Truy cập nội dung luôn

Sở công thương Bình dương

Binh duong department of Industry and trade

Việt Nam chiếm lĩnh top 10 sàn TMĐT Đông Nam Á

2021-03-18 16:21:00.0

(KTSG Online) - Có đến 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) nội địa Việt Nam góp mặt trong top 10 trang web có lượng truy cập trung bình cao nhất Đông Nam Á năm 2020.

iPrice Group và SimilarWeb đã tổng kết lượng truy cập web trung bình của các sàn TMĐT Đông Nam Á năm 2020, trong đó 5 sàn TMĐT nội địa Việt Nam góp mặt trong top 10. Ảnh: ĐVCC

Báo cáo về tác động của đại dịch Covid-19 lên hoạt động TMĐT Việt Nam năm 2020 mới đây của cổng thông tin TMĐT iPrice thuộc iPrice Group (Malaysia) phối hợp cùng SimilarWeb, AppsFlyer cho thấy đã có một sự thay đổi khá lớn trong danh sách 10 trang TMĐT của khu vực Đông Nam Á so với bản báo cáo quí 2-2019.

Có đến năm doanh nghiệp nội địa Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng tốp 10 khu vực, gồm Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, Bách Hóa Xanh và FPT Shop. 5 doanh nghiệp còn lại là hai công ty quốc tế Shopee và Lazada cùng ba startup “kỳ lân” là Tokopedia, Bukalapak và Blibli từ Indonesia.

Thế Giới Di Động giữ thứ hạng 5 trong số các web TMĐT Đông Nam Á với số lượt truy cập trung bình năm là 28,6 triệu, xếp ngay sau Bukalapak hạng 4 với 35,6 triệu lượt. Tính riêng thị trường trong nước, Thế Giới Di Động là doanh nghiệp nội địa nằm ở vị trí thứ hai trong suốt cả năm 2020.

Các phân tích của GlobalData’s E-Commerce Analytics cho thấy với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 18% hiện nay, dự kiến vào năm 2024 quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể đạt 26,1 tỉ đô la. Còn theo như dự đoán của Google, TMĐT Việt Nam đến năm 2025 sẽ có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất khu vực là 34%.

Nằm ở vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng số lượt truy cập trung bình trong khu vực, sàn TMĐT đa ngành Tiki vượt qua Blibli (thứ 7) với 22,5 triệu lượt truy cập. Sendo với 14,3 triệu lượt truy cập, xếp hạng thứ 8.

Dưới tác động của đại dịch toàn cầu Covid-19, báo cáo cho thấy nhiều thông tin đáng khích lệ cho các công ty TMĐT nội địa, đồng thời mang đến cái nhìn tổng quan về ngành trong khu vực và đưa ra chỉ báo cho năm 2021. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, có thể thấy rằng các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới để đón đầu xu hướng. Hầu hết các sàn TMĐT Việt Nam như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo đều tập trung tạo ra những giá trị bổ sung hướng đến khách hàng để thu hút và giữ chân họ trên nền tảng, ứng dụng.

Đồng thời, bản đồ TMĐT Đông Nam Á còn cho thấy rằng Việt Nam là thị trường lớn thứ hai trong khu vực chỉ sau Indonesia. Theo đó, tổng lượt truy cập trang web trung bình năm 2020 của Việt Nam nhiều gấp 4 lần so với Malaysia, 3 lần so với Philippines và 2 lần so với Thái Lan. Điều này càng khẳng định mạnh mẽ tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp nội địa trong khu vực cũng như nói lên kích cỡ của thị trường TMĐT Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra nhận định rằng: "Chỉ có một chiếc bánh thị trường TMĐT trị giá hàng tỉ đô la, doanh nghiệp nào sớm có sự chuẩn bị, đón đầu thị trường và thực thi chiến lược nhanh chóng sẽ giành được phần bánh lớn hơn. Tuy vậy, việc chắp bút "vẽ" lại thị phần của thị trường TMĐT không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được”.

Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020 với mức tăng 18%, quy mô thị trường 11,8 tỉ đô la, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam cũng là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT đạt hai con số. Hiện nay, lượng khách hàng truy cập các sàn TMĐT tại Việt Nam trung bình khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày, tăng hơn 150%.

Covid-19 là cú huých đáng kể với TMĐT, khiến nhiều doanh nghiệp trước đây chưa từng bán trực tuyến nay bán trực tuyến, nhiều người chưa bao giờ mua hàng trực tuyến nay mua hàng trực tuyến. Tuy vậy, sức mua thị trường vẫn bị tác động khá nặng nề bởi dịch bệnh. Số lượng giao dịch tăng mạnh so cùng kỳ nhưng tăng trưởng về doanh thu của thị trường lại giảm do các mặt hàng giao dịch TMĐT giai đoạn Covid-19 có giá trị thấp. Ảnh hưởng của dịch cũng khiến hoạt động đặt phòng, mua vé máy bay online... sụt giảm mạnh, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số cho hay.

Cần tăng trải nghiệm cho khách hàng mới
iPrice Group và AppsFlyer phân tích hơn 12,4 triệu lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên các thiết bị Android cho thấy rằng tỷ lệ gỡ ứng dụng tại Việt Nam cao nhất Đông Nam Á, lên đến 49% trong quí 2-2020. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng trung thành hơn với lựa chọn của mình, họ có xu hướng xóa các ứng dụng không phù hợp sau khi thử dùng. Vì thế, bên cạnh việc tập trung vào các chiến dịch thu hút khách hàng, các doanh nghiệp TMĐT Việt Nam cũng cần cân nhắc đến việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng mới nhiều hơn nữa.

 

 


https://www.thesaigontimes.vn

Lượt xem: 5149

Thống kê truy cập

Đang truy cập:547

Tổng truy cập: 18256343