác; khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

Nghị định 75/2019/NĐ-CP là văn bản đầu tiên của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Cạnh tranh ban hành ngày 12/6/2018. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/12/2019.


Lượt xem: 1399

Thống kê truy cập

Đang truy cập:382

Tổng truy cập: 17929470