Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Năm 2021: Đồng bộ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng

2021-04-07 08:11:00.0

GDP quý I/2021 tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, tuy vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Nghị quyết 01/NQ-CP đề ra, Chính phủ và các bộ, ngành cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đây là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - với phóng viên Báo Công Thương.

Xin bà cho biết đánh giá về mức tăng trưởng GDP trong quý I/2021?

Năm 2021: Đồng bộ giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng

2021 được xác định là năm hồi phục kinh tế Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng đề ra trong Nghị quyết 01 của Chính phủ là 6,5%. Mục tiêu này đưa ra dựa trên đà phục hồi và tăng trưởng tích cực từ quý IV/2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh, thành phố vào cuối tháng 1/2021 đã đặt ra không ít thách thức trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Trước thuận lợi và khó khăn đan xen, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2021. Nhờ đó, GDP quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.

Bức tranh kinh tế quý I có nhiều gam màu sáng, trong đó các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, quý I/2021, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước nhưng tổng vốn đăng ký tăng 27,5%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước...

Với mức tăng trưởng trong quý I, để đạt được mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2021, cần tập trung thực hiện những giải pháp gì, thưa bà?

Dự báo những quý tiếp theo, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ 7 giải pháp, bao gồm: Thứ nhất, kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc - xin phòng Covid-19 trên diện rộng nhằm khống chế dịch bệnh, ổn định phát triển kinh tế. Thứ hai, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp bằng việc đẩy mạnh tái đàn lợn, chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm và gia súc lớn; tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba, đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; tập trung chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu, chế biến sản phẩm nông sản, thủy - hải sản chủ lực.

Thứ tư, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, nâng cao cơ hội cạnh tranh và giá trị của hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Thứ năm, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất, kinh doanh, thực hiện các giải pháp để DN có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ. Thứ sáu, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa việc thực thi chính sách tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Thứ bảy, tăng cường phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy hoạt động mua-bán hàng hóa trực tuyến, góp phần bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh; áp dụng khoa học-công nghệ 4.0 trong việc kinh doanh và cung cấp dịch vụ, hàng hóa.

Theo bà, khả năng kiểm soát lạm phát năm 2021, liệu có khả thi theo mục tiêu của Quốc hội đề ra?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2002.Cùng với kinh nghiệm điều hành giá, kiểm soát lạm phát rất thành công của Chính phủ trong những năm qua, tôi tin mục tiêu lạm phát được kiểm soát khoảng 4% trong năm khả thi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước để có biện pháp điều hành hợp lý, nhằm bình ổn thị trường. Đối với mặt hàng xăng dầu, cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cũng cần đúng thời điểm, liều lượng, nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá phù hợp.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, phối hợp tốt, chỉ đạo linh hoạt phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo ổn định xã hội, an toàn cho các hoạt động KTXH.

Xin cảm ơn bà!


Lượt xem: 9073

Thống kê truy cập

Đang truy cập:382

Tổng truy cập: 17942879