Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Bình Dương thống nhất kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2020

2019-11-15 09:43:00.0

CMSC Dự kiến tổng trị giá các mặt hàng thiết yếu dự trữ phục vụ người dân năm 2020 (bao gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống) là 4.167,5 tỷ đồng, riêng giai đoạn trước trong và sau Tết Nguyên đán chiếm khoảng 1.463,3 tỷ đồng.

Tại cuộc họp thống nhất Kế hoạch Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2020 trên địa bàn tỉnh vừa diễn ra tại Sở Công thương, đại diện các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cho biết sẽ tập trung dự trữ hàng hóa, đảm bảo cân đối cung cầu thị trường. Các đơn vị cũng sẽ đảm bảo các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong dịp lễ, tết, tránh tình trạng khan hiếm hàng …

Đại biểu tham dự cuộc họp

Theo đó, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân năm 2020 bao gồm lương thực (gạo, nếp…), thực phẩm chế biến (đường, sữa, bột ngọt, dầu ăn, nước giải khát…), thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm, trứng gà, trứng vịt…), mặt hàng xăng dầu, thuốc trị bệnh cho người. Tổng trị giá hàng hóa các mặt hàng này là 4.167,5 tỷ đồng (không tính xăng dầu, thuốc trị bệnh), trong đó giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 là 1.463,3 tỷ đồng với sự tham gia 12 doanh nghiệp (10 siêu thị).

Ngành Công Thương tỉnh đã vận động các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa thiết yếu và thực hiện bình ổn giá từ ngày ban hành kế hoạch, trong đó tập trung giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý (từ 1-12- 2019 đến 29-2-2020), sau đó tiếp tục triển khai trong các tháng còn lại của năm 2020.

Đại diện UBND thị xã Tân Uyên đóng góp ý kiến

 

Đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng Công ty TM XNK Thanh Lễ - CTCP và Công ty xăng dầu Sông Bé TNHH MTV cam kết đảm bảo cung ứng xăng dầu cho toàn bộ hệ thống xăng dầu trên địa bàn tỉnh với số lượng dự kiến tăng thêm từ 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Ông Hồ Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Công thương, hàng hóa dự trữ để bình ổn thị trường năm 2020 phải bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với mục tiêu kiểm soát giá cả nhằm giữ vững mặt bằng giá các mặt hàng thiết yếu, giảm chi phí trung gian, hạ giá thành sản phẩm của doanh nghiệp trên nguyên tắc không bị lỗ; bảo đảm giá cả luôn giảm từ 5 - 10% so với giá thị trường theo từng thời điểm.

Về mặt hàng thuốc trị bệnh cho người (sản xuất trong nước), Sở Y tế chủ trì phối hợp cùng các ngành có liên quan, đồng thời UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Cổ phần Dược NLie thực hiện bình ổn giá thuốc trị bệnh thông thường đối với các nhà thuốc bệnh viện, trạm y tế xã của các huyện, thị, thành phố và gần 160 cửa hàng với bán lẻ do ngành y tế quy định. Sở yêu cầu treo băng rôn với khẩu hiệu “Điểm bán thuốc bình ổn giá” tại các cửa hàng thuốc với quầy dược bán thuốc bình ổn giá.

Các doanh nghiệp cần tập trung, nghiêm túc thực hiện dự trữ hàng hóa và tổ chức bán hàng bình ổn thị trường theo đúng Kế hoạch UBND tỉnh ban hành. Hàng hóa dự trữ dùng trong việc bình ổn thị trường ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước sản xuất được nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng kịp thời nguồn hàng ra thị trường khi cần thiết.

Việc bán hàng lưu động chủ yếu tập trung ở các huyện phía Bắc và các khu cụm công nghiệp, do đó điểm được chọn phải có dân cư tập trung như ở trung tâm xã hoặc liên xã nhằm đảm bảo bán được nhiều hàng hóa, đồng thời đủ chi phí cho doanh nghiệp thực hiện việc bán hàng theo định kỳ. Các doanh nghiệp tham gia bán hàng lưu động cần đăng ký sớm về Sở Công thương, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để được hỗ trợ tuyên truyền kịp thời. Cần gắn kết việc bán hàng lưu động với các phiên chợ vui, chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn. Tất cả sản phẩm được bày bán trong chương trình phải được niêm yết giá và bán đúng theo giá đã niêm yết, nếu biến động phải kịp thời điều chỉnh với cơ quan quản lý nhà nước về giá.

Cục Quản lý thị trường phối hợp Công an tỉnh và các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm việc tàng trữ, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, sản xuất và kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Cục tổ chức kiểm tra hoặc phối hợp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, đo lường, ghi nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm bảo đảm ổn định thị trường phục vụ nhu cầu tết của nhân dân. Theo đó, đơn vị tập trung kiểm tra các mặt hàng thiết yếu, vềan toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị, cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Song song đó, Cục Quản lý thị trường sẽ tổ chức kiểm tra việc đo lường hàng hóa, công bố chất lượng hàng hóa của các cơ sở bán buôn, bán lẻ nhằm kịp thời phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá. Đồng thời, đơn vị cũng chú trọng kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng bình ổn, phiên chợ vui, hội chợ triển lãm nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để các tổ chức, cá nhân kinh doanh lợi dụng để mua bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng lậu, hàng kém chất lượng.

Sở Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ phối hợp các cơ quan báo, đài thực hiện thông tin tuyên truyền về nội dung chương trình. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng Kế hoạch tại địa phương và gửi về Sở Công thương trước ngày 25/12/2019.

Bên lề cuộc họp, ông Lê Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định nguồn cung thịt heo trên địa bàn tỉnh không thiếu. “Bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra trong thời gian vừa qua chỉ làm giảm 13% tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh và xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, tại các công ty chăn nuôi lớn hiện nay tình hình chăn nuôi vẫn ổn định. Hiện tại Bình Dương mỗi ngày cung ứng ra thị trường 3.000 con heo, trong đó thị trường tỉnh khoảng 2.000 con, còn lại xuất đi các thị trường lân cận. Từ nay đến cuối năm, tỉnh đang duy trì 630.000 con heo. Theo tính toán, trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tại tỉnh có thể tiêu thụ hết 90.000 - 100.000 con heo; so với 630.000 con hiện nay thì không ảnh hưởng đến thị trường”, ông Tâm nói.

          Sở Công thương sẽ hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch Bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tham mưu trình UBND tỉnh ban hành./.


Thế Phương – P.QLTM

Lượt xem: 1338

Thống kê truy cập

Đang truy cập:341

Tổng truy cập: 18250142