Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Đại dịch Covid-19: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thiết bị bảo vệ cá nhân

2021-06-12 17:45:00.0

Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp tăng khả năng chống chịu của Việt Nam trước đại dịch, mà còn giúp doanh nghiệp (DN) nhất là DN dệt may có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng PPE toàn cầu.

Tăng cường năng lực sản xuất cung ứng sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân

Trước đại dịch chưa từng có, nhu cầu đối với các sản phẩm PPE đảm bảo chất lượng trên toàn cầu như khẩu trang, găng tay y tế, kính và giày bảo hộ, mặt nạ phòng độc, bộ đồ bảo hộ, áo khoác và bộ đồ bảo hộ toàn thân đã tăng gấp 3 - 4 lần giai đoạn 2019- 2020.

Đại dịch Covid-19: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp sản xuất và cung ứng thiết bị bảo vệ cá nhân
DN dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm thiết bị bảo vệ cá nhân toàn cầu

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam - cho biết: Hiện nay, năng lực sản xuất PPE của các DN đã tăng mạnh với sản lượng tăng gấp 6 lần trong năm 2020 và Việt Nam đã nổi lên là một trong những nhà cung cấp PPE mới cho thị trường toàn cầu. Nguồn cung tăng mạnh này ban đầu xuất phát từ việc các công ty may mặc chuyển hướng sản xuất để đối phó với tình trạng khẩn cấp về thiết bị bảo vệ cá nhân trong y tế cũng như để giảm thiểu các khoản lỗ do các đơn hàng may mặc bị ảnh hưởng từ các đơn hàng xuất khẩu. Đến giai đoạn hiện nay, nhiều DN cân nhắc cơ hội kinh doanh trung và dài hạn trong lĩnh vực này.

Trong đánh giá đưa ra mới đây của Forbes.com (Hoa Kỳ) cho thấy, bất chấp đại dịch, ngành dệt may của Việt Nam vẫn trụ vững, chủ yếu do dịch bệnh đã đẩy nhu cầu về thiết bị PPE tăng cao. Đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới đã thúc đẩy ngành may mặc Việt Nam, khiến nhiều DN chuyển sang sản xuất PPE. Tiềm lực sản xuất các sản phẩm PPE của Việt Nam, đặc biệt là trong phân khúc khẩu trang vải kháng khuẩn.

Hiện Việt Nam hiện có hơn 6.000 nhà máy dệt may với khoảng 3 triệu lao động. Các nhà sản xuất Việt Nam đã xuất khẩu được khoảng 1,2 tỷ chiếc khẩu trang sang Bắc Mỹ, châu Âu và các nước châu Á, góp phần đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động đồng thời góp phần giữ vững kim ngạch xuất khẩu của ngành.

Đại diện Công ty Vietnam Goods and Export (VGE) cho hay, là một trong số nhiều DN đã chuyển từ sản xuất hàng may mặc sang sản xuất khẩu trang vải từ đầu năm 2020 đến nay khi thấy nhu cầu đối với sản phẩm này tăng mạnh. Dù đã triển khai vaccine, người dân vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang vì thế đây vẫn là ngành sản xuất tiềm năng. Tuy nhiên, các nhà sản xuất trong nước đang phải đương đầu với tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, kỹ năng kỹ thuật và kiến thức ngành cũng như sự không đồng nhất tiêu chuẩn trong nước và các tiêu chuẩn quốc tế để tiếp cận thị trường PPE toàn cầu.

DN cần tận dụng cơ hội phát triển

"Để tận dụng được cơ hội xuất khẩu thiết bị bảo hộ y tế, DN Việt Nam cần phát triển theo cách bền vững, dựa theo các tiêu chuẩn để đảm bảo sản phẩm chất lượng, đáp ứng được tiêu chuẩn của các nước trên thế giới. Các DN cũng cần chủ động tìm hiểu tất cả thông tin liên quan đến thị trường nhập khẩu, không chỉ là nhu cầu về số lượng mà bao gồm cả các tiêu chuẩn áp dụng cho mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế cũng như quy trình nhập khẩu để tuân thủ, từ đó quá trình xuất khẩu sản phẩm sẽ thuận lợi", ông Giang cho hay.

Trong bối cảnh thiếu hụt đáng kể thiết bị bảo vệ cá nhân ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến việc kiểm soát đại dịch, Công ty Tài chính quốc tế (IFC) - thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) hiện đang hỗ trợ các nhà sản xuất PPE ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cung cấp các sản phẩm PPE có chất lượng để bảo vệ nhân viên y tế tuyến đầu và giảm lây truyền bệnh trong cộng đồng.

Trong khuôn khổ Chương trình tư vấn PPE toàn cầu do Chính phủ Anh hỗ trợ tại Việt Nam, IFC đang làm việc với các nhà sản xuất dệt may địa phương thông qua Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và các phòng thí nghiệm quốc gia thông qua Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam (STAMEQ). Mục đích là hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các nhà sản xuất PPE và giảm chi phí bằng cách loại bỏ những gánh nặng không cần thiết liên quan đến tiêu chuẩn PPE và đánh giá hợp chuẩn.

Ông Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - cho biết: Với lực lượng lao động có tay nghề, các công ty Việt Nam có nhiều tiềm năng sản xuất PPE, trong 18 tháng tới, dự án cũng hỗ trợ một số nhà sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất PPE chất lượng tốt, tiếp cận nguồn cung vật liệu và thiết bị đáng tin cậy, và đạt được tiêu chuẩn quốc tế và chứng nhận về PPE để mở rộng xuất khẩu, nhất là sang thị trường châu Âu.

Thúc đẩy sản xuất các sản phẩm PPE tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp tăng khả năng chống chịu của Việt Nam trước đại dịch, mà còn mang lại cơ hội kinh doanh khi chuỗi cung ứng PPE toàn cầu đang được đa dạng hóa mang lại nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất mới ở các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.


https://congthuong.vn

Lượt xem: 2481

Thống kê truy cập

Đang truy cập:316

Tổng truy cập: 18306209