Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Chuyển đổi số- Giải pháp phát triển chuỗi giá trị cho dệt may hậu Covid

2021-05-24 17:15:00.0

Dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng và thị phần ngành thời trang thay đổi đáng kể, chuyển đổi số là giải pháp giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam phát triển chuỗi giá trị, giành ưu thế trong cuộc cạnh tranh.

Thị trường thay đổi

Phát biểu tại “Hội thảo phát triển chuỗi giá trị bền vững cùng chuyển đổi số cho doanh nghiệp dệt may” tổ chức gần đây, bà Sandy Phạm- Giám đốc kinh doanh cấp cao- Abeo International cho hay: Dịch Covid-19 đã làm thay đổi phương thức tiêu dùng trong ngành thời trang. Trong đó, thời trang nhanh đã giảm đáng kể, quan hệ đối tác trong chuỗi giá trị cũng đa dạng và sâu sắc hơn. Đặc biệt, bản đồ thời trang thế giới thay đổi, các quốc gia sản xuất dệt may, trong đó có Việt Nam phải cạnh tranh để chia lại thị phần.

Diễn biến này của thị trường cũng đã được Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) chỉ ra qua kết quả khảo sát: Có đến 65% người tiêu dùng châu Âu chuyển từ tiêu dùng thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và đây là xu hướng lâu dài, không chỉ diễn ra trong thời kỳ dịch bệnh. Các nhãn hàng cũng dành nhiều ưu tiên cho các mô hình phản ứng nhanh với nhu cầu thị trường thay vì tung ra vô vàn các bộ sưu tập để khơi gợi nhu cầu của người tiêu dùng. Họ cũng tập trung hơn vào thời trang cơ bản, với sản phẩm có nguyên liệu bền vững.

Trong những tháng đầu năm 2021 ngành dệt may Việt Nam dần hồi phục sau 1 năm tăng trưởng âm với tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đạt 11,747 tỷ USD. Đơn hàng dồi dào, nhiều doanh nghiệp đã đủ hàng sản xuất đến hết năm. Tuy nhiên, theo TS. Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc ERC, các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại. Trong đó, thách thức lớn nhất là nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu – 2 thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam- đã sụt giảm tới 40% và 45%. Giá đơn hàng xuất khẩu cũng giảm rất mạnh trong năm 2020 và kéo dài cho đến nay. Chỉ riêng tại thị trường Mỹ đã giảm trung bình 13%.

1254-4550-vinatex-1
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp dệt may thuận lợi phát triển chuỗi giá trị

Một khía cạnh khác, khảo sát của ERC cũng ghi nhận, cạnh tranh sẽ rất khốc liệt trong tương lai gần nhằm phân chia lại thị trường trong ngành thời trang của ít nhất 5 quốc gia châu Á, bao gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Việt Nam. Xét về chi phí, Việt Nam có thể rẻ hơn Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng các nhà sản xuất không thể tiếp cận khách hàng với góc độ chi phí thấp. Xét về chuỗi cung ứng, Việt Nam có thể hiệu quả hơn so với chuỗi cung ứng của Bangladesh hay Indonesia, nhưng không hiệu quả bằng Trung Quốc.

Như vậy, Việt Nam đang ở trong cả hai nhóm cạnh tranh. "Sự cạnh tranh sẽ không dừng lại ở mặt chi phí, hiệu quả của chuỗi cung ứng, mà còn là sự cạnh tranh về phát triển bền vững. Chúng ta không cần thiết phải rẻ hơn hay hiệu quả hơn so với các quốc gia khác, nhưng phải minh bạch và đáng tin cậy hơn”, bà Chi nói.

Bà Sandy Phạm cũng đồng tình: “Yếu tố bền vững và áp dụng công nghệ thông tin là động lực tốt cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong cuộc chiến cạnh tranh để chia lại thị trường”.

Ứng phó bằng giải pháp công nghệ

Năm 2021 tiếp tục nhiều thách thức với doanh nghiệp dệt may. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp đang rất nỗ lực để giảm tồn kho, bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng. Không ít doanh nghiệp đầu tư kinh phí áp dụng khoa học công nghệ vào phân tích để có thông tin hành vi người tiêu dùng; triển khai chuỗi cung ứng nhanh gọn chặt chẽ hơn; phân tích nâng cao để định hướng chiến lược; giảm thời gian phát triển sản phẩm; sửa đổi cấu trúc phân loại hàng theo mùa; giảm số lượng bộ sưu tập …

Là một trong số doanh nghiệp sớm số hoá sản xuất, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG đã mất 2 năm để xây dựng bộ phận nghiên cứu, mất 4 năm sau đó để triển khai các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết kế và bán sản phẩm ra thế giới. Bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị, TNG đã đầu tư công nghệ mới, với phần cứng có niên hạn trên 10 năm và phần mềm đòi hỏi liên tục cập nhật sau mỗi 3-5 năm. Công nghệ hiện đại cũng đòi hỏi nguồn nguyên liệu phù hợp, TNG đã tìm kiếm nguyên liệu khắp thế giới, nghiên cứu và thử nghiệm nhằm tìm được nguồn cung ứng bền vững.

Chuyển đổi số hay số hoá doanh nghiệp vẫn được nhận định là xu hướng cho hầu hết các ngành hàng sản xuất xuất khẩu. Với ngành dệt may, đây cũng là giải pháp được các chuyên gia khuyến cáo giúp bước lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị. Theo đó, doanh nghiệp lấy khách hàng làm trung tâm trong toàn bộ chuỗi giá trị; chuyển đổi mô hình, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chủ động và minh bạch nguồn nguyên vật liệu đầu vào, xây dựng mô hình sản xuất linh hoạt, tự động hoá và tăng năng suất, đầu tư hiện đại hóa xây dựng thương hiệu và minh bạch tài chính, thu hút đầu tư.

Về giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp phát triển chuỗi giá trị dệt may, ông Trần Tịnh Minh Triết- Kỹ sư giải pháp phầm mềm, SAP Việt Nam phân tích: 80% người dùng có thiết bị thông minh đây là nền tảng giúp doanh nghiệp phát triển tương tác với người tiêu dùng. Công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo đang phát triển mạnh cũng giúp tự động hoá quá trình kinh doanh, tương tác với khách hàng và cho phép vận hành sản xuất từ xa.

Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực rất rộng lớn, việc bắt đầu từ đâu để số hoá doanh nghiệp không phải điều dễ dàng. Ông Trần Tịnh Minh Triết cho rằng: Chuyển đổi số không phải là viên thuốc thần cho mọi vấn đề và tuỳ thuộc vào mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp số hoá một cách phù hợp. Theo đó, ưu tiên lấy khách hàng làm trọng để lựa chọn mô hình kinh doanh B2B hay B2C; vận hành hệ thống kinh doanh linh động và hiệu quả cao; thiết lập hệ thống chuỗi giá trị cung ứng nhanh chóng (Việt Nam nằm ở đầu chuỗi sản xuất, vì vậy tự động hoá là ưu tiên); tập trung tìm hiểu khách hàng, xây dựng trải nghiệm khách hàng và cốt lõi là tìm ra mô hình kinh doanh mới, tạo ra dòng tiền mới để phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp.


https://congthuong.vn/

Lượt xem: 4535

Thống kê truy cập

Đang truy cập:358

Tổng truy cập: 17934014