Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Những câu hỏi thường gặp về lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà

2019-09-05 03:47:00.0

Thời gian qua, hưởng ứng chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời của Nhà nước, nhiều hộ dân bắt đầu quan tâm đến điện mặt trời trên mái nhà, một dạng năng lượng mới vừa sạch vừa tiết kiệm. Tuy nhiên, do đây là năng lượng mới nên có khá nhiều người dân, doanh nghiệp còn thắc mắc về việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

         

          Từ thực tiễn trong các hoạt động tuyên truyền khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời trên mái nhà, Sở Công thương Bình Dương tổng hợp một số câu hỏi thường gặp để phục vụ người dân, doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực này:

1. Lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà có an toàn không?

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đảm bảoan toàn về điện và an toàn về cháy nổ, nếu đơn vị thiết kế thi công lựa chọn vật tư thiết bị phù hợp với công suất và điều kiện của mỗi gia đình.

2. Lợi ích gì khi lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà?

- Ngăn chặn nhiệt độ xâm nhập từ mái vào không gian nhà.

- Giảm tiếng ồn khi trời mưa.

- Tạo ra nguồn điện tự dùng, nếu thừa có thể bán lại cho ngành điện.

3. Công ty Điện lực Bình Dương đã có đủ đồng hồ hai chiều lắp miễn phí cho các hộ sử dụng điện mặt trời chưa? Chúng tôi lo ngại không được lắp đồng hồ sớm, điện chúng tôi sản xuất ra sẽ không được ghi nhận và trả tiền.

Hiện nay, ngành điện đã có kế hoạch dự phòng đầy đủ công tơ hai chiều để phục vụ cho khách hàng khi có nhu cầu.

 

Hội thảo điện năng lượng mặt trời lắp mái nhà tại Bình Dương

4. Thời gian lắp đặt hoàn thành dự án cho đến khi được ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với ngành điện bao lâu?

Tham khảo Công văn số 1492/PCBD-KD ngày 23/4/2019 của Công ty Điện lực Bình Dương về việc triển khai thực hiện đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, thời gian thực hiện các thủ tục trong khoảng 01 tuần.

5. Khi lắp lắp điện năng lượng mặt trời, thì nhà có bị hút nắng làm nóng hầm không? có ảnh hưởng về mặt sức khỏe con người hay không? chẳng hạn về bệnh tiềm ẩn: về da, về ung thư... khi lắp điện mặt trời thì có đủ tích điện để sinh hoạt trong bao lâu, ngày mưa thì sao? nếu tích dư điện thì sao có nguy hiểm làm phát nổ hay cháy không? chi phí lắp điện năng lượng mặt trời bao nhiêu? có cần phải bảo trì thường xuyên?

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời chỉ làm cho nhà mát hơn chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Hệ thống điện mặt trời mái nhà loại hòa lưới trực tiếp nên không cần ắc-quy tích điện (không làm phát nổ hay cháy do tích điện), khi có điện lưới hệ thống mới hoạt động, đầu tư công suất càng lớn số điện dư bán cho điện lực càng nhiều sẽ bù lại số tiền điện sử dụng ban đêm hoặc lúc trời mưa. Chi phí lắp đặt trung bình khoảng 18 đến 25 triệu đồng cho mỗi kWp, tùy theo đặc điểm công nghệ và chất lượng vật tư thiết bị của nhà cung cấp, hệ thống hầu như không cần bảo trì, vài tháng mùa khô đơn vị thi công sẽ xịt rửa hệ thống pin mặt trời một lần cho sạch là được.

6. Nhà dùng khoảng 2.000kWh điện mỗi tháng. Nay muốn lắp điện mặt trời, để sử dụng đủ điện cho gia đình thì cần diện tích mái nhà bao nhiêu và chi phí lắp đặt hết bao nhiêu tiền?đơn vị nào lắp đặt?

Ở mức sử dụng điện 2.000kWh điện mỗi tháng, thì có thể lắp hệ công suất 12kWp bao gồm 32 tấm pin công suất 375Wp, hệ thống này tạo ra sản lượng điện trung bình 1.600 – 1.800 kWh/tháng đáp ứng trên 80% lượng điện sử dụng của hộ gia đình. Diện tích lắp đặt tối thiểu 72m2. Chi phí lắp đặt cho hệ thống khoảng 220 triệu, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có Công ty Cổ phần Năng lượng mới Bình Dương (Solar Bình Dương), Bách Khoa Solar chi nhánh Bình Dương và một số đơn vị khác đến từ thành phố Hồ Chí Minh...

7. Diện tích mái nhà khoảng 80 m2 (mặt bằng). Tôi muốn lắp điện mặt trời, vậy tổng chi phí là bao nhiêu?Công suất được bao nhiêu?Sử dụng sản phẩm nào là tốt?

Cứ khoảng 6-8 m2 diện tích mái sẽ lắp được 01 kWp công suất điện mặt trời, nếu lắp hết 80 m2 thì có thể lắp được khoảng 10 kWp công suất.

Chí phí tham khảo hiện nay, trung bình khoảng 20 triệu đồng/kWp, nếu lắp 10 kWp thì chi phí hết 200 triệu đồng (bao gồm vật tư, thiết bị và nhân công lắp đặt).

Nên chọn sản phẩm do các công ty có uy tín cung cấp, các sản phẩm phải có các chứng chỉ, xác nhận về tiêu chuẩn chất lượng, thời gian bảo hành lâu dài...

8. Ví dụ, điện áp mái của tôi sản xuất được 300 kWh/tháng, gia đình chỉ xài 200 kWh/tháng. Cách thanh toán tiền giữa tôi và điện lực thế nào?

Theo Quyết định 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019, tại điểm a, khoản 2 Điều 1 thì: “Các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định tại khoản 1 Điều này. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí”.

Do đó, ngành điện sẽ thu tiền điện khách hàng đã sử dụng 200 kWh từ lưới điện theo biểu giá hiện hành; và trả tiền mua điện mặt trời với phần sản lượng thừa được ghi nhận theo công tơ hai chiều phát lên lưới từ 300 kWh được sản sinh từ hệ thống điện mặt trời, thực hiện thanh toán theo từng tháng.

9. Theo tìm hiểu của tôi, điện mặt trời chỉ cung cấp điện vào ban ngày (khi có nắng), ban đêm vẫn phải sử dụng điện lưới bình thường, vấn đề là đa số hộ gia đình xài điện chủ yếu về đêm, như vậy điện mặt trời là không hiệu quả.

Công nghệ điện mặt trời nối lưới đi đôi với chính sách phát triển điện mặt trời của Nhà nước, nên điện mặt trời đang phát huy hiêu quả toàn diện. Ban ngày dùng điện mặt trời nếu dư thừa khách hàng được bán vào lưới ngành điện và mua lại điện vào ban đêm với giá rẻ hơn. Vì vậy, ở mọi khía cạnh, các hộ lắp điện mặt trời đều có lợi kể cả về sự tiện lợi trong sử dụng, cũng như lợi nhuận trong việc bán điện cho ngành điện.

10. Nếu nghi ngờ đồng hồ điện hai chiều chạy không chính xác, tôi phải làm sao, quy trình kiểm tra xử lý như thế nào, ai là cấp thẩm quyền giải quyết?

Theo quy định tại Điều 25 Luật Điện lực, khi nghi ngờ thiết bị đo đếm điện hoạt động không chính xác bên mua điện có quyền yêu cầu điện lực kiểm tra. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của bên mua điện, bên bán điện phải kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế xong cho khách hàng.

Trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị Sở Công thương tổ chức kiểm định độc lập. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động theo đúng tiêu chuẩn Việt Nam thì bên mua điện phải trả phí kiểm định.

Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định thiết bị đo đếm điện hoạt động không đúng tiêu chuẩn Việt Nam thì Công ty Điện lực phải trả phí kiểm định. Trường hợp tổ chức kiểm định độc lập xác định chỉ số đo đếm của thiết bị đo đếm điện vượt quá số lượng điện sử dụng thực tế, thì bên bán điện phải hoàn trả khoản tiền thu thừa cho bên mua điện.

11. Với diện tích 50 m2 thì chi phí lắp đặt hết bao nhiêu và sản sinh ra được bao nhiêu điện, có đủ cho hộ gia đình 06 người dùng hay không, chi phí lắp đặt có được nhà nước cho vay hoặc hỗ trợ không, liên hệ với ai để được hỗ trợ, diện tích bao nhiêu thì có thể lắp để bán điện cho Nhà nước được?

Việc sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giúp giảm bớt sản lượng mua từ lưới điện, nếu nhà khách hàng có diện tích khoảng 50m2 thì đầu tư được khoảng 08 kWp (tính toán theo điều kiện thuận lợi), mỗi ngày sẽ sản xuất khoảng 30-40kWh điện năng.

Tùy theo mức độ sử dụng của gia đình, lượng điện thừa sẽ phát ra lưới và ngành điện sẽ mua lại với giá được quy định, với bất kể diện tích thế nào.

Tùy theo nhà cung cấp, họ sẽ có các chính sách khuyến khích thông qua giảm giá và các chế độ hậu mãi, hỗ trợ vay vốn thực hiện dự án (trên địa bàn tỉnh Bình Dương có Công ty Cổ phần Năng lượng mới Bình Dương, có hỗ trợ khách hàng vay vốn).Nhà nước khuyến khích phát triển đầu tư và sử dụng thông qua giá mua điện thừa, miễn phí tư vấn và lắp đặt công tơ hai chiều...

12. Xin cho hỏi ở Bình Dương có được lắp miễn phí công tơ hai chiều để đo đếm điện khi tôi hòa lưới hay không, hay tôi phải mua thiết bị này?

Khách hàng liên hệ với Công ty Điện lực Bình Dương để được hướng dẫn cụ thể việc lắp đặt công tơ hai chiều, việc lắp đặt này hoàn toàn miễn phí.

13. Tôi là doanh nghiệp sản xuất không đăng ký ngành nghề kinh doanh điện mặt trời, như thế thì tôi xuất hóa đơn bán điện mặt trời phát ra lưới như thế nào?

Nếu khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà thì việc xuất hóa đơn có 02 trường hợp sau:

(1) Là doanh nghiệp có phát hành hóa đơn thì Công ty Điện lực Bình Dương sẽ thanh toán tiền điện mặt trời theo hóa đơn.

(2) Là hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thì không phải xuất hóa đơn.

14. Hệ thống điện mặt trời kết nối lưới có ổn định không, nhất là những lúc hệ thống chuyển đổi dùng điện lưới và điện mặt trời hay lúc cường độ nắng thay đổi do có mây che?

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà loại hòa lưới rất ổn định, nhiều gia đình sử dụng đã 3 - 5 năm đánh giá hầu như không có sự cố lớn nào, chúng ta cũng không thể nhận biết được sự thay đổi khi trời có nắng hay không, do hệ thống hòa lưới hoàn toàn tự động thông qua inverter, khách hàng có thể theo dõi từ xa sản lượng điện của hệ thống sản xuất ra hàng ngày từphần mềm được cài đặt trên điện thoại.

a

Sơ đồ dự án điện mặt trời mái nhà phổ biến

 

15. Phương thức thanh toán tiền điện mặt trời và điện lưới như thế nào, có phải khấu trừ tổng lượng điện đã xài và tổng lượng điện phát lên lưới không và phương thức thanh toán theo tháng, quý hay là năm?

Tại điểm a, khoản 2 Điều 1 Quyết định số 02/2019/QĐ-TTg ngày 08/01/2019, thì: “Các dự án trên mái nhà được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm hai chiều. Bên bán điện thực hiện thanh toán lượng điện năng nhận từ lưới điện theo quy định hiện hành. Bên mua điện thực hiện thanh toán lượng điện năng từ dự án trên mái nhà phát lên lưới điện với giá mua bán điện quy định tại khoản 1 Điều này. Các bên có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thuế và phí”.

Theo quy định thì không thực hiện khầu trừ sản lượng, ngành điện sẽ thu tiền điện khách hàng đã sử dụng theo biểu giá hiện hành; và trả tiền mua điện mặt trời với phần sản lượng thừa được ghi nhận theo công tơ hai chiều phát lên lưới từ hệ thống điện mặt trời, thanh toán theo từng tháng.

16. Ở Bình Dương, có công ty nào cung cấp thiết bị điện mặt trời liên kết với ngân hàng cho những doanh nghiệp vay vốn đầu tư điện mặt trời, hạn mức cho vay bao nhiêu, lãi suất thế nào, thời gian vay bao lâu? Trường hợp doanh nghiệp đầu tư nhưng chỉ xài cho riêng doanh nghiệp, công ty có được vay hay không?

Hiện tại, trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ này, tuy nhiên tại Bình Dương thì có Công ty Cổ phần Năng lượng mới Bình Dương (Solar Bình Dương) có các gói tài chính để đầu tư, lắp đặt, xây dựng và vận hành để cung cấp điện cho doanh nghiệp với giá rẻ hơn giá điện của EVN.

         

Thông tin liên hệ, giải đáp thêm các thắc mắc:

*Tổng đài chăm sóc khách hàng ngành điện: 19001006 và 19009000.

* Cá nhân:

- (Ông) Lê Hồng Khanh – Công ty Điện lực Bình Dương: 0913.143144.

- (Ông) Trần Công Danh – Sở Công thương Bình Dương: 0909.355256.

 

 

 

 


Công Danh – Văn Phòng Sở -SCT

Lượt xem: 4530

Thống kê truy cập

Đang truy cập:399

Tổng truy cập: 17946797