Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Vượt “rào cản” để thúc đẩy xuất khẩu nông sản

2021-04-26 15:22:00.0

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết gần đây đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu nông, lâm sản, nhưng cũng khiến ngành hàng này phải đối diện nhiều hơn rào cản thương mại.


in
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Infographic: TL

Nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên

Trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản quý I năm 2021 tăng trưởng mạnh với kim ngạch đạt 10,61 tỷ USD, tăng 19,7% so với quý I/2020. Hoa Kỳ, Trung Quốc, khối các nước ASEAN, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục là các thị trường chiếm thị phần lớn trong XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT), ngoài tác động của dịch Covid-19, hoạt động XK nông, lâm, thủy sản trong thời gian tới còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, giảm thuế, các nước nhập khẩu cũng sẽ gia tăng áp dụng những biện pháp kỹ thuật, rào cản thương mại cản trở XK nông sản của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản phân tích, liên quan tới rào cản thương mại, Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại với 27 nước châu Âu (EVFTA) đã tạo điều kiện rất tốt cho hàng xuất khẩu của Việt Nam khi hàng loạt các dòng thuế nhập khẩu được cắt giảm, song các rào cản kỹ thuật cũng nhiều và phức tạp hơn. Điển hình, đối với trường hợp rau quả, có ba vấn đề cần quan tâm là yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn hàng hoá. Với kiểm dịch thực vật, muốn xuất sản phẩm đi, phải có giấy kiểm dịch thực vật cho cơ quan bảo vệ thực vật cấp, kiểm soát. Về an toàn thực phẩm, Việt Nam dựa trên tiêu chuẩn do Ủy ban an toàn thực phẩm quốc tế đưa ra, nhưng mỗi quốc gia lại sẽ có quy định riêng.

Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng nhấn mạnh, tham gia các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới đã mang lại nhiều cơ hội cho XK gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, rào cản mà các DN XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam phải vượt qua đó là tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ…

Đẩy nhanh tiến độ đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại

Thực tế cho thấy, việc đưa nông sản Việt Nam vượt rào, tiến sâu vào thị trường thế giới đang là bài toán mà ngành Nông nghiệp, DN và cả nông dân phải hợp sức cùng giải quyết. 

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường cho sản phẩm nông nghiệp; tổ chức hội thảo phổ biến các vấn đề liên quan về các quy định thị trường, rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch Covid -19.

Theo đó, Bộ NN&PTNT tập trung đàm phán để tháo gỡ rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật của các nước đối với hàng nông sản XK của Việt Nam; kịp thời cảnh báo quy định về các rào cản và những vấn đề phát sinh đối với nông sản XK, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, phối hợp với các đại sứ quán, thương vụ tại các nước để cung cấp thông tin, phân tích, dự báo về thị trường, từ đó định hướng, quy hoạch sản xuất trong nước, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tập trung triển khai các giải pháp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Phát triển sản xuất theo hướng bảo đảm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi... 

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Long cho rằng, để đối phó với hàng rào kỹ thuật của các nước, nhất là trong lĩnh vực nông sản rất phức tạp, cách tốt nhất là mỗi DN cần có sự nghiên cứu chuẩn mực từng yêu cầu đối với từng khu vực thị trường, pháp luật chi phối, các rào cản nào sẽ gặp phải… Để vượt rào cản kỹ thuật của các nước, DN cần lưu ý hàng hóa phải đáp ứng được chất lượng, các vấn đề an toàn kỹ thuật hoặc vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Còn theo ông Đỗ Xuân Lập cùng với đà tăng trưởng mạnh XK của sản phẩm gỗ đòi hỏi các DN cần đồng tâm hợp lực. Cùng với đó, ông Lập cũng khuyến cáo các DN cần chú trọng cải tiến năng suất lao động, giá trị sản phẩm, đặc biệt lưu ý xu hướng của các nhà mua hàng hiện nay là tìm kiếm những nhà sản xuất sử dụng vật liệu có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sản phẩm có thể chuyển đổi công năng, thân thiện với môi trường, qua đó có thể giữ vững vị thế mới của Việt Nam trên thị trường đồ gỗ thế giới…

Thí điểm thiết lập đại sứ nông nghiệp ở nhiều quốc gia
“Để công tác mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu nông sản được căn cơ, thì hệ thống tham tán về nông nghiệp đang được Chính phủ quan tâm, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thí điểm chức vụ Tham tán nông nghiệp tại châu Âu, Hoa Kỳ và tới đây báo cáo Chính phỉ xem xét tại các Đại sứ quán Việt Nam ở một số quốc gia trọng điểm nhập khẩu nông sản”.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản


http://thoibaotaichinhvietnam.vn/

Lượt xem: 3814

Thống kê truy cập

Đang truy cập:27073

Tổng truy cập: 18240366