Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị tổng kết Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp năm 2021.

2022-06-27 15:27:00.0

Hội nghị tổng kết Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp năm 2021.

Ngày 23/6/2022, tại thành phố Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra Hội nghị Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp năm 2021 khu vực phía nam, đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương do ông Trần Anh Tuấn - Phó Cục trưởng chủ trì và có sự tham gia của đại diện lãnh đạo của 16 Sở Công Thương các tỉnh thành trên cả nước, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng có mặt tại Hội nghị.

Ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng phát biểu tại Hội Nghị

Theo báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, hiện nay, cả nước đã có 22 Doanh nghiệp được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng cấp Giấy xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, riêng tỉnh Bình Dương hiện có 19 Doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương. Doanh thu tạo ra từ hoạt động bán hàng đa cấp năm 2021 là 19,105 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kì năm 2020, trong đó, top 5 doanh nghiệp có doanh thu bán hàng cao nhất là: Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam, Công ty TNHH Siberian Health Việt Nam, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam và Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam, số lượng thành viên tham gia bán hàng đa cấp năm 2021 là 833.883 người.

Trong thời gian qua trước tình hình dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp nhưng doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp vẫn ổn định và có xu hướng tăng cao, thậm chí, một số doanh nghiệp có biểu hiện gia tăng doanh số đột biến trong một vài năm gần đây. Ngoài ra, số lượng người chấm dứt và tham gia mới bán hàng đa cấp vẫn có sự biến động lớn, tập trung ở một số doanh nghiệp có số lượng người tham gia lớn nhất như: Herbalife, Oriflame, New Image, Amway...; tỷ lệ người tham gia bán hàng, xây dựng hệ thống chiếm khoảng gần 70% tổng số người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp. Còn lại hơn 30% người ký hợp đồng khả năng chỉ để thụ hưởng mức giá chiết khấu dành cho người tham gia. Tỷ lệ 70-30% này đã có sự thay đổi so với tỷ lệ 50-50% của các năm gần đây. 

 Đối với công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm, trong năm 2021, nhiều địa phương không tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra do dịch bệnh covid-19. Một số Sở Công Thương tại địa phương có kiểm tra/xử phạt như: Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Trà Vinh, Cà Mau, Hà Nội...với các lỗi vi phạm chủ yếu: không thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo; không xuất trình thẻ thành viên, không chấp hành quy định về giãn cách trong thời gian dịch bệnh.

Ảnh các Đại biểu tham dự tại Hội nghị

 Bên cạnh những thành tựu đạt được thì một số khó khăn trong công tác kiểm tra, cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp do phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước, nhiều Sở Công Thương phản ánh việc doanh nghiệp không có trụ sở tại địa phương hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. 

Nhằm siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp theo hướng hiệu quả và phù hợp hơn với điều kiện thực tế, Bộ Công Thương đang trình chính Phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

                                                                 

 


Nguyên Trân. P.QLTM

Lượt xem: 2058

Thống kê truy cập

Đang truy cập:463

Tổng truy cập: 17928824