Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu trực tuyến: Thiếu chuyên nghiệp, khó thành công

2020-10-13 14:45:00.0

Xuất khẩu (XK) trực tuyến là con đường nhanh nhất để đưa hàng Việt ra thế giới, nhưng đây không phải là “cây đũa thần”, nên không thể giúp doanh nghiệp (DN) thành công nhanh chóng nếu thiếu sự chuyên nghiệp.

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, nhưng vẫn có cơ hội cho các DN dùng kênh trực tuyến để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi hầu hết người mua trên thế giới đang tìm nguồn cung cho sản phẩm thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).

Theo ông Trần Xuân Thủy- Giám đốc Quốc gia Amazon Global Selling Việt Nam: Doanh thu TMĐT của thế giới sẽ vượt ngưỡng 3,3 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng TMĐT vượt xa tốc độ tăng trưởng của bán hàng offline.

“Trên nền tảng Amazon, có DN nhỏ và vừa Việt Nam bắt đầu chỉ với 2 người, giờ đã XK hàng hóa đi 30 quốc gia, mở 4-5 nhà máy tại Việt Nam” - ông Trần Xuân Thủy cho biết.

Chia sẻ về cơ hội XK trực tuyến mang lại, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Thạch Bàn - chuyên sản xuất vật liệu xây dựng - cho hay, trước kia sản lượng XK của DN chỉ chiếm 5-7%, nhưng từ khi đẩy mạnh phương thức XK theo hình thức trực tuyến, năm 2019 sản lượng XK tăng lên 13%, năm nay phấn đấu đạt trên 20%.

Ông Vũ Tú Thành - Phó giám đốc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) - đánh giá, so với các nước trong khu vực, việc ứng dụng nền tảng công nghệ trong XK của Việt Nam đã có bước phát triển vượt trội.

“Lúc đầu tôi ngạc nhiên nhưng tìm hiểu mới thấy Thái Lan ứng dụng TMĐT trong XK thua Việt Nam, bởi thương mại vật lý họ đang tốt nên động lực chuyển đổi số không lớn như Việt Nam” - ông Vũ Tú Thành nói và cho rằng, đây là cơ hội để đẩy mạnh XK hàng Việt Nam ra khắp thế giới.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định: Trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung chỉ dành cho các DN có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế, tài chính cao. Họ trở thành những “ông lớn” nhờ xuất nhập khẩu và thống trị nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Ngày nay, XK trực tuyến đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng này. Các DN siêu nhỏ, nhỏ và cũng có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu.

2240-xk-truc-tuyen

Doanh nghiệp có nhiều ưu thế xuất khẩu trực tuyến

Thay đổi tư duy bán hàng

Mặc dù ưu thế XK trực tuyến là rất lớn, tuy nhiên việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới mẻ này cũng còn gặp nhiều hạn chế, rủi ro, trở thành rào cản khiến DN và người tiêu dùng Việt còn dè chừng khi tham gia. Ở cả hai chiều, người mua và người bán đều gặp khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa kinh doanh. Trong đó, người mua thường gặp khó khăn trong khâu thanh toán quốc tế do tỷ lệ sở hữu các thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master của người Việt chưa cao; thêm vào đó là xác suất rủi ro khi đưa ra lựa chọn trước hàng tỷ sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và người bán uy tín trên các trang TMĐT quốc tế.

Ông Trần Xuân Thủy nhìn nhận, XK trực tuyến, TMĐT hay Amazon không phải là “cây đũa thần” để DN Việt đạt được thành công ngay. DN muốn “hái trái ngọt”, thu thành quả đòi hỏi phải chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ chuyên trách bán hàng chiều lòng “thượng đế” nước ngoài.

“Vì vậy, DN cần nâng cao kỹ năng, trước khi đưa ra quyết định giao thương lớn cần phải tìm tới các dịch vụ tư vấn pháp lý, đảm bảo điều khoản hợp đồng phù hợp, chặt chẽ. Điều này sẽ giúp DN tránh được rủi ro, lừa đảo đáng tiếc”- ông Trần Xuân Thủy nhấn mạnh.

Đề cập tới việc ứng dụng XK trực tuyến trong việc tận dụng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), ông Hoành Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp các Hội DN Việt Nam ở châu Âu - cho rằng, khi tham gia EVFTA, nhiều người có cảm giác DN trong nước yếu hơn DN trong khối EU, nhưng DN Việt vẫn có nhiều điểm mạnh có thể khai thác được. Vấn đề chỉ là sử dụng như thế nào. DN chuyển đổi tư duy bán hàng TMĐT đòi hỏi phải chuyển đổi hình thức kinh doanh, xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp từ đóng gói, tương tác với khách hàng.

Đặc biệt về vấn đề pháp lý, theo ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương): Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động xuyên biên giới là không dễ, ngay cả với những nước có hệ thống pháp luật tân tiến.

“Bộ Công Thương đang thay đổi cách tiếp cận theo hướng không tham vọng có thể tạo ra được khung khổ pháp lý cho tất cả các loại hàng hóa, thương mại nói chung mà bắt đầu từ những mặt hàng cụ thể đang có lợi thế, sau đó điều chỉnh dần dần cho phù hợp với thị trường” - ông Đặng Hoàng Hải thông tin.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục xây dựng những chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện TMĐT; cải cách hành chính để hỗ trợ tốt nhất cho DN tham gia các triển lãm, hội chợ quốc tế, các diễn đàn gặp gỡ song phương, đa phương… giúp DN có cơ hội tiếp xúc, giao lưu, tìm kiếm đối tác nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Bộ Công Thương vừa phối hợp với các đơn vị liên quan khai trương Nền tảng hỗ trợ XK Việt Nam (ECVN) phiên bản 2020. Đây là bước đi bài bản-cần thiết, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nhân-DN Việt Nam, đặc biệt nhóm DN nhỏ và vừa có nhu cầu tham gia XK trực tuyến, thương mại toàn cầu nhằm phát triển thương hiệu và mở rộng quy mô.

Nguồn: https://congthuong.vn/

Lượt xem: 3402

Thống kê truy cập

Đang truy cập:408

Tổng truy cập: 17936259