Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư của Philippines về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo

2020-07-21 13:49:00.0

Dự thảo Thông tư được xây dựng trên mục tiêu của Luật An toàn thực phẩm Philippines (FSA), bao gồm việc ban hành các chính sách và chương trình để giải quyết các mối nguy về an toàn thực phẩm và phát triển một bộ tiêu chuẩn và biện pháp quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) phù hợp.

Bộ Công Thương nhận được báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Philippines về việc Bộ Nông nghiệp Philippines công bố dự thảo Thông tư về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo (sau đây gọi tắt là Thông tư).

Dự thảo Thông tư được xây dựng trên mục tiêu của Luật An toàn thực phẩm Philippines (FSA), bao gồm việc ban hành các chính sách và chương trình để giải quyết các mối nguy về an toàn thực phẩm và phát triển một bộ tiêu chuẩn và biện pháp quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) phù hợp.

Trong đó, dự thảo Thông tư nêu 04 quy định chính về ATTP đối với mặt hàng gạo bao gồm những tiêu chuẩn về hàm lượng kim loại nặng, dư lượng thuốc trừ sâu, các tạp chất và các thông số về vi sinh.

 

(Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam)

Ngoài ra, khi xuất khẩu gạo sang Philippines, các thương nhân cần phải chú ý các quy định sau:

1. Quy định bổ sung đối với Giấy phép kiểm dịch thông quan nhập khẩu (SPS-IC) đối với gạo: Theo Luật thuế hóa mặt hàng gạo có hiệu lực từ ngày 05/3/2019, tất cả các nhà nhập khẩu gạo phải có giấy phép thông quan (Sanitary and Phytosanitary Import Clearance – SPS-IC) do Cục Thực vật Philippines (BPI) cấp trước khi nhập khẩu. Theo dự thảo Thông tư, để đăng ký SPS-IC, các nhà nhập khẩu phải nộp Chứng chỉ Phân tích (Certificate of Analysis –COA) từ một cơ quan có thẩm quyền hoặc một phòng thí nghiêm được công nhận của nước xuất khẩu, trong đó nêu rõ các chỉ số tương ứng của gạo vối bốn yếu tố: (i) hàm lượng kim loại nặng, (ii) dư lượng thuốc trừ sâu, (iii) các tạp chất và (iv) các thông số vi sinh. Chứng chỉ COA là một yêu cầu bổ sung bên cạnh những yêu cầu về kiểm dịch vận chuyển và yêu cầu SPS sau vận chuyển đối với gạo xay xát đã được quy định trước đó.

2. Các biện pháp ATTP khác

- Tất cả các cơ sở lưu trữ, vận chuyển hoặc xử lý gạo như kho bãi cho gạo xay xát và cơ sở xay xát sẽ cần được cấp phép bởi BPI. BPI cũng có quyền kiểm tra các cơ sở trên bất cứ lúc nào để đảm bảo các biện pháp an toàn vệ sinh thực phẩm được thực hiện đầy đủ.

- BPI sẽ tiến hành thanh tra, kiểm toán về các biện pháp quản lý ATTP tại các quốc gia xuất khẩu gạo (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Ý, Singapore, Tây Ban Nha) để đánh giá ATTP gạo từ giai đoạn sản xuất cho đến khi xuất khẩu vào cảng Philippines.

 

(Kho bãi lưu chứa gạo xay xát)

Những quy định nêu tại dự thảo Thông tư sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng gạo nhập khẩu với mã trong Danh mục thuế quan hài hòa ASEAN: 1006.10, 1006.20, 1006.30.

Để tổng hợp ý kiến, xây dựng quan điểm của Việt Nam phản hồi phía Philippines đối với dự thảo Thông tư, Sở Công Thương Bình Dương đề nghị các thương nhân xuất khẩu gạo sang Philippines cho ý kiến đối với dự thảo Thông tư, bản mềm gửi về địa chỉ: xuatkhaugao@moit.gov.vnphuongpn@moit.gov.vn để kịp thời tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương phản hồi phía nước bạn.

Đính kèm dự thảo Thông tư của Philippines về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng gạo./.


Quế Trâm - QLCN

Lượt xem: 4237

Thống kê truy cập

Đang truy cập:355

Tổng truy cập: 17934835