Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2019

2019-07-18 14:48:00.0

Chiều 11/7, tại thành phố Vũng Tàu, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2019.

Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị là ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công Thương địa phương; bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương và bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cùng đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, lãnh đạo Trung tâm Khuyến công của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Hội nghị lần này nhằm đánh giá lại kết quả hoạt động của công tác khuyến công năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hội nghị Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X năm 2019

Bà Rịa – Vũng Tàu vùng đất đặc biệt là cửa ngõ của các tỉnh miền Đông Nam Bộ hướng ra biển Đông rất vinh dự và phấn khởi được Bộ Công Thương chọn làm địa phương tổ chức chuỗi các sự kiện của ngành Công Thương khu vực phía Nam, bao gồm: Hội nghị ngành Công thương, Hội nghị công tác Khuyến công và Hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2019;... Đây là dịp tốt để tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ Khuyến công nói riêng và nhiệm vụ ngành Công Thương nói chung.

Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2018 của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 298.300,98 triệu đồng, tổng kinh phí thực hiện là 290.767,23 triệu đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) được phê duyệt là 120.000 triệu đồng (thực hiện 118.579,29 triệu đồng, đạt 98,82% so với kinh phí đã giao); tổng kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) là 178.300,98 triệu đồng (thực hiện là 172.187,94 triệu đồng, đạt 96,57% so với kế hoạch)

Tính đến hết tháng 6 năm 2019, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2019 được phê duyệt (bao gồm cả kinh phí KCQG và KCĐP) của 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam là 85.865,46 triệu đồng, trong đó, kinh phí KCQG giao theo kế hoạch là 27.526 triệu đồng, kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch là 58.339,46 triệu đồng. Tổng kinh phí toàn khu vực đã thực hiện là 16.578,24 triệu đồng.      Cụ thể, các địa phương trong vùng đã hỗ trợ được 47 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 1 cơ sở; tổ chức 3 hội chợ, hỗ trợ 115 lượt cơ sở CNNT tham gia; hỗ trợ thực hiện việc đăng ký và xây dựng thương hiệu cho 4 cơ sở CNNT; hỗ trợ 3 dự án tư vấn lập dự án đầu tư, marketing, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực; hỗ trợ thành lập được 1 doanh nghiệp...

Một số địa phương bố trí nguồn ngân sách cao cho hoạt động khuyến công là: Đồng Nai 14,55 tỷ đồng; Bình Dương 5,12 tỷ đồng; Đồng Tháp 5,26 tỷ đồng, An Giang hơn 4 tỷ đồng.

Đông đảo đại biểu tham dự khai mạc hội nghị

Hoạt động khuyến công góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tháo gỡ phần nào những khó khăn về vốn đầu tư, nhu cầu thiết thực từ các cơ sở CNNT...

Theo đánh giá của Cục Công Thương địa phương, các hoạt động quản lý nhà nước về khuyến công ngày càng được củng cố. Đa phần các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển công nghiệp tại các địa phương. Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công quốc gia, địa phương cụ thể hóa bằng các dự án, đề án. Qua đó, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 19/NQ-CP hay Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, Cục Công Thương địa phương cho rằng, các hoạt động khuyến công tại khu vực phía Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, ít các đề án mang tính điển hình và tính lan tỏa. Chưa có nhiều địa phương mạng dạn xây dựng đề án điểm có quy mô lớn, trọng tâm, trọng điểm ngành và có giai đoạn thực hiện dài hạn; Việc đăng kí và triển khai thực hiện các đề án khuyến công ở một số địa phương chưa thực sự bám sát nhu cầu cơ sở CNNT, một số đề án tính khả thi chưa cao..; Công tác thẩm định cấp cơ sở còn hạn chế mang tính thủ tục, không bám sát nội dung yêu cầu...; Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được chú trọng, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương còn chưa được đẩy mạnh, nguồn thu thấp, số lượng dự án và doanh thu từ hoạt động tư vấn chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của các trung tâm khuyến công…

Ông Ngô Quang Trung – Cục trưởng Cục Công Thương địa phương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Nhằm bảo đảm hoàn thành 100% kế hoạch khuyến công của năm, Cục Công Thương địa phương đã đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực rốt ráo thực hiện các giải pháp.

Theo đó, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường theo dõi, đôn đốc đơn vị thực hiện đề án khuyến công đảm bảo đúng tiến độ, quy định; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2019; tổ chức nghiệm thu cơ sở và kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí khuyến công thực hiện trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng các quy định hiện hành.

Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Cục Công Thương địa phương, các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020; rà soát nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng; xây dựng đề án điểm, đề án nhóm; giảm khảo sát, thực hiện các đề án dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp.

Áp dụng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khuyến công được ban hành trong thời gian qua nhằm triển khai hiệu quả công tác khuyến công. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Trên cơ sở Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức khuyến công được Bộ Công Thương ban hành, các địa phương chủ động phổ biến văn bản, tập huấn nghiệp vụ về hoạt động khuyến công.

Sở Công  thương các tỉnh, thành phố tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến công trên địa bàn. Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo Trung tâm khuyến công và các phòng chuyên môn, chi nhánh cấp huyện, hệ thống khuyến công viên cấp huyện, xã đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Mở rộng phương thức và cải tiến nội dung thông tin tuyên truyền để chuyển tải đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về cơ chế, chính sách, các hoạt động khuyến công và công nghiệp địa phương tới các cơ sở CNNT.

Đẩy mạnh hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của các Trung tâm khuyến công, tạo nguồn thu và hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công ngày càng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngoài các hoạt động khuyến công theo đề án có hỗ trợ tài chính, cần tăng cường các hoạt động tư vấn hỗ trợ phi tài chính cho các cơ sở CNNT.

Đặc biệt, các địa phương trong khu vực tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển ngành Công Thương và hoạt động khuyến công. Từ đó, phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.

Cũng trong dịp này, 6 tập thể và 4 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến công năm 2018 được Ban tổ chức trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Bế mạc Hội nghị, Ban tổ chức đã trao Cờ cho đơn vị đăng cai tổ chức hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ XI năm 2020 cho Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long.


Lượt xem: 356

Thống kê truy cập

Đang truy cập:393

Tổng truy cập: 17932223