Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xuất khẩu không thể đi mãi một lối mòn

2010-05-06 13:57:00.0

Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN, kể cả những nước có trình độ tương đồng đã chuyển dịch dần lợi thế so sánh sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao thì nước ta vẫn duy trì xu hướng gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp.

Trong khi nhiều nước trong khu vực ASEAN, kể cả những nước có trình độ tương đồng đã chuyển dịch dần lợi thế so sánh sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao thì nước ta vẫn duy trì xu hướng gia tăng xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp.

Năm 2009, do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008. Trong đó, xuất khẩu dầu thô giảm 2,4% về lượng nhưng giảm đến 40% về giá trị; than đá giảm 4,5% về giá trị; cà phê giảm 19%; gạo giảm 8%…

Tuy nhiên, mức giảm về giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn được cho là tương đối thấp khi đem so sánh với các nước trong khu vực Đông Á, xuất khẩu của Nhật giảm 36% (giảm 11 tháng liên tiếp), Thái Lan giảm 23,5% (giảm 10 tháng liên tiếp), Hàn Quốc giảm 20,6% (giảm 10 tháng liên tiếp), Trung Quốc giảm 23% (giảm 8 tháng liên tiếp)… Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán của nước ta.

Cùng với đó là đà hồi phục của nền kinh tế khiến nhu cầu nhập khẩu trong những tháng cuối năm 2009 và ba tháng đầu năm 2010 tăng nhanh, các doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội giá rẻ từ thị trường thế giới đã đẩy mạnh việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, cộng với hiệu quả từ các chương trình kích cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng đã tạo nên mức nhập siêu cao. Nhập siêu năm 2009 bằng khoảng 21,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính riêng trong quý I/2010, xuất khẩu chỉ đạt là 14,46 tỷ USD, trong khi nhập khẩu là 17,86 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hoá thâm hụt 3,4 tỷ USD, bằng  23,5% xuất khẩu. Vậy là bất chấp những nỗ lực hạn chế nhập khẩu, Việt Nam vẫn chưa thể xuất siêu!

Phân tích cơ cấu xuất khẩu còn thấy, nhóm mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế so sánh với các nước trên thế giới và trong khu vực vẫn là những mặt hàng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp (bao gồm nông sản, gia công da giầy, dệt may…). Điều này không chỉ trái ngược với xu hướng chung của các nước ASEAN đang dần chuyển dịch lợi thế so sánh sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, mà còn gây ra nhiều bất lợi đối với giá trị kim ngạch xuất khẩu và năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. 

Song vẫn có một điều đáng mừng là lợi thế so sánh của nước ta đã và đang chuyển từ các nhóm hàng hóa thâm dụng cả tài nguyên lẫn lao độngnhư vào giữa thập kỷ 1990 sang nhóm hàng chỉ thâm dụng lao động. Xu hướng này đặt ra yêu cầu phải nhanh chóng cải thiện chất lượng nguồn lao động trong nước để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị cao của khu vực và thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, hơn bao giờ hết vai trò của đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động có ý nghĩa mấu chốt cho sự thành công của thương mại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nhận thức rõ sự tất yếu phải xây dựng và bền bỉ theo đuổi một chính sách công nghiệp và thương mại nhất quán nhằm từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh ở những ngành hàng có giá trị gia tăng cao hơn, có hàm lượng chất xám nhiều hơn như công nghiệp điện tử, tin học, viễn thông... Đáng chú ý, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ cũng được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và tỉ suất lợi nhuận cao, mang lại giá trị gia tăng lớn cho đất nước. Cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ thì lãi gấp 5-10 lần so với ngành khai thác, giải quyết việc làm cho từ 3 đến 5 nghìn lao động. 


Lượt xem: 419

Thống kê truy cập

Đang truy cập:776

Tổng truy cập: 18246860