Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Xây dựng thương hiệu ngành dệt may

2021-03-17 09:50:00.0

Mặc dù được xếp vào tốp 3 những quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu mỗi năm đạt hàng chục tỷ USD nhưng trên bản đồ dệt may toàn cầu lại hoàn toàn thiếu vắng thương hiệu dệt may Việt Nam.

Thực trạng nêu trên xảy ra có rất nhiều yếu tố, bên cạnh việc hạn chế về nguồn tài chính, phương pháp quản trị, hệ thống phân phối, khả năng thiết kế,... hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều chọn phương thức cắt may thuê do ngại đầu tư, tiết kiệm chi phí đồng thời tránh các rủi ro có thể xảy ra.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt hơn 35 tỷ USD, trong đó, hầu hết các DN sản xuất sản phẩm thời trang xuất khẩu với tỷ trọng hơn 80%; nhưng chủ yếu theo phương thức may gia công, khiến giá trị gia tăng mang lại rất thấp, chỉ chiếm khoảng 5% giá trị sản phẩm. Do may gia công cho nên toàn bộ các sản phẩm làm ra đều gắn mác, nhãn hiệu của nước ngoài khiến người tiêu dùng thế giới khi được hỏi đều không biết đến thương hiệu dệt may Việt Nam. Về chất lượng sản phẩm thời trang của dệt may Việt Nam được các nhà nhập khẩu đánh giá có nhiều tiến bộ về kỹ thuật đường nét, giá cả phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của phân khúc người tiêu dùng ở các thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, đa phần sản phẩm mới tập trung vào nhóm khách hàng trung lưu và nhóm khách hàng có thu nhập thấp, mặc dù khâu thiết kế, mẫu mã, kiểu dáng đã được chủ động hơn nhưng vẫn còn thua kém so với các sản phẩm thời trang của các đối thủ cạnh tranh. Ðể từng bước tiếp cận được phân khúc khách hàng thượng lưu trên thị trường, đòi hỏi các DN cần phải cải thiện chất lượng sản phẩm một cách rõ rệt, có như vậy mới đứng vững trên thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng trên khu vực và thế giới.

Theo nhận định của các chuyên gia, ngoài việc phải phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ nước ngoài, các khâu dệt, nhuộm hoàn tất và thiết kế chúng ta đều thiếu và yếu. Nhiều nhãn hàng của Việt Nam nổi tiếng tại thị trường trong nước nhưng cũng không thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu đó ra thế giới nên giá trị gia tăng không cao.

Hiện, dệt may Việt Nam đang nằm ở vùng trũng, vùng thấp trong chuỗi dệt may toàn cầu. Nếu chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, đẩy mạnh được khâu thiết kế chắc chắn sẽ tạo ra giá trị thặng dư cao. Do đó, đã đến lúc các DN cần có chiến lược xây dựng những thương hiệu mạnh cũng như phát triển các giá trị thương hiệu để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ðồng thời, định hướng chiến lược để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy giá trị của thương hiệu nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.


https://nhandan.com.vn/

Lượt xem: 4278

Thống kê truy cập

Đang truy cập:390

Tổng truy cập: 18336611